26-12-2016
Một tổ chức nghiên cứu an ninh và địa chính trị trên
thế giới mới công bố một bản phân tích có tựa đề nói rằng Việt Nam “đơn độc”
trước Trung Quốc.
Stratfor nhận định tiếp rằng “cán cân quyền lực ở
Đông Nam Á đang âm thầm dịch chuyển về hướng có lợi cho Trung Quốc, và có lẽ
không một quốc gia nào cảm nhận điều đó rõ hơn Việt Nam”.
Cơ quan nghiên cứu này cũng cho rằng Việt Nam đã “mềm
mỏng hơn trong những lời chỉ trích Trung Quốc và tiến hành các bước đi hàn gắn
với Bắc Kinh”.
“Thay vì đối đầu trực diện với Trung Quốc, Hà Nội đã
bắt đầu theo đuổi các tuyên bố chủ quyền lãnh hải một cách tế nhị hơn và liên
minh với các đối tác mạnh hơn, để ngỏ các khả năng cũng như sẵn sàng phòng thủ”,
Stratfor viết trong phân tích công bố hôm 22/12.
Tổ chức này cũng cho rằng không giống như các quốc
gia khác, “Việt Nam không thể hoàn toàn phủ nhận hay chấp nhận sức mạnh gia
tăng” của Trung Quốc trên biên giới phía bắc.
Stratfor dẫn việc Philippines và Malaysia “hồ hởi
gia nhập các cơ chế xử lý tranh chấp cũng như các khối thương mại do Trung Quốc
dẫn đầu”, hay việc “Nhật Bản và Singapore mạnh mẽ ủng hộ vai trò của Washington
ở khu vực”.
Tổng thống Philippines và Thủ tướng Malaysia mới đây
cũng đã công du Trung Quốc, tỏ ý cho thấy muốn xích lại gần hơn với chính quyền
quốc gia đông dân nhất thế giới.
Cơ quan nghiên cứu viết tiếp rằng Việt Nam “thường
phải khôn khéo cân bằng quan hệ” giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng “trong bối cảnh
khu vực phải thích nghi với một thực tế chính trị mới, Hà Nội ngày càng khó thực
thi chiến lược đó”.
Quan chức Việt Nam bấy lâu nay vẫn nhấn mạnh tới
chính sách "ba không", đó là "không là đồng minh quân sự của bất
kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa
vào nước này để chống nước kia".
Lời
qua tiếng lại
Stratfor nhận định thêm rằng, trong tương lai, Việt
Nam “sẽ thận trọng hơn khi theo đuổi các dự án cải tạo biển đảo cũng như [củng
cố] các mối quan hệ đối tác phòng thủ”.
Nhận định của tổ chức này được công bố một ngày trước
khi Bộ Ngoại giao Việt Nam “phản đối Trung Quốc mở đường bay dân sự thường kỳ đến
sân bay ở Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa”.
Trước đó, Hà Nội cũng đã lên tiếng sau khi Bắc Kinh
tuyên bố rằng việc nước này triển khai các thiết bị phòng thủ tới quần đảo Trường
Sa là việc làm “hợp pháp và chính đáng”.
Hồi đầu tháng này, Trung Quốc kêu gọi Việt Nam ngừng
các hoạt động xây dựng trên một bãi cạn tranh chấp ở biển Đông, sau khi xuất hiện
tin Hà Nội đã bắt đầu nạo vét Đá Lát.
Hai tháng trước đó, Reuters hôm 10/8 dẫn lời các nguồn
tin nói rằng Hà Nội đã, theo lời hãng này, “bí mật” đưa các giàn rocket di động
mới ra “năm căn cứ ở Trường Sa trong những tháng gần đây”.
Trả lời VOA Việt Ngữ về động thái này của Việt Nam,
phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ kêu gọi “tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở biển
Đông tránh các hành động gây căng thẳng, tiến hành các bước đi thiết thực nhằm
xây dựng lòng tin và gia tăng nỗ lực nhằm tìm ra các giải pháp hòa bình, ngoại
giao để [giải quyết] các tranh chấp”.
No comments:
Post a Comment