Friday, December 11, 2009

TRUNG QUỐC LẠI XÂM PHẠM NGHIÊM TRỌNG CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TRÊN BIỂN ĐÔNG


Trung Quốc lại xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, sao không thấy cơ quan chức năng lên tiếng phản đối?
Nhật Hối
Bài này được đăng lúc 00:17 ngày Thứ Bảy, 12/12/2009
http://bauxitevietnam.info/c/20949.html
Ngày 10 tháng 12 năm 2009, trang mạng của Cơ sở Nghiên cứu biển Nam Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đăng tin “Hội thảo Nghiên cứu triển khai chuyến khảo sát phía Bắc của Nam Hải” có đoạn đầu như sau:

“Nhằm xúc tiến giao lưu học thuật trong lĩnh vực khoa học về biển, thể hiện thành quả đạt được trong 6 năm lại đây về việc triển khai chuyến khảo sát biển phía Bắc của Nam Hải (mỗi năm Trung Quốc tổ chức 1 chuyến); việc xúc tiến triển khai chuyến khảo sát biển phía Bắc Nam Hải càng phát huy tốt các tác dụng: thử nghiệm tại chỗ, thu thập mẫu và tạo dựng cơ sở quan sát trong quá trình nghiên cứu môi trường và tài nguyên phía Bắc của Nam Hải; ngày 8 tháng 12 năm 2009 tại Quảng Châu, Cơ sở Nghiên cứu biển Nam Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã chủ trì tổ chức cuộc “Hội thảo Nghiên cứu triển khai chuyến khảo sát phía Bắc của Nam Hải”; các lãnh đạo của Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc và Ban Tài nguyên Môi trường thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, cùng hơn 50 học giả, nghiên cứu sinh đến từ 5 đơn vị thuộc Cơ sở Nghiên cứu Sinh vật nước thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã đến tham gia, tổng cộng có 5 báo cáo theo chủ đề, 4 báo cáo mời riêng, 9 báo cáo tiến triển…”


Tiếp đó ngày 11 tháng 12 năm 2009, trang mạng Tân Hoa đã đăng tin và được hàng loạt các trang mạng khác như Chính Phủ Trung Quốc, Phượng hoàng, Kinh tế Trung Quốc, Tân dân, Sina… (nhiều không kể hết) đăng lại với đầu đề “Trạm Nghiên cứu Quan sát biển tại quần đảo Tây Sa của Trung Quốc đã xây dựng xong đồng thời đưa vào sử dụng”, nội dung như sau: “Ngày 10, tác giả [Lương Cương Hoa] nhận được tin từ Cơ sở Nghiên cứu biển Nam Hải thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Trung Quốc, trước đó các nhà khoa học thuộc Cơ sở này đang trong giai đoạn thực hiện việc triển khai chuyến khảo sát phía Bắc của Nam Hải lần thứ 6, đã xây dựng xong mạng lưới phao quan sát biển tại vị trí định sẵn gần đảo Vĩnh Hưng thuộc quần đảo Tây Sa. Điều này đánh dấu Trạm Quan sát biển tại quần đảo Tây Sa của Trung Quốc đã chính thức đưa vào sử dụng.
Theo như giới thiệu, hệ thống phao quan sát biển là các phao quan sát môi trường biển ở tầng mặt có tính tổng hợp với đường kính 3m, có thể quan sát và phát dữ liệu về khí tượng, thủy văn trong khu vực biển tại điểm cố định một cách lâu dài và liên tục; dữ liệu giám sát đo đạc được sẽ bị khóa mã luôn rồi truyền đi và lưu lại. Phần mềm xử lý dữ liệu kèm theo hệ thống có thể tiến hành xử lý phân tích với dữ liệu được lưu lại trong kho dữ liệu.
Trạm Nnghiên cứu Quan sát biển Tây Sa thực hiện nhiệm vụ quan sát đo đạc thủy văn khí tượng biển tại khu vực Tây Sa một cách lâu dài liên tục; tạo dựng cơ sở thông tin dữ liệu, phục vụ việc cung cấp tư liệu cơ bản cho nghiên cứu khoa học trên các góc độ như sử dụng tài nguyên sinh vật, an toàn sinh thái, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phòng giảm thiên tai và ứng dụng hải dương học; có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu làm rõ quy luật biến đổi, phát triển của môi trường vật lý và sinh thái biển nhiệt đới.
Nhằm bảo đảm sự hoạt động an toàn của hệ thống phao, các đơn vị cùng xây dựng Trạm Nghiên cứu Quan sát biển Tây Sa thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã bố trí nhân viên từ nay về sau thường xuyên giám sát tình hình hoạt động tại các vị trí của hệ thống phao. Trước mắt, việc tập hợp và truyền trực tiếp dữ liệu quan sát được của hệ thống phao quan sát môi trường biển ở tầng mặt, việc thu nhận dữ liệu trực tiếp tại trạm thu nhận dữ liệu trên đất liền đều bình thường”.

Sao chúng ta lại không kịp thời lên tiếng bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc ta, mà cứ để Trung Quốc liên tiếp xâm phạm lãnh thổ của chúng ta như vậy?

Nhật Hối

Chú thích:
Nam Hải: Biển Đông của Việt Nam.
Tây Sa: quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Vĩnh Hưng: Đảo Phú Lâm của Việt Nam.

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập



No comments: