Friday, December 11, 2009

CÓ NHIỀU TÍN HIỆU KHÍCH LỆ TẠI HỘI NGHỊ COPENHAGEN

Có nhiều tín hiệu khích lệ tại hội nghị về khí hậu Copenhagen
Tú Anh
Bài đăng ngày 11/12/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 11/12/2009 17:14 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_6023.asp
Theo hãng tin AFP, sau gần một tuần lễ thương lượng tại Copenhagen, các phái đoàn quốc tế tham dự hội nghị khí hậu đã đi đến một bản dự thảo chính thức chống khí hậu biến đổi. Mục tiêu ghi ra là ngăn chận nhiệt độ trên địa cầu không được tăng quá 1,5 hay 2 độ C từ nay đến cuối thế kỷ.

Văn kiện này dày 7 trang, cơ sở để các bên đàm phán, kêu gọi các nước phải hợp tác với nhau để tránh cho nhân loại tình trạng khí hậu biến đổi một cách nguy hiểm. Văn kiện này cũng xác nhận là phải chận xu hướng tăng nhiệt độ từ thời kỳ tiền kỹ nghệ đến nay không được quá 2 độ và 1,5 độ.

Các nước G8 và những nền kinh tế chủ chốt trên trái đất trong cuộc họp vào tháng 7 năm nay tại Ý, đề nghị mục tiêu 2 độ C. Trong khi đó, qua sáng kiến của các đảo quốc mà sự tồn vong bị nước biển đe dọa trực tiếp, hơn một trăm nước đang phát triển chủ trương giới hạn nhiệt độ tăng ở 1,5 độ tối đa vì thêm đến 2 độ là đồng nghĩa với tự sát.

Để đạt được mục tiêu của các đảo quốc thì từ nay cho đến năm 2050, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phải giảm 85% so với năm 1990. Dự thảo Copenhagen đưa ra ba đề nghị từ -50%, -85% đến -95% là tỷ số lý tưởng nhất. Đối với các nước kỹ nghệ giàu có, dự thảo kêu gọi họ phải có bổn phận và nỗ lực nhiều hơn tức là phải giảm từ 75% đến hơn 95% khí thải.

Hầu bao tài trợ vẫn là trở ngại để đạt đến thỏa thuận chung
Chính sự yêu cầu cần có nỗ lực chung để phục vụ một mục tiêu toàn cầu làm cho các nước đang lên như Trung Quốc phản đối. Bắc Kinh cho rằng nếu các nước giàu không bị buộc phải cố gắng cao nhất thì gánh nặng còn lại các nước đang phát triển phải gánh hết. Do vậy, chướng ngại để đi tới một thỏa thuận chung là cho đến nay Trung Quốc từ chối cam kết trên một mục tiêu chung giảm khí ô nhiễm năm 2050.

Chướng ngại thứ hai là tiền tài trợ. Văn bản dự thảo đề cập đến "cơ chế tức khắc" trong 3 năm tới đây tức là đến năm 2012. Tuy nhiên, cơ chế này còn mơ hồ vì không nói sẽ có bao nhiêu tiền và trong tương lai xa thì cần bao nhiêu.

Về điểm tài chính này, Liên Hiệp châu Âu đã có cố gắng được ghi nhận. Trong cuộc thương lượng suốt đêm hôm qua đến trưa nay tại Bruxelles, nguyên thủ và thủ tướng 27 nước thành viên đồng ý lập quỹ tài trợ đầu tiên 7,2 tỷ euro, hơn 10 tỷ đôla Mỹ. Trong vòng ba năm, trung bình mỗi năm, Liên Hiệp châu Âu sẽ tài trợ cho các nước nghèo 2,4 tỷ euro để đối phó với biến đổi khí hậu.

Nỗ lực của Liên Hiệp châu Âu cao hơn dự tính ban đầu là 6 tỷ euro trong ba năm. Liên Hiệp châu Âu hy vọng phần đóng góp của mình sẽ làm cho nhiều cường quốc khác noi gương vì như đã nói trên, thì tiền tài trợ và mục tiêu về nhiệt độ là hai vấn đề gai góc trong những đợt đàm phán từ trước đến nay.

Phải chờ xem tuần sau, khi hội nghị Copenhagen bước vào giai đoạn gọi là "chính trị", với sự tham gia của các nhà lãnh đạo, những thông tin phấn khởi trên đây có tạo ra được một sức bật đưa đến kết quả cụ thể nào hay không.



Thượng viện Mỹ sẽ chấp thuận mục tiêu của tổng thống Obama đề nghị giảm 17% khí thải
Thanh Thủy

Bài đăng ngày 11/12/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 11/12/2009 15:44 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_6022.asp
Theo nhóm thượng nghị sĩ phụ trách thương lượng một thỏa thuận tại Thượng viện Mỹ về một đạo luật chống khí thải CO2, thì một bản dự thảo sẽ nghiêng theo đề nghị giảm -17% khí thải mà tổng thống Obama đã đề ra.

Vị thế của tổng thống Mỹ khi ông tham dự hội nghi Copenhagen vào tuần tới sẽ được lập pháp củng cố.
Theo ba thượng nghị sĩ John Kerry, Joseph Lieberman và Linsey Graha phụ trách thương lượng một thỏa thuận tại Thượng viện Hoa Kỳ về một đạo luật chống khí thải CO2 thì một bản dự thảo sẽ nghiêng theo đề nghị -17% so với thời điểm 2005 từ nay đến 2020 mà lãnh đạo hành pháp đã đề ra.
Theo ba nhân vật chủ chốt này, thì mục tiêu trên sẽ thu hút được sự đồng thuận của nhiều bạn đồng viện và như thế có nhiều hy vọng dự luật đã được Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ hồi tháng 6 cũng sẽ được Thượng viện bỏ phiếu thông qua. Dự luật này tạo điều kiện phát triển năng lượng hạt nhân và than sạch, hỗ trợ cho vị thế của ông Obama tại Copenhagen.
Trong nỗ lực chinh phục cảm tình thế giới, đàm phán về khí hậu cũng là dịp Hoa Kỳ lấn lướt Trung Quốc.

Từ Copenhagen, thông tín viên Caroline Lachowsky tường thuật:

"Hoa Kỳ muốn cho mọi người biết mình có mặt tại Copenhagen. Do vậy mà Washington đã dựng lên một gian nhà vĩ đại, nằm tại một vị trí chiến lược, vì nằm trên đường qua lại của các phái đoàn. Một quả cầu khổng lồ thể hiện trái đất và được đặt tên là SOS, chữ tắt của « science on sphere », tức « khoa học trên quả cầu » cho thấy một cách rất chi tiết và linh động những điểm nóng nhất trên địa cầu.
« Mục đích chung của chúng ta : đối phó với biến đổi khí hậu » : đó là hàng chữ trên một tập sách mỏng, in ấn rất đẹp, được phân phối cho mọi người. Tập sách mỏng ghi chương trình của rất nhiều buổi thuyết trình tổ chức mỗi ngày với các nhà nghiên cứu thuộc các viện vào hạng nổi tiếng nhất về các đề tài như là sự phân phối của san hô hay là việc cất giữ carbon. Như vậy là kể từ nay hiện tượng trái đất bị hâm nóng trở thành mối quan tâm của người Mỹ.
Tất nhiên là Trung Quốc, khi vừa mới đặt chân tới Hội nghị Copenhagen, cũng đòi ban tổ chức Đan Mạch, phải cung cấp cho mình một gian nhà với một diện tích ít nhất là bằng gian nhà của Hoa Kỳ. Nhưng vị trí của gian nhà Trung Quốc không được thuận lợi bằng, vì ai muốn đến đó phải đi đến tận địa điểm của phái đoàn Trung Quốc.
Nhưng gian nhà này cũng đề nghị mỗi ngày nhiều cuộc hội thảo được minh họa bằng hình ảnh về các chủ đề như là chiến dịch tái trồng rừng hay là các sự cố thái quá do khí hậu gây ra. Đồng thời Trung Quốc còn tổ chức những bàn tròn giữa các chuyên gia thuộc các trường đại học uy tín nhất của nước này. Trong cuộc chiến về thông tin tuyên truyền tại Copenhagen, nếu như Hoa Kỳ đã đi trước nhiều thì Trung Quốc cũng không có vẻ bị bỏ xa đằng sau".




No comments: