Nạn
đói toàn cầu: Hiện trạng, nguyên nhân và giải pháp
Đỗ Kim Thêm
18/07/2022
https://baotiengdan.com/2022/07/18/nan-doi-toan-cau-hien-trang-nguyen-nhan-va-giai-phap/
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/07/1-36.jpg
Theo LHQ, hơn mười một triệu trẻ em ở Yemen sống
bằng viện trợ nhân đạo; hơn hai triệu bị suy dinh dưỡng cấp tính. Nguồn:
Mohammed Hamoud / Getty Images
Hiện trạng
Chiến
tranh và bất ổn xã hội hầu như đang xảy ra khắp mọi nơi trên thế giới. Cuộc khủng
hoảng khí hậu và trận đại dịch COVID-19 làm cho nhiều người chết và đói hơn.
Nhưng nguy hiểm nhất hiện nay là cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine có thể sẽ
khởi đầu cho cuộc thế chiến thứ ba.
Trước đây,
Liên Hiệp Quốc đã đề ra mục tiêu chấm dứt nạn đói trên toàn thế giới vào năm
2030. Với nhiều nỗ lực khác nhau, cộng đồng quốc tế đã cam kết sẽ đạt được mục
tiêu này.
Báo cáo
năm 2021của Welthungerhilfe, một tổ chức cứu đói quốc tế được thành lập ở Đức từ
năm 1992, vừa được phổ biến gần đây, cho thấy thực tế đã đánh tan bao hy vọng.
Bảng Chỉ số về nạn đói của Báo cáo đã báo động về các nguy cơ dinh dưỡng của
dân số thế giới và nguồn cung ứng lương thực trên toàn cầu.
Theo Báo
cáo, cứ mười người có một người bị đói kinh niên, có nghĩa là, khoảng 828 triệu
người trên toàn thế giới đang bị nạn đói, 46 triệu người nhiều hơn so với năm
2020. Bị ảnh hưởng đặc biệt nhất là trẻ em, cứ sáu mươi giây có một đứa trẻ dưới
năm tuổi chết vì đói và khoảng 15.000 trẻ em mỗi ngày.
Trong khi
nạn đói toàn cầu đã giảm đi từ năm 2000, nhưng những thành tựu đạt được trước
đó nay đã không được duy trì mà còn bị chậm lại hoặc thậm chí đảo ngược.
Bi thảm nhất
là tình trạng an ninh lương thực đang đe dọa nhiều nơi, theo nhiều cách khác
nhau, nhưng ở một số khu vực như vùng hạ Sahara châu Phi, Sudan, Yemen và
Somalia là nặng nề nhất, trong khi Madagascar và các nước Đông Phi chịu cảnh hạn
hán nghiêm trọng. Gần 17 triệu nạn nhân không còn biết được có thể ăn được gì.
Ba phần tư
các nạn nhân ở nông thôn, chuyên nghề nông và sống trong cảnh nghèo đói tận
cùng đến mức không đủ tiền để chi phí cho một chế độ dinh dưỡng lành mạnh đúng
cách.
Báo cáo
này chỉ đề cập đến tình hình cho đến năm 2021, trong khi cuộc chiến ở Ukraine
bùng nổ sau ngày 24/2/2022 sẽ làm cho thảm họa nghèo đói còn trầm trọng hơn. Lo
ngại nhất của Liên Hiệp Quốc là các nước Bắc Phi, Ai cập, Syria và Lebanon. Cho
đến nay, các nước này đã lệ thuộc vào nhập khẩu nông phẩm của Ukraine nhiều nhất.
Nhìn
chung, Tổ chức Welthungerhilfe cho thấy một bức tranh toàn cảnh đầy ảm đạm khi
đưa ra những giải thích về các thất bại trong cuộc chiến chống đói ở hiện tại
và tiên đoán các giải pháp khó khả thi cho tương lai.
Nguyên nhân
Theo Tổ chức
Welthungerhilfe, chiến tranh, bất ổn xã hội, khủng hoảng khí hậu và đại dịch
COVID-19 là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nạn đói cho năm 2021.
Chiến tranh và xung đột
Các cuộc
chiến tranh và xung đột ngày càng gia tăng gây ra các vụ thu hoạch giảm sút, điều
kiện phân phối thất thường và các biến động dân số qua phong trào tỵ nạn hay di
dân.
Khi cơ sở
hạ tầng bị chiến tranh phá hủy, thì giá thực phẩm ngày càng trở nên đắt đỏ hơn.
Hiện nay, cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine đang đe dọa trực tiếp đến
việc cung cấp lương thực cho châu Phi, vì các biện pháp xuất khẩu của Ukraine đều
bị Nga phong toả. Do nạn khan hiếm này mà mức giá nông phẩm gia tăng, tính
chung cho toàn cầu là khoảng 28%.
Khủng hoảng khí hậu
Thời tiết
khắc nghiệt như bão lụt, mưa to, gió lớn và hạn hán dẫn đến việc thất thu hoặc
thậm chí còn làm cho thời vụ mất trắng. Thiên tai gia tăng thường đi cùng với
biến đổi khí hậu, nên có nhiều nước lo ngại rằng các nguồn dự trữ là không còn
đủ. Trung Quốc là một thí dụ điển hình.
Là một
trong những nước quan trọng trồng lúa mì, Trung Quốc hiện đang lo dự trữ ngũ cốc
và còn mua thêm một số lượng lớn trên thị trường. Lý do chính cho biện pháp này
là vì lượng mưa quá nhiều trong năm 2021, nên việc gieo hạt phải hoãn lại nhiều
lần.
Ấn Độ, nhà
sản xuất ngũ cốc lớn thứ hai thế giới, cũng lâm cảnh tương tự. Trong năm qua, Ấn
Độ chịu cảnh mất mùa trầm trọng do các đợt nắng nóng quá bất thường, nên cũng
ra lệnh ngưng xuất khẩu, vì lo ngại sẽ không đủ cung ứng cho thị trường nội địa.
Do hạn hán
kéo dài làm cho nguồn nước khô cạn, đồng cỏ vì thế cũng không thể tốt hơn.
Trong chăn nuôi, hậu quả của tình trạng này là số lượng động vật chết hoặc suy
yếu nghiêm trọng. Đối với những động vật gầy còm, giá bán đương nhiên phải sụt
giảm. Do đó, để ứng phó, nhà chăn nuôi phải chi trả nhiều hơn cho thực phẩm
nuôi gia súc, một quyết định chẳng đặng đừng.
Đại dịch Corona
Corona còn
có tác hại như châm dầu vào lửa. Cảnh chết chóc tràn lan toàn cầu đã dẫn đế
tình trạng là bệnh nhân suy dinh dưỡng và không còn quan tâm đến các việc chăm
sóc sức khỏe.
Thảm hoạ tử
vong quá cao buộc chính quyền phải hoãn lại các biện pháp điều trị chung và các
dịch vụ liên quan đến việc chống suy dinh dưỡng cũng gián đoạn một phần hoặc
toàn bộ. Đại dịch Corona đã đẩy hàng triệu người vào tình trạng đói cấp tính.
Tác hại của nền tự do thương mại thế
giới
Các nước
giàu thường có ưu quyền trong việc thương thuyết và ký kết các hiệp định thương
mại, nhờ thế, họ tạo ra được nhiều lợi thế trong việc thâm nhập thị trường.
Ngay cả việc quy định giá cả, các doanh nghiệp từ các quốc gia có trình độ công
nghiệp phát triển gây được nhiều áp lực để trục lợi bất chánh.
Trong nền
kinh tế thị trường, chính giới thường có chính sách cổ vũ cho tự do thương mại
quốc tế. Nhưng thực tế khác hẳn. Họ không đem lại cho các nông dân tại các nước
nghèo một lợi thế cạnh tranh nào đặc biệt và các lợi ích cốt lõi của họ không
được quan tâm.
Tình trạng
phụ thuộc vào nhập cảng nông phẩm gây ra thêm những bất lực khác, Ukraine và
Nga là những thí dụ điển hình.
Ukraine là
một trong những nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới sau Nga và Mỹ. Cho đến
nay, Ukraine đã cung cấp ngũ cốc cho hơn 400 triệu người tiêu dùng trên thế giới.
Các quốc gia Congo và Ai Cập nhập cảng hầu hết các nông phẩm của Nga để giải
quyết các nhu cầu lương thực.
Do đó, ngũ
cốc trở thành một đề tài gây tranh chấp chính trị và đầu cơ kinh tế.
Chiến
tranh Ukraine đã giúp cho Nga biến ngũ cốc trở thành một loại vũ khí chiến lược
để đàm phán với các nước phương Tây và châu Phi, trong khi Ukraine chịu thất
thu vì các nông phẩm tồn kho còn bị quân đội Nga phong toả.
Giải pháp
Tăng tiền viện trợ
Trong cuộc
họp gần đây tại Đức, các nước G7 đã cam kết viện trợ 4,5 tỷ đô la cho nhu cầu
an ninh lương thực toàn cầu. Nhưng tổ chức Welthungerhilfe ước tính là sẽ không
đủ để ứng phó trước các nạn đói hiện nay và đang kêu gọi cộng đồng quốc tế nên
cung cấp thêm 14 tỷ đô la.
Xuất khẩu thực phẩm.
Trước mắt,
việc xuất khẩu thực phẩm cho châu Phi là ưu tiên và các nước phải tạo các điều
kiện thuận lợi cho việc thoả mãn nhu cầu này.
Bất chấp
việc Nga phong tỏa cảng Odessa, chính phủ Ukraine cho biết là có thể xuất khẩu
bằng phương tiện tàu hàng qua đường sông Danube. Trở ngại chính cho nỗ lực này
là cơ sở hạ tầng của Rumänie quá tụt hậu. Để giải quyết, Ukraine đang đàm phán
với Rumänie và châu Âu về việc gia tăng năng lực vận chuyển.
Thổ Nhĩ Kỳ
có mối quan hệ tốt đẹp với Ukraine và Nga nên cũng muốn làm trung gian hòa giải
xung đột. Nga và Ukraine đang bắt đầu thảo luận tại Istambul về việc chuyển
giao ngũ cốc qua Biển Đen. Đại diện của Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ
tham gia vào cuộc họp này.
Tăng sản xuất nội địa thay nhập khẩu
Về lâu
dài, các quốc gia phụ thuộc vào việc nhập khẩu nông phẩm cần phải có các biện
pháp gia tăng sản xuất nội địa và đa dạng hóa nguồn cung cấp.
Tổ chức
Welthungerhilfe chỉ ra rằng, mức thất thu nông sản hiện nay tính chung là
khoàng 50%, đặc biệt là ở miền nam châu Phi.
Lý do
chính là vì các nước châu Phi không quan tâm đến việc sửa chửa đường xá, không
có kho bãi tồn trữ hay xử lý các mặt hàng theo đúng quy cách. Các nước không
quan tâm giải quyết triệt để tất cả vấn đề này, bởi vì trước chiến tranh
Ukraine, họ nhập được nông phẩm của Ukraine và châu Âu với giá rẻ và được trợ cấp.
Hiện nay,
tình thế đổi khác nghiêm trọng hơn. Do đó, các sai lầm hệ thống này cần phải
triệt để cải cách và ưu tiên nhất là ngăn chặn những thất thu. Nếu thành công,
may ra, họ sẽ không còn chịu cảnh phụ thuộc lương thực vào các nước nhập khẩu.
Tăng cường vai trò các tiểu nông
Tổ chức
Lương Nông Quốc tế, (Food and Agriculture Organisation of the United Nations,
FAO) cho biết, ở nhiều nước đang phát triển, khoảng 70% dân chúng sống và làm
việc trong khu vực nông nghiệp, nhưng họ lại không có một tổ chức tập đoàn nông
gia với quy mô và hiệu năng tương xứng.
Cho đến
năm 2017, nhiều triệu tiểu nông sản xuất khoảng hai phần ba thực phẩm, nhưng điểm
nghịch lý là họ có ít hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp trên thế giới.
Tổ chức đặc
biệt của cơ quan Liên Hiệp Quốc về Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế
(International Fund for Agriculture Development, IFAD) cho rằng, cần phải tăng
cường nguồn lực cho các tiểu nông.
Cụ thể là
nông gia cần nhận được nguồn tài trợ đầu tư của nhà nước với điều kiện dễ dãi để
mở rộng và đưa đất nông nghiệp mới vào canh tác. Một trở ngại pháp lý ở nhiều
nước là không có cơ quan địa chính và sổ đăng ký đất đai. Khó khăn này có nghĩa
là họ cũng không minh chứng được quyền sử dụng đất của mình và có nguồn thế chấp.
Các chuyên
gia đồng ý là nên tạo ra các điều kiện thuận lợi cho nông dân trong việc mua
phân bón và hạt giống. Chính quyền cần nhiều quy hoạch mới để gia tăng các biện
pháp dẫn thuỷ nhập điền cũng như cải thiện cách tư vấn và thúc đẩy các cộng
trình nghiên cứu mới.
Để đạt được
mục tiêu này, chính quyền cũng cần thực hiện cùng lúc các biện pháp cải thiện
khác về giáo dục và an sinh xã hội, thí dụ như trẻ em được đi học và nữ giới
thoát nạn mù chữ.
Một nền
kinh tế nông nghiệp dựa trên việc sản xuất trong quy mô nhỏ theo định hướng thị
trường tự do phải tạo ra nhiều khả năng cho nông dân trong việc tăng nhập lượng,
nếu khả thi, sẽ giúp ích rất nhiều trong việc thiết lập các chuỗi giá trị dài
hơn và tạo ra nhiều việc làm hơn.
Không đồng
quan điểm này, Oxfam, một tổ chức viện trợ phát triển của Anh, cho là: “Thực tế
là có hàng triệu tiểu nông và nhân công trong nông nghiệp đang bị bóc lột đền đổi
thu nhập không đủ sống, mặc dù họ làm việc hết sức cực nhọc”.
Do đó, giải
pháp cho vấn đề trong chuỗi cung ứng thực phẩm là cần phải có một lệnh cấm
chung về việc bán phá giá và cạnh tranh không công bằng. Vì không có vốn khả dụng,
nên nông dân dễ dàng rơi vào vòng xoáy nợ nần khi mua phân bón, thuốc trừ sâu
và hạt giống. Bán lúa non để xoay vốn trong lúc giáo hạt cũng là một thảm cảnh
quen thuộc của nông dân Việt Nam.mại không công bằng thường làm cho các nước
giàu dễ thâm nhập hơn vào thị trường thế giới.
Điểm nghịch
lý nhất là các nông sản từ Liên Âu và Hoa Kỳ luôn được hưởng trợ cấp cao, có
nghĩa là, làm cho giá của các nông phẩm các nước nghèo không thể cạnh tranh và
cuối cùng, cạnh tranh gay gắt đẩy các doanh nghiệp suy yếu ra khỏi thị trường địa
phương.
Do đó,
theo Oxfam, hai giải pháp cho vấn đề này là “một mặt, phải tiếp tục cho phép
các nước đang phát triển xuất khẩu sang thị trường Liên Âu và Bắc Mỹ; mặt khác,
không để cho họ phải chịu quá nhiều áp lực do việc nhập khẩu với số lương ồ ạt
và giá quá rẻ”.
Các nước
nghèo khi xuất khẩu nông phẩm sang thị trường châu Âu thường thất bại, vì sản
phẩm không có chứng chỉ xác minh nguồn gốc và phẩm chất cần thiết.
Châu Âu
quy định các luật lệ rất chi tiết cho các loại danh mục thực phẩm, các nước
nghèo phải đáp ứng được các điều kiện khung cho việc nhập khẩu, thường thỉ họ lại
không có các phòng thí nghiệm chuẩn mực để chứng nhận các đòi hỏi gắt gao này.
Nhìn
chung, các nước nghèo cần phải đẩy mạnh các nỗ lực trong toàn diện để việc xuất
khẩu được dễ dàng hơn.
Tổ chức
Oxfam cũng chỉ trích thái độ mâu thuẫn của các nước tài trợ. Do cơ cấu sản xuất
được công nghệp hoá quy mô, mà thịt và sữa tại Liên Âu luôn trong tình trạng thặng
dư. Để giải quyết, Liên Âu dùng mọi biện pháp để thâm nhập thị trường thế giới.
Chính sách
nông nghiệp tập trung cho xuất khẩu của Liên Âu và Mỹ thường đi đôi với chiến
lược mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất nông sản.
Một mặt, họ
tài trợ cho việc viện trợ lương thực chống lại nạn đói, mặt khác, họ làm suy yếu
bằng các hiệp định thương mại không công bằng, buộc các nước nghèo phải mở cửa
thị trường và giảm thuế quan cho các doanh nghiệp. Hai biện pháp song hành này
gây các tác hại cho các nguồn cung ổn định địa phương ở các nước nghèo.
Tiêu dùng bền vững và sử dụng nguồn thực
phẩm
Việc tiêu
thụ các nguồn năng lượng và quy cách chăn nuôi của các nước châu Âu cũng bị chỉ
trích.
Thứ nhất,
đặc biệt là Đức, cổ vũ việc sử dụng ngũ cốc làm bằng nhiên liệu sinh học hoặc dầu
diesel sinh học. Hiện nay, 10% số lượng ngũ cốc được sử dụng cho mục tiêu này.
Thứ hai,
châu Âu sử dụng rất nhiều ngũ cốc cho việc dinh dưỡng động vật. Ví dụ, Bộ Nông
nghiệp Liên bang Đức cho biết, 58% lượng ngũ cốc dùng cho động vật và hai phần
ba vụ thu hoạch hạt cải dầu được chế biến thành nhiên liệu sinh học.
Tuy nhiên,
các cuộc khủng hoảng lại tạo thêm nhiểu vấn đề nghịch lý. Thí dụ như Liên Âu
dùng nhiều sản phẩm từ các nhiên liệu sinh học hoặc khí sinh học; sau đó, thay
thế một cách khác có chủ ý bằng cách dùng khí đốt tự nhiên hoặc dầu thô. Điều
này có nghĩa là thúc đẩy cho một cuộc khủng hoảng khí hậu.
Một giải
pháp khác được đề xuất cho vấn đề là thay đổi các thói quen ăn uống, cụ thể là
ăn ít thịt hơn và chăn nuôi gia súc trên mặt đất. Đây là phương cách khởi đầu
mà kết quả còn cần có thời gian để kiểm chứng.
Thay đổi việc sử dụng phân bón
Nga,
Ukraine và Belarus là những nhà sản xuất và xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới.
Chiến tranh Nga-Ukraine làm cho ngũ cốc bị thất thu vì đất bị bỏ hoang hoặc sử
dụng ít phân bón hơn. Hệ thống khép kín này với ít nhà cung cấp phân bón trên
thị trường có ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cả và lượng nông phẩm khả dụng.
Theo cơ
quan IFAD, giá phân bón đang trở nên đắt đỏ hơn. Tình trạng này làm cho các
nông gia sẽ không còn sử dụng phân bón nhiều như trước, bởi vì, nói chung, tăng
sản xuất nhưng mang lại ít doanh thu hơn nếu so với giá phân bón cao mà họ chi
trả.
Kết quả là
vụ thu hoạch đang giảm làm cho tình trạng thiếu lương thực trầm trọng hơn. Tất
nhiên, cuối cùng, nạn đói trong toàn cầu, một thảm khốc chung cho nhân loại, là
khó tránh khỏi.
Đó là lý
do tại sao điều quan trọng ở các nước nông nghiệp không phải chỉ lo gia tăng diện
tích canh tác, mà còn xây dựng cơ sở sản xuất phân bón địa phương và đa dạng
hóa thị trường.
Đổi mới trong kinh tế nông nghiệp
Trong lĩnh
vực công nghệ kỹ thuật số và chăn nuôi, cũng cần phải mở rộng những lĩnh vực mới.
Kỹ thuật mới theo di truyền học hiện nay chưa được sử dụng ở châu Âu, du nhập kỷ
thuật này đang là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi.
Những người
ủng hộ cho giải pháp này coi đây như là tiềm năng to lớn để làm cho nông nghiệp
có năng suất cao, khả năng phục hồi và thân thiện với môi trường hơn.
Ngược lại,
các nhà phê bình cho rằng triển vọng về kỹ thuật theo di truyền học chỉ là những
lời hứa hẹn vẫn chưa được thực hiện.
Bằng chứng
là hiện nay nông gia còn có nhiều vấn đề phải đối phó, thí dụ như việc sử dụng
thuốc trừ sâu chưa hiệu quả vì cỏ dại có tác hại cao; do đó, năng suất chưa
tăng. Các cây thực vật có hiệu suất cao lại đang giảm dần số lượng, trong khi
có quá nhiều độc tố trong môi trường khiến cho đất đã bị xói mòn và thoái hoá,
nên không còn phì nhiêu.
Tổ chức
Welthungerhilfe cho rằng cần phải quan tâm đến nhiều loài thực vật khác giúp
cho dinh dưỡng. Hiện nay, chúng ta nuôi sống thế giới với khoảng năm loài thực
vật. Điều đó là quá ít và cũng cần nên mở rộng hơn.
Cải cách cơ cấu tổ chức G20
Cải thiện
hiệu năng của định chế quốc tế là một khía cạnh đặc biệt mà Báo cáo 2021 không
đề cập tới.
Hiện tại,
G20 bao gồm 19 chính phủ quốc gia cộng thêm với Liên minh châu Âu (EU). G20 là
trụ cột chính của việc hợp tác đa phương để giải quyết các vấn đề kinh tế thế
giới. Hai cuộc họp của G20 tại Bali, Indonesie trong năm nay đã cho thấy tầm
quan trọng của diễn đàn này.
Để giúp
cho các nước châu Phi chống đói, G20 cần quan tâm đúng mức các quyền lợi sinh tử
của hơn 1,4 tỷ người dân châu Phi (17,5% trong tổng số toàn cầu).
Bất hạnh
nhất là các nhà lãnh đạo châu Phi, ngoài Nam Phi là thành viên, không có tiếng
nói cho vận mệnh của mình. Họ chỉ được mời tham dự Hội nghị G20 với tư cách là
nhà quan sát.
Châu Phi
hiện có 55 quốc gia tạo ra 2,6 nghìn tỷ đô la sản lượng hàng năm, gần 3% GDP thế
giới. Trong một bảng xếp hạng quốc gia, dân số châu Phi gần bằng Trung Quốc hoặc
Ấn Độ, một nền kinh tế đứng vào hàng thứ tám, chỉ sau Pháp và trước Ý.
Do đó,
nhìn chung trong bối cảnh này, chính giới của các nước châu Phi cần có vai trò
trong việc giải quyết nạn đói của mình.
Một giải
pháp cho vấn đề là G20 nên thu nhận các quốc gia châu Phi vào cơ cấu tổ chức
theo mô hình mang danh Liên Hiệp Châu Phi (tương tự như Liên Âu). Liệu đề xuất
này có khả thi không, triển vọng này còn cần phải được thảo luận. Trước mắt,
quyết định này sẽ đáp ứng được vấn đề tính đại diện, bởi vì chỉ làm tăng lên với
một ghế bổ sung cho G20. Khi Liên Hiệp Châu Phi sẽ đại diện cho 54 quốc gia,
(trừ Nam Phi đã là thành viên), thì việc gắn kết với 55 nền kinh tế châu Phi sẽ
đạt được và các nỗ lực phối hợp các chính sách của G20 sẽ thuận lợi hơn.
Nếu giải
pháp này đạt được, may ra, G20 sẽ góp phần trong việc chống đói cho toàn cầu, một
nhu cầu sinh tử và khẩn thiết hiện nay để hướng tới các công trình nền tảng như
xây dựng một thế giới thịnh vượng, toàn diện và bền vững hơn.
---------------
Bài liên quan:
Cuộc chiến Ukraine và tình hình an ninh lương thực toàn cầu
No comments:
Post a Comment