Hồi
kết đặc biệt cho quan hệ giữa Tập Cận Bình và Shinzo Abe
Katsuji Nakazawa, Nikkei Asia
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
19/07/2022
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã dành sự tôn trọng
khác thường cho kỳ phùng địch thủ suốt 10 năm qua của mình.
Định mệnh
đã gắn kết cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình suốt cả một thập niên.
Tập được
chọn làm người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 15/11/2012. Một tháng
sau, Đảng Dân chủ Tự do của Abe giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Nhật
Bản, quay trở lại nắm quyền và giúp Abe giữ chức Thủ tướng lần thứ hai.
Nhiệm kỳ
thứ hai đã khiến Abe trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Ông tiếp tục có ảnh hưởng mạnh mẽ trong cả chính sách đối nội và đối ngoại ngay
cả sau khi từ chức vì lý do sức khỏe vào năm 2020.
Abe và Tập
đã lãnh đạo đất nước của mình trong thời kỳ hỗn loạn, xây dựng đại chiến lược
trong tình trạng đối đầu với nhau. Cuộc cạnh tranh kéo dài hàng chục năm của họ
đã đột ngột kết thúc bằng vụ ám sát Abe trong chiến dịch vận động tranh cử vào
tuần trước.
Thủ
tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sự tôn trọng
lẫn nhau khi họ gặp nhau tại Bắc Kinh bên lề hội nghị cấp cao APEC vào tháng
11/2014. © Reuters
Trung Quốc
đặc biệt quan tâm đến ảnh hưởng mạnh mẽ của Abe đối với Đài Loan, và Bắc Kinh
đang chờ đợi một sự kiện cụ thể, ngày 30/07, tưởng niệm hai năm ngày mất của cựu
Tổng thống Đài Loan Lý
Đăng Huy. Lý từng học tại Đại học Hoàng gia Kyoto (nay là Đại học Kyoto),
ngưỡng mộ mọi điều về Nhật, và đặc biệt thành thạo tiếng Nhật.
Ngay từ đầu
năm, đã có những tin đồn xôn xao sau phát biểu bị rò rỉ của Abe, về khả năng
ông đến thăm Đài Loan sau cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè này. Tưởng niệm
ngày mất của Lý Đăng Huy có thể chính là cái cớ.
Một chuyến
thăm của Abe chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc phản ứng dữ dội, trong bối cảnh sau
tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida
hồi tháng 5, mô tả hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan là “một yếu tố
không thể thiếu trong an ninh và thịnh vượng của cộng đồng thế giới.”
Thay vào
đó, cái chết của Abe đã dẫn đến một bước đi khác ở Đài Loan. Hôm thứ Hai, Phó Tổng
thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) đã đến Nhật Bản để viếng ông Abe. Vị
chính trị gia thân Nhật đã đến thăm nhà của Abe ở Shibuya và dự đám tang của
ông vào thứ Ba.
Dù được mô
tả là chuyến thăm riêng tư vì tình bạn cá nhân giữa Lại và Abe, việc quan chức
số 2 của Đài Loan đến Nhật Bản là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong
quan hệ song phương kể từ khi quan hệ ngoại giao bị cắt đứt vào năm 1972.
Trong
chuyến thăm lịch sử của mình, Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đã tham dự
lễ tang của Shinzo Abe, cựu Thủ tướng Nhật Bản vừa bị ám sát, tại Đền Zojoji,
Tokyo vào ngày 12/07. © Reuters
Sự kiện
này được so sánh với chuyến dừng chân ở Nhật Bản vào năm 1985 của của Lý Đăng
Huy, khi đó còn là Phó Tổng thống, đang trên đường về nước sau một chuyến công
du nước ngoài.
Trong nội
bộ Đảng Dân Tiến cầm quyền, Lại Thanh Đức được coi là một trong những ứng viên
kế nhiệm Tổng thống Thái Anh Văn, thế nên đương nhiên là Trung Quốc sẽ quan tâm
đến chuyến thăm của ông tới Nhật Bản.
Phản ứng
chính thức của Trung Quốc đối với vụ ám sát Abe cũng đáng chú ý. Tập Cận Bình
đã gửi một bức điện chia buồn tới Kishida vào ngày 09/07, buổi sáng ngày hôm
sau khi Thủ tướng Abe qua đời. Tập nói rằng Abe “đã nỗ lực cải thiện quan hệ
Trung Quốc-Nhật Bản trong thời gian đương nhiệm, và đã đóng góp tích cực vào nỗ
lực này.”
Tập cho biết
ông “đã đạt được đồng thuận quan trọng” với Abe về việc “xây dựng một quan hệ
Trung-Nhật đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên mới,” còn nói thêm rằng ông “vô cùng
thương tiếc” trước sự ra đi đột ngột của Abe.
Chủ tịch
Trung Quốc bày tỏ mình sẵn sàng “làm việc với Thủ tướng Kishida để tiếp tục
phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Trung Quốc và Nhật
Bản, theo các nguyên tắc được thiết lập trong bốn văn kiện chính trị giữa hai
nước.”
Cùng với vợ
là Bành Lệ Viên, Tập đã gửi một bức điện chia buồn riêng tới vợ của Abe, bà
Akie, để bày tỏ sự cảm thông. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng gửi một bức
điện riêng tới Kishida.
Việc các
lãnh đạo Trung Quốc gửi đi nhiều bức điện chia buồn sau cái chết của một nhà
lãnh đạo nước ngoài là điều rất bất thường, và đáng được lưu tâm. Trên thực tế,
Tập từng thừa nhận rằng Abe, chính trị gia mà ông luôn có quan hệ căng thẳng
trong 10 năm qua, là người mà Mỹ coi là “có vai trò thực sự quan trọng” (the
real deal.)
Abe là một
nhân vật gây chia rẽ ở Trung Quốc, nơi mọi người có ấn tượng mạnh mẽ rằng ông
là một chính trị gia cánh hữu, kiên quyết ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp hòa
bình của Nhật Bản.
Ý tưởng “Ấn
Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do” của Abe chắc chắn có nhắm đến Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã tận dụng mối quan hệ của mình với cựu Tổng thống Mỹ
Donald Trump để thúc đẩy khái niệm này đi xa hơn nữa.
Nhiều
điều đáng suy ngẫm tại hội nghị thượng đỉnh G-20 do Nhật Bản chủ trì, vào tháng
06/2019: Từ trái sang, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo
Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. © Reuters
Chừng nào
Tập còn là nhà lãnh đạo của Trung Quốc, giọng điệu tích cực được ghi trong các
bức điện chia buồn sẽ được coi là đánh giá chính thức của nước này về cựu Thủ
tướng Nhật Bản quá cố.
Ngày
08/07, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có mặt tại Indonesia. Khi
báo đài công bố tin Abe bị bắn, Vương ngay lập tức bày tỏ sự lo lắng. Trả lời
phóng viên Nikkei Asia bằng tiếng Nhật, ngôn ngữ mà ông thông thạo nhưng
hiếm khi sử dụng trước công chúng, Vương cho biết ông đã nhận được sự hỗ trợ từ
Abe trong thời gian làm Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản và họ đã hợp tác để cải
thiện quan hệ giữa hai quốc gia.
Trong nửa
sau thời kỳ cầm quyền của Abe, cơ hội để hai nhà lãnh đạo gặp gỡ cá nhân đã
tăng lên, và đôi khi, Abe cũng thể hiện sự hóm hỉnh của mình.
Trong một
lần gặp gỡ, hai người đã nói về sở thích cá nhân. “Tôi nghe nói ông là một tay
chơi golf rất cừ,” Tập nói với Abe.
Đến lượt
mình, Abe hướng về phía Vương, người khi đó cũng đang ở trong phòng và nói:
“Chà, tôi không giỏi bằng ông Vương đâu. Tôi nghe nói hồi ở Nhật, ông ấy chơi
golf khá lắm.”
Hơi giật
mình, điều duy nhất Vương có thể làm là bảo rằng mình đã không hề chơi môn này
kể từ khi trở về Trung Quốc. Thực tế thì chiến dịch chống tham nhũng khốc liệt
của Tập đã cấm các quan chức cấp cao của Trung Quốc chơi golf, vì thế Vương đã
rơi vào thế khó xử với sếp của mình.
Giai thoại
này minh họa cho bầu không khí cởi mở, thoải mái giữa Tập và Abe. Có lẽ cuộc gặp
gỡ đáng nhớ nhất của họ là khi gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 11/2014, bên lề
hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc
Kinh. Đây là cơ hội đầu tiên để họ có thể trò chuyện kéo dài, gần hai năm sau
khi cả hai nhậm chức, nhưng Tập vẫn giữ vẻ mặt cứng đờ khi bắt tay và chụp ảnh
kỷ niệm.
Quan hệ
Trung-Nhật tiếp tục băng giá sau khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku vào
tháng 09/2012, ngay trước khi Tập lên nắm quyền, khiến làn sóng biểu tình chống
Nhật dữ dội nổ ra ở Trung Quốc.
Nhưng hội
nghị thượng đỉnh APEC là một thời khắc quan trọng đối với chủ nhà Tập. Nếu người
ta đánh giá rằng ông không thể hội đàm với nhà lãnh đạo của nước láng giềng Nhật
Bản, thì uy tín ngoại giao của ông sẽ bị nghi ngờ.
Cựu Thủ tướng
Nhật Bản Yasuo Fukuda là người có công trong việc tổ chức cuộc gặp đầu tiên
này. Fukuda, một đảng viên lão thành trong Đảng Dân chủ Tự do của Abe, đã có
chuyến đi lặng lẽ đến Bắc Kinh vào tháng 06/2014. Sau khi nhận được phản ứng
thuận lợi từ phía Trung Quốc, Fukuda trở lại Tokyo để khuyên Abe không nên bỏ lỡ
cơ hội gặp Tập Cận Bình.
Fukuda trở
lại Bắc Kinh vào ngày 28/07 và bí mật đến gặp Tập để nhấn mạnh tầm quan trọng của
cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo.
Cựu
Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda (trái) đóng vai trò quan trọng trong hậu trường
của sự kiện năm 2014, chuẩn bị cho các cuộc đàm phán thẳng thắn và cởi mở giữa
Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). © Kyodo / Reuters
Trọng tâm
chính của Fukuda là tạo ra một cơ chế quản lý khủng hoảng cho Biển Hoa Đông,
bao gồm cả quần đảo Senkaku, và điều đó dẫn đến một “thỏa thuận song phương bốn
điểm”.
Tập đã gật
đầu đồng ý khi Fukuda đưa ra thông điệp của mình. “Tôi hoàn toàn hiểu,” Tập
nói, cảm nhận được sự chân thành của cựu Thủ tướng Nhật. Trong số những người
có mặt tại cuộc họp đột phá ấy, có nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương
Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị.
Ngày hôm
sau, chính quyền Tập tuyên bố điều tra Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ
Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản. Đó là một cột mốc
quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng do Tập phát động, nhằm loại bỏ những
kẻ thù chính trị. Bằng cách giải quyết vấn đề lớn nhất còn chưa xử lý của chính
trị trong nước, Tập đã củng cố quyền lực của mình và chuyển hướng sự tập trung
sang lĩnh vực ngoại giao.
Kishida,
người khi đó là Ngoại trưởng Nhật Bản, cũng đóng một vai trò quan trọng. Ông đã
có buổi gặp không chính thức với Vương Nghị tại Myanmar, vào đêm muộn ngày
09/08 trong một hội nghị quốc tế.
Vì đã có mặt
trong cuộc họp bí mật Tập-Fukuda, Vương biết được ý định của nhà lãnh đạo Trung
Quốc và đã hồi tưởng bầu không khí tích cực trong phòng. Kishida và Vương nhất
trí về sự cần thiết phải cải thiện quan hệ Trung-Nhật.
Sau cuộc gặp
Tập-Abe, quan hệ Trung-Nhật bắt đầu được cải thiện. Mùa hè năm 2015, một bức ảnh
chụp Tập và Abe bắt tay trong cuộc gặp đầu tiên của họ tại APEC đã xuất hiện tại
Bảo tàng Kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc (Museum of the War of Chinese
People’s Resistance Against Japanese Aggression). Bảo tàng nằm gần Lư Cầu Kiều ở
Bắc Kinh, nơi lực lượng Trung Quốc và Nhật Bản đã đụng độ vào năm 1937, khơi đầu
cho Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai.
háng
08/2014, với tư cách là ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) đã tham dự
cuộc họp ngoại trưởng ASEAN + 3 cùng với người đồng cấp Hàn Quốc, Yun Byung-se
(giữa) và Vương Nghị của Trung Quốc ở Naypyitaw, Myanmar. © Gaku Shimada
Dù cả Tập
và Abe đều không cười trong bức ảnh, nhưng biểu cảm của họ không cho thấy sự giận
dữ. Tuy nhiên, quan hệ Trung-Nhật vẫn còn gặp nhiều khó khăn, và chuyến thăm cấp
nhà nước của Tập tới Nhật Bản dự kiến diễn ra vào tháng 04/2020 đã phải hoãn lại
vì đại dịch Covid-19.
Dù bản
thân Abe chưa bao giờ lên tiếng về việc bị xem là “diều hâu,” nhưng đường lối
ngoại giao của ông luôn mang tính hiện thực chủ nghĩa và thực dụng. Ngay sau
khi chính quyền Abe đầu tiên nhậm chức vào năm 2006, Trung Quốc và Hàn Quốc đã
được chọn làm điểm đến trong các chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông, bất
chấp nhiều vấn đề nổi cộm với cả hai nước này. Tính cách ‘diều hâu’ bẩm sinh của
Abe đã cho phép ông vượt qua các lực lượng bảo thủ trong nước vào những thời điểm
như vậy.
Đảng Dân
chủ Tự do của Kishida đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện
hôm Chủ nhật, diễn ra chỉ hai ngày sau khi Abe qua đời. Từng là Ngoại trưởng dưới
thời Abe, hơn ai hết, Kishida hiểu rõ những bước đi cẩn trọng đã được thực hiện
trong thời gian qua, để cải thiện quan hệ song phương với Trung Quốc.
Tuy nhiên,
quan hệ Trung-Nhật vẫn đang bế tắc, dù năm nay đánh dấu cột mốc kỷ niệm 50 năm
bình thường hóa quan hệ song phương. Chắc chắn sẽ có những dịp trong tương lai
để Kishida tận dụng kinh nghiệm của mình với tư cách là ngoại trưởng của Abe.
-------------------------------------
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên
cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng
viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc.
Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Dramatic
final curtain on special Abe-Tập relationship,” Nikkei Asia,
14/07/2022
No comments:
Post a Comment