Sài Gòn
ngày phong tỏa thứ hai mươi bốn : Lại chuyện vaccine
01/08/2021
https://baotiengdan.com/2021/08/01/sai-gon-ngay-phong-toa-thu-hai-muoi-bon-lai-chuyen-vaccine/
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23
Ngày hôm qua thông tin trên báo chí cho biết,
thành phố vừa tiếp nhận 1 triệu liều vaccine Verocell của Trung Quốc do Công ty
Cổ phần Bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ cho Thành phố HCM. Được biết
trong tháng 8, sẽ còn 4 triệu liều nữa sẽ tiếp tục về đến. Cũng biết số tiền
chi cho việc bảo trợ mua vaccine này lên đến 45 triệu đô la Mỹ.
Và trong ngày, người dân thành phố đọc được
tin Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, sắp tới đây, TPHCM sẽ tổ
chức các đội tiêm vaccine, xe tiêm vaccine lưu động đến từng hộ gia đình. Đội
hình tiêm vaccine sẽ tới tận nhà người dân, ai chưa tiêm là được ghi tên để
tiêm chủng ngay.
Đồng thời trên mạng xã hội xuất hiện một văn bản
của Ban Dân vận Huyện uỷ Hóc Môn có nội dung: “Hiện nay nhiều thông tin chưa
đúng sự thật lan truyền trên mạng xã hội dẫn đến người dân e ngại, thiếu tin tưởng
vào vaccine có tên Covid-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated (tên khác là
Sars-Cov-2 Vaccine Inactivate do Hãng Sinopharm, Trung Quốc sản xuất (gọi tắt
là vaccine Sinopharm) do đó cần phải tập trung tuyên truyền, giải thích để nhân
dân tin tưởng, dử dụng vaccine này. Nội dung tuyên truyền về vaccine Sinopharm,
đây là sản phẩm đã được tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt và đã được nhiều
nước trên thế giới sử dụng tiêm phòng, do đó tính an toàn và hiệu quả y học đã
được kiểm chứng“.
Và một tin nhắn gởi cho nhiều người và được
cho là của Mặt trận Tổ quốc Thành phố gởi cho các phóng viên báo đài: “Kính
gởi các anh chị PV báo đài: Sắp tới TP sẽ triển khai tiêm vắc xin SINOVAC do TQ
sản xuất. Do đó, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đề nghị các anh chị PV
tăng cường công tác truyền thông để tạo dư luận tốt cho việc triển khai tiêm,
xoá bỏ tư tưởng lo ngại chất lượng vắc xin TQ. Cám ơn các anh chị“.
Trong cuộc họp của chính phủ mới đây, Phó Thủ
tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, để giải quyết đại dịch ở thành phố, chỉ có
cách duy nhất là tiêm gấp rút vaccine đầy đủ cho nhân dân và kêu gọi các tỉnh
nên nhường bớt vaccine cho Sài Gòn.
Tất cả các dữ kiện ấy cho thấy thành phố sắp sửa
vào một cuộc tiêm chủng toàn thành và có thể là tiêm vaccine Trung Quốc. Với số
lượng 5 triệu liều từ bà Trương Mỹ Lan, sếp của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bảo trợ
cho thành phố sẽ đáp ứng đủ cho dân số thành phố hơn 9 triệu dân.
Như vậy cũng có thể từ nay, người dân thành phố
sẽ không còn có chuyện được chọn lựa vaccine khi tiêm chủng. Trên phiếu chích
ngừa của UBND P.4 Q.3 phát cho người được tiêm chủng có ghi:
“Khi bạn đã đồng ý đăng ký tiêm ngừa
vaccine, bạn cần phải nhớ:
“Bạn
không có quyền lựa chọn vaccine khi được tiêm chủng.
Trân
trọng“.
Sắp tới đây, toàn thành cũng sẽ có ghi chi tiết
này trong phiếu chích ngừa.
Thời gian gần đây trên báo đài cũng như trên
giải đáp về vaccine của nhiều bác sĩ đều có chi tiết được nhấn mạnh là: “Có
vaccine là tốt rồi, không nên chọn lựa, đừng kén cá chọn canh.”
Như vậy từ các lãnh đạo cho đến báo đài đến
các bác sĩ đều đưa ra nhận định rằng hãy chích vaccine và chích vaccine Trung
Quốc cũng là điều tốt và sẽ sớm ngăn chận được dịch. Chấm dứt số người nhiễm và
tử vong tăng cao. Đó là ý kiến của lãnh đạo, báo đài và một số bác sĩ. Tuy
nhiên cũng có dư luận từ các nhà chuyên môn và người dân phản ứng với vaccine
này.
Theo BS Nguyễn Văn Tuấn, một bác sĩ người Việt
đang làm việc tại nước Úc, một người có chuyên môn cao về vaccine đã cho rằng:
“Tàu có 2 loại vaccine do hai công ty
(Sinopharm và Sinovac Biotech) đang được sử dụng. Vaccine của công ty Sinopharm
có tên là “BBIBP vaccine” (hay BBIBP-CorV). Vaccine của Sinovac là “CoronaVac”.
Tổ chức Y tế Thế giới phê chuẩn cho sử dụng
BBIBP vaccine vào tháng 5/2021 và CoronaVac vào tháng 6/2021. Tính đến cuối
tháng 6/2021, Tàu đã tiêm chủng hơn 1 tỉ liều của 2 vaccine trên trong nước, và
đồng thời cung cấp hàng trăm triệu liều cho hơn 80 quốc gia trên thế giới. Giới
quan sát quốc tế nghĩ rằng Tàu đang dùng vaccine như là một phương tiện ngoại
giao: ‘Ngoại giao vaccine’ để gây ảnh hưởng.
Cả hai BBIBP và CoronaVac là loại vaccine được
bào chế theo kĩ thuật truyền thống. Theo kĩ thuật này, nhà khoa học lấy các
phân tử (particle) của con virus, sau đó làm cho chúng bất kích hoạt (tức không
thể gây bệnh Covid-19). BBIBP vaccine có nhiều protein bắt chước hệ thống miễn
dịch con người kích thích sản sinh các kháng thể nhằm phát hiện và chống trả sự
tấn công của SARS-Cov-2. Kĩ thuật này được áp dụng trong việc sản xuất các
vaccine chống bệnh Polio, viêm gan A và cả cúm mùa. Đó là nguyên lí đằng sau
BBIBP vaccine.
Những nước dùng vaccine của Tàu trong nỗ lực đạt
miễn dịch cộng đồng bao gồm Mông Cổ, Bahrain, Chile, và quốc đảo Seychelles. Cho đến
nay, khoảng 50-70% dân số ở các nước này đã được tiêm chủng 2 liều CoronaVac
hay BBIBP.
Khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine, cả
ba nước này hứa rằng cuộc sống bình thường sẽ được phục hồi, thế nhưng trong thực
tế thì họ đang phải đối đầu với làn sóng Covid-19 mới. Hiện nay, 4 nước này đang đứng đầu danh sách quốc
gia với số ca nhiễm nhiều nhứt thế giới.
Nam Dương cũng là nước dùng vaccine Tàu như là nguồn chánh. Cho đến nay, Nam
Dương cũng đang trải qua một đợt bùng phát mạnh. Hơn 350 bác sĩ và nhân viên y
tế đã bị nhiễm dù đã được tiêm đủ 2 liều vaccine; trong đó 61 người đã qua đời
(kể cả 10 người dùng vaccine Tàu).
Gần Việt Nam hơn là Thái Lan, cũng là nước
dùng lệ thuộc vào vaccine Tàu và cũng đang trải qua một đợt bùng phát mới. Hiện
nay, số ca nhiễm mỗi ngày ở Thái Lan là 17,000 người. Cũng như Nam Dương, hàng
trăm bác sĩ và nhân viên y tế Thái Lan bị nhiễm dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine
Tàu. Thái Lan thay đổi qui định tiêm vaccine bằng cách cho phép trộn 2 liều
vaccine khác nhau: một với AstraZeneca và một với CoronaVac.
Nếu vaccine Tàu thật sự tốt, thì sự bùng phát
như thế không thể xảy ra. Chẳng hạn như ở Mỹ, nơi mà ~45% dân số đã được tiêm
vaccine Pfizer và Moderna, số ca nhiễm đã giảm đến 94% trong vòng 6 tháng. Do
Thái là nước có tỉ lệ tiêm chủng bằng Seychelles (nhưng dùng vaccine Pfizer) và
số ca hiện nay là khoảng 4.9 trên 1 triệu dân số, so với 716 trên 1 triệu ở
Seychelles.”
Và theo BS Nguyễn Văn Tuấn, nếu chích loại
vaccine này ở Việt Nam cần lưu ý một số điều, trong đó có 2 điều quan trọng:
– Không dùng vaccine Tàu cho những người có
nguy cơ cao. Bởi vì các thử nghiệm lâm sàng của CoronaVac là trên người khoẻ mạnh,
như nhân viên y tế, nên dữ liệu khoa học về hiệu quả của hai vaccine này ở những
người có bệnh nền vẫn còn rất thiếu. Ngay cả vaccine CoronaVac, hiệu quả ở người
trên 60 tuổi chỉ 51%, tức rất thấp. Do đó, tôi nghĩ không nên dùng vaccine này
cho những người có nguy cơ cao.
– Chỉ tiêm vaccine Sinopharm và Sinovac 1 liều
như là bổ trợ cho các vaccine khác như AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Điều này
có nghĩa là đối với những người chưa tiêm vaccine, họ có thể dùng 1 liều
CoronaVac hay BBIBP, nhưng sau đó là 1 liều của một trong ba vaccine phương
Tây. Cách làm này bảo đảm nếu CoronaVac hay BBIBP không có hiệu quả thì vẫn có
được sự bảo vệ của các vaccine đã ‘chứng minh’ là có hiệu quả.
Báo
Thanh niên ngay trong ngày cũng loan tin “Hà Nội bắt đầu chiến dịch tiêm chủng
toàn thành phố.
Tính đến 28.7, Hà Nội đã tiêm chủng được gần
270.000 mũi vắc xin phòng Covid-19, bao gồm cả 3 loại vắc xin Moderna, Pfizer
và Astra Zeneca”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng tuyên bố
phân phối vaccine phải công bằng, hiệu quả và đúng đối tượng.
Suy nghĩ như thế nào, chọn lựa ra sao là tuỳ ở
mỗi người.
Cũng chẳng hiểu vì sao lãnh đạo một phường lại
kêu gọi và yêu cầu nhân dân treo bandroll, treo cờ, làm xe hoa để tạo không khí
xua tan tình cảnh ảm đạm vì virus?
Hay là chủ tịch phường này nghĩ là virus Vũ
Hán sợ cờ, biểu ngữ với xe hoa chăng? Điên nặng rồi.
***
Tình hình dịch trên thế giới những ngày qua
cũng vô cùng nóng bỏng. Số ca nhiễm virus Vũ Hán mới tăng nhanh ở Mỹ khiến nhiều
người lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Một tòa án liên bang ở Indiana
cho phép trường đại học được yêu cầu sinh viên và nhân viên phải tiêm vắc xin.
Đồng thời, Tập đoàn Mỹ Pfizer đã đưa ra bằng
chứng mới vào thứ Tư để nhấn mạnh nên tiêm thêm liều bổ trợ thứ ba, vì sức mạnh
của vaccine công nghệ mRNA suy giảm một chút theo thời gian nhưng có thể được cải
thiện với liều thứ ba.
Trong số những người từ 65 đến 85 tuổi, dữ liệu
của Pfizer cho thấy mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta sau khi tiêm liều
thứ ba cao hơn 11 lần so với sau khi tiêm liều thứ hai. Dữ liệu, chỉ nghiên cứu
với 23 người, vẫn chưa được đánh giá bởi giới khoa học và quản lý.
Pfizer cho biết họ dự kiến sẽ đệ trình dữ liệu
về liều thứ ba lên FDA ở Mỹ ngay trong tháng Tám.
Tuy nhiên, Chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa đồng ý
cho tiêm liều vaccine thứ ba cho dân của họ.
Vừa qua, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện
Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong tuần này sẽ có 3 triệu liều vaccine
phòng COVID-19 Moderna về Việt Nam. Đây là lô vaccine do Chính phủ Hoa Kỳ viện
trợ thông qua cơ chế Covax facility.
Đồng thời Bộ Y tế cũng thông tin Pfizer đã đồng
ý tăng số lượng vaccine COVID-19 cung cấp cho Việt Nam trong Quý 3 từ 3 triệu
lên 3,5 triệu liều và đồng ý bán thêm 20 triệu liều trong năm 2021, nâng tổng số
liều vaccine Pfizer dự kiến bán cho Việt Nam là 51 triệu liều, tăng 20 triệu liều
so với kế hoạch.
Như vậy, ngoài 105 triệu liều đã cam kết, đã
ký hợp đồng, 70 triệu liều đang đàm phán và có khả năng sẽ ký được thì dự kiến
trong năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam dự kiến có tổng cộng 175 triệu liều.
Đến nay Việt Nam đã nhận hơn 10,6 triệu liều
vaccine COVID-19, trong đó có tới 7,1 triệu liều là AstraZeneca; vaccine
Moderna (2 triệu liều), Pfizer (194.200 liều)…
Về tiến độ tiêm chủng, tính đến nay tổng cộng
Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng 4.283.906 liều vaccine phòng COVID-19, trong
đó: Số người đã được tiêm 1 mũi là 3.977.431 người; Số người đã được tiêm đủ 2
mũi là: 306.475 người.
GS.TS Đặng Đức Anh cũng cho biết, trong quý 3
năm nay sẽ có khoảng hơn 26 triệu liều vaccine, quý IV là khoảng 65,5 triệu liều
về Việt Nam.
Tổng cộng 2 quý là khoảng hơn 91,5 triệu liều,
trong đó có khoảng 20 triệu liều vaccine Pfizer dành cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Vậy nếu tin theo báo cáo của GS.TS Đặng Đức
Anh, đến cuối 2021, Việt Nam sẽ có 175 triệu liều vaccine Pfizer, Moderna và
Astra Zeneca. Số 5 triệu liều của Trung Quốc gây tư tưởng không tốt trong dân,
có nên gấp rút sử dụng không? Người dân cứ thắc mắc tại sao Tập đoàn Vạn Thịnh
Phát mua về 5 triệu liều Vaccine Trung Quốc mà lại cho nhân viên của Tập đoàn
chích Astra Zeneca của Anh? Nhiều người hỏi tôi thế, tôi lại biết hỏi ai?
Con số vẫn tiếp tục nhảy múa, con virus hoảng
sợ đã có mặt ở từng người. Thành phố rất cần vaccine để giải quyết khủng hoảng.
Sau dịch, cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ chẳng còn như cũ nữa, tư duy của
mỗi người sẽ phải đổi thay vì thế giới sẽ không bao giờ vắng bóng con virus
này.
Đúng là vaccine đang cần, rất cần cho thành phố
này. Nhưng bên cạnh chuyện chích vaccine, biết bao câu hỏi còn bỏ ngỏ.
No comments:
Post a Comment