Tuesday, December 15, 2009

HỢP TÁC QUỐC PHÒNG VIỆT NAM và CÁC NƯỚC

Hợp tác quốc phòng Việt Nam và các nước
BBC
Cập nhật: 15:04 GMT - thứ ba, 15 tháng 12, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/12/091215_thayer_military.shtml
Gần đây, Việt Nam đang có các động thái đáng chú ý trong lĩnh vực quốc phòng.
Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa ra Sách trắng 2009, công bố một số chiến lược, chính sách và cơ cấu quân đội.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh hiện đang thăm Hoa Kỳ và Pháp, đồng thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nga với nghị trình cũng đề cập tới các vấn đề quốc phòng.

Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nổi tiếng chuyên nghiên cứu Việt Nam của Học viện Quốc phòng Úc châu, có nhận định về quan hệ quốc phòng của Việt Nam với các nước:
"Ngân sách quốc phòng của Việt Nam cho tới năm ngoái vẫn còn quá nhỏ bé để có thể mua tàu ngầm và chiến đấu cơ của Nga. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể mua các loại vũ khí khác từ Nga, cũng như từ Pháp và Hoa Kỳ, mà mới đây đã nới lỏng các hạn chế về bán vũ khí cho Hà Nội.
Nếu như Việt Nam mua vũ khí từ các nguồn trên, thì tiếng nói của nước này trong vùng biển tranh chấp là Biển Đông sẽ có sức nặng hơn.
Thế nhưng việc Việt Nam ra Sách trắng Quốc phòng sớm một năm có thể là chỉ dấu vẫn còn hạn chế trong ngân sách ít nhất là trong 5-6 năm tới.

Sách trắng và việc mua vũ khí của Nga
Nói chung trong năm 2009, rõ ràng là quân đội Việt Nam đã trở nên năng động và mạnh mẽ hơn. Các sự kiện như thành lập Vùng 2 Hải quân, hay thông qua Luật Dân quân Tự vệ tại Quốc hội cho thấy điều đó.
Lãnh đạo Việt Nam ra chỉ dấu rằng dân quân biển sẽ được vũ tranh nếu hoàn cảnh đòi hỏi. Và nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết là một hợp đồng mua bán vũ khí khổng lồ đang gần hoàn tất.
Sách trắng thường có nội dung đánh giá môi trường chiến lược của một quốc gia. Rõ ràng các diễn biến hiện thời tại Biển Đông khiến Việt Nam lo ngại và việc công bố Sách trắng cũng là một phần của chiến lược đối ngoại-chính trị của Việt Nam nhằm mang thông điệp chiến lược của Hà Nội ra trường quốc tế.
Tất nhiên ngân sách quốc phòng của Việt Nam như công bố trong Sách trắng là rất khiêm tốn, thế nhưng kinh tế Việt Nam càng phát triển thì ngân sách dành cho quốc phòng cũng từ đó mà tăng theo.
Kể từ khi phía Nga tiết lộ thông tin rằng Việt Nam muốn mua tàu ngầm hạng Kilo và máy bay Su‐30, giới chức Việt Nam trở nên cẩn trọng hơn trong phát ngôn.
Nga là nước cung cấp chủ yếu các trang thiết bị quốc phòng cho Việt Nam và các quan sát viên nước ngoài chắc chắn sẽ theo dõi chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Nga một cách kỹ lưỡng.
Nga từng chấp nhận đổi vũ khí lấy hàng hóa và đây có thể là cách thức khả thi cho Việt Nam nếu ngân sách eo hẹp.
Tuy nhiên mua tàu ngầm hạng Kilo thì vô cùng tốn kém vì nó còn đi kèm theo các hệ thống vũ khí phụ trợ và trung tâm điều hành. Nếu thực sự Việt Nam muốn làm điều này, thì quá trình sẽ diễn ra một cách từ từ chứ không thể chóng vánh được.

Quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong lĩnh vực quốc phòng phát triển một cách dần dần và bao gồm nhiều thỏa thuận về các hoạt động được phép diễn ra trong một khung thời gian nhất định.
Thí dụ, hai bên đặt ra con số cho các hoạt động quốc phòng từng tháng một, hay con số các chuyến thăm cấp cao và ngay cả tàu chiến Mỹ cũng chỉ được thăm Việt Nam có một lần một năm chứ không hơn.
Tuy nhiên, những hạn chế này xem ra được nới lỏng hơn trong những năm gần đây.
Hoa Kỳ thường đi trước với các đề xuất tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai bên, và Việt Nam luôn đi sau một cách cẩn trọng hơn.
Chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ William Cohen tới Việt Nam năm 2000 đã từng bị hoãn và phải sau đấy tới ba năm mới có chuyến đi đáp lễ của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà.
Việt Nam muốn Mỹ tham gia tích cực hơn trong việc giải quyết hậu quả chất độc màu da cam.
Quan hệ quốc phòng song phương có bước tiến đáng kể từ tháng 10/2008 khi bộ ngoại giao hai bên tổ chức đối thoại chính trị-quốc phòng lần đầu tiên tại Washington.
Giới chức Hoa Kỳ sẽ đặt lên bàn một số đề xuất trong chuyến thăm của Tướng Thanh tới Mỹ lần này.
Thí dụ, Việt Nam đã chấp thuận tham gia chương trình Giáo dục và Huấn luyện Quân sự Quốc tế của Hoa Kỳ (U.S. International Military Education & Training - IMET), nhưng hiện thời sự tham gia này chỉ là dạy tiếng Anh cho quân nhân Việt Nam ở Mỹ và con số cũng nhỏ.
Tài chính của IMET cũng được dùng cho một số trao đổi trong nghiên cứu y khoa, hợp tác nhân đạo và khoa học - công nghệ quốc phòng.
Hoa Kỳ muốn Việt Nam tham gia rộng hơn trong các chương trình của IMET, như cho phép các nhóm huấn luyện của quân đội Mỹ tới Việt Nam để tham gia vào các công việc, gồm cả tăng cường an ninh hàng không.
Mỹ cũng muốn Việt Nam tăng tần số các chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ, đồng thời ký Thỏa thuận Trao đổi Dịch vụ (Acquisition Cross Servicing Agreement) với Mỹ để hỗ trợ hậu cần tốt hơn cho các chuyến thăm này.
Quan chức quốc phòng cao cấp của Việt Nam đã ra ngoài khơi thăm hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ và Mỹ hy vọng sẽ có thêm các chuyến thăm như vậy trong tương lai.
Mỹ có ý định thúc đẩy hợp tác trong tìm kiếm cứu nạn hay phát triển quy trình an toàn hàng hải cho tàu hải quân Việt Nam.
Mua bán vũ khí cũng là một lĩnh vực hai bên hướng tới. Phía Mỹ đã giải thích cho phía Việt Nam các thủ tục cần thiết và làm cách nào để nộp đơn xin báo giá. Việt Nam có thể mua của Mỹ các phụ kiện cho xe thiết giáp và trực thăng mà quân đội Bắc Việt Nam thu được từ thời chiến tranh để có thể sử dụng lại các thiết bị này.
Ngoài các thương vụ mua bán vũ khí, Hoa Kỳ cũng sẽ muốn Việt Nam nhận hỗ trợ tài chính cho Sáng kiến Hoạt động vì Hòa bình Toàn cầu (GPOI), và tham gia Sáng kiến Tăng cường An ninh (PSI) của Hoa Kỳ
GPOI liên quan tới hoạt động gìn giữ hòa bình và PSI liên quan tới hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sáng kiến thứ hai này có thể khiến Việt Nam ngập ngừng vì nó trực tiếp nhằm vào đồng minh Bắc Triều Tiên của Việt Nam.
Việt Nam cần cân nhắc kỹ càng tất cả các đề xuất để quyết định hợp tác thế nào cho có lợi nhất, không phải nhân nhượng.
Hai bên nay đã thống nhất gạt chủ đề Chất độc da cam sang bên để thúc đẩy quan hệ quốc phòng nói chung. Việt Nam có thể tìm hiểu về quân đội Mỹ, các chương trình cũng như khung luật pháp của Hoa Kỳ kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra cam kết.
Hiện cuộc đối thoại chiến lược Việt-Mỹ là do ngành ngoại giao chủ trì, Việt Nam cần cân nhắc đối thoại trực tiếp giữa hai cơ quan quốc phòng.
Điều này có thể phát triển song song với việc các bộ trưởng Quốc phòng Asean đối thoại trực tiếp theo sáng kiến của Việt Nam.


Bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Việt gặp gỡ (BBC)

Nga đóng tàu chiến cho Việt Nam (BBC)

Mỹ xem xét việc bán các thiết bị quân sự cho Việt Nam (RFI)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với thủ tướng Nga Vladimir Poutine (RFI)











No comments: