Saturday, November 6, 2021

TUẦN HÀNH VÌ KHÍ HẬU TẠI GLASGOW và TRÊN TOÀN THẾ GIỚI (RFI)

 


NỘI DUNG :

Tuần hành vì khí hậu tại Glasgow và trên toàn thế giới

Thanh Phương  -  RFI

.

Đại dương: Chủ đề lớn gần như bị quên lãng tại hội nghị Khí hậu COP26

Trọng Thành  -  RFI

.

COP26 : Hình thành liên minh chống năng lượng hóa thạch

Thùy Dương  -  RFI

 

=============================================

.

.

Tuần hành vì khí hậu tại Glasgow và trên toàn thế giới

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 06/11/2021 - 09:40

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211106-tuan-hanh-khi-hau-glasgow-cop26

 

Sau lời kêu gọi có hành động trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu của  hàng ngàn người trẻ tại Glasgow, Scotland, nơi diễn ra hội nghị khí hậu COP26, hôm nay, 06/11/2021, các cuộc tuần hành vì khí hậu lại diễn ra tại thành phố này cũng như trên toàn thế giới, với sự tham gia của hàng chục ngàn người.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a2286a98-3ed3-11ec-8a6c-005056a97e36/w:1024/p:16x9/000_9R62UN.webp

Ngày thế giới hành động vì biến đổi khí hậu ở Sydney, Úc, 06/11/2021. AFP - STEVEN SAPHORE

 

Theo hãng tin AFP, liên minh các tổ chức đã phát động phong trào này cho biết sẽ có hơn 200 cuộc tuần hành ở nhiều nơi, từ Sydney đến Paris, từ Luân Đôn, Nairobi đến Mexico. Họ xuống đường để đòi « công lý về khí hậu » và đòi các nước phải thi hành ngay các biện pháp cho những cộng đồng dân cư hiện đã bị tác động của biến đổi khí hậu.

 

Tại Glasgow, cảnh sát dự báo sẽ có đến 50.000 người tuần hành ở một nơi không xa trung tâm hội nghị, nơi diễn ra hội nghị COP26 từ một tuần qua. Riêng tại Sydney, người biểu tình đặc biệt lên án việc chính phủ của thủ tướng Scott Morrison vẫn bảo vệ ngành khai thác than đá, trong khi đây là nguồn năng lượng gây nhiều ô nhiễm nhất.

 

 

Từ Sydney, thông tín viên Grégory Plesse tường trình :

 

« Phải có hành động kiên quyết để chống biến đổi khí hậu, đó là yêu cầu của những người biểu tình đã tuần hành ở trung tâm Sydney hôm nay. Trong số này có X, trong dịp này đã hóa trang thành một hòn than. Với bộ đồ hóa trang này, cô muốn lên án việc thủ tướng Úc và đảng của ông vẫn nhất quyết ủng hộ việc phát triển loại năng lượng hóa thạch này.

 

Cô nói : «  Tất cả những gì họ nói hay làm đều là dối trá. Họ không nghĩ như họ nói, chỉ ra các khẩu hiệu chứ không có hành động thật sự. Họ làm việc không phải là cho lợi ích của nước Úc mà cho lợi ích của riêng họ.

 

Trong lần xuất hiện ngắn ngủi tại hội nghị COP26, thủ tướng Scott Morrison đã từ chối tham gia ký kết hai cam kết chủ yếu tại Glasgow : cắt giảm lượng phát thải khí méthane và dần dần từ bỏ điện than.

 

Một người biểu tình khác nói : « Chính phủ của chúng tôi là như thế, họ bị giới vận động hành lang cho khí đốt và than đá chi phối. Họ sẽ không có hành động đi ngược lại với lợi ích tài chính của họ. »

 

Úc là quốc gia xuất khẩu than đá nhiều nhất thế giới và cũng là quốc thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất tính theo đầu người trong nhóm G20. Mặt khác, kế hoạch tiến tới trung hòa carbon mà thủ tướng Scott Morrison trình bày trước khi rời khỏi Glasgow không dự trù chấm dứt việc khai thác than đá ».

 

                                                    ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

 

Đại dương: Chủ đề lớn gần như bị quên lãng tại hội nghị Khí hậu COP26

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 05/11/2021 - 15:17

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211105-dai-duong-gan-nhu-bi-quen-lang-tai-cop26

 

Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) đang diễn ra tại Glasgow, Scotland. Rất nhiều kỳ vọng được đặt vào COP26, như cơ hội cuối cùng giúp nhân loại giữ được nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C. Tuy nhiên, trước và trong hội nghị, giới khoa học, giới bảo vệ môi trường liên tục cảnh báo về việc « Đại dương » là một chủ đề lớn « bị quên lãng » tại dịp hội nghị hệ trọng này.

 

https://s.rfi.fr/media/display/99bd49b4-3e51-11ec-aee4-005056a90284/w:1024/p:16x9/Mer-1.webp

Biển khơi : nơi hấp thụ đến hơn 90% « lượng nhiệt dư dôi » trong khí quyển, và 25% lượng khí thải. © pxhere

 

Đại dương chính là nơi hấp thu nhiệt trong khí quyển và khí thải, gây hiệu ứng nhà kính, quan trọng số một của hành tinh. Tương lai nhân loại liên hệ mật thiết với « đại dương ». Theo nhiều chuyên gia, điều vô cùng đáng tiếc và nguy hiểm là chủ đề này gần như bị quên lãng tại thượng đỉnh Khí hậu COP26 (diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11/2021). 

 

                                                        ***

 

1/ Tại sao nói Đại dương là chủ đề lớn bị quên lãng tại hội nghị Khí hậu COP26 ?

 

Đại dương - khối nước bao quanh các lục địa, chiếm khoảng 70% diện tích bề mặt Trái đất - hết sức quan trọng với khí hậu trên Trái đất đặc biệt với việc hấp thu hơi nóng trong bầu khí quyển, một phần chủ yếu do khí thải CO2 tạo ra. Theo báo cáo của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC / GIEC), công bố tháng 9/2019, đại dương hấp thụ đến hơn 90% « lượng nhiệt dư dôi » của hệ thống khí hậu của Trái đất, và có thể tiếp tục hấp thu thêm từ 2 đến 4 lần lượng nhiệt đã hấp thu trong giai đoạn từ năm 1970 đến nay, nếu nhiệt độ Trái đất nóng lên không quá 2°C. Còn theo kịch bản nhiệt độ Trái đất tăng quá 2°C so với thời tiền công nghiệp, đại dương được hy vọng sẽ hấp thu từ 5 đến 7 lần so với tổng nhiệt lượng của giai đoạn 1970-2021. 

 

Hấp thu trực tiếp khí thải gây hiệu ứng nhà kính là một chức năng quan trọng khác của đại dương. Kể từ những năm 1980 đến nay, ước tính đại dương hấp thu  khoảng từ 20 đến 30% lượng khí thải cacbon do các hoạt động của con người tạo ra.

 

Như vậy, dễ dàng hình dung, không có đại dương, khí hậu Trái đất sẽ nóng lên gấp bội so với hiện nay. Vấn đề là đại dương có thể tiếp tục thực hiện được vai trò « cỗ máy điều hòa nhiệt độ » trên Trái đất này đến khi nào ? Câu hỏi nói trên ám ảnh giới khoa học và giới bảo vệ môi trường, thế nhưng đã gần như không được giới chính trị chú ý.

 

Trước hết, trong số những quyết định lớn được đưa ra trong những ngày thượng đỉnh về Khí hậu đầu tiên tại Glasgow, với sự tham gia của hơn 100 lãnh đạo các nước, đại dương có thể coi như là chủ đề hoàn toàn vắng mặt. Điểm lại lịch sử, trước Thượng đỉnh Khí hậu Paris 2015 (COP21), chủ đề đại dương không có mặt trong chương trình của các Hội nghị của các bên tham gia vào Hiệp định Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (gọi tắt là các COP). Le Monde trong bài tổng thuật của nhà báo Martine Valo nhan đề « Đại dương : Chủ đề lớn bị quên lãng tại hội nghị Khí hậu COP26 », cho biết cụ thể là : Bốn năm sau sự xuất hiện dè dặt của đại dương trong chương trình của COP, Nhóm chuyên gia liên chính phủ về Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC / GIEC) đã ra một báo cáo về « Đại dương và băng quyển trong bối cảnh biến đổi khí hậu ». Tuy nhiên, bất chấp mức độ khủng khiếp của những tai họa về khí hậu được cảnh báo sẽ xảy ra nếu không quan tâm thực sự đến đại dương, đã có rất ít quyết định chính trị quan trọng được đưa ra.

 

2/ Đến khi nào đại dương không còn có thể tiếp tục thực hiện được vai trò « cỗ máy điều hòa nhiệt độ » trên Trái đất?

 

Đại dương – cái giếng khổng lồ hút nhiệt độ và khí thải – chủ yếu của Trái đất, nhờ đại dương mà nhiệt độ Trái đất « mới » chỉ tăng hơn 1°C so với thời tiền công nghiệp. Nhưng đại dương cho dù là khổng lồ đến đâu, thì « lá phổi » chính của hành tinh cũng không thể vận hành mãi mãi như thế này. Theo nhà đại dương học, chuyên về địa hóa học, bà Catherine Jeandel (giám đốc nghiên cứu CNRS – Pháp), mối quan hệ hài hòa đại dương – khí hậu tồn tại ổn định từ 8.000 năm nay có nguy cơ bị phá vỡ hoàn toàn, do các hoạt động của con người, đặc biệt là do khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

 

Bài tổng thuật của Le Monde « Đại dương : Chủ đề lớn bị quên lãng tại hội nghị Khí hậu COP26 » nhấn mạnh đến « thế cân bằng phức tạp » của cỗ máy hút nhiệt và khí thải có thể bị phá vỡ, do tác động của nhiệt độ và tình trạng acid hóa đại dương. Plateforme Đại dương & Khí hậu – một liên minh của các cơ sở nghiên cứu khoa học về đại dương với các tổ chức bảo vệ môi trường – thường xuyên chuyển tải lo ngại của giới khoa học, khi chứng kiến những thay đổi lớn về nhiệt độ, các dòng hải lưu, và đời sống của các sinh vật trong môi trường biển.

 

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, lượng oxy trong đại dương đã sụt giảm gần 2% mỗi thập niên, kể từ 1960. Cùng với việc nước biển nóng lên, việc thiếu oxy trong đại dương khiến đa dạng sinh học trong lòng biển giảm sút nghiêm trọng (chưa kể các hoạt động khai thác, tàn phá môi trường biển quy mô lớn vì lý do kinh tế hay lý do khác). Các vùng « biển chết » xuất hiện ngày càng nhiều.

 

Theo giới khoa học, những biến đổi mạnh mẽ này khiến cho khả năng hấp thu nhiệt và khí thải của đại dương bị suy yếu, và điều này có thể dẫn đến việc « một khối lượng lớn khí CO2 bị giữ lại trong bầu khí quyển » (tương tự như điều chúng ta chứng kiến trên đất liền, với việc nhiều vùng rừng lớn không còn là nơi hấp thu CO2, thải Oxy như xưa nay, mà bắt đầu trở thành nơi thải ra khí CO2 nhiều, như rừng Amazon từ mươi năm trở lại đây).

 

3/ Cộng đồng quốc tế có những nỗ lực nào đáng kể cho đến nay để hướng đến một giải pháp toàn cầu về đại dương ?

 

Tại hội nghị Khí hậu COP26 lần này, ngày hôm nay 05/11, sẽ có cuộc họp bàn tròn về chủ đề « Tài chính đại dương », tiếp theo hội thảo bàn tròn sẽ là một kêu gọi « hành động vì đại dương », được đại diện các quốc gia ở cấp bộ đưa ra nhằm thúc đẩy « cộng đồng quốc tế có các biệp pháp đủ tầm cỡ nhằm bảo vệ sức khỏe đại dương ». « Tương lai của chúng ta phụ thuộc mật thiết vào sức khỏe của đại dương » cũng là kêu gọi của 37 tổ chức khoa học trên thế giới, đăng tải trên Le Monde, ngày 01/11, ngày thứ hai của thượng đỉnh COP26 (*). Ngày 05/11 đồng thời là ngày giới khoa học đại dương quốc tế giới thiệu với công chúng những hiểu biết căn bản, thiết yếu về mối quan hệ mật thiết đại dương với khí hậu tại COP26, với chương trình One Ocean Science. 

 

Theo Le Monde, ngoài Hội nghị về Khí hậu, tương lai của đại dương - cũng là tương lai của nhân loại - cũng sẽ được quyết định tại một số « sân chơi » khác. Ví dụ như tại Cơ quan Quốc tế quản lý Đáy biển, hay trong khuôn khổ Ủy ban Bảo tồn Động, Thực vật biển Nam Cực (CCAMLR). Trong cuộc họp ngày 29/10 vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu và 25 quốc gia tham gia vào Ủy ban này vẫn không đạt được đồng thuận cần thiết để thành lập các không gian biển mới được bảo vệ tại vùng biển Nam Cực (**). Đây là năm thứ năm liên tiếp, các thành viên CCAMLR không đạt đồng thuận. Về phía Liên Hiệp Quốc, các thương lượng để thiết lập một thỏa thuận tương lai có tính cưỡng chế về mặt pháp lý, để bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển khơi, vẫn chưa đạt kết quả. Tiến trình xây dựng một thỏa thuận biển quốc tế bắt đầu khởi động từ năm 2012, nhưng chặng đường đi đến một hiệp ước quốc tế trong lĩnh vực này vẫn còn xa. Cho đến nay, vùng biển rộng mênh mông, với tổng diện tích ước tính khoảng một nửa diện tích bề mặt Trái đất, thường được gọi chung là « biển khơi » được coi là một không gian gần như không chịu sự chi phối của luật pháp quốc tế (***). 

 

Trong khi cộng đồng quốc tế dường như dậm chân tại chỗ trong mục tiêu hướng đến một hiệp ước về biển khơi, một số sáng kiến tiếp tục được đưa ra ở cấp độ địa phương. Trở lại hội nghị COP26, trong những ngày đầu hội nghị, Ecuador thông báo mở rộng gấp rưỡi Khu bảo tồn biển nổi tiếng, được coi là thuộc loại lớn nhất thế giới, giữa Galapagos và Costa Rica (rộng thêm 60 000 km2). Đánh động công luận về tình hình đại dương nguy ngập cũng là nỗ lực của nhiều tổ chức bảo vệ đại dương tại COP26. Hôm 02/11, hiệp hội Ocean Rebeillon (Đại dương Nổi dậy) đã biểu tình trước cơ sở lọc dầu duy nhất tại Scotland, nơi diễn ra thượng đỉnh.

 

Ghi chú

 

(*) Lời kêu gọi của 37 tổ chức khoa học khẩn thiết : « Đại dương giờ đây cần phải nằm ở trọng tâm » của các quyết định liên quan đến khí hậu. Bà Françoise Gaill, phó chủ tịch của Plateforme Đại dương & Khí hậu và ông François Houllier, chủ tịch tổng giám đốc của Viện nghiên cứu Pháp về khai thác biển (Ifremer), nằm trong đại diện các tổ chức ký tên vào kêu gọi này.

 

(**) Khu vực biển được bảo vệ (AMP) rộng hơn 1,55 triệu km² tại Nam Cực ở biển Ross được CCAMLR là khu AMP cuối cùng được CCAMLR lập ra vào năm 2016, và là một trong hai AMP của Ủy ban Bảo tồn Động, Thực vật biển Nam Cực. « Quốc tế lập khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới tại Nam Cực », RFI, ngày 28/10/2016.

 

(***) « Hơn ba tháng sau thỏa thuận lịch sử về hạn chế biến đổi khí hậu tại Thượng đỉnh COP 21 (Paris), cộng đồng quốc tế bước vào một cuộc trường chinh mới : tìm kiếm khuôn khổ pháp lý mang tính cưỡng chế đối với việc « bảo vệ và sử dụng bền vững hệ đa dạng sinh thái » của đại dương » (« Quốc tế đàm phán về quản lý đại dương », RFI, ngày 20/04/2016). Theo giới bảo vệ môi trường, cộng đồng quốc tế phải hướng đến mục tiêu bảo vệ ít nhất 30% diện tích đại dương trước năm 2030.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/8db43306-3e3f-11ec-ac7c-005056a97e36/OCEAN_CLIMATE-UN.webp

Các nhà tranh đấu của hiệp hội bảo vệ môi trường Ocean Rebellion (Đại Dương Nổi Dậy) đeo mặt nạ hình can dầu, biểu tình chống năng lượng hóa thạch gây hại cho Khí hậu và Đại dương, trước địa điểm tổ chức COP26, Glasgow, ngày 29/10/2021. REUTERS - RUSSELL CHEYNE

 

.

==============================================

.

.

COP26 : Hình thành liên minh chống năng lượng hóa thạch

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 05/11/2021 - 13:56

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211105-19-nuoc-ngung-dau-tu-vao-nang-luong-hoa-thach-o-nuoc-ngoai

 

Năng lượng hóa thạch là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu. Ngày 04/11/2021, tại Hội nghị khí hậu thế giới COP26 tại Glasgow, Scotland, ít nhất 19 quốc gia, trong đó có những nước đầu tư lớn như Mỹ và Canada, và nhiều định chế tài chính, đã cam kết ngưng đầu tư ngay trước năm 2022 vào các dự án năng lượng hóa thạch ở nước ngoài không sử dụng công nghệ thu giữ CO2.

 

https://s.rfi.fr/media/display/376191aa-161a-11ea-8ebd-005056bf7c53/w:1024/p:16x9/petrole_0.webp

Ảnh minh họa : Khu khai thác dầu al-Jibssa - miền bắc Irak. Reuters

 

Trong một thông cáo chung, các nước và định chế tài chính quốc tế ký cam kết ngưng cấp vốn cho các dự án năng lượng hóa thạch, và nhấn mạnh là đầu tư vào các dự án về nhiên liệu hóa thạch không sử dụng kỹ thuật thu giữ cac-bon sẽ ngày càng gây nhiều nguy cơ, rủi ro về kinh tế và xã hội.

 

AFP nhắc lại, tuần trước, các quốc gia G20 đã nhất trí ngừng hỗ trợ các dự án nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài. Nhưng kế hoạch mới hôm qua lần đầu tiên mở rộng sang cả khí đốt và dầu lửa. Các bên ký cam kết hứa hẹn sẽ chuyển hướng đầu tư sang các loại năng lượng tái tạo. Theo các chuyên gia, nếu cam kết này được duy trì, lĩnh vực năng lượng sạch sẽ được hưởng hơn 15 tỷ đô la đầu tư.

 

Cũng trong ngày hôm qua, tại COP26, khoảng 40 nước, trong đó có Việt Nam và nhiều vùng lãnh thổ cũng như tổ chức, cam kết dần loại bỏ điện than, tuyên bố chuyển đổi từ than đá sang năng lượng sạch. Trong số này, có các quốc gia nằm trong « top 10 » nước sử dụng than đá để sản xuất điện, như Hàn Quốc, Indonesia và Ba Lan. Đáng tiếc là những nước sản xuất nhiều điện than như Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản hoặc Nga lại không nằm trong « liên minh chống than đá ».

 

Theo Tasneem Essop, giám đốc Mạng lưới Hành động Khí hậu Quốc tế, sau khi các nước hồi đầu tuần cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải mê-tan, nhiều nhà quan sát cho rằng các thông báo hôm qua thể hiện một « bước đi đúng hướng ». Điều đáng tiếc con số hơn 40 nước lại là quá ít so với kỳ vọng ban đầu của COP26 là sẽ có 190 nước ký cam kết.

 

                                                       ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

 

Kinh tế gia Mỹ: Nhân loại sẽ thoát hiểm, nếu kịp rời bỏ năng lượng hóa thạch

 

Khí hậu: Phe Năng lượng Hóa thạch thua hiệp đầu, nhưng không bỏ mục tiêu

 

G20 bị tố đầu tư mỗi năm gần 500 tỉ đô la cho năng lượng hóa thạch




No comments: