Friday, December 11, 2009

MỘT BƯỚC LÙI TRONG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH của NGÀNH GIÁO DỤC

Dự thảo quy chể quản lý du sinh :
Một bước lùi trong cải cách hành chính của ngành giáo dục?
Tác giả: Nguyễn Quốc Định
Bài đã được xuất bản.: 1 giờ trước (11-12-2009)
http://tuanvietnam.net/2009-12-10-mot-buoc-lui-trong-cai-cach-hanh-chinh-cua-nganh-giao-duc-
Dự thảo quy chế Quản lý công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài mới ban hành là một bước lùi đối với công cuộc cải cách hành chính. Trong khi Thủ tướng CP đang phân quyền cho các bộ ngành, thì Bộ GD và ĐT lại chưa mạnh dạn phân công việc quản lý cán bộ đi học cho các cơ quan, bộ chủ quản theo nhu cầu.

Là những người đã từng đi học ở châu Âu những năm 2000-2001, chúng tôi rất quan tâm đến bản dự thảo "Quy chế quản lý công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài" do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố ngày 02/12/2009 trên trang chủ của Bộ (
http://www.moet.gov.vn/?page=6.4&view=1823)
Trước kia, khi chúng tôi được các trường ĐH ở nước ngoài cấp học bổng, trình tự thủ tục phải làm như sau: Người học làm đơn xin phép và cam kết với cơ quan chủ quản cho phép đi học và trở về sau khóa học, chịu sự phân công của tổ chức. Sau khi cơ quan chủ quản ra quyết định cho phép được đi học, với kinh phí do phía bạn đài thọ, người học làm thủ tục visa và xuất cảnh.
Khi về nước, người học có trách nhiệm báo cáo kết quả học tập, nộp bảng điểm và bằng tốt nghiệp cho cơ quan chủ quản. Một số anh chị em có khả năng và nhu cầu đi học tiếp, lại làm đơn xin với cơ quan chủ quản. Tùy nhu cầu sử dụng cán bộ và nhiệm vụ của cơ quan, cơ quan chủ quản có thể đồng ý cử cán bộ đi học tiếp hoặc hoãn đến năm tiếp theo.
Đối với du học sinh tự túc, sau khi được trường ĐH hoặc viện nghiên cứu ở nước ngoài chấp nhận, chứng minh được khả năng tự chủ về tài chính thì cũng xin được visa xuất cảnh đi học. Những năm gần đây, mỗi năm có hàng chục ngàn du học sinh đi học theo diện tự túc ở mọi trình độ.
Như vậy, những năm vừa qua, việc quản lý công dân VN đang đào tạo ở nước ngoài là rất tốt, chặt chẽ nhưng lại thông thoáng và thuận tiện cho lưu học sinh học tập ở nước ngoài, cho dù đầu mối quản lý là Bộ GD và ĐT hay là cơ quan bộ chủ quản.

Bất cập, không thực tế và thiếu khả thi

Gần đây, số lượng du học sinh ngày càng đông, nhất là theo diện tự túc. Có lẽ, việc tập trung đầu mối quản lý du học sinh về Bộ GD và ĐT là cần thiết, nhằm nắm bắt năng lực của nguồn lao động cũng như hướng du học sinh vào những ngành đang cần nhân lực của nền kinh tế quốc dân. Xuất phát từ mục đích đó, bản dự thảo mới đây đã đáp ứng được nhu cầu này.
Tuy vậy dự thảo "Quy chế quản lý công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài" mới ban hành bộc lộ một số điểm bất cập không phù hợp với tình hình mới, không thực tế và thiếu tính khả thi. Cụ thể:

Điều 4, khoản 3: "Được quyền học chuyển tiếp lên trình độ cao hơn theo diện cấp học bổng sau khi tốt nghiệp khóa học theo quy định của Bộ GD và ĐT" mâu thuẫn với điều 4, khoản 1: "Được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ". Như vậy chỉ những du học sinh hoàn thành "khóa học theo quy định của Bộ GD và ĐT" và thường là diện có học bổng mới được chuyển tiếp còn những du học sinh tự túc, thường không theo "khóa học theo quy định của Bộ GD và ĐT" sẽ không được hưởng quyền này.
Theo chúng tôi nên bỏ điều này trong quy chế. Mọi sinh viên dù tốt nghiệp trong nước hay nước ngoài muốn nhận học bổng chuyển tiếp bằng ngân sách nhà nước đều phải vượt qua kỳ thi quốc gia. Những du học sinh có lợi thế trình độ ngoại ngữ sẽ phản ánh vào điểm ngoại ngữ. Quy định này bất công cho những học sinh tốt nghiệp trong nước, có trình độ nhưng không có khả năng cạnh tranh để giành được một trong số học bổng còn lại.

Điều 5, khoản 4: "Chịu sự quản lý trực tiếp của Cơ quan đại diện VN ở nước ngoài hoặc đơn vị lưu học sinh (nếu có); tham gia các hoạt động do Cơ quan đại diện VN ở nước ngoài hoặc đơn vị lưu học sinh tổ chức." Theo tôi, cần chỉ rõ nội dung, phương thức quản lý của Cơ quan đại diện VN ở nước ngoài. Cơ quan đại diện có quyền điều động lưu học sinh hay không? Việc tham gia các hoạt động do cơ quan đại diện tổ chức không nên là bắt buộc, nếu có ảnh hưởng đến việc học tập.

Điều 5, khoản 6. "Lưu học sinh được cấp học bổng nếu kéo dài thời gian học tập, thay đổi địa điểm học tập, ngành học, cấp học và trình độ đào tạo phải có hồ sơ xin phép và được Bộ GD và ĐT cho phép."
Nên sửa lại là "Lưu học sinh được cấp học bổng nếu kéo dài thời gian học tập, thay đổi địa điểm học tập, ngành học, cấp học và trình độ đào tạo phải có hồ sơ xin phép và được Bộ GD và ĐT hoặc cơ quan có thẩm quyền cử đi học cho phép" để phù hợp với Điều 5, khoản 5 và Điều 11. Cơ quan nào cử đi học thì được phép gia hạn, thay đổi ngành học.

Điều 5, khoản 6. "Báo cáo tình hình học tập, nghiên cứu sau mỗi năm học với Cơ quan đại diện VN ở nước ngoài."
Nên sửa lại là "Báo cáo tình hình học tập, nghiên cứu sau mỗi năm học với Cơ quan đại diện VN ở nước ngoài và cơ quan cử đi học bằng văn bản hoặc thư điện tử"

Điều 6: Chuyển tiếp học trình độ cao hơn (chuyển tiếp sinh)
Điều này chỉ nên áp dụng với lưu học sinh được cấp học bổng đã có cam kết với nhà tài trợ (nhà nước, tổ chức, công ty). Lưu học sinh trước hết phải có nghĩa vụ thực hiện các cam kết này. Chẳng hạn, đối với những người được cơ quan nhà nước cử đi học đã phải cam kết sau khi kết thúc khóa học phải về nước báo cáo kết quả với cơ quan chủ quản và Bộ GD và ĐT, nếu đi bằng ngân sách nhà nước qua dự án 322. Đối với những người đi theo Hiệp định, thoả thuận hợp tác giữa các chính phủ như AUSAID, VEF, NUFIC, DAAD thì những người nhận học bổng đã cam kết sẽ trở về nước sau khi hoàn thành khóa học.
Việc chuyển tiếp nên phân quyền quyết định cho cơ quan, Bộ chủ quản của người đi học và có gửi Bộ GD và ĐT để theo dõi. Cơ quan chủ quản là nơi nắm rõ tình hình nhân sự cũng như nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan. Nếu cơ quan chủ quản đồng ý cho đi học mà Bộ không cho đi thì sẽ thiệt thòi cho cơ quan chủ quản và bản thân du học sinh. Như vậy cũng phù hợp với xu thế „một cửa" của cải cách thủ tục hành chính.
Đối với người đi học tự túc, không nên có quy định này, vì như thế sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa người học trong nước và người học ở nước ngoài. Chẳng hạn sinh viên học ĐH (cao học) trong nước muốn học cao học (nghiên cứu sinh) ở nước ngoài không phải qua những thủ tục này.
Những người đi học tự túc và muốn chuyển tiếp bằng ngân sách nhà nước thì cũng đã chịu ràng buộc bởi các cam kết với Bộ GD và ĐT và theo quy chế cấp học bổng của Bộ, có nghĩa là phải tuân thủ điều này.
Việc ra quy chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và người đi học. Vì vậy, quy chế phải có tính khả thi. Việc thực hiện quy chế như dự thảo sẽ gây rất nhiều khó khăn cho người đi học, trong lúc Bộ đang quá tải với các nhiệm vụ của mình.

Nên tạo dòng chảy nhân lực thông thoáng
Điều 9. Việc ở lại công tác tại nước sở tại. Khoản 1: "Sau khi tốt nghiệp, lưu học sinh được ở lại làm cộng tác viên khoa học hoặc hợp đồng sản xuất, thời gian ở lại không quá 3 năm kể từ khi tốt nghiệp (sau đây gọi chung là ở lại sau tốt nghiệp)".
Quy định thời hạn 3 năm sau khi tốt nghiệp là không thực tế, không khả thi và trái với tinh thần của hiến pháp: Mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc, và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Tôi không phải là chuyên gia luật pháp nên không biết là điều này có trái hiến pháp (quyền được lao động và quyền ra nước ngoài) hoặc luật lao động của VN không?
Nhưng điều này sẽ tạo nên sự bất bình đẳng giữa người VN và người nước ngoài. Trong khi người nước ngoài làm việc ở VN không bị pháp luật của VN hạn chế thời gian là 3 năm, thì người VN làm việc ở nước ngoài lại bị hạn chế thời gian. Trong khi các nước đang ra sức bảo hộ (tinh vi) cho công ăn việc làm của công dân của họ, thì VN lại tự mình lấy đi những việc làm tốt của công dân nước mình (gián tiếp mang lại lợi ích cho đất nước).
Thực tế hiện nay, có nhiều người đi học những ngành mà VN chưa có nhu cầu sử dụng. Chẳng hạn ngành điện hạt nhân trong vòng 20 năm trở lại đây, nhiều người được đào tạo trở về nước làm những việc khác, đến nay VN cần đội ngũ những người làm điện hạt nhân thì thiếu trầm trọng. Vậy, hãy để thị trường tự điều tiết nhu cầu về nhân lực. Nếu thị trường nhân lực VN đòi hỏi thì không những sinh viên VN mà ngay cả người Việt ở nước ngoài cũng sẽ trở về, cả người nước ngoài cũng sẽ vào.
Làm thế nào để dòng chảy nhân lực được thông thoáng mới là quan trọng. Thử tưởng tượng 3 năm nữa, khoảng 20 giáo sư toán học đã từng là du học sinh như Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Tiến Dũng, Phạm Hữu Tiệp ... sẽ về VN theo quy chế này thì sẽ ra sao.
Thực tế là nhiều người sau khi học xong được ký các hợp đồng vô thời hạn. Giới hạn 3 năm sẽ làm mất những cơ hội về nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống. Nếu những người này làm cho các tổ chức quốc tế như UNDP, WB hay các công ty công nghệ cao thì lợi ích về lâu dài cho đất nước còn nhiều nữa.
Nếu điều trên được thực hiện, chắc chắn tạo ra hàng ngàn người vi phạm pháp luật một cách bất đắc dĩ. Nếu như việc cho phép đảng viên làm kinh tế, phù hợp với thực tế, đã gỡ tội cho rất nhiều đảng viên phá rào, thì điều khoản này đang làm ngược lại tinh thần ấy.
Điều này cũng chỉ nên áp dụng với lưu học sinh được cấp học bổng đã có cam kết với nhà tài trợ (nhà nước, tổ chức, công ty). Lưu học sinh trước hết phải có nghĩa vụ thực hiện các cam kết này. Nhưng cũng nên để mở, nếu có lưu học sinh được cấp học bổng nào muốn ở lại sau thời hạn 3 năm thì phải bồi thường học bổng theo đúng cam kết với nhà nước hoặc nhà tài trợ.

Khoản 3: Lưu học sinh được ở lại làm cộng tác viên khoa học, hợp đồng sản xuất (hoặc nghiên cứu theo hình thức hợp đồng được nhận tiền) phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định hiện hành của nhà nước."
Điều khoản này lại thiếu tính khả thi và phân biệt đối xử. Phân biệt giữa sinh viên VN tốt nghiệp đi làm với người VN đang làm việc tại nước ngoài. Trong khi nhiều người VN làm việc tại nước ngoài không bị đóng thuế ở VN thì sinh viên tốt nghiệp xong đi làm lại bị đóng thuế.
Hơn nữa, sinh viên VN nói riêng và người VN nói chung ở nước ngoài, đi làm đều chịu thuế thu nhập ở nước sở tại. Sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí, thì thu nhập thực tế chỉ vừa đủ cho chi trả hàng tháng cho tiền thuê nhà và sinh hoạt gia đình. (Ở châu Âu, thu nhập sau thuế trung bình khoảng 1000eu/ tháng đối với sinh viên tốt nghiệp ĐH và cao học). Với một số người có gia đình và con nhỏ thì thu nhập còn dưới mức thu nhập tối thiểu và cần có trợ cấp xã hội của nước sở tại. Trong những trường hợp này liệu nhà nước có trợ cấp cho sinh viên ở lại không, vì nghĩa vụ đi đôi với quyền lợi?
Nên chăng quy định những người đi học bằng ngân sách nhà nước, sau khi tốt nghiệp đi làm ở nước ngoài thì có nghĩa vụ (đạo lý và pháp lý) trích một phần thu nhập (5% thu nhập sau thuế chẳng hạn) để đóng góp vào quỹ khuyến học hoặc quỹ 322 do Bộ GD và ĐT quản lý, nhằm thúc đẩy GD nước nhà (chứ không phải là nghĩa vụ thuế).

Điều 12, khoản 3: "Lưu học sinh tự túc báo cáo kết quả học tập với Bộ GD và ĐT hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương."

Điều 13, Khoản 5: "Lưu học sinh tự túc, khi kết thúc việc học tập ở nước ngoài (tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp), trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày về nước, có trách nhiệm gửi hồ sơ kết thúc khóa học đến UBND các tỉnh, TP. trực thuộc trung ương hoặc Bộ GD và ĐT, hoặc Bộ LĐ-TB và XH".
Những điều này phân biệt đối xử sinh viên trong nước và lưu học sinh ở nước ngoài vì học sinh trong nước không phải báo cáo với các cơ quan như trên.
Đối với lưu học sinh có học bổng thì việc báo cáo là đương nhiên, phù hợp với các cam kết khi nhận học bổng.

Điều 18, khoản 2: Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tổ chức quản lý lưu học sinh; cử cán bộ chuyên trách làm công tác lưu học sinh tại các Cơ quan đại diện VN ở nước ngoài sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan."
Hiện nay Đại sứ quán VN ở nước ngoài làm rất tốt công tác quản lý lưu học sinh. Bộ GD và ĐT không cần cử cán bộ chuyên trách ở nước ngoài gây lãng phí ngân sách, phình biên chế. Với các công cụ quản lý hiện đại, thì bộ phận chuyên trách có thể ở VN nhưng vẫn có thể quản lý tốt tình hình học tập của sinh viên ở nước ngoài.

Với đặc thù sinh viên học tại nhiều trường ĐH, một cán bộ chuyên trách tại nước ngoài cũng không quản lý xuể, nếu muốn quản lý thủ công như sinh viên trong nước. Nên giao việc quản lý con người cho Bộ Ngoại giao, có chuyên môn, nghiệp vụ và hiểu biết về luật pháp, văn hóa của nước sở tại. Bộ GD và ĐT chỉ nên quản lý tình hình số lượng, ngành đào tạo, kết quả học tập của lưu học sinh.
Ngay việc lập dự toán và tiếp nhận kinh phí cho công tác lưu học sinh, làm thủ tục cấp phát đúng chế độ và đúng quy định cho dự án 322 mà Bộ GD và ĐT còn cấp phát kinh phí chậm, báo chí phải lên tiếng khá nhiều.

Theo tôi, dự thảo „Quy chế quản lý công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài" mới ban hành là một bước lùi đối với công cuộc cải cách hành chính. Trong khi Thủ tướng CP đang phân quyền cho các bộ ngành, thì Bộ GD và ĐT lại chưa mạnh dạn phân công việc quản lý cán bộ đi học cho các cơ quan, bộ chủ quản theo nhu cầu.
Ngoài ra văn bản dự thảo còn có nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp, không phù hợp với một văn bản pháp luật ở tầm cỡ quốc gia, nhất là lại do Bộ GD và ĐT chủ trì soạn thảo.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.



No comments: