Thursday, August 12, 2021

QUAN HỆ MỸ - VIỆT : TÍNH THỰC TẾ CỦA NHỮNG 'ÁP LƯC' NGOẠI GIAO THẾ NÀO? (BBC News Tiếng Việt)

 


Quan hệ Mỹ - Việt: Tính thực tế của những 'áp lực' ngoại giao thế nào? 

BBC News Tiếng Việt

10 tháng 8 2021

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58158907

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/BB69/production/_119877974_gettyimages-1330976184.jpg

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris theo dự kiến sẽ tới thăm chính thức Việt Nam vào 24/8/2021, theo truyền thông Mỹ

 

Những áp lực với chính quyền Mỹ trước mỗi chuyến thăm từ giới lãnh đạo Nhà trắng tới Việt Nam đã là thông lệ với nhiều lý do đằng sau, tuy nhiên ở thời điểm hiện nay, các vấn đề cần được đặt ra một cách thực tế và hợp lý với ưu tiên trình tự ra sao.

 

Đó là một vài ý kiến trên quan điểm riêng về bang giao Mỹ - Việt từ bốn nhà quan sát thời sự từ Việt Nam và hải ngoại chừng hai tuần trước chuyến thăm chính thức tới Hà Nội được dự kiến của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.

 

Mới đây theo truyền thông Mỹ, hôm 04/8, một Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa thuộc bang Texas, ông John Cornyn đã gửi thư đến Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, yêu cầu chính quyền Mỹ thúc đẩy Việt Nam về vấn đề nhân quyền và tự do, dân chủ nhân chuyến thăm của bà Harris tới Việt Nam.

 

Mỹ - Việt thời Joe Biden: Cần thời gian để gần nhau hơn nữa

Việt Nam ‘càng quan trọng’, Phó Tổng thống Mỹ Harris sẽ thăm tháng Tám

Hoa Kỳ, Trung Quốc 'khẩu chiến' tại Liên Hiệp Quốc về Biển Đông

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ 'ủng hộ Việt Nam hùng cường, độc lập'

 

Cụ thể ông Cornyn yêu cầu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam là quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) chiếu theo Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998 vì dựa vào chính báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao, Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng, đồng thời ông cũng kêu gọi áp dụng biện pháp chế tài theo Luật Magnitsky Toàn cầu đối với các thủ phạm vi phạm nhân quyền trầm trọng.

 

Bức thư của Thượng Nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa có đoạn:

 

"Việt Nam chứng tỏ giá trị chiến lược trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, và vẫn là một đối tác được chào đón về mặt hợp tác an ninh. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam tiếp tục chứng tỏ các hành động đáng quan ngại về nhân quyền, tự do tôn giáo...

"Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo Việt Nam bị lạm dụng thông qua việc diễn giải các điều khoản mập mờ cho phép áp đặt các hạn chế dựa trên an ninh quốc gia. Sự lạm dụng này bao gồm theo dõi, khảo tra, giam giữ tuỳ tiện, và kỳ thị một số cá nhân, ít ra là một phần nào đó, vì niềm tin hoặc nhóm tôn giáo họ theo."

 

 

Một vấn đề đã nghe hoài?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/17EB9/production/_119877979_gettyimages-1234078305.jpg

Bức thư của Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa, Mỹ đã được gửi tới cho cả hai ông Antony Blinken, Ngoại trưởng và Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng (giữa và đầu tiên từ phải) mới đây

 

Hôm 10/8/2021, từ San Jose, California, Hoa Kỳ, Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, cựu chủ tịch Luật sư đoàn Việt-Mỹ Bắc California, bình luận về động thái trên của Thượng nghị sỹ Mỹ.

 

"Lá thư của Thượng Nghị sỹ John Cornyn không có gì mới hay lạ cả. Mỗi lần có chuyến viếng thăm của lãnh đạo hai nước, Việt Nam và Hoa Kỳ, đều có những lá thư yêu cầu đặt vấn đề nhân quyền. Nghe hoài thì cũng như nghe văn tế ở đình làng. Những điều được nêu lên như tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận thì ai cũng hoan nghênh khi được nêu lên.

 

"Vấn đề là thực tế nó sẽ không có tác dụng gì cả - mà chỉ là thuốc dầu xức an ủi cho nhu cầu chính trị nội địa ở Hoa Kỳ nhắm vào cộng đồng gốc Việt. Dĩ nhiên, Phó Tổng thống Kamala Harris cũng sẽ nêu lên vấn đề nầy cho có lệ, phía Việt Nam cũng sẽ giống chiếc máy đĩa nhạc bị nứt để trả lời như từng đã mấy thập niên qua, rằng ở Việt Nam không ai bị vi phạm nhân quyền, tự do báo chí tôn giáo hay ngôn luận được tôn trọng."

 

Từ Sài Gòn hôm thứ Hai, luật gia, nhà báo độc lập Trần Đình Thu, người từng làm việc tại báo Thanh Niên, bình luận:

 

"Việt Nam có nhiều vấn đề về nhân quyền, không chỉ trong tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo mà còn trong các lĩnh vực khác như tự do lập hội, biểu tình… Nhưng đây là những vấn đề tồn tại đã rất lâu, liên quan đến đặc thù thể chế chính trị, đến trình độ phát triển của một nước, cần có sự giúp đỡ hỗ trợ lâu dài và bền bỉ của cộng đồng quốc tế chứ không chỉ trong khuôn khổ một chuyến viếng thăm của một phó tổng thống hay tổng thống Hoa Kỳ.

"Hiện nay Việt Nam đang trong tình trạng dịch bệnh rất căng thẳng, kinh tế đình trệ. Đây là hai vấn đề bao trùm lên nỗi lo lắng toàn dân, các vấn đề khác trở nên thứ yếu. Tôi được biết chuyến thăm này của bà Harris hứa hẹn một sự trợ giúp Việt Nam vượt qua đại dịch. Vì vậy để không làm loãng chủ đề chính, theo tôi không nên đưa vấn đề nhân quyền vào chương trình nghị sự."

 

Cùng ngày, cũng từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, nêu góc nhìn của mình:

 

"Tôi cho rằng chắc chắn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ đặt vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm sắp tới của Phó Tổng thống Kamala Harris, bởi đó luôn là vấn đề ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ dưới thời của bất kỳ Tổng thống nào. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Vũ Hán đang hoành hành tại Việt Nam, tôi không nghĩ rằng chính quyền Việt Nam sẽ đáp ứng hữu hiệu."

 

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện chính sách IDS (đã tự giải thể) nêu quan điểm của mình:

 

"Tôi thì thấy rằng Bà phó tổng thống Mỹ sắp sang thăm Việt Nam vào cuối tháng Tám này là một dấu hiệu tốt cho quan hệ Mỹ - Việt vì những ưu tiên hàng đầu của Mỹ và Việt Nam là giống nhau.

"Các chính quyền Mỹ đều nói đề cao nhân quyền và thúc chính quyền Việt Nam cải thiện nhân quyền, song mỗi chính quyền có những ưu tiên riêng của mình và thường nhân quyền có thứ tự ưu tiên cao hơn trong các chính quyền bên Đảng dân chủ so với cộng hoà nhưng đại thể các ưu tiên hàng đầu của họ vẫn là: thứ nhất là an ninh (đối phó với Trung Quốc); thứ hai là COVID-19, thứ ba là kinh tế, thương mại v.v...; rồi mới đến nhân quyền và các thứ khác.

"Nói cách khác, nhân quyền ở vị trí thứ tư hay thứ sáu gì đó tuỳ thuộc vào mỗi chính quyền, nội các. Cho nên phần lớn các đại biểu quốc hội Mỹ ở các địa phương có đông cử tri người gốc Việt thường hay lên tiếng đòi về nhân quyền (thí dụ gửi thư cho bà Phó Tổng thống sắp sang thăm Việt Nam hay cho Ngoại trưởng Mỹ,…) Đấy, theo tôi, là những cố gắng đáng hoan nghênh!

"Tuy nhiên chính quyền Việt Nam biết vấn đề nhân quyền chỉ đứng hàng chẳng hạn thứ sáu cho nên họ không coi trọng và thậm chí lợi dụng dịch COVID-19 để tăng cường đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền như có thể thấy rất rõ trong gần 2 năm qua. Chính quyền Biden Harris, theo tôi, nên đưa nhân quyền lên hàng thứ tư thay vì thứ sáu, thứ bảy như trong thời chính quyền Donald Trump và đó là một đòi hỏi cấp bách và tôi cũng lên tiếng kêu gọi như vậy và thực sự là giá như lên hàng thứ hai thì hay biết mấy nhưng có lẽ nên thực tế hơn."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/4AF3/production/_119878191_d2f64f25-cb8f-4f9a-a2dd-18dba41b9c61.jpg

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin duyệt đội danh dự QĐND Việt Nam cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Hà Nội hôm 29/7/2021

 

Đòi hỏi 'hoàn trả tài sản' là thiếu thực tế?

 

Cũng có ý kiến được đặt ra cho rằng đây là dịp phía Mỹ đặt vấn đề đề nghị Việt Nam hoàn trả hoặc bồi thường tài sản như nhà cửa, đất đai, tiền bạc cho những người Việt Nam trước đây từng làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa - quốc gia từng là đồng minh của Hoa Kỳ - trả cho họ hay qua gia đình, thân nhân của họ khối tài sản nào đã bị chính quyền ở Việt Nam sau 30/4/1975 tịch thu, chiếm hữu, hoặc trưng thu gây bất lợi cho họ.

 

Các nhà quan sát hôm thứ Hai cũng đưa ra bình luận với BBC về tính khả thi và thực tế của vấn đề này:

 

Ông Nguyễn Hữu Liêm nói: "Vấn đề hoàn trả tài sản cho dân miền Nam bị tước đoạt thì cũng như những yêu sách tương tự của người gốc Cuba ở bang Florida kêu gào suốt 50 năm qua. Đây là chuyện công lý lịch sử - mà cũng như người da Đen ở Mỹ đòi bồi thường cho thời nô lệ vậy. Với chế độ Cộng sản hiện nay ở Việt Nam, đòi hỏi này là chuyện không tưởng. Dù có chính sách bồi thường đi nữa, cũng sẽ có nhiều vấn đề.

"Thứ nhất, thời hiệu pháp chế - dù bất cứ pháp chế nào. Thứ hai, tính khả thi về bằng chứng của chuỗi chủ nhân chuyển nhượng suốt trên bốn thập kỷ. Thứ ba, tài sản đất đai bây giờ đã thay hình đổi dạng, kiến trúc không còn nhận diện được. Ngay cả một thể chế chính trị mới có thông cảm và đồng ý trên nguyên tắc, tôi nghĩ không ai có thể mở 'cái lon đầy con nhun' nầy vì quá phức tạp trên bình diện thực thi."

 

Ông Trần Đình Thu nói: "Vấn đề này cũng tương tự như vấn đề nhân quyền, cũng là vấn đề lâu dài, không thể giải quyết ngày một ngày hai. Bản thân gia đình tôi thì cũng thuộc diện từng làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, nên tôi hết sức thông cảm cho những người bị mất tài sản như vậy. Nhưng cũng nên đặt vấn đề giải quyết trong một hoàn cảnh hợp lý. Còn hiện nay kiểu như nhà đang có tang, lúc tang gia bối rối không nên đặt ra các vấn đề khác."

 

Ông Nguyễn Quang A nói: "Trả lời một cách ngắn gọn, tôi nghĩ vào thời điểm này đặt ra như ai đó đề nghị là không khả thi và phía Mỹ chắc sẽ không đưa vấn đề tài sản này ra."

 

Ông Lê Công Định phát biểu: "Theo tôi biết, vấn đề hoàn trả và bồi thường tài sản này đã được đặt ra từ rất lâu, nhưng chưa bao giờ có kết quả. Do vậy tôi không tin là chuyến đi của bà Harris có thể giải quyết vấn đề này. Hơn nữa đây là vấn đề luật pháp quốc gia có tính cách nội bộ, nên e rằng phía Mỹ sẽ không nêu lên trong mối quan hệ giữa hai quốc gia."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9913/production/_119878193_gettyimages-1330753828.jpg

Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên tới châu Á của bà Kamala Harris trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ

 

Kỳ vọng gì, thế nào ở chuyến thăm?

 

Các nhà quan sát nhân dịp này cũng đưa ra bình luận thêm và chia sẻ kỳ vọng của họ về chuyến thăm Việt Nam tới đây của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.

 

Ông Nguyễn Hữu Liêm nói: "Chuyến công du của Phó Tổng thống Harris là chuyến đi ngoại giao nhấn mạnh về an ninh nhằm cùng với Việt Nam tạo thế đối trọng với Trung Quốc. Ưu tiên là điểm đó thôi. Tất cả những vấn đề nhân quyền hay tôn giáo nêu trên theo tôi chỉ là chót lưỡi đầu môi.

 

"Tuy nhiên tôi mong là Việt Nam nên yêu cầu Hoa Kỳ chính thức công nhận chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và nếu muốn có một khai mở, đột phá nào, thì tôi đề nghị là Phó Tổng thống Harris hãy đến thăm hai nghĩa trang Biên Hòa của quân nhân VNCH và Trường Sơn của quân miền Bắc. Ở Trường Sơn, nếu PTT Harris thay mặt nhân dân và chính phủ HK công khai xin lỗi dân tộc VN - đưa ra một lời xin lỗi chính thức về những sai lầm của người Mỹ ở Việt Nam, đối với cả hai phía, Nam và Bắc, thì đó sẽ là điểm nhấn, khúc quanh quan trọng."

 

Ông Trần Đình Thu nói: "Không chỉ cá nhân tôi mà theo kết quả một cuộc thăm dò gần đây bởi một tổ chức quốc tế, có khoảng 80% người dân Việt Nam mong muốn Việt Nam chơi với Mỹ, gần gũi với nước Mỹ, thân thiện với Mỹ. Cách đây 3 năm, vào thời Tổng thống Trump còn tại vị, khi chưa có một biểu hiện nào cho thấy Việt Nam sẽ thân thiết với Mỹ, tôi đã công bố thông tin trên facebook cá nhân rằng chính quyền ông Trọng đang lèo lái để Việt Nam thân với Mỹ hơn so với các lãnh đạo tiền nhiệm. Đến nay thì đã rõ là Việt Nam ngày càng thân thiết với Mỹ hơn và xa dần Trung Quốc hơn. Tôi hy vọng qua chuyến viếng thăm này của bà Harris, Mỹ và Việt Nam sẽ nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước lên một bậc nữa."

 

Ông Lê Công Định phát biểu: "Vấn đề nhân quyền ưu tiên đối với một chuyến đi như thế này chỉ có thể là việc trả tự do cho một vài tù nhân lương tâm. Về việc này, gần đây chính quyền Việt Nam đã công bố chính sách đặc xá nhân dịp lễ quốc khánh và vì dịch bệnh Vũ Hán, trong đó có những trường hợp đặc xá đặc biệt do nhu cầu đối ngoại. Vì vậy, việc nêu ra những trường hợp cần ưu tiên trả tự do, như đối với tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức chẳng hạn, là phù hợp với khả năng giải quyết của cả đôi bên.

Ông Nguyễn Quang A nêu quan điểm: " Tôi mong chính quyền Mỹ nêu vấn đề nhân quyền và dân chủ như đã có đề cập khi trả lời BBC ở trên. Đấy là vấn đề cốt lõi mà việt nam cần cải thiện và là cách duy nhất để cho đất nước phát triển và cũng vì lợi ích của chính đảng Cộng sản Việt Nam nếu họ thực sự muốn xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân; nếu thực sự muốn dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh!"

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/E733/production/_119878195_ba4925ae-cbd4-46bd-88e6-cf1b6a604bb7.jpg

Vấn đề dân chủ, nhân quyền của Việt Nam đã được đặt chưa cao trong ưu tiên đối thoại, hợp tác Mỹ - Việt trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, một nhà quan sát nói với BBC

 

 

Làm gì để cân bằng hơn khi hợp tác, đối thoại?

 

Các nhà quan sát cũng tỏ ra quan tâm tới việc bang giao Việt Mỹ trong đối thoại và hợp tác cần ngày một trở nên cân bằng hơn giữa đề cập, xử lý các vấn đề.

 

Từ Sài Gòn, ông Trần Đình Thu nói: "Tôi cho rằng về lâu dài thì Mỹ và cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ và thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, xã hội, cải thiện dân chủ, nhân quyền, pháp quyền, dân chủ hóa, để việc hợp tác trở nên chất lượng, hiệu quả hơn nữa và vì tiến bộ nói chung."

 

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Quang A nêu quan điểm: "Nếu chính quyền Mỹ khôn khéo thuyết phục chính quyền Việt Nam tiến hành sửa đổi pháp luật theo hướng dân chủ hoá và tôn trọng nhân quyền thì đó là cách tốt nhất để điều hoà các ưu tiên của hai bên cho trùng nhau hơn.

"Tuy đó là cách hay nhất nhưng theo tôi lại khó khả thi do sự độc tài của đảng Cộng sản Việt Nam, cho nên phải tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực có thể hợp tác với Việt Nam để cùng cải thiện nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam."

 

Còn từ California, Hoa Kỳ, ông Nguyễn Hữu Liêm phát biểu: "Theo tôi, Việt Nam đang đứng ở một nấc thang tiến hóa còn khiêm tốn trên mọi phương diện, từ con người đến thể chế.

"Dân tộc và quốc gia này cần đi gần với Hoa Kỳ để được nâng cao lên nữa theo nhu cầu chung của thời đại. Dù với nhiều khiếm khuyết, Hoa Kỳ vẫn như là một bó đuốc cháy sáng và Việt Nam dù với nhiều cố gắng vẫn còn là một góc tối của cộng đồng nhân loại.

"Cứ hợp tác, giao thương quan hệ gần nhau thì ánh sáng sẽ khai mở góc khuất lịch sử của dân Việt," luật gia, người cũng là một nhà nghiên cứu triết học, nói với BBC trên quan điểm riêng của mình.

 

Tin từ truyền thông Mỹ cho hay Phó Tổng thống Hoa Kỳ, bà Kamala Harris sẽ đến Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam với thời điểm dự kiến vào ngày 24/8/2021, sau khi ghé thăm Singapore.

 

Giới chức và cơ quan chức năng Việt Nam và Hoa Kỳ đang phối hợp chuẩn bị cho chuyến thăm này của Phó Tổng thống Mỹ trên cơ sở quan hệ hai nước 'đang phát triển tốt đẹp, thực chất, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới,' theo Bộ Ngoại giao Việt Nam trong một bình luận mới đây về chuyến thăm sắp diễn ra của chính khách cao cấp số hai trong chính quyền Mỹ tới Hà Nội.

 

                                                     ***

TIN LIÊN QUAN

.

Mỹ - Việt thời Joe Biden: Cần thời gian để gần nhau hơn nữa

4 tháng 8 năm 2021

.

Việt Nam ‘càng quan trọng’, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sẽ thăm tháng Tám

30 tháng 7 năm 2021

.

Hoa Kỳ, Trung Quốc 'khẩu chiến' tại Liên Hiệp Quốc về Biển Đông

10 tháng 8 năm 2021

.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ 'ủng hộ Việt Nam hùng cường, độc lập'

29 tháng 7 năm 2021

 

 

 


No comments: