Việc thành lập Hội đồng thương mại quốc gia Nhà trắng
(White House National Trade Council-NTC) và chọn Peter Navarro làm sếp NTC đã
cho thấy ngày càng rõ đích ngắm của Donald Trump: Trung Quốc! Độc giả Việt Nam
không lạ gì Peter Navarro, tác giả quyển “Death by China” (2011). Có bằng tiến
sĩ kinh tế Đại học Harvard, Peter Navarro là một trong những nhà nghiên cứu chỉ
trích Trung Quốc mạnh nhất vài năm gần đây. Trump chọn Peter Navarro một phần
chính là quan điểm tương tự mà Navarro đã viết trong “Death by China”. Trump và
Navarro chưa từng gặp nhau hoặc điện đàm, cho đến tháng 9 năm nay.
Bắc Kinh không thể không thấy bất an, sau bao nhiêu
năm hưởng lợi, bắt đầu từ thời điểm Nixon-Kissinger mở cửa thế giới cho Trung
Quốc. Phản ứng trước sự kiện Peter Navarro, tờ Global Times viết: “Trung Quốc cần
đối mặt với thực tế rằng nhóm Trump vẫn duy trì thái độ cứng rắn với Trung Quốc.
Cần phải vất đi tất cả ảo tưởng và sẵn sàng mọi chuẩn bị cho bất kỳ động thái tấn
công nào của nội các Trump”. Tờ China Daily “bình tĩnh” hơn: bất cứ động thái
nào làm tổn hại quan hệ Mỹ-Trung cũng đều mang lại tổn thất cho cả hai bên.
Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cũng có vẻ “tỉnh táo” một cách bất thường. Thay vì
nhảy dựng lên đùng đùng như mọi lần, bà Hoa chỉ “nhỏ nhẹ”: “Hợp tác kinh tế và
chính trị là quan trọng không chỉ cho hai nước (Mỹ-Trung) mà còn cho sự thịnh
vượng toàn cầu”.
Trump đang chuẩn bị đánh quyết liệt Trung Quốc. Có lẽ
điều này không còn nghi ngờ. Bộ máy của Trump qui tụ nhiều gương mặt không chỉ
siêu diều hâu nói chung mà còn “rất diều hâu” đặc biệt với Trung Quốc. Wilbur
Ross, người vừa được đề cử bộ trưởng thương mại, cũng có quan điểm chơi mạnh Bắc
Kinh. Peter Navarro và Wilbur Ross từng đứng tên chung trong bài viết trên CNBC
(29-7-2016) với nội dung rằng tất cả mô hình như NAFTA hoặc WTO đều không mang
lại lợi ích cho Mỹ. Để đối phó Trung Quốc cũng như điều chỉnh lại chính sách
thương mại Mỹ, hai tác giả nói: “Chúng ta cần một tay đàm phán cứng rắn như
Trump”. Trước đó, viết trên National Interest (28-6-2016), Peter Navarro nói rằng
nếu Trump áp thuế 45% vào hàng xuất khẩu Trung Quốc thì vấn đề thâm hụt mậu dịch
tự thân nó sẽ được giải quyết tức thời. “Khi
giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rằng họ không còn thấy một nguyên thủ yếu
trong Nhà trắng, họ sẽ ngừng những hành vi mậu dịch không công bằng, và sự thâm
hụt mậu dịch khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc sẽ tái cân bằng một cách yên ả”.
Trả lời phỏng vấn Los Angeles Times (17-8-2016),
Peter Navarro nhấn mạnh: “Trung Quốc
không là lý do duy nhất khiến tăng trưởng nước Mỹ chậm lại mà còn là lý do chủ
yếu… Từ khi Trung Quốc vào WTO năm 2001, hơn 70.000 nhà máy Mỹ phải đóng cửa… Đừng
bao giờ quên rằng (Tổng thống) Reagan từng áp thuế 100% vào hàng bán dẫn của Nhật.
Người ta cần hiểu rõ sự khác biệt giữa một nhà mậu dịch tự do như Reagan và
Trump, những người áp thuế bảo hộ lên những kẻ dối trá bịp bợm, với chủ nghĩa bảo
hộ như cách Trung Quốc làm… Hàng rào thuế không là giải pháp cuối cùng. Nó là
công cụ thương lượng để buộc Trung Quốc ngưng chơi đểu”.
Ngoài Peter Navarro, nhóm “consigliere” của ông trùm
Trump còn có Michael Pillsbury, nhà ngoại giao lão làng và là bậc thầy về Trung
Quốc học. Pillsbury “thuộc bài” Trung Quốc đến mức ông có thể dẫn chứng, đối
chiếu và phân tích các thủ đoạn chính trị đối ngoại Trung Quốc rút ra từ thời
Chiến quốc. Quyển “The Hundred-Year Marathon: China's Secret Strategy to
Replace America as the Global Superpower” của ông là công trình nghiên cứu rất
đáng tham khảo (lúc nào có thời gian, tôi sẽ giới thiệu các bạn quyển sách này,
phát hành cuối năm ngoái).
Ngoài ra, còn có Randy Forbes (dự kiến được bổ nhiệm
sếp Hải quân) hoặc tướng hưu Michael Flynn (bổ nhiệm ghế cố vấn an ninh quốc
gia). Trong quyển “The Field of Fight”, Flynn (nguyên giám đốc Cơ quan tình báo
quân đội Hoa Kỳ) đã đưa Trung Quốc vào danh sách “những kẻ thù của nước Mỹ”.
Người không thể không kể nữa là tướng (“Chó Điên”) James “Mad Dog” Mattis. Được
chỉ định ghế bộ trưởng quốc phòng, “Chó Điên” từng nhấn mạnh nhiều lần việc phải
dồn quân lực vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Từng là một trong những tư lệnh
thủy quân lục chiến dày dặn trận mạc nhất quân đội Mỹ từ sau Thế chiến thứ hai,
“Chó Điên” chưa từng có vợ. Gia đình của ông là quân đội. Ông là điển hình của
mẫu tướng trận “da ngựa bọc thây” thời Chiến quốc mà Michael Pillsbury nhắc đến
trong quyển sách của mình.
Có một điều thấy rõ liên quan tiến trình “lắp nòng”
để tấn công Trung Quốc của chính phủ Mỹ mới. Nhóm “consigliere” không chỉ thuần
túy chống Trung Quốc. Họ là những người hiểu rất rõ Trung Quốc, hiểu thấu đáo lịch
sử ngàn năm của Trung Quốc và hiểu rõ tâm lý giới lãnh đạo Trung Quốc. Trong
“The Hundred-Year Marathon: China's Secret Strategy to Replace America as the
Global Superpower”, Michael Pillsbury có thuật một chi tiết rằng Bộ quốc phòng
Mỹ đã lập ra hai nhóm, “quân xanh” và quân đỏ”, trong đó một bên qui tụ các
chuyên gia cực giỏi về Trung Quốc và buộc phải tư duy như người Trung Quốc, để
lập những trận chiến giả định. Không biết Trung Quốc có những nhóm như thế hay
không. Có thể họ cũng đã có. Chiến tranh súng đạn thì chưa nhưng chiến tranh
thương mại coi như đã bắt đầu khai hỏa rồi.
_______________
[*] Consigliere là từ quen thuộc trong tiểu thuyết
The Godfather của Mario Puzo, có nghĩa “cố vấn”.
Tập phim tài liệu “Death by China” của Peter
Navarro:
Death By China: How
America Lost Its Manufacturing Base (Official Version)
DeathByChina - Published
on Apr 10, 2016
No comments:
Post a Comment