Wednesday, December 16, 2009

MỘT NỀN GIÁO DỤC CHƯA THỰC SỰ VÌ CON NGƯỜI

Một nền giáo dục chưa thực sự vì con người
Lê Đọp
Thứ Tư, 16/12/2009
http://danluan.org/node/3649
Tôi đọc những bài viết sâu sắc của giáo sư Hoàng Tụy (đăng tại
http://bauxitevietnam.info/c/12394.html) và của Hồ Bất Khuất (đăng tại http://bauxitevietnam.info/c/12419.html) về tình hình giáo dục ở nước ta hiện nay. Với tư cách là một người trong cuộc, một giáo viên trẻ đang hàng ngày đứng trên bục giảng, do chưa có đủ trình độ để bàn luận hay đánh giá những vấn đề thuộc về vĩ mô nên tôi xin được nêu ra những trăn trở về một số vấn đề mắt thấy tai nghe hàng ngày - đó là tình trạng nhộm nhoạm trong việc dạy và học, vấn đề suy thoái đạo đức nhà giáo, tình trạng lệch lạc trong quan niệm về quan hệ thầy - trò đang diễn ra ngày càng phổ biến để góp thêm một tiếng nói với mong muốn cháy bỏng là trong những năm tới, bộ mặt giáo dục Việt Nam ta sẽ ngày càng khởi sắc, để chính mình có thể ngẩng cao đầu tự hào tuyên bố với đời: Tôi là một nhà giáo!

Quả thực trong giáo dục rất cần sự trung thực mà nói một cách nôm na là phải biết nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận những ý kiến đánh giá đa chiều để tự bản thân một trường, một cơ sở đào tạo nói riêng và toàn ngành giáo dục nói chung có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, liên tục đổi mới để theo kịp với nhịp độ phát triển của mọi mặt đời sống xã hội. Nhưng hình như giáo dục Việt Nam chưa có cái văn hóa đó. Tôi dự nhiều lễ khai giảng, lễ kỷ niệm dịp này dịp nọ - không chỉ trường tôi mà còn nhiều trường khác - và nhận thấy một điểm chung là: tất cả những bài diễn văn, những bản báo cáo, những lời phát biểu đều tập trung nhấn mạnh vào những con số ấn tượng về chất lượng dạy và học - những thành tích mà thú thực, khi nghe đến chúng, những người trực tiếp làm công việc chuyên môn như chúng tôi cảm thấy hết sức vô lý và đáng xấu hổ.

Vô lý ở đây là nhiều thành tích như thế, tại sao trường này, cơ sở này vẫn lẹt đẹt bao nhiêu năm liền nổi tiếng với tình trạng học trò ra trường không thể tìm được việc làm hoặc không thể tiếp tục học tập ở những bậc học cao hơn (đó là tôi còn chưa nói đến nhiều nơi mạnh dạn tuyên bố là đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự nghiệp công nghiêp hóa - hiện đại hóa đất nước). Đáng xấu hổ là những vị đứng ở bục phát biểu kia, kể cả thủ trưởng của cơ sở đào tạo và cơ quan cấp trên, lại có thể đàng hoàng, tươi cười tuôn ra những lời dối trá một cách trắng trợn như vậy. Những bài viết, bài nói dài lê thê của họ hầu như không bao giờ đả động đến những bất cập đang tồn tại dai dẳng, ảnh hưởng tai hại đến nhiều thế hệ học trò, có chăng, nếu buộc phải đề cập đến, họ đều dùng phương pháp nói giảm, nói tránh. Tại sao các vị ấy không hiểu được rằng, chính sự né tránh, lấp liếm ấy lại là điều kiện để những bất cập tiếp tục âm thầm phát huy tác hại ghê gớm đến chất lượng dạy và học? Bản thân đội ngũ giáo viên biết điều đó, nhưng họ không dám đề cập đến bởi cách nói của những vị thủ trưởng kia cũng tương đương như một lời răn đe nghiêm khắc đối với những ai dám đi ngược lại quan điểm của họ.

Và từ đó, tình trạng nhộm nhoạm, à uôm trong việc dạy và học giống như một bệnh truyền nhiễm lan nhanh từ trường này đến trường khác, từ cấp học này đến cấp học khác. Giáo viên lên lớp cốt sao cho đủ giờ để việc tính tải giảng dạy và thanh toán giảng dạy diễn ra suôn sẻ mà không cần quan tâm đến nhu cầu thực sự của học trò là gì, nhu cầu của xã hội là gì và học trò của mình có khả năng đáp ứng được những nhu cầu ấy hay không. Nhiều giáo viên, trong đó có không ít giáo viên trẻ, lười tiếp thu kiến thức mới, lười học ngoại ngữ, lười soạn bài giảng và giáo án đến nỗi giờ lên lớp giống như là trường đoạn của một vở kịch buồn tẻ - và họ cũng không thể trách học trò của mình ngủ gật hay làm việc riêng được bởi chính họ không đủ khả năng kéo học trò về với bài giảng của mình, không thể định hướng tư duy cho học trò trong việc tiếp cận kiến thức cơ bản của môn học. Tôi cho rằng đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm chất lượng dạy và học.

Người ta có thể đổ lỗi cho thu nhập từ việc giảng dạy (chính khóa) là thấp nhưng đó cũng chỉ là sự ngụy biện cốt để che giấu đi cái bản chất của sự việc. Có những thầy cô giáo vẫn với mức lương ấy, nhưng nhờ năng lực và trình độ của mình, họ còn có thể tham gia trong nhiều công việc khác mà không làm ảnh hưởng đến công việc chính của mình là dạy học, và đặc biệt là nếu có đủ tâm và tầm thì chính những công việc chuyên môn thực tế ngoài giảng dạy lại bổ sung những kiến thức quan trọng giúp họ tự tin đưa ra những kiến giải đầy sức thuyết phục cho học trò của mình.

Tôi thực sự ấn tượng trước tuyên bố của một thầy giáo: đã là giáo viên, khi lên lớp anh phải như "lên đồng", tức là phải vứt bỏ hết những lo toan trần tục để cho bài giảng của mình giống như một bộ phim hay, học trò xem hết rồi mà vẫn còn muốn xem nữa. Đáng tiếc là những thầy cô tâm huyết như thế đang ngày càng ít đi, ít đến nỗi mà học trò mỗi khi có may mắn được học - dù chỉ là một môn hay một vài tiết - với thầy cô đó, các em sẽ nhớ mãi không quên. Hiện thực đó đang tạo ra lỗ hổng rất lớn trong giáo dục và đào tạo: vì người dạy không ra hồn nên học sinh không muốn học, chỉ cốt sao cho đạt được mục đích là tốt nghiệp đúng thời hạn. Khi tốt nghiệp rồi thì thi vào đâu cũng trượt, đến nỗi các cơ quan, doanh nghiệp ngao ngán không hiểu người ta đào tạo ra những anh cử, chị cử, thậm chỉ thạc sỹ gì đó để giúp ích được gì cho đời. Có lẽ bất cứ ai có tâm huyết với giáo dục và đào tạo đều không khỏi xót xa trước thực tế là có không ít sinh viên sắp tốt nghiệp mà vẫn còn chưa hiểu chuyên ngành của mình thực chất là cái gì, không thể thực hiện được dù chỉ là những thao tác nghiệp vụ đơn giản. Bởi vì không ai dạy các em những thứ ấy, đó là chưa kể tình trạng xem nhẹ giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính giúp các em có những kiến thức xã hội cần thiết khi bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời với tư cách là một công dân thực thụ. Giáo dục như thế không thể gọi là nền giáo dục tiên tiến được - đó là tôi không muốn dùng từ giáo dục theo kiểu vô nhân đạo.

Giáo viên là một nghề cao quý - không ai phủ nhận điều đó. Nhưng tôi nhận thấy hiện nay trong đội ngũ giáo viên có nhiều vấn đề cần phải bàn luận một cách nghiêm túc. Người ta có thể nhận thấy sự tắc trách của những người làm công tác quản lý giáo dục khi ban hành và thực hiện những chính sách ngược đời về đào tạo và tuyển dụng giáo viên. Các trường sư phạm đua nhau tuyển sinh dưới mọi hình thức, từ xét tuyển (tôi thấy nực cười chuyện xét tuyển vào học ở ngành sư phạm, đặc biệt là sư phạm tiểu học và mầm non) đến liên thông, liên kết, đào tạo tại chức, đào tạo từ xa (giáo viên mà đào tạo từ xa thì thật không hiểu nổi). Hậu quả là cho ra đời những thầy, những cô năng lực thì thiếu mà những thứ không cần thiết thì thừa. Còn tuyển dụng giáo viên thì chẳng theo một tiêu chuẩn nào ngoài tiêu chuẩn quen biết và... tiền.

Thế là xảy ra tình trạng cả hệ thống cùng chạy, sinh viên tốt nghiệp thì chạy để đi dạy, giáo viên thì chạy đến những nơi làm việc hoặc những vị trí làm việc tốt hơn, những nhà quản lý thì chạy lẫn nhau để tạo điều kiện cho cấp dưới hay người thân, bạn hữu của mình biết đường mà chạy. Kết quả là, hệ thống giáo dục và đào tạo của chúng ta giống như bức vẽ của một họa sỹ tồi, khiến cho việc những gia đình có điều kiện cố gắng để con em mình không phải có mặt trong bức tranh đó cũng là điều dễ hiểu. Chưa hết, khi đào tạo giáo viên, hình như người ta quên mất việc trước hết phải đào tạo cho họ trở thành những người mẫu mực của xã hội - bởi không mẫu mực thì không thể làm gương cho học trò của mình được. Vì vậy trong xã hội ngày càng phổ biến những sự việc đau lòng mà nguyên nhân chủ yếu là sự băng hoại đạo đức nhà giáo. Đến nỗi nhiều người có lương tâm và trách nhiệm đã không ít lần lên tiếng chất vấn các cơ quan chức năng của Bộ giáo dục và đào tạo về vấn đề này (rất đáng tiếc là cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời hợp tình hợp lý). Cơ chế đào tạo, tuyển dụng và sử dụng giáo viên như thế cũng không thể là của một nền giáo dục tiên tiến được.

Đạo thầy trò là nét đẹp truyền thống của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới - chứ không phải của riêng ta. Quan hệ thầy - trò không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa mà còn thể hiện cả trình độ dân trí của một quốc gia. Tôi nhiều lần nghe các quan chức trong ngành giáo dục hô hào phấn đấu thầy ra thầy, trò ra trò nhưng xem ra có nhiều điểm bất ổn. Nguyên nhân của những bất ổn đó là ở chỗ các vị chỉ nói mà không chịu nghe, không chịu nhìn để thấy tường tận những vấn đề của cuộc sống đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ thầy trò trong giai đoạn hiện nay. Người ta có thể đổ lỗi cho mặt trái của cơ chế thị trường, nhưng theo tôi không phải vì nếu như thế, bất kỳ quốc gia nào có nền kinh tế thị trường thì đều phải có hiện tượng trò khinh thường thầy, thậm chí hành hung, đe dọa đến sự an nguy và tính mạng của thầy. Tôi đã từng nghe nhiều học sinh, sinh viên khi nói chuyện với nhau thường mang những người thầy, cô giáo của mình ra để bình luận, đánh giá.

Tất nhiên quyền nhận xét là của mỗi người, nhưng để xảy ra tình trạng trò nhận xét thầy với những lời lẽ không mấy tốt đẹp thì các thầy phải nên xem xét lại. Nhiều nơi hiện nay tổ chức lấy ý kiến sinh viên về tình hình dạy và học trong đó có mục nhận xét các thầy cô giáo nhưng chủ yếu còn mang nặng tính hình thức vì kết quả nhận xét không được công bố công khai - theo tôi, không dám công bố cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận thất bại trong việc quản lý và giáo dục ý thức trách nhiệm cũng như đạo đức của giáo viên. Rất nhiều giáo viên chưa tự tạo ra những kênh thông tin tốt để học trò có thể trao đổi thẳng thắn với mình về kiến thức cũng như nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội từ đó tạo ra mối quan hệ gần gũi thân thiết giữa thầy và trò. Đồng thời lại có không ít giáo viên lại quan hệ với học trò của mình theo kiểu "cá mè một lứa", tình cảm thầy trò được xây dựng trên những mối quan hệ vật chất tầm thường, vô tình xóa nhòa ranh giới thiêng liêng giữa thầy và trò. Không cần phải hô hào giáo điều khó nghe, người ta chỉ cần nhắc nhở nhau rằng: các thầy, các cô đối với học trò phải vừa đủ gần nhưng cũng phải vừa đủ xa. Đủ gần để học sinh thấy thầy cô của mình như những người bố, người mẹ, người anh, người chị, người bạn đường thân thiết nhưng đủ xa để học trò của mình lúc nào cũng phải nhìn lên với sự ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc. Thiết nghĩ thực hiện điều đó không khó nhưng cũng không hề dễ, và cố gắng thực hiện điều đó thì mới có cơ may xây dựng được một nền giáo dục tiên tiến, một nền giáo dục thực sự vì con người.

Tôi kết thúc những trăn trở của mình bằng những câu hỏi của thầy tôi: Thầy trò mình biết tất cả những điều đó, sao các vị quan chức trong ngành giáo dục không biết nhỉ? Hay là họ biết đấy nhưng cố tình để nguyên như thế, giống như cố tình thò chân khuấy cho vũng nước đục ngầu đi để dễ dàng vụ lợi. Mà sao trong giáo dục đào tạo người ta lại cố tình vụ lợi nhỉ?...

Thầy ơi, chừng nào chưa trả lời thỏa đáng những câu hỏi của thầy, thì giáo dục Việt Nam vẫn chưa phải là một nền giáo dục thực sự vì con người!



No comments: