Thursday, December 10, 2009

COPENHAGEN 2009 : SỰ CHIA RẼ GIỮA CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN

Copenhagen 2009: Sự chia rẽ giữa các nước đang phát triển
ABC News
10/12/2009 - 16:53
http://www.bayvut.com.au/s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/copenhagen-2009-s%E1%BB%B1-chia-r%E1%BA%BD-gi%E1%BB%AF-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91ang-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n
Sự chia rẽ giữa các nước đang phát triển càng trở nên sâu sắc hơn tại Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc tại Copenhagen. Mối bất đồng này có liên quan tới những phương thức tốt nhất để giúp các quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi sự thay đổi của khí hậu.

Khi khí hậu biến đổi, các đảo quốc nhỏ và những quốc gia Châu Phi nghèo là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các quốc gia này muốn có một thỏa thuận mới bao gồm những điều kiện chặt chẽ hơn so với Nghị định thư Kyoto được soạn thảo vào năm 1997. Nhóm này bao gồm đảo quốc Cook Islands, Barbados, Fiji cũng như các nước Châu Phi nghèo Sierra Leone và Senegal.
Tuy nhiên, những đề nghị của họ về một hiệp ước mới với những điều khoản cứng rắn hơn đã bị phản đối bởi Trung Quốc và Ấn Độ. Lãnh đạo của hai nước này lo sợ những hành động có tính cách triệt để quá có thể gây nguy hiểm cho sự tăng trưởng kinh tế.
Trung Quốc cũng đã sử dụng Hội nghị Copenhagen để kêu gọi các quốc gia công nghiệp hóa cắt giảm lượng khí thải nhiều hơn so với các nước đang phát triển.
Bà Penny Wong, Bộ trưởng Thay đổi khí hậu Úc, người đang tham dự hội nghị, thừa nhận các cuộc đàm phán đang “gặp khó khăn ngay từ đầu”. Bà cho biết: “Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì đây là một cuộc đàm phán đầy trắc trở. Nếu chúng ta muốn có kết quả sớm thì chúng ta nên chấm dứt chuyện đổ lỗi cho nhau.”

Voi và kiến trong hội nghị
Một dự thảo thỏa thuận chưa công bố bị lộ ngày 8/12 đang khiến Hội nghị Copenhagen choáng váng. Bản dự thảo này sẽ làm suy yếu vai trò của Liên Hiệp Quốc trong các cuộc đàm phán về thay đổi khí hậu , đồng thời hủy bỏ Nghị định thư Kyoto.
Nhật báo Guardian của Anh đã công bố “văn kiện Đan Mạch” này và người ta cho rằng các nước đang phát triển sẽ gặp nguy hiểm nếu văn kiện này được thực thi. Tuần trước, một vài phần của bản dự thảo này đã bị tiết lộ nhưng đây là lần đầu tiên toàn bộ văn bản được công bố. Theo tờ Guardian, thỏa thuận bí mật này đã được soạn thảo bởi một nhóm các nước được gọi là “nhóm các quốc gia quyết tâm”. Người ta cho rằng nhóm này bao gồm các nước Úc, Hoa Kì, Anh, Đan Mạch và nhóm này đã thông qua lần cuối văn kiện này từ hai ngày qua. Văn kiện hủy bỏ Nghị định thư Kyoto, đồng thời gạt bỏ vai trò của Liên Hiệp Quốc tại các cuộc đàm phán thay đổi khí hậu trong tương lai và chuyển giao phần lớn quyền quyết định cho các nước giàu.
Nghị định thư Kyoto được soạn thảo dựa trên nguyên tắc cho rằng các nước giàu – những nước vốn có lượng khí thải lớn có thể và nên gánh vác trách nhiệm nhiều hơn trong việc cắt giảm lượng khí thải. Theo Nghị định thư, các quốc gia nghèo hơn không cần phải làm như vậy.
“Văn kiện Đan Mạch” không chỉ yêu cầu các nước nghèo phải thực hiện việc cắt giảm lượng khí thải mà còn cho phép các nước đã phát triển có thể thải một lượng khí thải gấp đôi các nước nghèo.
Ông Antonio Hill, chuyên gia tư vấn về biến đổi khí hậu của tổ chức Oxfam, cho biết: “Những gì đã được phản ánh là những điều người ta đã từng tiên liệu: khi con voi ở trong phòng thì các con kiến bị gạt ra ngoài. Điều đáng quan ngại ở đây là các nước nghèo bị gạt ra ngoài. Đây là một mối quan tâm lớn với tất cả chúng ta. ‘Văn kiện Đan Mạch’ khiến người ta không còn tập trung vào các cuộc đàm phán vốn vẫn đang diễn ra vào thời điểm này. Tôi nghĩ trách nhiệm của Đan Mạch, nước đang giữ vai trò chủ tịch hội nghị, là nên giải quyết những chuyện này và sau đó tập trung vào những vấn đề đang được thảo luận”. Ngoài ra, bản dự thảo cũng đề nghị Ngân hàng Thế giới đứng ra quản lý quỹ hỗ trợ biến đổi khí hậu với số tiền được đề nghị là 10 tỉ đô/năm. Ông Hill cho rằng số tiền này không đủ. “Để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, từ đây cho đến năm 2020 các nước đang phát triển cần phải có ít nhất mỗi năm 200 tỉ đô.”
Vào sáng ngày 10/12, ông Yvo de Boer, Tổng thư ký Ban công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, cho biết bản dự thảo nháp này chỉ là một tài liệu không chính thức để tham khảo mà thôi.

Vai trò của Hoa Kì
Là một trong những nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới nhưng Hoa Kì bị buộc tội là đang né tránh đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong một bản thăm dò ý kiến người dân Hoa Kì do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện, 57% người dân nghĩ rằng có bằng chứng chắc chắn về việc toàn cầu ấm lên. Điều này đã khiến những nhà nghiên cứu như ông Carrol Doherty phải sửng sốt vì “con số này đã giảm nhanh chỉ trong một thời gian ngắn - từ 71% vào năm 2008”. Ông Doherty cho rằng khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân cho sự sụt giảm này. Tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức 10% và vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế Hoa Kì đang phục hồi. “Mọi người cũng đã nhận thức được vấn đề khí hậu một chút, thế nhưng họ lại tự nói rằng không chắc chúng ta có khả năng giải quyết vấn đề. Thế rồi nay người ta lại tiến tới giai đoạn nghi ngờ chưa chắc vấn đề trái đất ấm dần là điều thực sự đang diễn ra.”
Khi người dân Hoa Kì tham gia cuộc khảo sát về 20 vấn đề quan tâm hàng đầu của họ thì vấn đề toàn cầu ấm lên được xếp cuối cùng.
Tổng thống Mỹ Obama sẽ đến Copenhagen vào những ngày cuối cùng của hội nghị. Giáo sư David Freestone, chuyên gia về luật môi trường tại Đại học George Washington cho biết: “Sự có mặt của Tổng thống Obama vào cuối hội nghị là rất quan trọng. Những thỏa thuận có thể đạt được ngay vào thời điểm cuối cùng này”.
Giáo sư Freestone lưu ý rằng việc chính phủ Hoa Kì tham gia hội nghị vào thời điểm cuối hội nghị như thế cũng giống như việc công dân của nước này có vẻ ít tin rằng khí hậu thay đổi đã trở thành một vấn đề thật sự.

Cảnh sát đột kích
Trong khi các cuộc thảo luận đang dần nóng lên bên trong Hội nghị Copenhagen thì ở bên ngoài, cảnh sát Đan Mạch đã đột kích vào một tòa nhà của một nhóm gồm 200 nhà hoạt động vì môi trường tại trung tâm Copenhagen vào sáng sớm ngày 10/12.
Những người này đã bị nhốt ở một tòa nhà trong vòng 2 tiếng đồng hồ trong lúc các nhân viên cảnh sát lục soát các phòng và tìm kiếm những vật dụng được cho rằng sẽ sử dụng cho cuộc biểu tình. Họ cho biết cảnh sát đã tịch thu một máy khoan điện, một máy cắt mài góc, gậy gộc, bom sơn và 193 cái khiên.
Tòa này là một trong những nơi chính quyền Đan Mạch dành cho những người chống đối. Có khoảng 30-40 ngàn người chống đối sẽ đến thủ đô Copenhagen vào tuần tới. Cảnh sát e ngại rằng một nhóm quá khích quốc tế có thể đang trên đường đến Copenhagen để tiến hành những hoạt động bạo động.


Tại Hội nghị Copenhagen, một văn kiện của nước chủ nhà Đan Mạch gây lo ngại cho nhóm G 77 (RFI)

Hội nghị Copenhagen bất đồng về hầu bao chống biến đổi khí hậu (RFI)


Copenhagen 2009: Các nước đang phát triển đang bị bỏ lại phía sau (ABC)

Hội nghị Khí hậu Copenhagen (ABC)

Giới trẻ Việt Nam và Copenhagen 2009 (ABC)












No comments: