Sunday, December 13, 2009

TRUNG QUỐC TRẤN ÁP BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN KHÔNG NGỮNG NGHỈ

Trung Quốc trấn áp không ngừng nghỉ
Quentin Sommerville
BBC News
Cập nhật: 15:40 GMT - chủ nhật, 13 tháng 12, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/12/091213_china_hr.shtml
Vụ cựu giáo sư đại học và nhà hoạt động nhân quyền Lưu Hiểu Ba, 53 tuổi, người gần như suốt 20 năm qua đều ở tù hay bị quản thúc tại gia nói lên nhiều điều về những gì đang diễn ra bên dưới bề ngoài bóng bẩy của Tân Trung Hoa như phóng viên Quentin Sommerville giải thích.

Ông Lưu là nhà hoạt động chính trị trong hơn hai thập niên.
Vợ của ông Lưu Hiểu Ba, bà Lưu Hạ rút chiếc khăn mùi xoa từ chiếc áo khoác đông dày và thở dài.
"Chúng tôi sống cuộc sống về cơ bản không có tự do.
"Ngay bây giờ ông Lưu Hiểu Ba không có chút tự do nào, cho dù là tí chút,"
bà nói, giọng đanh lại.
Chồng bà đang có nguy cơ ngồi tù 15 năm nếu bị kết tội "kích động lật đổ nhà nước Trung Quốc" mà ông vừa bị cáo buộc.
Lần này ông Ba bị giam đã một năm và bà ngày càng gầy đi.
Điện ngoại của bà bị kiểm soát, bà không được truy cập internet và cảnh sát mặc thường phục lởn vởn bên ngoài nhà.
Tội của ông Lưu Hiểu Ba là công bố một cương lĩnh dân chủ, Hiến Chương 08.
Hiến chương kêu gọi tự do ngôn luận, bầu cử đa đảng, tòa án độc lập và quân đội chịu sự chỉ đạo của chính phủ chứ không phải của đảng.
Hơn 300 người, trí thức và các nhà văn đã ký vào hiến chương.
"Đã tới lúc phải ngưng coi các từ ngữ như tội phạm," bà Lưu nói.
Nhưng Đảng Cộng sản chẳng bỏ qua bất kỳ một chỉ trích nào và họ không chấp nhận bất kỳ thách thức nào.

Đảng trị
Hệ thống tòa án của Trung Quốc nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Đảng và vì vậy gần như chắc chắn là ông Lưu sẽ bị kết án.
Khi Tổng thống Obama thăm Trung Quốc hồi tháng trước, ông có cách tiếp cận nhẹ nhàng đối với vấn đề nhân quyền.
Nhưng ông có đưa cho Trung Quốc danh sách những người mà Hoa Kỳ lo ngại và người ta nghĩ rằng tên ông Lưu có trong đó.
Và Trung Quốc phớt lờ ông Obama vì chưa đầy một tháng sau họ vẫn truy tố ông Lưu.
Trước đây, khi tổng thống Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo thăm Trung Quốc, Bắc Kinh thường trả tự do cho một nhà bất đồng chính kiến.
Trong khoảng thời gian Tổng thống Bush tới thăm hồi năm 2005, ông Vương Vạn Tinh được thả sau 13 năm giam giữ.
Khi ông Clinton tới thăm, ông Vương Đan, một trong những người tham gia biểu tình ở Thiên An Môn được trả tự do.
Nhưng bây giờ Bắc Kinh không còn cần quan tâm tới phương Tây nghĩ gì nữa.
Chính Tổng thống Clinton nói không nên để nhân quyền ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Quốc.
Bắc Kinh rất thích phát biểu này vì nếu không có hậu quả gì thì việc gì phải chịu sức ép của phương Tây.

Quan hệ
Đáng ra nhân quyền ở Trung Quốc phải cải thiện.
Người ta nghĩ Thế Vận hội sẽ làm cho mọi việc tốt hơn, sự thịnh vượng làm cho mọi việc tốt hơn và để Trung Quốc tự tiến với tốc độ của họ cũng làm cho mọi việc tốt hơn.
Nhưng cải cách nhân quyền và pháp luật đang đi giật lùi.
Trung Quốc là nhà nước pháp trị, các quan chức Trung Quốc thích nói thế. Chỉ có điều nó không phải thế.
Ông Vương Thắng Tuấn là chánh án tòa án nhân dân tối cao nhưng ông chưa bao giờ tới trường luật.
Bù lại, ông có quan hệ tốt với Đảng Cộng sản và ông là cán bộ rất trung thành.
Ông đi ngược lại nhiều năm cải cách luật pháp và nói rằng cần bác bỏ khái niệm tòa án độc lập.
Thay vào đó, ông Tuấn nói ngành tư pháp cần quan tâm tới quyền lợi của Đảng trước, sau đó tới lợi ích của dân và sau cùng là luật hiến pháp.
Bất chấp mong muốn của những người có đầu có cải cách như Lưu Hiểu Ba, kể từ vụ Thiên An Môn tới nay, Trung Quốc không muốn có cải cách dân chủ.
Người dân ngày càng giàu lên và hầu như hài lòng dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản.
Nhưng chính người dân bình thường cũng muốn có quyền pháp lý và đã có những cố gắng để tạo ra hệ thống tư pháp chuyên nghiệp và độc lập.
Nay những cố gắng này đã dừng lại.

Miền đất vô luật pháp
Vậy sống tại một đất nước không có luật pháp thì mọi việc thế nào?
Nó có nghĩa là phụ huynh của các học sinh chết trong vụ động đất ở Tứ Xuyên sẽ không bao giờ mang được vụ việc ra tòa.
Nó có nghĩa là những người bị ngộ độc bởi các nhà máy ô nhiễm của Trung Quốc chỉ biết ngậm đắng nuốt cay.
Những nông dân bị quan chức tham nhũng cướp đất trở thành bần hàn.
Và nó có nghĩa là sống trong sợ hãi, điều làm cho người ta tuyệt vọng.
Tại Thành Đô ở Tứ Xuyên, bà Đường Phức Chân, 47 tuổi, cố gắng cản chính quyền địa phương phá nhà của bà.
Nhưng xe ủi và đội giải tỏa đến nhà bà vào một buổi sáng sớm.
Bà không chịu nổi nữa, tưới xăng vào người và tự thiêu. Sau đó bà chết trong bệnh viện.
Tám người trong gia đình bà trong đó có chồng và con trai bị giam vì "làm gián đoạn công việc của chính phủ" sau khi bà qua đời.
Tại khắp nơi ở Trung Quốc, những người bị ngược đãi đã xuống đường.
Họ đã làm như vậy ở Hạ Môn để ngăn việc xây một nhà máy hóa chất gần khu dân cư, ở Thượng Hải để phản đối tuyến đường xe lửa mới, ở Quảng Đông để cản việc xây lò thiêu rác.
Và trong các trường hợp này, chính những tầng lớp mới giàu, những người hưởng lợi từ sự cai trị của Đảng Cộng sản đã xuống đường.
Với niềm tin bằng con số không vào hệ thống tòa án, họ không còn cách nào khác phải hành động.
Khi tôi chia tay bà, bà Lưu Hạ quay lại và nói: "Trong hiến pháp có ghi tự do ngôn luận là quyền của người dân.
"Nhưng Lưu Hiểu Ba nói có mấy câu mà giờ thành tội phạm. Ông nói tôi nghe Hiến pháp Trung Quốc viết cho ai. Tôi không biết nữa."




No comments: