December 21, 2016
.
Ông Hàn Đức Long
(thứ hai từ trái) trở về nhà tối 20 Tháng Mười Hai, 2016. (Hình: FB Ngô Ngọc
Trai)
.
BẮC
GIANG (NV) – Ông Hàn Đức Long, người vừa được trả tự do sau 4
lần bị kết án tử hình oan nói với nhà báo đến phỏng vấn rằng “Nếu tôi không nhận
tội thì chắc chắn tôi đã nằm dưới nấm mộ.”
Ông Hàn Đức Long, năm nay 57 tuổi, bị kết án tử hình
vì bị vu cho tội hiếp dâm và giết chết một bé gái 5 tuổi hàng xóm hồi năm 2005
dù không có bằng chứng. Ông mới được nhà cầm quyền trả tự do hôm 20 Tháng Mười
Hai, 2016, trước nhiều áp lực của dư luận và lời kêu oan của chính ông và của
người vợ cho chồng suốt 11 năm qua.
“Được sống đến ngày hôm nay tôi phải nhận tội. Nhận
tội để tôi kêu oan, bởi vì nếu tôi không nhận tội, ngay cả ở tòa tôi cũng nói:
Nếu tôi không nhận tội thì chắc chắn tôi đã nằm dưới nấm mộ. Họ (điều tra viên)
đánh đập tôi đến mức độ tôi không chịu nổi,” ông Long nói giọng đầy căm phẫn được
thấy thuật lại trên báo mạng VTC.
Vụ án Hàn Đức Long được dư luận đặc biệt quan tâm
sau khi ông Nguyễn Thanh Chấn, một người nạn nhân khác của công an được trả tự
do hồi Tháng Mười Một, 2013 sau 10 năm ngồi tù. Cả hai vụ án đều xảy ra tại tỉnh
Bắc Giang, cùng những điều tra viên và có những điểm tương đồng. Bị phụ nữ hàng
xóm vu cáo. Các điều tra viên không thu thập được vật chứng nào mà chỉ tra tấn
ép cung. Để sống, các nghi can buộc phải nhận tội dù không phạm tội.
Ngày 20 Tháng Mười Hai, 2016, Viện Kiểm Sát tỉnh Bắc
Giang đã ra quyết định “đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, trả tự do cho ông Hàn
Đức Long” vì thiếu bằng cớ kết tội ông hiếp dâm và giết người. Vợ ông đã phải cầm
cố nhà cửa, đi làm thuê làm mướn trong suốt thời gian chồng bị tù tội để kêu
oan cho chồng.
Theo lời ông kể, tên của điều tra viên đã hỏi cung
mình là Lê Thanh Th. và Đại Úy T., còn 2 người nữa thì không nhớ tên. Tất cả họ
là cán bộ điều tra thuộc công an tỉnh Bắc Giang.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng chiều tối ngày 16 Tháng
Năm, 2005, vợ chồng ông Sơn ở xã Phúc Sơn đi làm về thì thấy con gái mình là
Nguyễn Thị Yến (5 tuổi) mất tích. Sáng hôm sau, thi thể cháu Yến được tìm thấy ở
ngoài đồng với nhiều dấu hiệu bị hiếp dâm.
Sau 4 tháng điều tra không có kết quả, cơ quan cảnh
sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang nhận được đơn tố cáo của bà Ngô Thị Khuyến
(hàng xóm của Hàn Đức Long) viết rằng ông Long từng hiếp dâm hai mẹ con mình, đồng
thời tố giác người đàn ông này chính là hung thủ hiếp dâm cháu Yến.
Dựa vào đơn của bà Khuyến, công an tỉnh Bắc Giang bắt
giam ông Hàn Đức Long để điều tra. Vì bị tra tấn liên tục không thể chịu đựng nổi
nữa, ông đành nhận hiếp dâm rồi giết cháu Yến, hầu bảo toàn tạm thời mạng sống.
Tòa án tỉnh Bắc Giang đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm
năm 2007 kết án tử hình ông Hàn Đức Long. Tòa án tối cao xử phúc thẩm tuyên y
án. Sau đó, Hội Đồng Thẩm Phán xử giám đốc thẩm đã quyết định hủy 2 bản án sơ
thẩm, phúc thẩm để điều tra lại từ đầu. Đến năm 2011, tòa án tỉnh Bắc Giang xử
sơ thẩm lần hai và tòa tối cao xử phúc thẩm lần hai vẫn giữ nguyên phán quyết tử
hình đối với Hàn Đức Long.
Ngày 20 Tháng Mười Một, 2014, Hội Đồng Thẩm Phán Tối
Cao tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm số 706/2014 ngày 29 Tháng Mười Một,
2011, của TAND tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 48/2011/HSST
ngày 24 Tháng Chín, 2011 của TAND tỉnh Bắc Giang để điều tra lại. Tại các phiên
xét xử, Hàn Đức Long đều kêu oan. Ông phải nhận tội chỉ vì bị tra tấn nhục hình
bên trên sức chịu đựng.
Khi được phỏng vấn về vụ án, Luật Sư Ngô Ngọc Trai,
một trong số các luật sư tham gia bào chữa cho ông Hàn Đức Long cho hay kết án
tử hình ông Hàn Đức Long mà không có nhân chứng vật chứng.
“Mặc dù vụ án cũng có hàng chục người nhân chứng có
lời khai trong hồ sơ, nhưng đó là các nhân chứng về việc xay xát thóc và các việc
khác, mà không có nhân chức nào nhìn thấy ông Long phạm tội.
Về vật chứng thì cũng không có, một số lông, tóc,
tinh trùng, máu thu thập được ở hiện trường thì giám định không cho ra kết quả.
Như vậy là cũng không có vật chứng. Dần dần từ đó tôi chỉ ra được nhiều điểm
mâu thuẫn vô lý trong hồ sơ, dần củng cố quan điểm nhận định kêu oan.”
Ngoài việc kết án oan cho các ông Nguyễn Thanh Chấn,
Hàn Đức Long, cuối năm 2003 sang đầu năm 2004, vụ án trộm cổ vật tại một số
ngôi chùa ở tỉnh Bắc Giang cũng làm dư luận bàng hoàng không ít.
Hơn chục người bị bắt giam để điều tra. Sư cụ Thích
Đức Chính chết vì không chịu đựng nổi tra tấn, 8 người còn lại gồm một số nhà
sư và chú tiểu sau đó đã được phóng thích vì các lời khai của nhân chứng mâu
thuẫn với các “tang chứng.” Họ kéo nhau về Hà Nội biểu tình nhưng rồi vụ việc bị
nhận cho chìm xuồng.
Hồi Tháng Ba năm ngoái, báo cáo của Bộ Công An tại
Quốc Hội của chế độ nói trong vòng 3 năm (từ 2012-2014), số người bị bắt, tạm
giữ hình sự lên tới trên 200 ngàn người. Trong số này, 226 trường hợp chết tại
nhà tạm giữ, trại tạm giam trên cả nước. Nguyên nhân chính của các trường hợp tử
vong này được Bộ Công an CSVN khai là “do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm
giam tự sát.”
Người ta tin tất cả đều chết vì bị tra tấn nhục
hình. Thân nhân của một số nạn nhân này đã biểu tình, khiếu kiện khắp nơi nhưng
hầu hết đều bị cho chìm xuồng do sự bao che, dung dưỡng của nhà cầm quyền Việt
Nam. (TN)
No comments:
Post a Comment