Saturday, November 6, 2021

CỘNG HÒA NÓI LẠM PHÁT TẠI BIDEN, 'VỜ' CHUYỆN TRUMP CHI $6,1 NGÀN TỶ (Mai Phi Long / Người Việt)

 



Cộng Hòa nói lạm phát tại Biden, ‘vờ’ chuyện Trump chi $6.1 ngàn tỷ

Mai Phi Long/Người Việt (tổng hợp)

November 3, 2021

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/cong-hoa-noi-lam-phat-tai-biden-vo-chuyen-trump-chi-6-1-ngan-ty/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Quan điểm cho rằng chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất và con người “Build Back Better” của Tổng Thống Joe Biden làm gia tăng lạm phát, khiến vật giá leo thang, chỉ là một cách lập luận đánh tráo khái niệm, nói một nửa sự thật, của một số chính trị gia.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/11/TS-biden-lam-phat-1068x712.jpeg

Tổng Thống Joe Biden tại hội nghị COP 26 ở Glasgow, Scotland. (Hình minh họa: Jeff Mitchell/Getty Images)

 

Đúng về “hiện tượng” nhưng “sai về bản chất” hay nói chính xác hơn đó là một cách tuyên truyền “xám” chỉ nói về bề mặt nhưng không nói nguyên nhân.

 

Khi so sánh số tiền được tung ra để cứu nguy kinh tế vì đại dịch giữa thời chính phủ Donald Trump và chính phủ Joe Biden, hoặc khảo sát tình trạng lạm phát của các quốc gia hàng đầu trên thế giới, cũng như tình trạng khủng hoảng trong khâu cung ứng vận chuyển, lập luận “trăm dâu đổ đầu… Biden” trở thành quá ấu trĩ.  

 

Tổ chức lưỡng đảng Hội Đồng Trách Nhiệm Ngân Sách (CRFB) liệt kê mức ngân sách thâm thủng trong năm 2020 qua chương trình ngân sách và các đạo luật cứu nguy COVID-19 mà cựu Tổng Thống Donald Trump đã ký ban hành như sau: 

 

1-Ngân sách thâm thủng $1.07 ngàn tỷ

2-Care Act trị giá $2.066 ngàn tỷ

3-Family First Act trị giá $134 tỷ 

4-Economic Changes trị giá $570 tỷ

5-Debt Services trị giá $3 tỷ

6-Consolidated Appropriations Act, 2021, trị giá $2.3 ngàn tỷ

Tổng cộng $6.146 ngàn tỷ.

 

Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20 Tháng Giêng, Tổng Thống Biden chỉ mới ký ban hành Đạo Luật “Rescue Plan Act,” trị giá $1.9 ngàn tỷ vào ngày 11 Tháng Ba, nhằm cứu nguy kinh tế trong cuộc khủng hoảng của đại dịch COVID-19 do chính quyền Trump để lại.

 

Nhìn con số $6.1 ngàn tỷ mà Tổng Thống Trump chi tiêu với $1.9 ngàn tỷ của Tổng Thống Biden ký, để nói rằng lạm phát tăng là do Biden thì quả là ấu trĩ vì sự so sánh quá khập khiễng và…trật lất!

 

Cần lưu ý, ông Biden mới chấp chánh chưa được 10 tháng, và ngay cả năm tài chính (fiscal year) từ thời ông Trump, bắt đầu từ 1 Tháng Mười, 2020, cũng chỉ mới vừa chấm dứt ngày 30 Tháng Chín vừa qua.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/11/TS-biden-lam-phat-2-1068x712.jpeg

Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), trưởng khối thiểu số Thượng Viện. (Hình: Drew Angerer/Getty Images)

 

.

Đổ thừa đối phương là “game” chính trị muôn thuở

 

Trong một cuộc họp báo hôm Thứ Ba, 26 Tháng Mười, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng Hoà-Kentucky), trưởng khối thiểu số Cộng Hòa tại Thượng Viện, lên tiếng chỉ trích kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở của phía Dân Chủ làm lạm phát gia tăng.

 

“Không thể cứu vãn được. Đó là kết quả trực tiếp của việc tung ngập tràn tiền bạc khắp cả nước. Cuối cùng là phải gánh thêm một khoản thuế khổng lồ, vì sự chi tiêu liều lĩnh và phung phí,” ông McConnell nói trong cuộc họp báo tại Thượng Viện.

 

Khi tuyên bố như trên, ông McConnell quên hẳn các dự luật và sự thâm hụt ngân sách mà khi ông còn là trưởng khối đa số Thượng Viện hồi năm 2020, đã cùng các thành viên Cộng Hoà thông qua hơn $6.1 ngàn tỷ để ông Trump ký.

 

Ông McConnell có lẽ “quên” chuyện ông Biden chỉ mới ký một đạo luật kích thích kinh tế trị giá có $1.9 tỷ mà thôi, còn kế hoạch xây dựng hạ tầng vị tổng thống đương nhiệm mong muốn, trị giá $3.5 ngàn tỷ, mà bây giờ chỉ còn $1.75 ngàn tỷ, trên thực tế vẫn đang trong vòng “bàn cãi.” 

 

Nói tóm lại, phía Cộng Hòa gán chuyện lạm phát đang diễn ra xuất phát từ một nguyên nhân “chưa hề xảy ra” nhằm đánh lạc hướng công luận.

 

.

Biden làm giá nhiên liệu tăng, do đó lạm phát?

 

Cũng trong cuộc họp báo nêu trên, Thượng Nghị Sĩ McConnell tuyên bố: “Giá xăng bây giờ hơn $3/gallon trên toàn quốc. Không có dấu hiệu giảm xuống. Đây là kết quả trực tiếp của việc đổ tiền tràn ngập đất nước.”

 

Lý luận trên tiếp tục được ông McConnell lập lại trong cảnh “trí nhớ bị bào mòn,” quên đi sự khác biệt của hai con số $6.1 ngàn tỷ của ông Trump chi tiêu hồi năm trước, so với $1.9 tỷ của ông Biden ký năm nay.

 

Giá nhiên liệu hiện nay là một trong những chủ đề được thành phần chống tổng thống đương nhiệm khai thác.

 

Nhiều người than phiền giá xăng hiện tại quá cao so với hồi năm 2020 rất thấp dưới $1, mà quên đi chuyện toàn bộ nền kinh tế toàn thế giới “đứng lại,” không giao thông, không du lịch, đưa đến tình cảnh “không tiêu thụ nhiên liệu” đến mức giá dầu thô xuống mức âm (-)$35/thùng.

 

Khi toàn bộ hoạt động xã hội tê liệt, nhiên liệu không được tiêu thụ, tất nhiên giá phải xuống thôi.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/11/TS-biden-lam-phat-3-1068x689.jpeg

Thiếu tài xế vận chuyển trên bộ, tàu chở hàng ứ đọng ngoài khơi, không thể cập cảng Long Beach/Los Angeles. (Hình: David McNew/Getty Images)

 

.

Phải chăng quy định buộc chích ngừa và tài trợ thất nghiệp liên bang gây lạm phát?

 

Đảng Cộng Hòa cho rằng quy định buộc chích ngừa COVID-19 của Tổng Thống Biden bắt buộc đối với hầu hết nhân viên liên bang và các doanh nghiệp tư nhân có hơn 100 nhân viên đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhân công hiện nay, tạo thêm áp lực lạm phát.

 

Tuy nhiên, thời hạn để tuân thủ quy định về vaccine vẫn còn hơn một tháng nữa và không có dữ liệu chắc chắn nào để xác thực giả thiết của phía Cộng Hoà, mặc dù, cũng có một số công ty lớn bắt đầu bày tỏ lo ngại về chuyện giữ chân và thuê nhân công của họ. 

 

Nhưng các doanh nghiệp khác, như United Airlines lại chứng kiến lượng đơn xin việc tăng vọt sau khi áp dụng các quy định bắt buộc chích ngừa.

 

Dù cáo buộc quy định nhân viên phải chích ngừa làm mất việc làm, nhưng tại các tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát, giới chức lãnh đạo lại đưa ra những chính sách chống lại chương trình bắt buộc chích vaccine COVID-19.

 

Ví dụ, tại Texas, hôm 11 Tháng Mười, Thống Đốc Greg Abbott (Cộng Hòa) ký sắc lệnh cấm bắt buộc chích vaccine, sau nhiều tháng bày tỏ quan điểm chống bắt buộc chích ngừa.

 

Ngoài ra, các chính trị gia bảo thủ cho rằng khoản trợ cấp liên bang $300/tuần cho những người thất nghiệp góp phần vào việc thiếu hụt nhân công và gây ra lạm phát.

 

Nhưng cần lưu ý rằng khoản tài trợ thất nghiệp liên bang kể trên đã chấm dứt hoàn toàn khắp nước Mỹ vào Tháng Chín và các dữ liệu đều cho thấy việc này có tác động hạn chế đến việc nhân công tham gia thị trường lao động. 

 

Ngoài ra, bắt đầu từ Tháng Sáu, 25 tiểu bang có thống đốc Cộng Hòa ngưng nhận khoản tài trợ thất nghiệp $300/tuần của liên bang cho cư dân của họ.

 

Điều bất ngờ là tại những tiểu bang này, số việc làm tạo ra trong thời gian qua chỉ bằng một nửa so với những tiểu bang tiếp tục nhận tài trợ liên bang cho đến Tháng Chín.

 

.

Các nhà kinh tế đã dự liệu việc lạm phát do đại dịch

 

Bà Janet Yellen, bộ trưởng tài chính Mỹ, từng cảnh báo rằng tình trạng lạm phát tăng “đột ngột” hiện nay, chỉ là “nhất thời” nhưng có thể kéo dài trong một thời gian do “cú sốc COVID-19 chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu.”

 

Tuy nhiên, bà Yellen cũng cho biết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công có thể phải tăng lương và điều này cũng có thể gây ra lạm phát.

 

Ông Jerome Powell, chủ tịch Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (FED), nhiều lần lên tiếng rằng áp lực giá cả sẽ giảm đi phần nào khi hệ luỵ của đại dịch được giải quyết và FED sẽ hành động chống lạm phát khi cần thiết.

 

Sau giai đoạn tệ hại nhất cho nền kinh tế toàn cầu khi toàn bộ hoạt động bị tê liệt vì đại dịch, người tiêu thụ toàn cầu bắt đầu mua sắm mạnh trở lại, nhưng vấn nạn về nguồn cung ứng và thiếu tài xế chuyên chở khiến chi phí vận chuyển tăng vọt.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/11/TS-biden-lam-phat-4-1068x611.jpeg

Các tay trượt nước nhìn tàu hàng kẹt ngoài khơi Huntington Beach, cách cảng Long Beach 25 dặm. (Hình: Frederic Brown/AFP via Getty Images)

 

.

Thiếu tài xế vận tải khiến nhiên liệu và hàng hóa tăng giá

 

Khi nền kinh tế toàn cầu tê liệt lúc đại dịch bùng phát, tài xế xe bồn chở xăng không có việc làm bị sa thải hàng loạt, cũng như các nhân viên công ty điều phối vận chuyển.

 

Khi kinh tế hoạt động trở lại, nhờ chương trình chích ngừa được chính phủ Biden đẩy mạnh, nhu cầu giao thông gia tăng làm bùng phát việc đòi hỏi tiêu thụ nhiên liệu, nhưng việc khởi động lại kỹ nghệ cung cấp xăng dầu không còn là một việc đơn giản sau khi sa thải hàng loạt nhân viên, tài xế vận chuyển.

 

Hiệp Hội Tài Xế Vận Tải cho biết nước Mỹ hiện đang thiếu hơn 80,000 tài xế vận tải đủ ngành.

 

Sự thiếu hụt tài xế là nguyên nhân chính gây nên tình trạng khủng hoảng vận chuyển nguyên liệu và hàng hoá tại các hải cảng hiện nay.

 

Không có tài xế vận chuyển hàng hóa từ các hải cảng đến các trung tâm phân phối nội địa, cũng như không có tài xế vận chuyển hàng từ các trung tâm phân phối đến các cửa hàng, tạo ra tình trạng khan hiếm cho kỹ nghệ bán lẻ, và thiếu vật liệu cho các cơ xưởng sản xuất.

 

Hệ quả tất yếu là hàng hóa tăng giá, một bài toán cung cầu đơn giản.

 

.

Lạm phát là tình trạng toàn thế giới, không chỉ riêng nước Mỹ

 

Không chỉ đảng Cộng Hòa, nhiều người tuyên bố “khơi khơi” rằng: “Từ khi ông Biden làm tổng thống, xăng lên giá, hàng hóa thiếu hụt, góp phần gây ra lạm phát!”

 

Tuy nhiên, Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế Toàn Cầu (OECD) thực hiện một nghiên cứu cho thấy lạm phát đang diễn ra tại 38 quốc gia thành viên ở mức cao nhất kể từ năm 2008.

 

Các chuyên gia kinh tế đều nhận định rằng đại dịch COVID-19 làm gián đoạn mọi khía cạnh của chuỗi cung ứng toàn cầu, từ sản xuất và vận chuyển đến tiếp vận, và không chỉ ở Mỹ mà ảnh hưởng tại mọi quốc gia.

 

Đặc biệt, toàn thế giới bước vào thời điểm kinh tế hồi sinh tạo thành một làn sóng tiêu thụ.

 

Ngoài ra, vấn đề còn do chiến lược kinh doanh được hình thành trong nhiều thập niên vừa qua, khi sự phát triển kinh tế toàn cầu đều suôn sẻ, các doanh nghiệp đều quản lý theo cách làm sao để luôn giữ cho hàng tồn kho ở mức thấp.

 

Tình trạng vật giá leo thang có một phần nguyên nhân không nhỏ vì sự gia tăng giá nhiên liệu toàn cầu. 

 

Chỉ riêng giá dầu thô đã tăng gấp bốn lần trong 18 tháng qua khi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu bùng phát do các quốc gia mở cửa hoạt động trở lại sau khi bị tê liệt vì đại dịch COVID-19.

 

.

Kết luận

 

Vì vậy, câu “Từ ngày Biden làm tổng thống xăng lên giá,” như chúng ta thường nghe trong thời gian qua, nhất là ở chốn bàn dân thiên hạ và trên mạng xã hội, không khác gì câu “Ông A vừa về đến Việt Nam thì số người bị nhiễm COVID-19 tăng lên.”

 

Như vậy, hai câu trên có thể “bị” hiểu ngược lại rằng “Nếu ông Biden không làm tổng thống thì xăng không tăng giá” hoặc “Nếu ông A không về Việt Nam thì số người bị COVID-19 không tăng lên.”

 

Nói như vậy, về mặt “sự kiện” (hiện tượng) thì đúng, nhưng lại không nói về “bản chất” (nguyên nhân). [đ.d.]

 


Liên lạc tác giả: maiphilong@nguoi-viet.com




No comments: