Monday, August 8, 2022

NHỮNG THIÊN THẦN GÃY CÁNH (Thạch Thảo / Saigon Nhỏ)

 



Những thiên thần gãy cánh

Phóng sự của SGN

Thạch Thảo  -  Saigon Nhỏ

8 tháng 8, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/nhung-thien-than-gay-canh/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/298394008_5449415965172840_669674445177474444_n-865x1536.jpg

Một góc trong Bệnh viện Ung bướu Sài Gòn (ảnh: tác giả)

 

Khoa Nhi Bệnh viện Ung bướu Sài Gòn đang điều trị cho hàng ngàn trẻ em bị ung thư. Tất cả các em đều xinh đẹp dễ thương như những thiên thần, bất chấp cái đầu được cạo trọc vì hóa chất. Dường như mỗi đứa trẻ ở đây đang gánh mọi nỗi đau của thế gian này. Nhìn thật thương xót và thấu hiểu nỗi khổ tâm ngút ngàn của cha mẹ các bé.

 

Hầu hết các em đều có thâm niên nằm viện, phải điều trị nhiều năm trời ở đây, trung bình từ ba đến năm năm. Đó là những cháu đã lớn, đủ sức chịu đựng được liệu trình điều trị khốc liệt kéo dài với hàng chục, vài chục toa hóa chất. Còn những đứa trẻ dưới một tuổi thì… không điều trị được qua một tuổi.

 

Đa số các dạng bệnh ung thư đều có ở trẻ em, như K xương, K tủy, U mắt, sacom mũi… nhưng hình như nhiều nhất là u não. Triệu chứng ban đầu của u não rất đơn giản, bé đi không vững, hay bị té dù tay chân vận động bình thường. Với những trẻ còn nhỏ, nếu cha mẹ không để ý thì khó phát hiện. Với u não, các em nhỏ đều trải qua ít nhất một lần phẫu thuật não, và nhiều lần mổ giải áp cho não. Không thể nói hết được những đớn đau mà các em phải chịu. Con đau một, ba mẹ đau mười. Đó là chưa kể sau phẫu thuật não, các em đều bị động kinh, cùng nhiều di chứng khác, biến những đứa trẻ xinh đẹp thông minh thành người tàn phế.

 

Bé Đỗ Q. Đ., quê Đồng Nai, chỉ mới bảy tuổi nhưng đã có bốn năm điều trị u não. Em được phẫu thuật bốn lần: Một lần bóc tách khối u và ba lần mổ giải áp cho não bị ứ nước. Được mổ não xong, em bị liệt toàn thân sáu tháng trời, sau đó hồi phục dần nhưng đến giờ, khi bảy tuổi, em vẫn chưa đi được và cũng không nói được do bị cứng hàm. Em còn bị động kinh, thỉnh thoảng lên cơn co giật rất tội nghiệp. Mỗi tháng, mẹ bồng em từ Đồng Nai vào bệnh viện vô hóa chất, cứ như vậy suốt bốn năm nay rồi. Một đợt điều trị như vậy tốn khoảng ba triệu đồng (khoảng $128), dù em được bảo hiểm y tế chi trả tiền thuốc. Mẹ Q.Đ. cho biết, đến giờ này chị đã vay gần ba trăm triệu đồng (khoảng $12,800), không biết lấy gì trả nợ.

 

Nhìn bé Nguyễn N. V., nỗi xót thương như tăng thêm bởi vì em quá xinh đẹp, lại học giỏi. Năm năm tiểu học, em đều là học sinh giỏi. Mùa tựu trường này, em không thể bước chân vào trung học được nữa rồi. Ba Nguyễn T. Đồng vừa mới đưa em từ Phú Yên vào Sài Gòn khám bệnh, nhập viện cách đây nửa tháng. Em bị u não ác tính nhưng không mổ được vì khối u nằm ở vùng não trọng yếu, mổ nguy hiểm tính mạng. Ba mẹ em nào giờ ở quê chỉ làm nông, nhà có vài sào ruộng, phải đi làm thuê làm mướn kiếm thêm, sống hàng ngày vất vả rồi, giờ hai vợ chồng mang con vào bệnh viện, chỉ mới đóng tiền tạm ứng 14 triệu đồng (khoảng $598) đã gần sạch túi, không biết những ngày tới họ sẽ sống ra sao, lấy gì điều trị tiếp cho N.V.?

 

Tạm ứng viện phí – bệnh viện là kẻ nắm đằng chuôi, còn bệnh nhân nắm… lưỡi! Ở gần như tất cả bệnh viện Việt Nam, thủ tục đầu tiên khi nhập viện là đóng tiền tạm ứng. Đó là khoản tiền bệnh nhân phải trả trước cho mọi chi phí điều trị trong thời gian tới, đề phòng người bệnh trốn viện quỵt viện phí. Vài ba ngày, khi tiền điều trị tốn khoảng 70-80% số tiền tạm ứng thì bệnh nhân lại phải đóng tạm ứng tiếp. Cứ như vậy, bệnh viện không bao giờ mất tiền, đồng nghĩa với việc bệnh nhân không có tiền thì sẽ không được điều trị.

 

Có một bệnh nhi tên Nguyễn V. Q. 12 tuổi, bị K xương, bác sĩ nói em chỉ có thể sống được đến Tết này thôi – mà lẽ ra em không phải chết. Em chết bởi vì trong thời gian Sài Gòn phong tỏa do dịch Covid, em đã không được tái khám điều trị theo đúng liệu trình, khiến bệnh di căn khắp cơ thể. Em đã bị tháo khớp một chân đến tận bẹn ngay khi nhập viện trở lại do hoại tử trong thời gian Sài Gòn “phong tỏa cứng”. Bao nhiêu người đã chết như vậy? Chết vì “chống Covid” chứ không phải do mắc Covid!

 

Khi tôi đi cùng một mạnh thường quân vào thăm tặng quà cho các bệnh nhi, nhiều ông bố bà mẹ đi theo níu tay chúng tôi xin giúp đỡ. Số tiền từ thiện một triệu đồng (khoảng $42) vừa mới nhận trên tay thực sự không thấm tháp vào đâu so với khoản chi phí mà họ cần để chạy chữa cho con: Nào là tiền vô hóa chất (khoảng 3 triệu đồng/toa), tiền thuốc men, tiền ăn uống bồi dưỡng cho đứa trẻ đang suy kiệt. Các cháu vô hóa chất rồi là không thể ăn được, toàn uống sữa, uống vô một, ói ra hai, nên tiền sữa cũng tốn kém nhiều; rồi tiền nhà trọ từ 100-200 ngàn/ngày; tiền xe cộ đi lại. Tiền ăn uống của ba mẹ khỏi tính, vì đã vào đây thì cha mẹ bệnh nhi đều ăn cơm từ thiện, tất cả tiền bạc đều phải dành cho con.

 

Hầu hết gia đình có con mắc ung thư đều kiệt quệ bởi chi phí điều trị cao, thời gian nằm viện kéo dài nhiều năm trời, mà cả cha mẹ đều không thể đi làm kiếm tiền. Nếu một người đi làm, lương công nhân Sài Gòn chỉ 4-5 triệu đồng một tháng (khoảng $171-212), cơm không đủ ăn, có đâu để trị bệnh hiểm nghèo?

 

Bạn Trang Đan Châu là nhà hảo tâm gắn bó hơn mười năm trời với các bệnh nhi ung thư. Hàng ngàn đứa trẻ được Trang giúp đỡ đã khỏi bệnh, hoặc đã ra đi, không đếm xuể. Hàng tháng, hoặc đôi ba tháng một lần, hễ quyên góp được chừng vài chục triệu đồng là Trang bỏ bao thư mang vào cho ba mẹ các em, người 500 ngàn, người một triệu, tùy theo hoàn cảnh. Trang cũng không quên mua quà bánh, đồ chơi, sách truyện mang vào tặng cho các em có thêm niềm vui trong những tháng ngày u ám. Việc từ thiện cũng không phải dễ dàng, dễ bị thị phi nên Trang không cho phép chụp hình bất cứ đứa trẻ nào đăng Facebook bởi sợ kẻ xấu lợi dụng.

 

Một số kẻ vô lương tâm đã lấy hình ảnh đau đớn của các bệnh nhi ung thư đăng lên Facebook xin tiền từ thiện rồi chiếm đoạt. Có kẻ “khôn khéo” hơn khi mang tiền vào bệnh viện, chụp hình trao tiền xong thì “xin lại” 20%. Cái tệ nạn lại quả, ăn hoa hồng không chỉ bọn quan chức mà cả bọn “kinh doanh từ thiện” nữa.

 

Tuy nhiên, nhìn chung, nhiều tấm lòng nhân ái vẫn luôn rộng mở. Trường tư thục Thanh Bình ở quận Tân Bình gắn bó với Bệnh viện Ung bướu này từ rất lâu. Trường có Quỹ Bác Ái do học sinh đóng góp, hàng năm vào ngày 2 Tháng Mười Hai, sinh nhật của cô chủ trường, Quỹ Bác Ái sẽ được mở ra đem vào bệnh viện giúp cho trẻ em ung thư. Và còn nhiều, rất nhiều tấm lòng nhân ái khác mở rộng vòng tay nâng đỡ những số phận trẻ thơ bất hạnh, những thiên thần gãy cánh giữa trần gian đau khổ.

 

__________

Tác giả gửi nhiều ảnh nhưng SGN không dùng. Đó là những bức ảnh nhìn quá đau lòng.


===================================

XEM THÊM

 

Thư Sài Gòn: Nỗi đau hành xác của trẻ em bị ung thư ở Việt Nam

Song May

Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn

3 tháng 8 năm 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3g45yj3jmgo

 

 





No comments: