Saturday, August 7, 2021

SÀI GÒN, ĐAU! (Trần Ngân Hà)

 


 

Sài Gòn, đau!

Trần Ngân Hà
7 tháng 8, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/sai-gon-dau/

 

Một ống thở, chuyền từ người cha, qua giường người mẹ đến sản phụ mang thai mầm sống cần oxy. Người con- một bác sĩ đang chăm sóc cho ba bệnh nhân là cha, mẹ mình và người phụ nữ mang thai đã đến ngày giờ sinh nở.

 

Cha mẹ của anh cũng là bác sĩ. Cả hai đều nhiễm bệnh COVID-19 khi đang tham gia tuyến đầu chống dịch. Bệnh nặng khó qua khỏi, ống thở mà họ sử dụng được nhường cho sản phụ mang song sinh. Sinh mạng hai vị bac sĩ đổi cho ba mẹ con.

 

Sinh- tử ly biệt trong khoảnh khắc. Nỗi đau và sự hy sinh… tất cả dành cho những người được sống sót. Chính người con trực tiếp trao hơi thở và sự sống từ cha mẹ mình cho người sản phụ. Anh phải nén nước mắt và nỗi đau, thực hiện lời thề Hyppocrates: CỨU NGƯỜI.

 

Là bác sĩ, anh đã từng tuyên thệ. Giờ đứng trước hơi thở tàn của cha mẹ mình, anh biết rằng chỉ cần trong tích tắc, sẽ cứu được ba mạng sống. Anh hiểu rằng mình không có quyền để định đoạt, nhưng anh có được trực giác và trái tim cao cả của cha mẹ anh đang chảy trong huyết quản, nhắc nhở anh rằng, chính họ cũng đã tuyên thệ với lời thề Hypocrates: CỨU NGƯỜI.

 

Chúng ta khoan hãy nói đến điều gì dẫn đến những câu chuyện đau lòng mà Sài Gòn đang nếm trải. Chúng ta hãy dành một phút mặc niệm cho hai vị bác sĩ, là cha mẹ của một bác sĩ, đã hy sinh mạng sống để cứu người. Một sự kính cẩn nghiêng mình trước anh, và các y bác sĩ đang làm nhiệm vụ ở 172 bệnh viện, các trung tâm y tế, các điểm cách ly và các bạn sinh viên trường y, các tình nguyện viên trên toàn thành phố về sự dấn thân và quả cảm của họ, trước dịch bệnh COVID-19 đang gieo rắc đau thương này.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/08/bac-si-Khoa.jpg

Trong hình: Bác sĩ Trần Khoa, người vừa mất cha mẹ vì sự hy sinh mạng sống của ông bà cho một sản phụ song sinh. Ảnh: Facebook.

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: “Hậu quả nguy hiểm sẽ kéo theo khi các chính trị gia và nhà cầm quyền quên đi các nguyên tắc đạo đức. Cho dù chúng ta tin vào Thượng Đế hay nghiệp quả, đạo đức vẫn là nền tảng của mọi tôn giáo”.

 

Tất cả mọi người sinh ra đời đều có giá trị bản thân và giá trị đó chỉ có thể được tôn tạo trong sự trưởng thành khi chúng ta sống và tuyên thệ với đạo đức làm người. Ở đó, chính các chính trị gia, nhà cầm quyền lại cần cảm xúc thuộc về con người, để đưa ra những quyết sách dựa trên lương tri và tầm nhìn của nhà lãnh đạo có ý thức biết tôn trọng các giá trị đạo đức con người.

 

Sài Gòn, những ngày qua, thật thấm thía khi đọc những vần thi ca sâu sắc và vô thường:

 

Xuân ơi

Can cớ chi bùng vỡ

Hoa của trời

Chỉ rắc rải chúng ta

Vào cõi phù du này

(Mariko Aratani- Thính Đằng dịch)

 

                                                     ***

Dưới đây là đoạn chia buồn của một người anh và cũng là đồng nghiệp của vị bác sĩ vừa mồ côi cha mẹ hôm nay. Xin phép được đăng tải như một sự chia sẻ với các anh chị.

 

“Đau và thương!

 

Em đột ngột trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ trong chiều hôm nay. Mới sáng hôm qua ba và mẹ em vẫn còn khoác chiếc áo blouse trắng lặn lội đi phát thuốc cứu người khắp Sài Gòn, thì chiều nay, để nhường máy thở cho những người trẻ cần hơn, trong đó có một sản phụ, họ đã vĩnh viễn ra đi.

 

Em nói với đồng nghiệp của mình: “Ba mẹ em không qua khỏi, đừng phí hai máy.”

 

Em cũng là bác sỹ, nhưng phải đối diện và đành bất lực trước sinh mạng của đấng sinh thành. Em đã không vì tình thân mà quên đi lời thề Hippocrates nhưng nghiệt ngã. Đau đớn quá đỗi em ơi. Anh nghe mà quặn thắt trong lòng.

 

Em nhắn tin cho anh đúng một chữ “Đau”. Nhưng bây giờ làm sao có thể cảm nhận được nỗi đau của mình nữa. Em không muốn ai an ủi. Em chỉ nhắn cho vợ cũng đang trực chiến trong bệnh viện, rằng có thể về nhà được không, vì em sợ một mình lúc này.

 

Ngọn nến này xin dành để cầu nguyện cho Cô và Chú. Hôm nay Cô và Chú mất đi để cho những người trẻ hơn được sống.”

 

 

 

 


No comments: