GS. Carl Thayer: “Ý tưởng tồi” khi quân đội Việt Nam đến Nga tham gia Army Games 2022
RFA
2022.08.15
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/carl-thayer-vietnam-s-participation-in-russia-s-army-game-2022-is-bad-thinking-08152022090516.html/@@images/c34195d5-8034-4da5-883e-282c15700e27.jpeg
Xe tăng Việt Nam tham dự International Army Games
2020 ở Nga. Reuters
Các binh lính đại diện Việt Nam đang tham gia
Hội thao Quân sự Quốc tế (International Army Games) năm 2022 tại thủ đô Moscow,
Liên Bang Nga. Đây là cuộc thi thường niên được tổ chức bởi Bộ Quốc phòng Nga,
với các màn thi đấu xe tăng làm nên tên tuổi của sự kiện này.
Ở nội dung thi đấu xe tăng năm nay, Việt Nam
cùng với 20 quốc gia khác cử binh lính tham dự, trong đó hầu hết là các nước đồng
minh của Nga như Belarus, Venezuela, Syria, Myanmar, và Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là sự kiện này diễn ra trong bối
cảnh cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đã bước vào tháng thứ sáu, và nước này đang
bị hầu như các nước tự do và đồng minh của họ cấm vận.
Trong bối cảnh Việt Nam đang theo đuổi chính
sách tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ đề cân bằng sức ép từ Trung Quốc, thì việc
đưa quân đội đến Nga để tham dự một cuộc thi quân sự, theo chuyên gia là một ý
tưởng tồi.
Trao đổi với Đài Á châu Tự do, Giáo sư Carlyle
Thayer, chuyên gia quan hệ quốc tế người Úc, cho biết quan điểm của ông về vấn
đề này:
“Đối với Việt Nam thì sự kiện này mang lại sự chú ý
cũng như bầu không khí không tốt.
Hội thao quân sự này có nhiều nội dung thi đấu, bạn
cần thể hiện kỹ năng để được trao thưởng, giống như là một sự kiện Olympic của
giới quân sự. Nhưng với bầu không khí hiện tại, cũng như việc tham gia cuộc thi
này với Nga, thì quả là không tốt và nó có thể tổn hại đến uy tín của Việt
Nam.”
Rủi ro đối với uy tín quốc gia là vậy, nhưng
theo vị giáo sư về hưu thì Việt Nam không có nhiều lựa chọn, bởi vì sự phụ thuộc
của nước này vào Nga.
“Khi Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu để đình chỉ tư
cách thành viên Hội đồng Nhân quyền của Nga, thì Đại sứ Nga nói với phía Việt
Nam và các nước khác rằng nếu những nước này bỏ phiếu thuận thì sẽ bị coi là
hành động không thân thiện đối với Nga.
Cho nên tôi phỏng đoán rằng nếu Việt Nam rút khỏi sự
kiện hội thao quân sự ở giai đoạn này thì sẽ bị coi là hành vi kém thân thiện bởi
phía Nga. Nó sẽ được hiểu là hành vi phản đối cuộc chiến tranh của Nga ở
Ukraine.
Việt Nam có quá nhiều thứ để mất trong mối quan hệ
này bởi vì sự phụ thuộc của họ vào Nga.”
Việt Nam nằm ngoài danh sách "các quốc
gia không thân thiện với Moscow", chính phủ các nước này sẽ phải thanh
toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp, siết chặt cấp thị thực đối với công dân của
nước đó…
Theo Giáo sư Carlyle Thayer thì Việt Nam phụ
thuộc vào Nga ở nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến việc Nga là nhà cung cấp
vũ khí chính cho quân đội Việt Nam, nước này cũng giúp Việt Nam khai thác dầu
khí ở Biển Đông, và giữ vai trò cân bằng sức ép từ Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Kể từ khi bắt đầu quá trình hiện đại hóa quân
đội từ giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 cho đến nay, Việt Nam chủ yếu mua vũ khí
từ Nga, chiếm 81.6% tổng giá trị nhập khẩu vũ khí. Đỉnh điểm là hợp đồng được
cho là trị giá hai tỉ USD để mua sáu tàu ngầm của Nga hồi năm 2009.
Tuy nhiên giá trị vũ khí nhập khẩu từ Nga đã
giảm một cách đáng kể trong những năm gần đây, mà theo Giáo sư Thayer là do lệnh
cấm vận của Mỹ nhắm vào Nga sau vụ sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm
2014.
Hợp đồng mua vũ khí đáng kể gần đây nhất là gói
64 xe tăng T-90S/SK mà Việt Nam ký với Nga năm 2016.
Với sự thể hiện tệ hại của quân đội Nga, trong
đó có lực lượng xe tăng tại chiến trường Ukraine, cộng với sự cấm vận của
Phương tây khiến cho năng lực sản xuất vũ khí của Nga bị tác động mạnh mẽ, Giáo
sư Thayer cho rằng Việt Nam sẽ phải suy tính lại chiến lược hiện đại hóa quân đội
của mình.
“Đại hội Đảng lần thứ 13 diễn ra vào tháng 1 và
tháng 2 năm 2021, và trước đó là Đại hội Đảng bộ Quân đội đã vạch ra lộ trình
hiện đại hoá quân đội Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2025, trong đó ưu tiên hiện
đại hoá trước một vài lực lượng của quân đội. Sau đó là giai đoạn 2025-2030, với
tham vọng hiện đại hoá toàn bộ lực lượng quân đội sau năm 2030.
Việt Nam đang gặp vấn đề bởi vì Đại hội Đảng kết
thúc vào tháng 2 năm 2021 thì ngày 24 tháng 2 năm 2022 Nga xâm lược Ukraine. Đó
là một vấn đề thực sự. Bây giờ chúng ta phải đặt ra câu hỏi đó là Việt Nam sẽ
hiện đại hoá quân đội kiểu gì?”
Việt Nam cần có quân đội mạnh để đối phó với mối
đe doạ từ Trung Quốc, và theo Giáo sư Thayer thì việc quá trình hiện đại hoá
quân đội bị cản trở sẽ khiến Việt Nam thất thế.
Dù vị thế của Nga trên bàn cờ chính trị thế giới
và năng lực sản xuất vũ khí có bị suy giảm đáng kể, tuy nhiên theo cựu giáo sư
của trường đại học New South Wales thì Việt Nam vẫn chưa dám từ bỏ mối quan hệ
với nước này, bởi vì theo ông Việt Nam vẫn chưa đánh giá xong hệ luỵ mà cuộc
chiến ở Ukraine gây ra cho Nga, và cho rằng bây giờ vẫn còn quá sớm để thay đổi
chính sách đối ngoại.
Nguồn: rfa.org/vietnamese/news/
No comments:
Post a Comment