Thứ Năm, ngày 29 tháng 12 năm 2016
(Le
Figaro 29/12/2016) Một tháng sau khi Fidel Castro qua đời, không một khuôn mặt nào
trên thượng tầng thực sự rõ nét để nối gót Raul Castro, đương kim chủ tịch nước
đã 85 tuổi.
« Papa đã chết. Papa đã chết. Đó là câu trả lời
duy nhất cho mọi câu hỏi về tương lai của Cuba » - Javier, một viên chức da đen của bộ Nội vụ nói. Người đàn ông vạm
vỡ gồng tay, mỉm cười nói thêm : « Vấn đề kế tục và thời kỳ hậu
Raul không có mấy ý nghĩa ở đây. Hãy nhìn những gì xảy đến với Felipe (Pérez
Roque) và Carlos Lage ».
Được cho là những người kế nhiệm của anh em Castro
vào khoảng những năm 2000, Felipe Pérez Roque, ngoại trưởng được bổ nhiệm năm
1999 ở tuổi 34, và Carlos Lage, phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đã bị cách chức
năm 2009 vì bị cáo buộc phản quốc. Carlos Lage, nhân vật số hai của Cuba đã phạm
phải sai lầm là dám nổi tiếng hơn Raul Castro. Ở đất nước « No
sé » (Không biết) – câu trả lời thông dụng nhất của người dân
Cuba, con đường thời hậu Castro sẽ bất định và tùy tiện.
Về mặt chính thức, Raul sẽ rời chức chủ tịch nước
Cuba tháng 2/2018, nhưng ông vẫn là bí thư thứ nhất đảng Cộng Sản Cuba cho đến
năm 2021.
Raul Castro trước Quốc hội Cuba ngày 27/12/2016.
Giới
lão thành bám ghế
Lẽ ra Raul sẽ phải nhường chỗ cho Miguel Diaz-Canel,
56 tuổi, đã được ông đưa lên làm nhân vật số hai của chế độ từ năm 2013. Cựu bí
thư tỉnh ủy Villa Clara ba năm sau khi được bổ nhiệm vẫn ít được dân chúng biết
đến. Chẳng ai biết đây là chọn lựa chiến lược của chế độ để không bị chỉ trích,
hay là Diaz-Canel nghi ngại trước số phận, từ đầu cuộc cách mạng, vốn dành cho
các lãnh đạo được quá nhiều hâm mộ. Những người biết về ông không cho rằng nhân
vật này là một người kế nhiệm khả tín.
Điểm yếu đầu tiên : Diaz-Canel không phải là
quân nhân. Ông sẽ phải có đủ uy thế trước quân đội đầy quyền lực, đang kiểm
soát mọi đòn bẩy của nền kinh tế. Khuyết điểm thứ hai là thiếu tính chính danh,
vì không xuất thân từ phong trào đấu tranh cách mạng. Cuối cùng, Miguel
Diaz-Canel, yêu thích internet, mặc quần jean và áo sơ-mi trắng, còn phải tìm
cách chinh phục giới lão thành cách mạng vốn thích màu xanh ô-liu và những bộ
quân phục.
Tầng lớp lão thành này chủ yếu gồm Ramiro Valdés, 84
tuổi, nguyên lãnh đạo du kích ; và José Machado Ventura, 86 tuổi, bí thư
thứ hai của đảng. Cả hai vị này còn khỏe, luôn bám chặt lấy quyền lực. Nhưng
không chỉ có họ đang nhắm đến chức vụ cao nhất, mà con trai của ông Raul là đại
tá Alejandro Castro, cũng ngày càng được nêu tên như người kế nhiệm tiềm năng của
cha mình. Đương kim ngoại trưởng Bruno Rodriguez Parrila, 58 tuổi ; và cựu
bộ trưởng Kinh tế Kế hoạch cho đến năm 2016 là Marino Murillo, 55 tuổi, hiện phụ
trách ủy ban hiện đại hóa nền kinh tế, cũng có thể là những người kế nhiệm tài
năng và kín đáo.
Như vậy bản đồ chính trị sau khi Raul Castro Ruz ra
đi là quá bất định để có thể vẽ ra một cách cụ thể. Một nhà ngoại giao phương
Tây hiểu rõ tình hình Cuba thổ lộ : « Không ai biết được kế
hoạch chính trị của ông Raul, và liệu kế hoạch đó có hiện hữu hay không. Tôi có
cảm tưởng là ông ấy muốn câu giờ càng lâu càng tốt ». Một giả thiết
được củng cố bởi một nguồn tin khác cho biết cái chết của Fidel thật sự là một
bất ngờ, vì ông đang chuẩn bị dự đại hội đảng.
Các thiếu niên cố gắng đẩy một chiếc xe hơi cũ chết
máy trên đường phố La Habana.
Còn người dân Cuba thì vẫn đang dưới cú sốc vì cái
chết của Comandante (Tổng tư lệnh). Một mặt, họ khó xác định được tương lai ra
sao, mặt khác, « người dân ở đây vẫn sợ phát biểu » -
theo Alberto, một nhà kinh tế ở La Habana. Dân chúng đành tự hài lòng với những
thành tựu của chế độ. Như Senaida, nữ sinh trường trung học Ciego de Ávila, một
thành phố miền trung. Sau hồi lâu suy nghĩ, cô nói : « Fidel
đã làm rất nhiều thứ cho nhân dân chúng tôi. Ông đã mang lại giáo dục và y tế
miễn phí ».
Đó là câu nói thường xuyên được nghe, và không phải
luôn là giả tạo. Cũng như đa số người lớn, cô thiếu nữ mà cha mẹ cũng chỉ biết
có chế độ Castro, không thể tưởng tượng ra được tương lai. Và xã hội Cuba vốn
khá bảo thủ, đã trải qua gần bốn trăm năm bị Tây Ban Nha đô hộ, hai mươi năm
can thiệp và chiếm đóng của Hoa Kỳ, rồi đến bốn mươi năm thao túng kinh tế,
không muốn hình dung ra tương lai. Quá rủi ro. Quá khác biệt.
- Đọc thêm: Cuba : Raul Castro, một thập kỷ đổi thay
« Ai có thể chấp nhận rằng Fidel đã ra
đi ? Những người thuộc thế hệ tôi (45 tuổi) đã được giáo dục trong một chế
độ phụ hệ, vốn không hề giống với tình trạng hỗn loạn mà chúng tôi đã thoát ra
được. Chúng tôi không hề được chuẩn bị (…) Tôi là một người không được chuẩn bị
cho tốc độ của một thế giới thật » - tiểu thuyết
gia Cuba Wendy Guerra đã viết như thế trên New York Times ngày
3/12 vừa qua.
Người dân thăm mộ Fidel Castro tại Santiana ngày
05/12/2016
Cũng như bà Wendy Guerra, người sáng suốt chỉ trích
chế độ và là một trong những nhà văn cùng thế hệ lỗi lạc nhất Cuba, dân chúng ẩn
náu trong những khúc quanh của một cuộc cách mạng vẫn chưa hoàn thành. Cha già
đã chết. Chú Raul còn đó. Với đất thánh El Cobre, nằm cách Santiago 30 km, người
Cuba từ nay có nơi chốn hành hương mới.
Người dân Santiago ở Cuba nối đuôi thăm mộ Fidel, một
tảng đá lớn màu trắng mang từ Sierra Maestra về. « Đó là một ngôi mộ hết
sức đơn giản, chỉ có mỗi một chữ « Fidel ». Raul tối thứ Bảy 3/12 đã
loan báo sẽ không có một con đường nào, một đài kỷ niệm nào mang tên Fidel, để
tôn trọng ý nguyện của ông ». Một khách tham quan nghĩa trang
Santa Ifigenia ở Santiago phấn khích cho biết.
- Đọc thêm: Fidel Castro, nhà cách mạng cuối cùng
Nếu thời kỳ hậu Raul Castro vẫn bất định, chế
độ Castro thuần túy cứng rắn đã chấm dứt từ lâu. Sau một thời kỳ chần chừ từ
2006 đến 2008, Fidel đã nhường ngôi lại cho người em vào tháng 2/2008. Thời kỳ
hậu Fidel bắt đầu từ đó. Giáo điều chủ nghĩa xã hội đã bị lặng lẽ chôn vùi, và
kỷ nguyên hậu Castro khởi đầu.
Siêu mẫu Gisèle Bunchen chụp ảnh trước khi trình diễn
thời trang Chanel tại La Habana, 03/05/2016.
Việc
Trump thắng cử đã thay đổi ván cờ
Khi trở thành chủ tịch Cuba năm 2008, Raul Modesto
Castro Ruz đã khởi động một làn sóng cải cách bề mặt từ 2008 đến 2010, rồi từ
năm 2010 tiến hành một loạt cải cách kinh tế xã hội đã làm thay đổi hẳn bộ mặt
Cuba. Từ 2014 đến 2016, La Habana bắt đầu quá trình lịch sử xích lại gần với
Hoa Kỳ. Nếu Hillary Clinton đắc cử, bà sẽ tăng cường quan hệ giữa hai nước, và
ông Raul Castro có thể đẩy nhanh cải cách kinh tế. Tất cả các nhà phân tích từ
lâu đều nhận định Fidel là vật cản cho những thay đổi, và từ khi ông qua đời,
Raul có thể tăng tốc.
Nhưng việc ông Donald Trump được bầu lên đã đảo ngược
ván cờ. Tổng thống Mỹ tương lai hồi cuối tháng 11 đã loan báo sẽ chấm dứt quá
trình tiếp cận Cuba, nếu La Habana không có những thay đổi về chính trị và nhân
quyền. Nếu tất cả những gì liên quan đến Hoa Kỳ là một chủ đề mà người Cuba sợ
đề cập đến, thì các tuyên bố của Donald Trump về Fidel Castro đã gây sốc nặng
và khiến người dân đoàn kết lại phía sau chế độ.
Alberto, nhà kinh tế La Habana, muốn tỏ ra lạc
quan : « Ông Trump là một doanh nhân, một nhà tỉ phú. Như thế,
ông sẽ phải tiếp tục làm ăn với Cuba, nhất là ngày càng nhiều doanh nhân đang
tìm đến La Habana. Đó không phải là những công ty lớn, nhưng trong ngành du lịch,
ngày càng thấy nhiều người châu Âu và Mỹ la-tinh mua các khách sạn cũ ở Vedado
(khu nghệ sĩ) để chuyển đổi thành các nhà nghỉ tư nhân (hostale, theo tiếng Tây
Ban Nha) ».
Mặc cho sự lạc quan của nhà kinh tế La Habana, những
vấn đề nghiêm túc thực sự bắt đầu với Raul Castro. Cho đến gần đây, người anh của
ông vẫn đứng sau hậu trường. Người ta không chỉ sợ mà còn tôn trọng Fidel, còn
đối với đương kim chủ tịch Cuba thì không được như thế. « Tôi
không thích chế độ này, nhưng cái chết của Fidel là một cú sốc thực sự đối với
tôi » - Ileana, nghệ sĩ ở La Habana không mấy tin tưởng vào Raul « thường
bị chế giễu nhưng vẫn đáng ngại và cứng rắn hơn cả ông anh ».
Publié par Thuymy
Rfi à 13:54
No comments:
Post a Comment