Saturday, July 30, 2022

BIDEN 'THẮNG LỚN' VỀ LẬP PHÁP (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Biden ‘thắng lớn’ về lập pháp

Hiếu Chân/Người Việt

July 29, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/biden-thang-lon-ve-lap-phap/

 

Tổng Thống Joe Biden có thể sẽ “thắng lớn” về lập pháp sau khi Quốc Hội thông qua dự luật thúc đẩy nghiên cứu khoa học, mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn, và đảng Dân Chủ trong Thượng Viện đạt được đồng thuận về một dự luật thuế, năng lượng, và chăm sóc sức khỏe sâu rộng.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/07/BL-Manchin-Quay-Dau-1068x713.jpg

Thượng Nghị Sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia), người vừa “quay đầu” ủng hộ chính sách của Tổng Thống Joe Biden. (Hình: Samuel Corum/Getty Images)

 

Hai dự luật này là phần chính yếu trong chính sách đối nội của Tổng Thống Joe Biden, có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân Mỹ và có thể tạo lợi thế cho đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào Tháng Mười Một sắp tới.

 

Tuy không hô hào “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again – MAGA) như cựu Tổng Thống Donald Trump, ông Biden đề ra chiến lược “xây dựng lại tốt hơn” (Build Back Better) qua các kế hoạch xây dựng lại cơ sở hạ tầng nước Mỹ. Đạo luật xây dựng cơ sở hạ tầng “vật chất,” có chi phí $1,000 tỷ, đầu tư vào đường sá và mạng viễn thông đã được ban hành cuối năm ngoái.

 

Còn dự luật cơ sở hạ tầng “xã hội” tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lượng sạch… có triển vọng sẽ được Quốc Hội thông qua trong tuần tới, sau khi đảng Dân Chủ đạt được thỏa thuận với Thượng Nghị Sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) để ông này rút lui ý kiến phản đối.

 

Một dự luật nhỏ hơn, tập trung vào lĩnh vực khoa học và công nghiệp bán dẫn, cũng được Quốc Hội thông qua hôm Thứ Năm, 28 Tháng Bảy, đang chờ Tổng Thống Biden ký ban hành. Đạo luật, có tên “Chips và Khoa Học,” có tổng chi phí $280 tỷ, trong đó dành $52 tỷ trợ cấp của chính phủ cho việc sản xuất chất bán dẫn (vi mạch điện tử) và bổ sung khoảng $200 tỷ trong 10 năm cho Quỹ Khoa Học Quốc Gia để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các lĩnh vực trí khôn nhân tạo, người máy, điện toán lượng tử, và một loạt các công nghệ khác.

 

Không chỉ vực dậy ngành sản xuất vi mạch của Mỹ để không phụ thuộc vào các nước Châu Á, đạo luật còn tạo ra hàng ngàn việc làm và nâng cao sức cạnh tranh của Mỹ trước đối thủ Trung Quốc.

 

Dự luật đầu tư hạ tầng xã hội tập trung vào cải thiện đời sống của người dân Mỹ. Nguyên thủy, dự luật trình làng hồi năm ngoái có chi phí dự tính lên tới $3,500 tỷ, bao gồm nhiều lĩnh vực đời sống như hỗ trợ người dân Mỹ chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con cái và chăm sóc người già tại nhà, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch hơn và xe điện, chương trình nghỉ phép được hưởng lương cho người phụ nữ sinh con, người đau ốm… Để có tiền chi cho kế hoạch, dự luật sẽ tăng thuế cao hơn đối với những người Mỹ giàu có và các tập đoàn lớn.

 

Mối lo chi phí quá lớn sẽ gây thâm hụt ngân sách quốc gia trầm trọng, làm gia tăng lạm phát, và hoạt động vận động hành lang của các công ty lớn không muốn trả thuế cao, khiến cho dự luật bị bế tắc trong nghị trường Quốc Hội.

 

Sau nhiều lần sửa chữa, loại bỏ nhiều khoản chi, dự luật được rút gọn thành Dự Luật Giảm Lạm Phát (Inflation Reduction Act – IRA) với chi phí $1,500 tỷ, tập trung vào việc giảm chi phí thuốc kê toa, hỗ trợ năng lượng tái tạo, ấn định thuế lợi tức tối thiểu cho các doanh nghiệp lớn, tăng truy thu thuế và lấp các lỗ hổng trong luật thuế, để chẳng những không gây ra thâm hụt mà còn tiết kiệm cho ngân sách quốc gia khoảng $300 tỷ.

 

Theo tính toán của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (CBO) Dự Luật IRA sẽ giúp chính phủ thu thêm được $739 tỷ trong 10 năm, bao gồm $313 tỷ tiền thuế từ các tập đoàn lớn và các cá nhân có thu nhập cao, $124 tỷ từ việc tăng cường cưỡng chế thuế của Sở Thuế (IRS) và tiết kiệm $288 tỷ từ việc thương lượng với các công ty dược để giảm giá thuốc kê toa trong chương trình Medicare. Người dân Mỹ có thu nhập hằng năm dưới $400,000 sẽ không bị chính sách thuế của đạo luật này ảnh hưởng.

 

Đạo luật quy định người hưởng Medicare chỉ trả tối đa $2,000 mỗi năm, các khoản trợ cấp theo Đạo Luật “Obamacare” áp dụng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 sẽ được gia hạn đến năm 2025.

 

Người tiêu dùng có mức thu nhập thấp và trung bình tiếp tục được khấu trừ thuế (tín dụng thuế) $4,000 khi mua xe điện đã qua sử dụng và $7,500 để mua xe điện mới trong kế hoạch của Dự Luật IRA, đầu tư $369 tỷ cho an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu, và giảm lượng khí thải carbon khoảng 40% vào năm 2030.

 

Những điều khoản chi tiết của Dự Luật IRA sẽ được công bố đầy đủ trong những ngày tới và chắc chắn nó sẽ được người Mỹ bàn tán sôi nổi vì tác động sâu rộng của nó. Hôm Thứ Năm, ông Biden cho biết dự luật sẽ “giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người Mỹ” và “là khoản đầu tư quan trọng nhất mà chúng ta từng thực hiện trong lĩnh vực an ninh năng lượng.”

 

Ngay cả Thượng Nghị Sĩ Joe Manchin, người từ trước đến nay vẫn cương quyết phản đối dự luật theo quan điểm bảo thủ của khối cử tri tiểu bang West Virginia mà ông đại diện, cũng phải thừa nhận rằng dự luật mới sẽ giải quyết “tình trạng lạm phát kỷ lục bằng cách trả bớt nợ quốc gia, giảm chi phí năng lượng và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe,” ông nói hôm Thứ Tư khi đề nghị đổi tên dự luật thành Giảm Lạm Phát.

 

                                                         ***

Gộp chung cả ba dự luật đối nội thông qua từ cuối năm ngoái đến nay, có thể thấy nghị trình của ông Joe Biden và đảng Dân Chủ về một xã hội Mỹ thịnh vượng hơn, công bằng hơn, có sức cạnh tranh với Trung Quốc mạnh mẽ hơn, dần dần trở thành luật.

 

Còn một số ý định ban đầu về chăm sóc trẻ em, người già, nghỉ ốm, và nghỉ thai sản được hưởng lương, trông nom trẻ em trước tuổi đi học để các bà mẹ yên tâm làm việc v.v… chưa được quy định trong dự luật mới, có thể sẽ được chính quyền Biden tính tới trong nửa sau của nhiệm kỳ.

 

Sau một năm rưỡi cầm quyền, chính quyền Biden được cho là có những thành tích đáng kể trong hoạt động đối ngoại, nhưng bị đánh giá thấp trong điều hành kinh tế xã hội, làm cho tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Biden và đảng Dân Chủ rơi xuống mức thấp nhất trong các cuộc thăm dò dư luận.

 

Mặc dù trong 18 tháng qua, đại dịch COVID-19 dần dần được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục, tiền lương tăng nhanh, và tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất, đa số người dân Mỹ vẫn lo lắng khi giá cả leo thang, bạo lực lan tràn, và xã hội bị chia rẽ sâu sắc.

 

Người dân Mỹ lại càng bi quan khi các con số thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ bị giảm (quý 1 giảm 1.4%, quý 2 giảm 0.9%), ngấp nghé bờ vực suy thoái sau khi tăng mạnh hơn 6% trong năm 2021.

 

Thị trường chứng khoán đỏ rực và các kệ hàng siêu thị trống rỗng suốt mấy tháng qua càng khiến người dân bất an. Nỗi bất an đó khiến đảng Dân Chủ cầm quyền lo sợ họ có thể thua thảm bại trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào Tháng Mười Một và mất đi vị thế đa số rất mong manh ở cả Thượng Viện và Hạ Viện. Nếu như vậy, chính quyền Biden sẽ gần như bị trói tay hoàn toàn trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

 

Cú “quay đầu” của Thượng Nghị Sĩ Joe Manchin, từ phản đối sang ủng hộ Dự Luật IRA, giúp cho đảng Dân Chủ thoát ra khỏi tình thế khó xử. Dự luật có thể qua được cửa Thượng Viện trong tuần sau và mang lại lợi thế mà họ đang rất cần để thuyết phục cử tri.

 

Theo quy định, phía Dân Chủ sẽ thông qua theo hình thức “reconciliation,” mà phía Cộng Hòa không thể dùng hình thức “filibuster” (câu giờ) để chặn lại.

 

Mối lo còn lại của ông Biden là chưa biết Thượng Nghị Sĩ Kyrsten Sinema (Dân Chủ-Arizona), người có quan điểm bảo thủ, thường xuyên cản trở nghị trình lập pháp của ông, có bỏ phiếu ủng hộ dự luật này hay không. Cho đến nay, bà Sinema chưa phát biểu công khai về lập trường của bà. [đ.d.]





No comments: