Thursday, July 28, 2022

CHÍNH SÁCH VISA KHIẾN VIỆT NAM TỤT HẬU TRONG KHU VỰC VỀ PHỤC HỒI DU LỊCH (VOA Tiếng Việt)

 



Chính sách visa khiến Việt Nam tụt hậu trong khu vực về phục hồi du lịch 

VOA Tiếng Việt

25/07/2022

https://www.voatiengviet.com/a/chinh-sach-visa-khien-viet-nam-tut-hau-trong-khu-vuc-ve-phuc-hoi-du-lich/6672860.html

 

https://gdb.voanews.com/c2eb0000-0aff-0242-72ee-08d9e82da72d_w650_r1_s.jpg

Du khách Brazil tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội. Chính sách visa kém hấp dẫn của Việt Nam được xem là đang cản trở sự phục hồi du lịch của quốc gia Đông Nam Á sau đại dịch.

 

Việt Nam đang tụt hậu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á về phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19 và chính sách visa ‘chưa cởi mở’ được cho là rào cản khiến lượng khách quốc tế vào Việt Nam thấp hơn kỳ vọng, theo truyền thông trong nước.

 

Sau hai năm đóng cửa biên giới vì đại dịch, Việt Nam bắt đầu mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch quốc tế từ 15/3. Du lịch nội địa lại là mảng tăng trưởng mạnh, với lượng khách trong nước vượt chỉ tiêu của cả năm trong 6 tháng đầu năm.

 

Lượng khách nội địa đạt 60,8 triệu lượt, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019, tức thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, theo Tuổi Trẻ.

 

Nhưng du lịch nội địa chỉ chiếm 30% trong “miếng bánh thị trường,” theo ông Vũ Thế Bình, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Ông Bình được Tuổi Trẻ trích lời nói rằng “dù phát triển đến đâu, du lịch nội địa vẫn chỉ là một mảng hồi phục riêng, chưa thể làm nên một bức tranh tăng trưởng hoàn chỉnh.”

 

Mặc dù du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ nhưng lượng khách nước ngoài vào Việt Nam được cho là “nhỏ giọt”.

 

Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 nhưng 6 tháng đầu năm nay mới chỉ đạt 602.000 khách, bằng 12% kế hoạch, theo Đầu Tư Online. Theo thống kê, Thái Lan đón 2.2 triệu khách; Malaysia, 2 triệu; Singapore, 1.5 triệu, và Philippines, 814,000, trong nửa đầu năm nay.

 

“Mục tiêu 5 triệu khách nhưng 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt hơn 600.000 lượt, vậy trách nhiệm thuộc về ai?” ông Bình được Tuổi Trẻ trích lời nói tại buổi họp báo công bố sự kiện “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam năm 2022” hôm 25/7.

 

Trước đó nhiều doanh nghiệp được các báo trong nước trích lời nói rằng chính sách visa “chưa cởi mở” là “điểm nghẽn” trong việc thu hút khách quốc tế vào Việt Nam.

 

Đến nay, Việt Nam mới thực hiện miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia, không bao gồm Mỹ, với thời hạn 15 ngày, trong khi, theo nhận định của các công ty lữ hành được Đầu Tư trích dẫn, khách quốc tế thường có nhu cầu đi du lịch 18-30 ngày.

 

Trong khi đó, đa số các nước trong khu vực Đông Nam Á miễn thị thực cho khách quốc tế ít nhất 30 ngày và có thể gia hạn visa trước khi hết hạn. Theo Đầu Tư, việc Việt Nam chỉ cấp visa 15 ngày khiến doanh nghiệp khó khăn khi tổ chức các đoàn quy mô lớn. Bên cạnh đó, thủ tục cấp thị thực điện tử cho khách quốc tế phải chờ đợi quá lâu và, theo tờ báo cho biết, nhiều trường hợp khách quốc tế buộc phải hủy vé tới Việt Nam.

 

Một bất cập khác trong chính sách visa của Việt Nam ‘làm nản lòng’ khách quốc tế là yêu cầu bảo lãnh để được cấp thị thực.

 

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Cao Trí Dũng, được Tuổi Trẻ trích lời nói rằng sau đại dịch, xu hướng khách lẻ vào Việt Nam tăng cao so với trước đây. Theo ông Dũng, hiện nay với các nước chưa được miễn thị thực thì khách muốn nhập cảnh phải có người bảo lãnh và điều này gần như “bất khả thi” với hầu hết khách vì không biết xin bảo ai bảo lãnh.

 

Vẫn theo Tuổi Trẻ, nhiều ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới, chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tờ báo này nói rằng ngay cả thị thực điện tử (e-visa) chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả và chưa giải thích lý do vì sao hồ sơ của du khách xin thị thực bị từ chối.

 

Các đại diện doanh nghiệp lữ hành được Tuổi Trẻ trích lời cho biết họ lo sợ việc phục hồi du lịch bị đứt đoạn và đề xuất Bộ Ngoại giao cùng Bộ Công an nghiên cứu phương án cải thiện chính sách thị thực và thị thực điện tử cũng như giảm giấy tờ, thủ tục với doanh nghiệp lữ hành hoặc với du khách.

 

Các chuyên gia của Ban Phát triển Kinh tế Tư nhân do nhà nước quản lý đã đề xuất với chính phủ mở rộng danh sách miễn thị thực cho các du khách từ các thị trường du lịch tiềm năng như Mỹ, Canada, Úc và một số nước châu Âu, theo VnExpress.

 

Việt Nam bắt đầu dần dỡ bỏ các hạn chế du hành khắt khe được áp đặt trong đại dịch từ tháng 10 năm ngoái và chính quyền bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế, trong các tour du lịch khép kín với những hạn chế du hành, sau đó một tháng. Từ đầu năm nay, Việt Nam mở lại đường bay quốc tế thường lệ tới một số quốc gia, trong đó có Mỹ, nhưng vẫn hạn chế tần suất khai thác theo yêu cầu phòng chống dịch của chính phủ.

 

=====================================================

 

Vì sao cơ quan Nội vụ Đức chưa chấp nhận hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam? 

Thanh Niên Online

17:40 - 27/07/2022

https://thanhnien.vn/vi-sao-co-quan-noi-vu-duc-chua-chap-nhan-ho-chieu-mau-moi-cua-viet-nam-post1482412.html

 

Trả lời báo Thanh Niên, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đã đưa ra phản hồi liên quan đến thông tin Đức từ chối nhập cảnh đối với hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam.

 

Chiều 27.7, tài khoản Facebook của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Đức tại TP.HCM lần lượt đăng thông tin về việc Đức từ chối nhập cảnh đối với người mang hộ chiếu mẫu mới, màu xanh tím than (bắt đầu với chữ “P”).

 

Thông tin nêu rõ “Hiện tại, mẫu hộ chiếu mới màu xanh tím than của Việt Nam chưa được phía Đức chấp nhận. Điều đó có nghĩa là: nếu quý vị đang sở hữu hộ chiếu mới này, quý vị sẽ không thể nộp đơn xin thị thực tới Đức. Điều này dựa trên quyết định của Cơ quan Nội vụ Đức. Những người đã nộp đơn xin cấp thị thực sẽ nhận được thông báo riêng từ phía Đại sứ quán/Tổng Lãnh sự quán”.

 

Nhiều người dùng Facebook tỏ ra lo lắng và đặt câu hỏi dưới phần bình luận.

 

https://image.thanhnien.vn/w2048/Uploaded/2022/cqjwqqjwp/2022_07_27/ho-chieu-mau-moi-9316.jpg

Tài khoản Facebook của Tổng lãnh sự quán Đức tại TP.HCM đưa thông tin (CHỤP MÀN HÌNH)

 

Trả lời Thanh Niên, Đại sứ quán Đức cho biết, dựa trên công hàm gửi cho Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 27.7, những hộ chiếu mới được cấp từ ngày 1.7.2022 tạm thời không được công nhận ở Đức và vì thế không thể cấp thị thực vào những hộ chiếu đó.

 

Nguyên nhân do thiếu thông tin về nơi sinh. Chỉ có thể xác định được nơi sinh thông qua số định danh cá nhân có 12 chữ số và thông qua việc đối chiếu với một danh sách dài 7 trang.

 

Theo công hàm, không có nơi sinh thì không thể xác định được rõ ràng người mang hộ chiếu, đặc biệt vì nhiều trường hợp trùng họ. Đối với cơ quan chính quyền ở Đức, việc tìm nơi sinh thông qua số định danh trong hộ chiếu là không thể thực hiện được. Trong khi kiểm tra ở Đức (khi nhập cảnh, xuất cảnh, khi kiểm tra trong nước) sẽ phải luôn đối chiếu bằng thủ công với danh sách. Không thể cho rằng mỗi một người làm nhiệm vụ kiểm tra đều có danh sách này.

 

Thêm vào đó, hiện nay có nhiều hộ chiếu nộp vào Đại sứ quán mà không có số định danh cá nhân, đa số là hộ chiếu của vị thành niên, cũng như một số hộ chiếu mà nơi sinh tìm thấy được lại không trùng khớp với nơi sinh thực sự.

 

Vì thế, những người mang hộ chiếu mới của Việt Nam không được nhập cảnh vào Đức để lưu trú ngắn hạn, theo công hàm.

 

=================================================

 

Đức không công nhận hộ chiếu series P của VN vì ‘thiếu nơi sinh’? 

BBC News Tiếng Việt

27 tháng 7 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c97y447r3e6o

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/734/cpsprodpb/e6f1/live/b03bbf90-0e58-11ed-8669-8f985555fec5.jpg.webp

Mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam được cấp từ ngày 1/7/2022

 

Hôm 27/07/2022, Đại sứ quán CHLB Đức ở Hà Nội thông báo họ không thể cấp thị thực cho hộ chiếu phổ thông có số serial bắt đầu bằng ‘P’ của Việt Nam.

 

Công dân Việt Nam dùng loại hộ chiếu này mà đã nhận được thị thực loại C hoặc D cũng được phía Đức khuyến cáo không tìm cách nhập cảnh Đức.

 

Đây là loại hộ chiếu có bìa màu tím than – thay cho bìa màu xanh lá cây – do phía Việt Nam cấp từ ngày 01/07/2022.

 

Lý do phía Đức nêu ra là, theo đánh giá của họ, một số thông tin kỹ thuật trong loại hộ chiếu này của Việt Nam “chưa tương thích” với yêu cầu của các cơ quan chức năng nội địa Đức.

 

Thiếu nơi sinh - POB?

 

Theo tìm hiểu của BBC News Tiếng Việt, qua phản ánh của cộng đồng mạng xã hội Việt Nam, thì hộ chiếu P của Việt Nam bỏ mục "Nơi sinh", thay vào đó là hàng số gồm có mã ghi nơi sinh.

 

Tuy thế, các số liệu này lại không nằm trong chip điện tử vì thế hệ hộ chiếu này của Việt Nam chưa có.

 

Việc này cũng được báo Thanh Niên ở Việt Nam xác nhận, căn cứ vào một công hàm của phía Đức. Theo đó, mẫu hộ chiếu P tím than của VN “chỉ có thể xác định được nơi sinh thông qua số định danh cá nhân có 12 chữ số và thông qua việc đối chiếu với một danh sách dài 7 trang”.

 

Số liệu dạng mã số này, theo cách hiểu thông thường, chỉ có giá trị với các cơ quan chức năng ở Việt Nam, vì việc lưu trữ, kiểm soát mã số này không nằm ở nước ngoài và các cục xuất nhập cảnh của Đức hay các nước khác không tiếp cận được, và họ cũng không có nhu cầu tiếp cận.

 

Công hàm 178/2022 của phía Đức, bằng tiếng Việt, gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng "Không thể cho rằng mỗi người làm nhiệm vụ kiểm tra (đối chiếu thủ công) đều có danh sách này.

 

Các quy định hộ chiếu của Vương quốc Anh, các nước EU và Hoa Kỳ ghi rõ họ không thể nào cấp hộ chiếu cho công dân thiếu nơi sinh.

 

Gọi là POB listing – Place of Birth, đây là “phần không thể thiếu của việc xác định danh tính, căn cước một cá nhân, và nó giúp phân biệt các cá nhân có cung tên, cùng ngày tháng năm sinh”, theo trang web chính phủ Mỹ.

 

“POB còn giúp việc chống lại các vụ cá nhân tìm cách đóng giả, chiếm đoạt căn cước của người khác.”

 

Văn bản của Anh Quốc yêu cầu ghi thị trấn, thành phố nơi sinh nhưng chấp nhận các trường hợp đặc biệt, cho phép ghi nơi sinh chỉ là tên quốc gia nước ngoài, nhất là với những người thuộc thế hệ đã cao niên, sinh ra tại các xứ từng là thuộc địa Anh: Zimbabwe, Jamaica, Ấn Độ...

 

Trong một số trường hợp, Anh Quốc yêu cầu ghi cả tên nước, ví dụ: Kingston, Jamaica hay London, Canada để phân biệt với các địa danh trùng tên ở Anh.

 

Các quy định quốc tế, áp dụng cho mọi hãng hàng không, hàng hải chuyên chở hành khách xuyên quốc gia, nói rằng giấy thông hành, hộ chiếu sử dụng tại cửa khẩu – qua máy đọc, hoặc nhân viên biên phòng xem xét – đều phải có trang số liệu cá nhân.

 

Gọi là data page, trang này có ảnh, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, ngày cấp, và ngày hết hạn của các giấy tờ.

 

Mục nơi sinh (theo văn bản Hội nghị Montreal 2012) cần được ghi bằng tiếng Anh (Place of Birth), hoặc Pháp (Lieu de Naissance) kèm tiếng của quốc gia cấp hộ chiếu/giấy thông hành.

Tuy thế một số nước như Nhật Bản không ghi Nơi sinh mà có mục Nơi cư trú được đăng ký (Registered Domicile), và vẫn được quốc tế công nhận.

 

Hộ chiếu Hàn Quốc không có mục Nơi sinh nhưng có chip điện tử lưu giữ các số liệu phù hợp.

 

Khả năng người đem theo loại hộ chiếu ‘Không nơi sinh’, không có chip điện tử chứa đựng thông tin POB của Việt Nam sẽ không thể nào nhập cảnh vào bất cứ nước nào là khá cao.

Theo một người làm ngành du lịch ở Hà Nội cho BBC biết, đã có các trường hợp tạm không xuất cảnh được khỏi sân bay Nội Bài vì dùng hộ chiếu serial P từ chiều tối 27/07.

 

Hiện có ý kiến cho rằng vì quan hệ Đức-Việt "có một số vấn đề" nên mới xảy ra vụ ách hộ chiếu P ở cơ quan lãnh sự.

 

Trên thực tế, đây không phải là vấn đề chỉ với Đức mà ngay cả các hãng hàng không quốc tế đều hoàn toàn có quyền cấm lên khoang bất cứ ai dùng giấy thông hành, hộ chiếu có lỗi, hoặc có hạn khác với quy định của nước họ.

 

Việc này đã xảy ra với một số công dân Anh bay sang EU sau Brexit, khi các hãng hàng không EU không công nhận cách tính thời gian còn hạn trên hộ chiếu Anh như chỉ dẫn của Anh cho công dân mình.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/96ad/live/c05417b0-0dbd-11ed-95ad-577ec1285ac1.jpg.webp

Trang data page trong hộ chiếu Việt Nam theo mẫu mới cấp từ ngày 1/7/2022

 

Nhiều biểu tượng văn hóa

 

Các báo VN hồi đầu tháng 7 ca ngợi giá trị văn hóa của loại hộ chiếu mới serial P:

 

“Trên mỗi trang là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước, góp phần khẳng định và quảng bá những hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam như: Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Bến cảng Nhà Rồng, Cột cờ Lũng Cú, cổng Tò Vò - Đảo Lý Sơn…"

 

Các chi tiết này "góp phần khẳng định và quảng bá những hình ảnh Việt Nam ra thế giới..." theo trang Thông tin Chính phủ.

 

Thế nhưng, việc bỏ hay quên in mục Place of Birth – Nơi sinh, của người mang hộ chiếu, lại không được báo nào đề cập đến, và không rõ Bộ Công an VN có tìm hiểu thông lệ quốc tế là như thế nào.

 

Theo bộ này “mẫu hộ chiếu phổ thông mới đảm bảo các kỹ thuật bảo an, khó làm giả”.

 

Tuy thế, việc gắn chip điện tử chưa được tiến hành cho hộ chiếu phổ thông, công vụ, ngoại giao của Việt Nam đợt này, một báo VN cho hay.

 

Dự kiến việc gắn chip sẽ bắt đầu từ quý III, 2022.

 

Có khả năng ý định chuyển phần Nơi sinh vào chip điện tử - như hộ chiếu Hàn Quốc - đã không được VN thực hiện cho đợt cấp hộ chiếu từ 01/07.

 

Một khác biệt nữa của hộ chiếu mới Việt Nam cấp là có mục ghi Địa chỉ ở nước ngoài, được hiểu là dành cho “công dân Việt Nam sống ở nước ngoài”.

 

Tuy thế, theo tìm hiểu của BBC thì việc này thực sự không cần thiết, nhất là cho các cá nhân từ Việt Nam đi.

 

Vì một cá nhân có thể tạm trú ở nhiều hơn một địa chỉ, thậm chí ở một số nước khác nhau trong một chuyến đi.

 

Người Việt sống ở nước ngoài cũng hoàn toàn có thể có hai nơi ở, vì mục này ghi “(Một) Địa chỉ ở nước ngoài/Overseas Address”, mà không nói rõ đây là nơi ở (Residence), hay nơi làm việc. Có thể hiểu đây là việc tự chọn của mỗi người và câu hướng dẫn ngay trong trang đó của hộ chiếu cho phép họ dùng bút chì điền vào. Việc cho phép tẩy xóa, viết lại các địa chỉ mới tùy theo nhu cầu khiến mục này càng trở nên không cần thiết.

 

Điểm mới và thiết thực trong series này tuy thế là mục Trong trường hợp khẩn cấp báo tin cho thân nhân, giống mục Emergency contact or Next of kin, trong hộ chiếu Anh và EU.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3b7e/live/7b96a9b0-0db0-11ed-93ba-314ede9cd985.jpg.webp

Hộ chiếu Việt Nam mẫu cũ

 

*

 

Đức từ chối cấp visa: Vì sao nơi sinh trên hộ chiếu mới của VN lại quan trọng?

Bùi Thư

BBC News Tiếng Việt

5 giờ trước

 

 

-------------------------------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Hộ chiếu Nhật 'mạnh nhất' thế giới năm 2018

11 tháng 1 năm 2019

.

Việt kiều, người nước ngoài gặp rắc rối vì phải đặt tên con 'thuần Việt'

9 tháng 7 năm 2022

.

Trẻ VN ở nước ngoài 'phải có tên thuần Việt?'

10 tháng 9 năm 2019

.

Đài Loan bỏ chữ 'China' ra khỏi hộ chiếu

11 tháng 11 năm 2020





No comments: