Tuesday, December 15, 2009

BẤT ĐỒNG TẠI HỘI NGHỊ COPENHAGEN

Bất đồng tại hội nghị Copenhagen
Emma Alberici
Nguồn
African walkout at Copenhagen talks
15/12/2009 - 14:56
http://www.bayvut.com.au/s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/b%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%93ng-t%E1%BA%A1i-h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-copenhagen

Các cuộc thảo luận tại Copenhagen hiện nay đang đi theo hai chiều hướng khác nhau
Trong Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Copenhagen, các nước nghèo và những nước giàu đã công khai bày tỏ sự bất đồng ý kiến. Những nước giàu cũng là những nước xả phần lớn lượng khí thải nhà kính ra ngoài môi trường.
Vào tối thứ Hai 14/12, các cuộc thương lượng tại Copenhagen đã tan vỡ khi các quốc gia Châu Phi và theo sau là những nước đang phát triển cáo buộc nước chủ nhà Đan Mạch cố ý hủy bỏ Nghị định thư Kyoto. Ngoài ra những nước này cũng phản đối các nỗ lực mà theo họ là nhằm gạt những quốc gia nghèo nhất ra bên lề. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng đồng hồ sau đó, đại biểu các quốc gia Châu Phi và những nước đang phát triển đã quay trở lại hội nghị. Sự việc này đã cho thấy những khó khăn trong việc đạt được một thỏa thuận chung.
Úc, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ đang bị cáo buộc thực hiện những ‘thủ đoạn bẩn thỉu’ để gây phương hại uy tín hội nghị Copenhagen.
Ông Lumumba Di-Aping, đại diện cho 130 nước nhỏ thuộc nhóm G-77 đã dẫn đầu các đại biểu ‘tẩy chay’ cuộc hội đàm vì cho rằng các nước phát triển dự tính hủy bỏ Nghị định thư Kyoto.
Ông cho hay “Chúng tôi không sợ hãi. Chúng tôi biết rằng các nước phát triển đã quyết định hủy bỏ Nghị định thư Kyoto để thay đổi thế quân bình về nghĩa vụ giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển. Nhóm G77 không thể chấp nhận điều này.”

Ủng hộ - Phản đối
Các cuộc thương lượng bị đình trệ trong hai tiếng đồng hồ khi các tổ chức bảo vệ môi trường dẫn đầu đoàn biểu tình tụ tập bên ngoài phòng hội nghị. Những người biểu tình bày tỏ sự ủng hộ đối với các quốc gia Châu Phi và đòi hỏi thế giới phải tôn trọng các mục tiêu đề ra trong Nghị định thư Kyoto.
Nghị định thư Kyoto là văn kiện có tính ràng buộc duy nhất mà thế giới có được trong vấn đề biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển muốn mở rộng văn kiện này chứ không muốn tạo ra một văn kiện hoàn toàn mới. Lý do là vì họ sợ những quốc gia giàu có sẽ không còn quyết tâm gắn bó với vấn đề biến đổi khí hậu nữa.
Từ lâu, Hoa Kỳ tuyên bố dù thế nào đi chăng nữa Hoa Kỳ cũng sẽ không ký Nghị Định thư Kyoto vì văn kiện này không bắt buộc các nước đang phát triển mạnh mẽ như Trung Quốc và Ấn Độ cắt giảm việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Ông Nnimmo Bassey thuộc tổ chức ‘Bạn của Trái đất’ cho hay ông ủng hộ phái đoàn các quốc gia Châu Phi. Ông cho biết việc không minh bạch hóa các vấn đề thảo luận là điều sai lầm. Ông cho biết mỗi phái đoàn phải được tham dự đầy đủ vào tiến trình thảo luận công khai. Ông không đồng ý việc một số nhỏ các phái đoàn thảo luận riêng với nhau để tìm cách hủy bỏ Nghị định thư Kyoto.

Sau hai tiếng đồng hồ không tham dự các cuộc thảo luận, cuối cùng các nước thuộc Nhóm G77 đã chịu nghe theo lời thuyết phục để quay trở lại hội nghị. Họ cho rằng ông Connie Hedegaard, Chủ tịch hội nghị đồng thời là Bộ trưởng Môi sinh Đan Mạch, đã chiều theo đòi hỏi của các quốc gia phát triển. Ông Hedegaard bác bỏ lời cáo buộc này và cho rằng nay đã tới lúc các bộ trưởng phải thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng. Ông cho hay mọi người không được phí phạm thời gian về những vấn đề thủ tục.

Các cuộc thảo luận tại Copenhagen hiện nay đang đi theo hai chiều hướng khác nhau. Một hướng muốn mở rộng Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012. Hướng còn lại muốn tạo ra một văn kiện hoàn toàn mới buộc mọi nước phải ra tay hành động trong vấn đề biến đổi khí hậu.
-------------------------------------------

Ngừng đàm phán tại Copenhagen (BBC)

Nguy cơ thất bại lại bao trùm hội nghị về khí hậu Copenhagen (RFI)


No comments: