Saturday, December 12, 2009

LÀM KHÓ CÁC NHÀ TƯ BẢN

Làm khó các nhà tư bản
Ngô Nhân Dụng
Friday, December 11, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=105449&z=7
Chỉ còn hai tuần nữa là lễ Giáng Sinh. Mối lo lớn nhất của người Mỹ là có dám đem tiền đi “sắm Tết” hay không? Nếu tin tưởng kinh tế sắp lên thì sẽ đi mua quà, và mua món đắt tiền. Ngược lại, sẽ cố nhịn, tiếp tục ăn tiêu dè sẻn.

Hôm qua, Bộ Thương Mại Mỹ đã loan báo một tin vui: Số bán của các cửa hàng bán lẻ trong Tháng Mười Một đã tăng thêm được 1.3%, gấp đôi con số mà các nhà kinh tế dự đoán vì họ dè dặt trước cảnh nạn thất nghiệp vẫn chưa thuyên giảm. Trừ số xe hơi và xăng bán gia tăng, nói chung giới tiêu thụ Mỹ đã chi thêm 0.8%. Một tin mừng nữa là trong Tháng Mười các xí nghiệp Mỹ đã bắt đầu chất thêm hàng vào kho, sau 13 tháng chỉ rút ra mà không đưa vào. Như vậy tức là guồng máy sản xuất trong nền kinh tế đã rục rịch chạy trở lại; một lý do khiến tỷ lệ thất nghiệp rút từ 10.2% xuống 10%. Tổng Sản Lượng Nội Ðịa đã tăng 2.8% một năm trong quý thứ ba, sau 4 quý liền chỉ thấy xuống. Nhìn ra thế giới, thị trường Á Châu cũng đang lên, đó cũng là một tin mừng cho nước Mỹ vì kinh tế toàn cầu lên thì các nước đều thêm cơ hội phát triển.

Nhưng kinh tế là một khoa học không chính xác lắm. Dù có các tin mừng, mọi người vẫn lo cơn khủng hoảng bắt đầu từ các ngân hàng 2 năm trước vẫn còn di hại, nếu kinh tế có hồi phục thì cũng tiến lên rất chậm chạp. Trong khi đó, chính phủ các nước đều lo đặt ra các luật lệ mới để kiểm soát, điều tiết hoạt động của các ngân hàng, ngăn không cho một cuộc khủng hoảng tương tự xẩy ra trong tương lai.

Ngày hôm qua, Hạ Viện Mỹ đã thông qua một dự luật cải tổ hệ thống tài chánh quan trọng nhất kể từ sau Ðại Chiến Thứ Hai. Dự luật này sẽ cho chính phủ Mỹ thêm nhiều quyền hạn để kiểm soát hoạt động của các ngân hàng và bảo vệ người tiêu thụ trong việc vay nợ. Trong tháng tới, đến phiên Thượng Viện đem bàn dự luật này, dân Mỹ sẽ được lắng nghe nhiều lý lẽ biện minh cho việc thay đổi nhiều hay ít. Một bên sẽ hô hào phải kiểm soát chặt chẽ hơn, bên kia sẽ báo động nếu chặt chẽ quá cả hệ thống tài chánh sẽ không thở được! Giới tài chánh Wall Street luôn luôn muốn được tự do hơn, trong khi công chúng thì muốn kiểm soát họ kỹ, vì còn đang nổi giận vì chính phủ phải đem tiền ra cứu các nhà tư bản! Khi được ban hành, đạo luật sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế Mỹ, cho nên đây không phải chỉ là một vấn đề “triết lý kinh tế” mà là chuyện sinh tử dính dáng đến tất cả mọi người dân.

Kinh tế tư bản được sắp đặt như vầy: Những người có tiền bỏ vốn hoặc cho vay để các doanh nhân đầu tư, lập xí nghiệp, tạo công việc làm. Những nhà tư bản đó sẽ hưởng lợi trên số tiền bỏ ra, và chịu rủi ro nếu thất bại. Việc trao đổi, như bỏ vốn thì phải có lời, làm việc thì được trả công, diễn ra trong các thị trường càng tự do càng tốt. Tốt nhất là thị trường hoàn toàn tự do, nghĩa là chính phủ không can thiệp.

Nhưng ai cũng biết là chính phủ ở các nước tư bản vẫn can thiệp, từ lâu rồi. Lý do là nếu để cho thị trường tự do tuyệt đối thì không những xã hội bất công mà chính thị trường nhiều khi cũng thất bại. Một nhóm nhà tư bản thất bại có thể gây tai họa chung cho cả xã hội, thí dụ cuộc khủng hoảng tín dụng xẩy ra từ năm 2007 đã dẫn tới cơn suy thoái kinh tế kéo dài tới bây giờ. Cho nên các chính phủ từ Âu Châu sang đến Mỹ đang giành thêm quyền kiểm soát các hoạt động của thị trường tài chánh và thị trường vốn. Câu hỏi là: Can thiệp thêm đến mức nào, để ngăn ngừa bớt những khủng hoảng tương lai đồng thời không kiểm soát quá chặt chẽ khiến thị trường thở hết nổi? Giới tài chánh, tư bản muốn bảo vệ quyền tự do làm ăn của họ; các nhà chính trị lo bảo vệ công ích thì muốn đặt thêm luật lệ để kiểm soát, phòng ngừa.

Quyết định sau cùng sẽ thuộc về người dân. Họ bằng lòng cho chính phủ can thiệp đến mức nào, thì họ sẽ bỏ phiếu cho các đại biểu Quốc Hội và chính quyền đưa ra các chính sách phù hợp với ước muốn của họ.
Các chính phủ thường làm theo ý dân, và trong này lúc lòng dân ở đâu cũng đang nổi giận đối với các ngân hàng, là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay, thì tự nhiên người cầm quyền sẵn sàng gây khó dễ cho các nhà tư bản!

Chính phủ Anh hôm Thứ Tư mới tăng thuế trên các món tiền thưởng cho nhân viên quản trị các ngân hàng, đánh thêm 50% sau khi họ đã đóng thuế như thường lệ. Họ gọi đó là “siêu thuế” (supertax)! Ngày hôm sau, tổng thống Pháp tuyên bố sẽ theo gương Anh, và bà thủ tướng Ðức cũng khen ngợi biện pháp đó, mặc dù các nhà băng phản đối. Lý luận của các nhà chính trị rất giản dị: Các vị quản đốc và nhân viên ngân hàng được thưởng khi tiền lời của nhà băng lên cao hơn mức bình thường. Làm việc giỏi thì được thưởng, xứng đáng lắm. Nhưng tại sao tiền lời của các nhà băng lại khấm khá như vậy? Vì họ đã được nhà nước cứu trợ. Chính phủ các nước đã lấy hàng trăm tỷ tiền dân đóng thuế cứu trợ các ngân hàng trong 2 năm qua. Như vậy thì ngân hàng có thêm lời không phải chỉ nhờ công lao của các vị quản đốc mà còn do dân đóng thuế đã đưa tiền cho họ dùng! Cho nên, đã thưởng thì xin thưởng luôn cho người dân đóng thuế! Lấy 50% tiền thưởng của quý vị trả lại cho công quỹ, đó cũng là lẽ công bằng! Ngày Thứ Sáu, ông chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu còn nêu thêm một lý do nên đánh thêm siu thuế. Ðó là một cách ngăn ngừa không cho các quản đốc ngân hàng sau này quyết định liều lĩnh, chỉ cốt sinh lợi tức thời ngõ hầu lấy tiền thưởng! Vụ khủng hoảng gần đây xẩy ra chính vì những quyết định đầy rủi ro khi các ngân hàng cho vay về địa ốc quá trớn!

Tất nhiên, các ông bà quản trị ngân hàng không đồng ý, nhưng chắc cuối cùng họ cũng phải chịu thua! Nếu chống, cứ đợi đến mùa tranh cử đi vận động dân bãi chức chính phủ đi!

Chính phủ Mỹ chắc không đi theo bước của Anh quốc, vì sợ sẽ bị gán cho danh hiệu “theo Chủ nghĩa Xã hội!” Nhưng hiện nay biết lòng dân vẫn oán hận các ngân hàng cho nên họ đã can thiệp khá mạnh. Ông Kenneth Feinberg, thuộc Bộ Tài Chánh, đã ra lệnh các ngân hàng đang còn được chính phủ cứu trợ từ 2 năm qua phải hạn chế số tiền lương và bổng cho nhân viên quản đốc. Xưa nay chưa bao giờ nhà nước Mỹ lại can thiệp dữ như vậy vào một chuyện “nội bộ” của các xí nghiệp và các ngân hàng! Ðiều đặc biệt là người đứng đầu công ty General Electric, một nhà “đại tư bản” như ông Jeffrey Immelt lại lên tiếng ủng hộ việc hạn chế lòng tham của các nhà quản đốc! Ngân hàng Goldman Sachs biết phận đã tuyên bố bãi bỏ tiền thưởng bằng tiền mặt của 30 vị quản đốc cao nhất!

Chúng ta thấy là tâm lý giận dữ của dân Mỹ đã ảnh hưởng rất lớn. Không những mất tin tưởng ở những người điều khiển tài chánh trong lãnh vực tư mà người dân còn oán trách chính phủ chỉ lo cứu các nhà tư bản lớn trong khi nhiều người dân vẫn tiếp tục mất việc làm! Có người đã tính rằng nếu đánh thêm “siêu thuế 50%” trên các món tiền thưởng ở ngân hàng như bên Anh, chính phủ Mỹ sẽ thu được thêm 30 tỷ Mỹ kim. Con số đó đủ để tạo ra thêm 6 triệu việc làm, bằng cách giảm 5,000 đô la tiền thuế cho các công ty mỗi khi tuyển thêm một nhân viên mới! Cách tính toán này quá đơn sơ, không đáng tin cậy lắm, vì các chủ nhân xí nghiệp có thể lạm dụng; sa thải một nhân viên rồi đợi đúng kỳ sẽ mướn vào làm lại, lãnh 5,000 đô la trừ thuế! Dù vậy, nhiều người vẫn tin vào cách tính toán đó, chứng tỏ người dân đang ghét các ngân hàng như thế nào! Và họ ghét lây ông chính phủ vì đã xin 700 tỷ đô la công quỹ để cứu các ngân hàng từ năm 2008 đến nay!

Nhưng chúng ta nên tránh một hiểu lầm lớn. Không nên nghĩ là số tiền 700 tỷ cứu trợ các ngân hàng và công ty tài chánh là tiền cho không, sẽ mất hút tất cả! Vì ngay từ đầu, khi đạo luật 700 tỷ này được ban hành dưới thời Tổng Thống Georges W. Bush thì nhà nước Mỹ đã ấn định đó là tiền giúp, các ngân hàng nhận lãnh tiền sẽ bị ràng buộc bằng những giấy nợ phải trả lãi hoặc những cổ phần phải trả tiền lời (cổ tức) chứ không cho như khi cứu trợ bão lụt! Tất nhiên, chính phủ sẽ mất tiền nếu ngân hàng được cứu vẫn yếu quá, phá sản luôn. Ngoài ra, các ngân hàng được giúp phải chịu cho nhà nước Mỹ kiểm soát một phần, thí dụ như vụ bắt họ không được đi mua ngân hàng khác, không được trả lương, bổng cho nhân viên theo ý muốn.

Cho nên, từ đó tới nay, nhiều ngân hàng được cứu trợ đã hoàn trả lại nhà nước, để được tự do, tránh các ràng buộc này! Ngân hàng JP Morgan đã trả lại cho chính phủ Mỹ 25 tỷ đô la, và trước đó đã trả khá nhiều tiền cổ tức (tiền lời của cổ phần) cho chính phủ rồi. Trong tuần này Bank of America cũng đã hoàn lại số tiền 45 tỷ đô la mà nhà nước đã giúp trước đây. Ngày hôm qua ông bộ trưởng tài chánh đã thông báo cho bà chủ tịch Hạ Viện biết rằng trong số tiền 346 tỷ Mỹ kim đã đem ra cứu trợ các ngân hàng ông tin rằng sẽ thu lại được hơn 300 tỷ (đến nay đã có 116 tỷ được trả lại).

Nhưng khi chính phủ Mỹ giúp các ngân hàng, ngoài chuyện sẽ phải hoàn trả vốn và lãi, các ngân hàng còn phải “tặng” cho nhà nước một số quyền lợi tài chánh, tiêu biểu là những “warrants,” tức là tấm phiếu cho quyền mua cổ phần của các ngân hàng này với một giá cố định, trong một thời hạn, thí dụ 10 năm. Những “phiếu mua” đó có thể vô giá trị nếu cổ phần của ngân hàng không lên trên giá được ấn định, nhưng sẽ có giá trị lớn nếu cổ phần lên cao. Và hiện nay các phiếu mua warrants này đang có giá. Khi Goldman Sachs xin trả lại chính phủ Mỹ 10 tỷ đô la cứu trợ trước đây, họ cũng điều đình mua lại tất cả các phiếu mua (warrants) mà chính phủ đang giữ, với giá 1.1 tỷ Mỹ kim; tức là nước Mỹ đã “được lời thêm” hơn 1 tỷ trong việc cứu giúp họ! Hôm qua, chính phủ Mỹ lại vừa kiếm được một món lời nữa, khi bán đấu giá các warrants mà Ngân hàng JP Morgan đã biếu khi được cứu, thu về được 936 triệu Mỹ kim!

Cho nên, xin đừng hiểu lầm rằng khi chính phủ Mỹ cứu các ngân hàng tức là họ cho không, như lối làm kinh tế bao cấp. Cứu các nhà tư bản, nhà nước cũng làm theo lối tư bản; tức là phải có trao đổi, ông mất của kia, bà chìa của nọ! Năm chính phủ Mỹ đã cứu công ty xe Chrysler và kiếm bộn nhờ bán lại các warrants khi giá cổ phần của họ lên cao.

Nhưng đa số công chúng ở Mỹ không để ý đến điều đó, vẫn tưởng là ông nhà nước đem 700 tỷ tiền đóng thuế của dân đi cho bọn tư bản giàu sụ! Cơn giận dữ của họ là một cơ hội cho các nhà chính trị thắt chặt vòng tay kiểm soát với các ngân hàng! Tuy nhiên, công việc kiểm soát đó là cần thiết. Ít nhất để tránh những tai họa do lòng tham của giới tài chánh gây ra, mà nạn nhân là hàng triệu người dân đang lo không có tiền đi sắm sửa lễ Giáng Sinh!




No comments: