Sunday, December 13, 2009

VỀ ĐÂU HỌC SINH VIỆT NAM ?

Về đâu học sinh Việt Nam ?
Lê Tùng Châu
Đăng ngày 13/12/2009 lúc 05:22:51 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4413
Sáng nay, lẽ ra cũng sẽ trôi qua lặng lờ như bao buổi sáng khác trên đô thành Sài Gòn ô nhiễm bụi khói chen chúc điên loạn này, trên quê hương X(uống) H(ố) C(ả) N(út) khốn khổ này, thì bỗng trở nên bi sầu hơn đối với tôi, khi, vì có việc phải “lạng” vào một trường học, mượn chỗ để dạy nhạc cho mấy học trò (đã lớn, đã có việc làm) dễ thương của tôi.
Thật bất ngờ, sáng nay thầy trò tôi ngẫu nhiên “bị” tra tấn bởi một thứ nhạc “lên gân” đã một thời xa: “Hò Kéo Pháo”.
Nhìn ra sân tôi thấy một “Thầy” vừa chỉ chỉ trỏ trỏ, xung quanh là một đám học trò nhỏ ngây ngô vừa nghịch vừa “tập” theo một hoạt cảnh tả sự “kéo pháo” –bản nhạc cộng này tả việc kéo pháo lên núi mà tấn công quân Pháp trong trận Điện Biên Phủ hồi 1954. Có lẽ cả bọn đang tập cho một bữa “văn nghệ” nào đó…
Mấy em học trò của tôi vẫn chăm chú học, riêng tôi, không khỏi thấy khó chịu, bứt rứt mỗi khi cái máy hát lặp đi lặp lại cái thứ âm thanh sắt máu kia phát vang vang không gian! Tôi thấy xót lòng, quá thương cho các em nhỏ kia, thương cho cả cha mẹ chúng, bởi tất cả đang bị nhiễm độc mà không hay biết… Dù gì thì gì, ta cũng phải thấy rằng, thời của chiến tranh đã quá xa, dù gì thì gì, chiến tranh vẫn là lầm lỗi tệ hại lớn nhất của con người. Hôm nay, khi dạy học sinh, người cộng sản mong điều gì, toan tính điều chi, khi vẫn khăng khăng một mực không hề thay đổi, là rèn cho lớp nhỏ cái tinh thần hiếu chiến man rợ kia? Có người (nhà văn Dương Thu Hương) bảo là họ (CSVN) là lũ người sống bằng cách ĂN xác chết, ý nói họ đem cái quá khứ chém giết xưa ra mà kể công với dân với nước, hòng hợp lí hoá việc ngồi xổm trên vận mệnh quê hương mà độc quyền ăn, nói kèm theo với bạo lực là họng súng của họ (nhà thơ Nguyễn Đức Sơn có lần đã nói “cộng sản, có nghĩa là một tên du kích, vừa cầm súng, vừa chĩa vào công chúng, vừa la: “Mày nói đi, tin tao đi, nếu không tin tao, tao bắn!”).
Bạn hãy bỏ 1 giờ vào nhà sách lục các sách giáo khoa của họ muốn nhồi nhét cho học sinh, từ Sử, Địa cho tới văn chương (giờ học Ngữ văn) sẽ thấy một công tác chính trị hoá, đoàn thể hoá khổng lồ mà họ đã tạo tác trên sách giáo khoa mọi cấp một cách hoàn toàn cố ý. Nhưng với một cách thế rẻ tiền, vô bằng, vô lí nhiều khi đến buồn nôn, buồn cười… Rặt một giọng điệu nào là “phe ta”, “kẻ thù”, nào là xã hội chủ nghĩa, thế lực thù địch, nào là trung thành với tổ quốc, với đảng! Họ cứ nói, cứ in như thể một bọn người hoang tưởng cuồng mơ nào, nói tuỳ thích, nói không cần bằng chứng, không hề liêm sỉ khi nói láo!
Bứt rứt mãi một lúc tôi chịu hết nổi, bèn tâm sự với mấy học trò mình (chỉ lớn hơn các học sinh đang “tập” văn nghệ ngoài kia độ 6, 7 tuổi). Tôi như người chết đuối, muốn tìm sự đồng cảm với các em nhỏ này để yên tâm rằng chung quanh ta còn có con người.
Nói những suy nghĩ -ở trên- với mấy em xong, sợ mấy em chưa hiểu hết, tôi thêm: “Các em thử kể ra những bài thơ tình nào đã được học thời phổ thông?”. Hình như mấy em không hiểu tại sao tôi lại liên hệ tới đề tài thơ tình như vầy? nhưng vẫn trả lời. Có em kể Xuân Diệu với bài
“Vội Vàng”, có em kể Nguyễn Bính với “Mưa Xuân”, với cả những bình luận của mình. Và chỉ có thế.
Thực ra tôi biết rõ trong chương trình giáo khoa, người cộng sản chỉ dạy cho học trò như thể học sinh là những đảng viên cùng sinh hoạt với họ trong một đảng phái –tức là một tổ chức tư nhân, có nhu cầu biểu thị lập trường tư riêng của một nhóm người nào đó trong xã hội mà thôi, mà cái đảng kia là loại tổ chức thoát thai từ KHỦNG BỐ, sống bằng chiến tranh, và bây giờ khi đất nước đã im tiếng súng 34 năm, họ vẫn còn gào lên những lời lẽ hiếu chiến như thế thì làm gì có tình yêu thương?
Sở dĩ con người ta còn biết kính trên nhường dưới, gìn giữ tí chút gì giềng mối tôn ti khi xử kỷ tiếp vật trong đời sống là nhờ ở người ta có thành NGƯỜI hay không, và một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp ta thành người là Tình Yêu.
Ta có thấy bồi hồi khi đọc:
“Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc,
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường…”
(Nguyên Sa,
Tuổi mười ba”)
thì ta mới nghe ra niềm xúc cảm ẩn mật trong ta khi yêu nó ra sao, và cũng từ Tình Yêu đối lứa ấy, ta biết yêu con người, biết thương Cha kính Mẹ, yêu giống nòi, trọng nghĩa đồng bào, biết yêu Thiện lìa Ác, trọng Chân thù Giả…"
Có như thế khi rời trường, xa Thầy vắng bạn, con người ta sẽ còn ôm ấp mãi một kỷ niệm tràn đầy nhân tính thưở thiếu thời, một hành trang không thể thiếu để làm NGƯỜI trong chặng dài mai hậu.
Do đó ta không lấy làm lạ khi ngày nay, sau bao nhiêu năm ra rả chính trị hoá học đường, người cộng sản đã đổ vấy trên quê hương này bao căn bệnh tai quái của lớp trẻ: học trò Lớp 9 giết người vì tranh gái hay đua xe gắn máy, thuốc lắc, nhậu, ma túy…
Do đó ngày nay ta không lấy làm lạ khi một số khá lớn người trẻ, từ học trò trung học cho đến “đại học” ở trong nước, khi nói tới, nghĩ tới Tình Yêu là các em chỉ thuần chú mục vào Tình Dục:
Tin Nhắn Sex tung hoành nơi trường học
Học sinh lớp 6 tập xxx như trên phim” [*]

Như chưa đủ, các nhà xuất bản do họ độc quyền nắm giữ còn đổ thêm thuốc độc vào "đối tượng" học sinh này: Truyện tranh sex đang “công diễn” khắp lề đường, quán sách.
Nói chuyện một lúc, thấy các em đã dần hiểu ra ý mình, tôi bèn cho mấy em hay rằng, cái nhà thơ tình yêu Xuân Diệu kia cũng từng làm những "câu thơ" rợn tóc gáy này:
"Ai về Bố Hạ,
nhắn với vợ chồng thằng thu,
Rằng chúng bây là lũ quốc thù..."

(chú ý: chữ thu không viết hoa, là Ngô Xuân Thu, bố đẻ Xuân Diệu. XD làm khá nhiều "thơ" loại này trong những chiến dịch giết người cướp của man rợ của cộng sản ở Miền Bắc từ 1952, 53 đến 1956 với tên gọi: Cải Cách Ruộng Đất), rằng Nguyễn Bính lừng danh với Lỡ Bước Sang Ngang, Mây Tần, Một Ngàn Cửa Sổ, Người Con Gái Ở Lầu Hoa... đã bị trù dập, hãm hại suốt sau chiến dịch Nhân Văn-Giai Phẩm 1956, cho đến trước lúc mất 1966, về làm một nhân viên quèn ở TTVH tỉnh Hà Nam. Rất nhiều tin văn nghệ của các bạn từng sống miền bắc thời gian đó kể lại là Nguyễn Bính, Quang Dũng thường xuyên bị đói, thiếu ăn, và Nguyễn Bính mất vào đêm giao thừa tại nhà một người bạn thơ ở Hà Nam năm 1966 là do bị trúng thực -ăn nhiều sau một thời gian dài bị đói.
Sau cùng, tôi đọc mấy em nghe một “tuyệt tác” (!) của Tố Hữu. Bài thơ “Đời đời nhớ Ông” như sau:
"Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Xít Ta Lin bên cạnh nhi đồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Trên đồng xanh mênh mông

Ông đứng với em nhỏ
Cổ em quàng khăn đỏ
Hướng thẳng về tương lai
Hai Ông cháu cùng nhìn

Xít Ta Lin! Xít Ta Lin!
Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít Ta Lin
Mồm còn thơm sữa xinh xinh
Như con chim của hòa bình trắng trong

Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột, xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao Ông đã, làm sao mất rồi

Ông Xít Ta Lin ơi! Ông Xít Ta Lin ơi!
Hỡi ôi Ông mất đất trời có không
Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười..."
Hỡi ôi, những vần thơ...

Một chế độ hủy diệt Tình Yêu mà tôn thờ đánh đấm chiến tranh là một thứ chế độ rặt màu tội ác, với non sông, với nhân loại, và chắc chắn họ sẽ phải trả lời chất vấn của lịch sử, một ngày không xa.
Sài Gòn, 1/12/2009

[*] Xin đọc một mẩu chứng từ do một cô giáo cung cấp:

“Chồng” à! tí nữa em ra nhà vệ sinh trước rùi 5′ sau “chồng” ra sau nhé, chúng mình sẽ làm “kiểu đứng” như trong phim hôm nọ em xem, em sẽ dạy “chồng” kiểu đó, hay lắm!…”. Đó là nội dung bức thư tay của một em học sinh nữ lớp 6 mà tôi bắt được trong giờ dạy của mình…
Dưới góc độ của một người đã bước qua tuổi teen của các bạn chưa lâu và hơn nữa tôi còn là một giáo viên của một trường trung học ở Hà Nội, hàng ngày được tiếp xúc nhiều với các bạn tuổi teen, tôi nhận thấy “tình bạn” khác giới của các bạn học sinh bây giờ có nhiều vấn đề thực sự cần “sốc” lại cho chỉnh tề.

“Sau giờ tan học, chồng phải đi với em nhé! Hôm qua chồng về cùng con Lan, làm em mất mặt với đám đàn em, chúng nó bảo là em bị hớt tay trên rồi. Em vẫn hận chồng vụ hôm qua đấy, chồng hết iu em rồi à?…”
Bạn nghĩ đây là cuộc trò chuyện của ai? Lứa tuổi nào? Bạn có tin rằng đó là cuộc đối thoại của hai học sinh vai còn đeo khăn quàng đỏ thắm?

Ngày tôi còn là một cô giáo sinh thực tập, đợt thực tập thứ nhất đã thực sự để lại ấn tượng trong tôi, kỷ niệm vui có, buồn cũng có, trong đó một điều làm tôi day dứt và băn khoăn nhất lại là những lá thư tay của những cô cậu học trò lớp 6, lớp 7. Những lá thư tay chữ còn nguệch ngoạc của một học sinh nữ lớp 6 viết vội cho một chàng học trò lớp trên đã khiến tôi không khỏi trăn trở. Tại sao ư?
Vì trong đó tôi đọc đựơc những lời hẹn hò tình tứ, những câu yêu thương rất “người lớn” trong lá thư của hai cô cậu học trò nhí của mình. Đọc thư, tôi thật sự bàng hoàng.
Bạn có tưởng tượng được không khi mà ở tuổi đó các em viết thư cho nhau với những lời lẽ mà sau khi đọc chúng ta phải giật mình. Tôi xin trích nguyên văn một đoạn như thế này:
“Chồng iu quý của em! Tối qua, chồng hok đến gặp em như đã hẹn, có fải chồng đi “chơi” với con khác hok? Em bắt đền chồng, tối thứ 7 tuần này chồng fải đền cho em nhìu hơn đấy nhé! Mà lần này hok ra bụi chuối hôm nọ nữa đâu, ở đó bẩn lắm lại nhìu muỗi nữa. Chồng cố chơi lấy con lô (*) để cuối tuần hai vợ chồng mình đi nhà nghỉ cho nó máu nhé! Vợ chồng cái Thương nó toàn đi nhà nghỉ mà chồng…”

Một lá thư khác thì có nội dung thế này:
“Chồng” à! tí nữa em ra nhà vệ sinh trc rùi 5’sau “chồng” ra sau nhé, chúng mình sẽ làm “kiểu đứng” như trong phim hôm nọ em xem, em sẽ dạy “chồng” kiểu đó, hay lắm!…”

Và với vai trò là giáo viên thực tập nên dường như tôi dễ dàng nói chuyện và lắng nghe những câu chuyện của các em hơn. Trong đó có cả những câu chuyện yêu đương và cả chuyện đánh ghen kinh hoàng. Lớp 7D tôi chủ nhiệm thực tập có số học sinh nam nữ là 16/16, nhưng qua những khảo sát sơ bộ của mình, tôi được biết đã có 8 em nữ và 7 em nam có “người yêu” .
Sự việc không dừng lại ở đó, khi tôi tốt nghiệp ra trường, tức là vào mùa hè vừa rồi, tôi lại tiếp tục bước vào những trang đời còn non nớt của những em học sinh của tôi. Và những mẩu chuyện tình yêu học trò có phần thiếu lành mạnh ở những học sinh cá biệt của tôi bây giờ làm tôi chợt nhớ lại những lá thư tay hai năm về trước….
Tại lớp 6A, đang trong giờ học, cả lớp say sưa nghe giảng và sôi nổi học tập thì một em nữ học sinh xin phép tôi ra ngoài đi vệ sinh. Lẽ tất nhiên tôi cho phép em ra ngoài và không quên dặn dò: “Em hãy quay lại lớp khẩn trương”. Nhưng chưa đầy 3 phút sau thì một học sinh nam tiếp tục xin phép ra ngoài và cũng là ra nhà vệ sinh.
Và rồi 5 phút, 10 phút tôi không thấy hai học sinh đó quay về lớp, tôi bắt đầu sinh nghi và trong khi học sinh làm bài tập, tôi bước vội ra nhà vệ sinh để kiểm tra tình hình, thì …tôi giật bắn người. Hai học sinh của tôi đang hôn nhau và làm những việc vượt quá lứa tuổi học trò của các em. Tôi chững lại, rồi như chợt nhận ra tôi đang đứng nhìn, hai học sinh vội cúi mặt. Tôi chỉ kịp nói: “Hãy gặp tôi sau giờ học” rồi “mời” hai em vào lớp tiếp tục học bài.
Băn khoăn, tôi tìm gặp, trò chuyện với các chị lao công thì được hay rằng, khi dọn vệ sinh họ thường lượm được rất nhiều vỏ bao cao su nhét trong bồn toalet. Và tôi hiểu đã có những chuyện gì xảy ra với các em…
Chồng - vợ là những câu xưng hô mà đến như tôi, một người đã có chồng mỗi khi gọi : chồng ơi cũng thấy một chút ngượng ngùng, vậy mà cách xưng hô chồng vợ dường như lại đang trở thành mốt của không ít cô cậu tuổi teen ngày nay.

Bạn có thể nghe thấy hoặc bắt gặp một cô nàng tóc vàng hoe, mặt búng ra sữa đi đường gọi một anh chàng đang vừa đi vừa đọc truyện tranh một câu rất ngọt tai như thế này: “Chồng ơi! chờ em với”
Thoạt nghe thì có vẻ đây là những câu bông đùa của các bạn trẻ, nhưng đã bao giờ chúng ta thử một lần tìm hiểu đằng sau những cách xưng hô đặc biệt ấy là cả những chuỗi dài chuyện tình yêu của tuổi teen!
Nhưng tại sao? Chúng ta không nên chỉ lên án những hành vi thiếu lành mạnh đó của các em mà đồng thời ta phải tìm hiểu được nguyên nhân sau xa, gốc gác của những hành vi ấy. Vậy ai, cái gì là nguyên nhân gây ra và tiếp tay cho những suy nghĩ và hành động như vậy ở lứa tuổi các em? Câu trả lời xin dành lại cho tất cả những ai là người lớn trong xã hội chúng ta.
[Thanh Mai]
Giáo viên trung học, Hà Nội./k14


© Thông Luận 2009

No comments: