Monday, December 14, 2009

CÔNG NGHỆ LÀM GIẢM NHIỆT ĐỘ TRÁI ĐẤT

ADB thúc giục hành động chống lại thay đổi khí hậu
Corinne Podger
Nguồn
Asian Development Bank urges Copenhagen deal
14/12/2009 - 16:42
http://www.bayvut.com.au/s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/adb-th%C3%BAc-gi%E1%BB%A5c-h%C3%A0nh-%C4%91%E1%BB%99ng-ch%E1%BB%91ng-l%E1%BA%A1i-thay-%C4%91%E1%BB%95i-kh%C3%AD-h%E1%BA%ADu
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng nếu như hội nghị khí hậu lần này ở Copenhagen không đưa ra được một thỏa ước cuối cùng, các nước đang phát triển sẽ còn phải hứng chịu những hậu quả tồi tệ hơn do thay đổi khí hậu.
Hội nghị thượng định về khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã trải qua một tuần làm việc với rất ít tiến triển trong việc vượt qua những khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo. Vào ngày thứ hai của hội nghị, một tài liệu bị rò rỉ đã cho biết các nước giàu đã thỏa thuận trước với nhau một số điều khoản, trong đó có việc hỗ trợ 10 tỉ đô la mỗi năm trong vòng ba năm tới cho các nước đang phát triển để đối phó với những ảnh hưởng của thay đổi khí hậu. Trung Quốc cho rằng khoản tiền này là không đủ, tuy nhiên chính nước này cũng chưa đồng ý phê chuẩn mục tiêu cắt giảm mức xả khí nhà kính. Điều này đã khiến các nước nghèo và các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương thất vọng bởi họ mong muốn các nền kinh tế lớn nhất, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, cùng kí vào một nghị định ràng buộc mang tính pháp lý tại hội nghị đang diễn ra ở Đan Mạch.
Châu Á là khu vực đang phải hứng chịu những ảnh hưởng của thay đổi khí hậu trước hết. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng nếu như hội nghị khí hậu lần này không đưa ra được một thỏa ước cuối cùng, các nước đang phát triển sẽ còn phải hứng chịu những hậu quả tồi tệ hơn do thay đổi khí hậu và việc chuyển đổi sang một nền kinh tế ‘xanh’ gây ra.
Ông Robert Dobias, nhân viên cao cấp của Chương trình Thay đổi Khí hậu (Climate Change Program) thuộc ADB cho biết: “Chúng tôi đương nhiên muốn thấy hội nghị Copenhagen đạt được một cam kết vững chắc và một thỏa thuận có tính tham vọng. Tuy nhiên nếu điều này không đạt được, vẫn còn rất nhiều việc vẫn đang được tiến hành và phải thực hiện”.
Đối với vấn đề nguồn tài chính để thực hiện các biện pháp đối phó với thay đổi khí hậu, nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc đã công bố những chính sách đối với các khu công nghiệp trong thành phố hay Úc và Nhật Bản đã dành nhiều khoản vay cho các nước trong khu vực Thái Bình Dương hay Indonesia. Cộng đồng Châu Âu cũng đang tiến hành thành lập những quỹ tài chính nhằm cung cấp những khoản cho vay nhiều tỉ đô la cho các nước đang phát triển. Hiện cái mà mọi người đang quan tâm là những hành động như vậy liệu có thể làm tiền đề để đưa tới một nghị định thư quốc tế với những ràng buộc rõ ràng hay không. Ông Dobias cho biết một hiệp định quốc tế là điều mà tất cả mọi người mong muốn, tuy nhiên con người phải hành động bởi những ảnh hưởng của thay đổi khí hậu toàn cầu sẽ không đợi nếu như không thể có được một công ước quốc tế trong hội nghị Copenhagen lần này.
Trước câu hỏi về vai trò quan trọng của ADB trong việc tiến tới một hiệp ước quốc tế mới về thay đổi khí hậu, ông Dobias nói: “Những gì ADB hy vọng đạt được từ hội nghị là sự đồng thuận về những vấn đề căn bản như sự cân bằng trong đối phó với biến đổi khí hậu giữa các quốc gia, những trợ giúp để thực hiện tham vọng này, đâu sẽ là nguồn tài chính để thực hiện, vấn đề chuyển giao công nghệ trong quá trình hợp tác. Tất cả những điều này đều hết sức quan trọng và hướng vào việc đối phó với thay đổi khí hậu – điều mà ADB mong muốn thực hiện”.
Trong một báo cáo mới của ADB, tổ chức này cho biết Châu Á là nơi đầu tiên sẽ chịu những ảnh hưởng của thay đổi khí hậu. Theo ông Dobias, một trong những điều quan trọng nhất mà mọi người nhận thấy là mọi quốc gia, dù ở hình thức này hay hình thức khác, đều đang có những hành động để đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Các nước Châu Á sẽ không ngồi chờ tới khi có một kết quả nào đó từ hội nghị Copenhagen mà sẽ thực hiện những biện pháp quan trọng để đối phó với vấn đề này.
Mọi sự chú ý trong tuần này tập trung vào việc Trung Quốc sẽ hành động như thế nào tại Copenhagen. Từ quan điểm của ADB, ông Dobias cho biết thêm về tầm quan trọng của việc Trung Quốc tham gia vào những nỗ lực chống lại thay đổi khí hậu và kí kết vào một hiệp ước cuối cùng:.
“Trung Quốc là một trong những nước đóng vai trò trung tâm trong việc làm giảm thay đổi khí hậu trong tương lai. Do vậy, toàn thế giới sẽ được hưởng lợi khi có một hiệp ước cuối cùng. Đó là một điều quan trọng và tôi tin rằng tất cả các nước, bao gồm cả Trung Quốc sẽ đồng ý kí vào đó”.
Ông Dobias cũng nhận xét về vai trò của khu vực tư nhân trong nỗ lực cùng với các chính phủ chống lại thay đổi khí hậu. Theo ông, khu vực tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực đối phó với thay đổi khí hậu. Giữa khu vực công và khu vực tư nhân có nhiều điểm có thể hợp tác cùng nhau trong việc đánh giá, quản lý rủi ro, đảm bảo các khung quản lý... Ngoài ra, khu vực tư nhân có thể đóng góp ở lĩnh vực công nghệ và đảm bảo rằng họ tham gia vào đó nếu cần. Bên cạnh đó, các tổ chức như ADB cũng đóng một vai trò quan trọng, nhất là trong việc chỉ cho các doanh nghiệp biết được cách thức quản lý rủi ro trong khi ứng dụng những công nghệ mới, để qua đó các doanh nghiệp sẵn sàng phát triển theo hướng này.
Trước những lo ngại về việc hội nghị Copenhagen kết thúc mà không có một hiệp ước nào được đưa ra với những mục tiêu cụ thể, ông Dobias cho biết điều này sẽ không ngăn cản ADB tiếp tục các hoạt động của mình. Ông nói:
“Nếu hội nghị Copenhagen kết thúc với kết quả tốt đẹp, điều đó sẽ giúp chúng tôi rất nhiều, tuy nhiên nếu không, đó cũng không phải là vấn đề. Chúng tôi có một chương trình hành động về thay đổi khí hậu và chắc chắn chúng tôi vẫn tiếp tục hành động dù cho có một thỏa thuận giữa các quốc gia tại hội nghị lần này hay không”.


Công nghệ làm giảm nhiệt độ Trái đất
Stephen Pincock
Nguồn
Engineering a cooler climate
14/12/2009 - 16:52
http://www.bayvut.com.au/tri-th%E1%BB%A9c/c%C3%B4ng-ngh%E1%BB%87-l%C3%A0m-gi%E1%BA%A3m-nhi%E1%BB%87t-%C4%91%E1%BB%99-tr%C3%A1i-%C4%91%E1%BA%A5t
Công nghệ làm giảm nhiệt độ Trái đất Với lượng khí thải vẫn tiếp tục gia tăng, các nhà khoa học nghiên cứu khí hậu đang nghiêm túc xem xét phương pháp làm giảm nhiệt độ Trái đất bằng công nghệ địa kỹ thuật.
Trong Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Vấn đề Biến đổi Khí hậu đang diễn ra tại Copenhagen với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, vấn đề giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí gây hiệu ứng nhà kính được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Các nhà khoa học nghiên cứu về khí hậu tán đồng rằng giảm bớt lượng khí thải cac-bon đi-ô-xít sẽ là ưu tiên số một. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đặt dấu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu sự phối hợp của các quốc gia không đủ hữu hiệu để ngăn chặn những hậu quả nguy hiểm của biến đổi khí hậu.
Cuối cùng, sau nhiều năm thảo luận và ký kết các hiệp ước, lượng khí thải CO2 vẫn tiếp tục gia tăng.
Trong khi đó, những nghiên cứu gần đây cho thấy khí hậu có lẽ đã tiến gần đến mức cao điểm không thể đảo ngược, hơn tất cả các dự đoán trước đó.
Những yếu tố này đã khiến cho một số nhà nghiên cứu xem xét một phương pháp tiếp cận triệt để nhưng nhiều rủi ro hơn để làm mát Trái đất: điều chỉnh môi trường toàn cầu trên quy mô lớn bằng công nghệ địa kỹ thuật.
Công nghệ địa kỹ thuật không phải là một ý tưởng mới. Tuy nhiên, những khái niệm này luôn được đặt bên lề các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu và hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy ý tưởng này đang thay đổi.
Vào tháng 9 năm 2008, Hiệp hội Hoàng gia Anh đã tranh luận rằng cần có thêm những nghiên cứu về công nghệ địa kỹ thuật để giúp thế giới chuẩn bị tinh thần cho những tác động xấu nhất có thể xảy ra. “Nếu con người không thể giảm được đáng kể khí thải CO2, con người sẽ tiến đến một tương lai với tình trạng khí hậu rất khắc nghiệt và đầy thách thức. Công nghệ địa kỹ thuật sẽ là lựa chọn cuối cùng đề hạn chế hiện tượng nhiệt độ tiếp tục gia tăng”, giáo sư John Shepherd, người chỉ đạo công trình nghiên cứu kéo dài một năm về biến đổi khí hậu của Hiệp hội Hoàng gia Anh, cho biết
Nói cách khác, con người có lẽ cần phương án B để hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu.

Điều chỉnh bầu khí quyển
Hiểu theo nghĩa rộng, có hai loại công nghệ địa kỹ thuật - công nghệ hút trực tiếp lượng khí cac-bon vượt mức giới hạn ra khỏi bầu khí quyền và công nghệ làm mát Trái đất bằng phương pháp bức xạ một phần năng lượng mặt trời.
Phương án thứ hai đã thu hút nhiều sự chú ý vào năm 2006 khi Giáo sư Paul Crutzen, chuyên gia nghiên cứu tầng ô-zôn, nhà khoa học đạt giải Nobel hòa bình, cho rằng con người có thể chống lại hiện tượng toàn cầu ấm lên bằng cách bơm trực tiếp một lượng lớn lưu huỳnh vào tầng bình lưu của Trái đất.
Giáo sư Will Steffen, trưởng nhóm nghiên cứu khí hậu thuộc Đại học Quốc gia Úc, giải thích ý tưởng đó là mô phỏng một hiệu ứng xảy ra khi núi lửa phun trào.
“Núi lửa phun trào rất nhiều lưu huỳnh. Nếu tốc độ phun trào đủ mạnh, lượng lưu huỳnh sẽ được phóng vào tầng bình lưu của Trái đất và lưu lại ở đó trong vài năm. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta có thể nhận thấy nhiệt độ toàn cầu giảm xuống bởi lượng khí phun lên đã làm phân tán bức xạ Mặt trời và lượng nhiệt Mặt trời truyền xuống Trái đất cũng thấp hơn”, Giáo sư Steffen nói.
Lượng khí lưu huỳnh sẽ nhanh chóng làm mát bầu khí quyển nhưng tác dụng đó không kéo dài.
“Lượng khí lưu huỳnh sẽ bị tách khỏi khí quyển thông qua các chu trình và các phản ứng hóa học tự nhiên trong vòng một đến hai năm”, Tiến sĩ Will Howard, nhà nghiên cứu hiện tượng biến đổi khí hậu tại Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Hệ sinh thái và Khí hậu Nam cực, giải thích. “Nghĩa là con người cần liên tục bơm khí lưu huỳnh vào bầu khí quyển nếu cần hiệu ứng giảm nhiệt độ. Mặt khác, con người cũng có thể dừng lại nếu muốn.”
Giáo sư Matthew England, đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học New South Wales, cho biết hiện nay, hầu hết những nghiên cứu về kỹ thuật này đang được thực hiện bằng sử dụng mô hình máy tính. “Điều tôi rất thích ở phương pháp này là chúng ta có thể tiếp cận với các mô hình máy tính và đưa vào ứng dụng.”
Vấn đề khó khăn là con người không hiểu rõ cơ chế hoạt động của khí quyển để dự đoán những tác động khác của khí lưu huỳnh.
Theo Giáo sư Steffen, những tác động đó có thể bao gồm ảnh hưởng tới lượng mưa và mưa axit. Một tác động tiêu cực khác là mặc dù nhiệt độ Trái đất giảm nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng gia tăng lượng CO2 như hiện tượng nhiễm axit đại dương sẽ không giảm xuống.
Giáo sư Steffen tin rằng rủi ro khi áp dụng công nghệ này là quá lớn. “Những người khác tranh luận rằng nếu không còn lựa chọn nào khác, con người cần áp dụng công nghệ phun khí lưu huỳnh vào tầng bình lưu. Tuy nhiên, nếu đến thời điểm con người phải áp dụng công nghệ này thì con người đã thiệt hại khá nhiều”, Giáo sư Steffen nhận xét.

“Chăm bón” cho đại dương
Một số người ủng hộ phương pháp địa kỹ thuật cho rằng nếu con người không thể chấm dứt việc thỉa ra khí nhà kính, có lẽ con người có thể làm tăng khả loại bỏ những loại khí thải khỏi bầu khí quyển.
Một trong số những lựa chọn đã được nghiên cứu trong lĩnh vưc này là sử dụng sắt để kích thích sự tăng trưởng của các loài sinh vật phù du hấp thụ khí cac-bon trong đại dương.
Trong khoảng hơn 15 năm qua, một số nhóm nghiên cứu quốc tế đã hoàn thành những cuộc thử nghiệm cho thấy trong điều kiện phù hợp, phương pháp tiếp cận này hoàn toàn khả thi về phương diện khoa học.
“Ở một số vùng của đại dương, loại tảo hấp thụ và dự trữ cac-bon trong cơ thể ở lớp nước sâu dưới đáy đại dương có nguồn cung cấp sắt rất hạn chế”, Giáo sư Howard giải thích.
Các thí nghiệm cho thấy bổ sung sắt vào những khu vực này sẽ kích thích sự tăng trưởng của loài tảo.
Tuy nhiên, những thí nghiệm này cũng cho thấy lượng cac-bon được hấp thụ trong quy trình này không chìm sâu xuống dưới đại dương.
Theo Giáo sư Howard, câu hỏi chính đặt ra là liệu có thể thay đổi được hiện tượng này hay không: “Con người có thể tách lượng cac-bon này khỏi bề mặt đại dương và đẩy sâu xuống hàng ngàn mét, nơi lượng khí cac-bon không thể ảnh hưởng tới bầu khí quyển trong một thời gian dài hay không?”.
Tuy nhiên, Howard cảnh báo nhiều nguy cơ tiềm ẩn sẽ phát sinh nếu áp dụng phương pháp này. “Một trong những hậu quả có thể xảy ra khi cung cấp thêm lượng sắt là lượng cac-bon này chìm sâu xuống những lớp nước bên dưới sẽ làm tăng nguy cơ giảm hàm lượng ô-xi tại đây.”
“Chúng ta biết rằng hiện nay đại dương có những những vùng nước ‘chết’ - nơi nước thiếu ô-xi và những sinh vật cần có ô-xi để tồn tại không sống được ở những nơi này. Các nghiên cứu cần xem xét kỹ những nguy cơ trên trước khi tiếp tục áp dụng phương pháp này”, giáo sư Howard nói.

Phương pháp sử dụng than nhiệt phân
Một phương pháp khác có thể hấp thụ và tách cac-bon ra khỏi bầu khí quyển trong hàng ngàn năm là phương pháp sử dụng than nhiệt phân.
Phương pháp sử dụng than nhiệt phân là sử dụng thực vật hấp thụ cac-bon theo quy trình quang hợp trong tự nhiên, sau đó đốt thực vật trong môi trường không có ô-xi để tạo ra loại than nhiệt phân có thể trộn lẫn với đất. Bằng cách đó, than nhiệt phân có thể hấp thụ cac-bon, sản sinh ra năng lượng và làm cho đất màu mỡ.
Theo Giáo sư England, ảnh hưởng tích cực của phương pháp tiếp cận này và những công nghệ hướng tới sử dụng thực vật để hấp thụ cac-bon từ khí quyền là có thể tránh xáo trộn hệ sinh thái. Phương pháp này cho thấy có ít những tác dụng phụ không thể tiên đoán.
“Tôi muốn ủng hộ những công nghệ không phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên. Tôi luôn lấy ví dụ về loài cóc độc để nhắc nhở mọi người rằng điều gì có thể xảy ra khi con người muốn thay đổi môi trường tự nhiên bằng cách bổ sung những yếu tố mới”, Giáo sư England nói.
Tuy nhiên, Giáo sư England cho biết bản thân than nhiệt phân không thể hấp thụ lượng nhỏ cac-bon thừa trong khí quyển.

Tương lai của công nghệ địa kỹ thuật
Hiệp hội Hoàng gia nhấn mạnh rằng cần thực hiện thêm những nghiên cứu khác về công nghệ địa kỹ thuật và những nguy cơ có thể nảy sinh trước khi tính toán chi phí kinh tế cho loại công nghệ này.
Chỉ riêng phương pháp bơm khí lưu huỳnh vào bầu khí quyền, “ước tính chi phí sơ bộ dựa trên công nghệ máy bay và pháo hiện nay đã lên tới hàng chục tỉ đô-la mỗi năm.”
Giống như các nhà nghiên cứu khí hậu khác, Giáo sư England ủng hộ ý tưởng nghiên cứu công nghệ địa kỹ thuật là một trong những giải pháp cho hiện tượng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng con người không nên quá hi vọng vào giải pháp này.
“Điều tôi lo ngại nhất là nếu con người không chú tâm vào trọng trách làm giảm lượng khí thải, thể giới sẽ rơi vào thảm họa”, Giáo sư England cho biết.


Anh quốc muốn giảm axít hóa biển (BBC)




No comments: