SÀI
GÒN CỰC LẮM, SÀI GÒN ƠI, SÀI GÒN ƠI
https://www.facebook.com/phanxuantrung/posts/10160149500497241
Với cái thẻ bác sĩ, tôi thông chốt dễ dàng từ
quận này sang quận khác. Các anh chốt chặn thấy là phẩy tay cho qua nhanh. Thà
là có các anh ngồi thì mình còn thông chốt được chứ không có anh nào, chỉ có
các hàng rào sắt kẽm gai chằng chịt khắp các con hẻm thì cái thẻ của mình hoàn
toàn vô dụng. Không biết thường ngày những cái khung kẽm gai đó cất ở đâu mà
khi có dịch thì xuất hiện đầy khắp hang cùng ngõ hẻm!
Tôi đã nổi điên hét vào mặt một anh phó chủ tịch
phường: "Các anh muốn giết người à? Hàng rào kiểu này thì xe cấp cứu vào
kiểu gì? Xe chữa lửa vào kiểu gì?". Tôi thật sự không hiểu tác dụng của
các rào kẽm gai đó để làm gì. Chặn con virus chăng? Virus bay vi vu trong gió
chứ có thèm đứng ngoài hay trong hàng rào đâu. Vậy thì hàng rào chỉ có tác dụng
nhốt dân, nhưng mà nhốt để làm gì? Để cho dân đừng có đi và do vậy sẽ không có
lây à? Là giải pháp bảo vệ dân à? Thực tế không phải vậy, dân đang chịu trận vì
người hàng xóm F0 mà không biết phải làm sao. Một hàng xóm F0, hai ngày sau cả
nhà đó F0, bốn ngày sau cả xóm đó F0, tám ngày sau những cái quan tài xuất hiện
một cách yên lặng, sau đó sẽ đi lòng vòng để ra được đường lớn vì đầu hẻm đã bị
rào kẽm gai.
Có những bệnh nhân chỉ cần ngó qua đã biết sống
không nỗi trong 24 tiếng đồng hồ tới. Đó là những bà nội, bà ngoại mập mập tròn
tròn, nằm ngủ li bì, phản ứng chậm chạp... Oxy không đủ nên sức sống tựa như ngọn
đèn hết dầu, leo lét, chực tắt trong giây lát. Nhìn là biết bị nhiễm Cúm Tào rồi
nhưng người nhà thì nhất mực là "em mớt test cho bà ngày hôm kia, âm
tính". "Test lại đi em..."... "Dạ... dương tính rồi thưa
bác sĩ. Mà, bà em mới đi chích ngừa hôm kia. Sau chích thì bà trở yếu như vậy...".
Chẳng phải do chích ngửa đâu em. Bà đã bị nhiễm từ trước đó rồi, qua giai đoạn ủ
bệnh, bây giờ mới phát. Khi bệnh nhân ủ rủ như con gà rù thì cơ hội để cứu giúp
rất mong manh. Thế nhưng nếu nhanh tay chút thì cũng thoát được cửa tử.
Cái con Vi rút kia bản thân nó không có độc tố.
Nó chỉ chuyên tâm đi tìm tế bào niêm mạc hô hấp để làm tổ, mượn nhân tế bào để
sao chép thông tin di truyền và tổng hợp protein, duy trì nòi giống thôi. Kẻ ăn
nhờ ở đậu kia xâm nhập vào cả hô hấp trên và hô hấp dưới, khác với thằng anh nó
là Sars CoV 1 chỉ làm tổ ở phổi. Chính vì sinh sản ở niêm mạc hô hấp trên nên mới
gây lây dữ. Chu kỳ sinh sản của Cô chỉ có 7 ngày nằm giường đẻ và khi phóng
thích ra hằng hà sa số những bản sao, chúng tiếp tục xâm nhập tế bào mới và lan
xuống hô hấp dưới. Khi xâm nhập tế bào niêm mạc phổi thì chúng kích hoạt hệ miễn
dịch của cơ thể.
Ở chỗ này có vài sự nhầm lẫn. Người ta nói rằng
bệnh nhân chết là do hệ miễn dịch "yếu". Thật ra không phải vậy, phải
nói là ngược lại. Người càng già và nhiều bệnh nền thì bên trong cơ thể có sẵn
rất nhiều yếu tố miễn dịch được sinh ra trong suốt cuộc đời từng trải với môi
trường cùng bệnh tật. Những yếu tố miễn dịch này hoạt động mạnh đến nỗi làm
tăng dịch viêm trong mô kẽ phổi, làm đông đặc các mạch máu nhỏ và thậm chí còn
sinh ra cơ chế tự miễn, tức là tấn công vào tế bào lành.
Thật ra virus đang nằm trong lòng tế bào niêm
mạc, đâu có chường mặt ra môi trường huyết tương hay mô kẽ để bị thực bào. Hệ
miễn dịch bị báo động và hoạt động quá mức đến mức gây hại cho cơ thể ngay cả
sau khi chu kỳ sinh sản của virus đã chấm dứt. Trên một biểu đồ, người ta thấy
virus từ ít tăng lên nhiều trong 7 ngày đầu, sau đó từ nhiều giảm xuống ít đến
bằng 0 trong 7 ngày tiếp theo. Song, phản ứng viêm lại xảy ra rất kinh khủng
vào sau ngày thứ 14 đó và càng ngày càng tồi tệ, mặc dù chẳng còn bóng kẻ
"giặc" nào trong cơ thể. Rõ ràng là virus đã chọc giận hệ miễn dịch
khiến cho hệ miễn dịch tấn công vào chính cơ thể của mình một cách mù quáng.
Hiểu vậy nên phải tìm mọi cách kìm hãm phản ứng
viêm và ngăn ngừa đông máu ngay từ khi chớm phát hiện phản ứng viêm. Thuốc để
chữa Co-Vid căn bản là kháng viêm và chống đông máu. Kháng viêm bằng gì và chống
đông bằng gì thì tùy quan điểm. Đối với đại dịch thì phải tìm giải pháp nào mà
dễ tìm, dễ xài nhất cho dân chúng. Nếu dùng kháng viêm mà mỗi lần uống một bụm
8 đến 12 viên thuốc "đề-xa" thì khá vất vả. Còn chống đông mà bắt phải
đi tìm các biệt dược lạ hoắc hay đắt tiền thì khó áp dụng cho số đông. Vậy nên
bác Trung vẫn cứ thích dùng thuốc đơn giản, dễ tìm, uống 1-2 viên một ngày cho
gọn.
Thấy vui khi bạn Loan ở chung cư Era quận 7 nhắn
tin: "Em khỏe rồi, SpO2 của em hôm nay lên 97 rồi". Cái ngày gặp
Loan, bạn như không còn sức để làm gì, mặt mày ảm đạm, nói chẳng ra hơi. Niềm
vui khi anh Phương gọi nói: "Má tui hôm nay tươi tỉnh lắm rồi". Bà cụ
ở tuổi trên 80. Cô Lam gọi báo "Em theo cách của anh, chỉ dẫn cho ông anh,
giờ ổng khỏe rồi"...
Suốt tuần qua ngày nào cũng hoạt động hỗ trợ sức
khoẻ trong các xóm đạo trên Tân Bình. Có mấy thanh niên sốt, ho... bảo bác sĩ
cho thuốc cảm ho, viêm họng. Bác sĩ hỏi anh test Cô-Vit chưa, anh nói "Em
test rồi, âm tính. Ba ngày em test một lần, tất cả đều âm tính". Tôi bảo
"Ông test lại đi, bởi vì việc điều trị viêm họng, viêm phổi và điều trị
cho Covid là hoàn toàn khác nhau". "Dạ, để em mua đồ tét lại"...
"Dạ, bác sĩ ơi, dương tính rồi!" "Vậy thì test cả nhà đi... Dạ,
cả nhà dính hết rồi.
Khỏi nói cũng biết dính cả nhà. Có dịch mới có
dịp xâm nhập nhà cửa của dân Sài Gòn ở khắp nơi, hang cùng ngõ hẻm. Ai đó ngày
xưa hát "Sài gòn đẹp lắm, Sài gòn ơi, Sài gòn ơi..." có lẽ là người
ưa dạo phố. Sài gòn thời Pháp xây dựng thì đường xá, kiến trúc, cây xanh đẹp đẽ.
Có dịp vào nhà dân ở khu Đoàn Văn Bơ, Xóm Chiếu, khu Xóm Đạo Tân Bình... thì mới
thấy hết cái thật của Sài Gòn. Hẻm hóc, chật chội, ngổn ngang, nhếch nhác, tối
tăm... Một gia đình nhiều thế hệ sống chung. Trẻ con nằm lê dưới đất, người già
nằm trong những chiếc giường nhỏ hẹp... Những người Bắc Di Cư ngoan đạo, chấp
nhận số phận của mình, xem đó là sự an bài của Chúa... Trong những cái nhà hộp
quẹt như vậy không lây cả nhà mới là lạ.
Xóm đạo dường như không có tiếng khóc khi có
người mất. Giáo dân tin rằng linh hồn đã về với Chúa nên chỉ làm nghi lễ đám
tang trong yên lặng. Sáng nay đi ngang qua một nhà có người vừa qua đời, chỉ có
một người con ngồi trước quan tài, thật lặng lẽ, không khách thăm, không kèn trống...
Những người vừa từ trần đó vẫn còn hạnh phúc vì ít ra còn có con cháu vuốt mặt,
có Cha nhà thờ đến làm lễ hoặc có Thầy Chùa đến tụng kinh. Do vậy, nhiều gia
đình chấp nhận để cha mẹ trị bệnh tại nhà. Ngưởi ta dần dần bắt đầu chấp nhận
chuyện sinh tử. Người ta bắt đầu không còn bàn tán về chuyện ai chết, ai sống.
Người ta nhận được kết quả xét nghiệm dương tính cả nhà và chỉ cầu mong Chúa che
chở. Nếu Chúa gọi đi thì cứ phải đi. Người ta không còn tránh né con virus quái
ác kia nữa. Có tránh cũng không tránh được. Có ở nhà đóng cửa kín mít, không
thò chân ra khỏi ngạch cửa suốt mấy tháng trời mà vẫn bị nhiễm, không biết bằng
cách nào.
Con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên. Cứ 100
năm lại xảy ra đại dịch như thể một sự thanh lọc nào đó của tạo hóa. Những kẻ
ngỗ ngáo thì ra sức hô hào chống dịch như chống giặc, rằng trang bị vũ khí cho
bác sĩ để giết giặc Covid-19! Tôi tin rằng những kẻ đó chưa từng dám bước chân
đến nhà bệnh nhân nhiễm virus, nắm bàn tay của bệnh nhân xem ấm lạnh thế nào.
Những kẻ khờ khạo thì chống dịch theo kiểu chăng dây, ngăn đường. Càng ngăn cản
chừng nào thì càng làm bít tắc hệ tuần hoàn xã hội và dẫn đến cái chết của xã hội.
Con virus đã kích hoạt phản ứng viêm của cơ thể
và đồng thời kích hoạt luôn cả phản ứng viêm của xã hội. Người ta đã phản ứng
thái quá và sai vấn đề một cách nghiêm trọng. Trong khi phản ứng viêm bùng
phát, hệ miễn dịch đã không ăn được xác con virus nào lại đi tấn công tế bào
lành của cơ thể. Trong xã hội, người ta cũng không tấn công được đứa giặc nào
mà chỉ làm chết thêm dân chúng từ những giải pháp ấu trĩ, thiển cận, thiếu suy
nghĩ. Dân chết không phải do Covid mà chết vì tất cả các mặt bệnh khác không được
chữa trị. Dân chết không phải do Covid mà chết vì đói, vì sợ hãi.
Đã đến lúc phải chấp nhận một sự thật rằng mọi
giải pháp "chống giặc" đều vô nghĩa. Virus Covid không phải đến với
thế gian này để tạo nên tận thế. Covid đến và lấy đi sinh mạng một cách có chọn
lọc.
Đừng chống nữa, đừng đánh nữa, đừng diệt nữa...
Hãy khiêm tốn trước thiên nhiên. Hãy nhún nhường và chấp nhận.
No comments:
Post a Comment