Saturday, August 21, 2021

PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 : PHẢI BẢO ĐẢM SINH MẠNG và SINH KẾ CỦA DÂN BẰNG TỰ DO LƯU THÔNG HÀNG HÓA (Lê Thân và Vũ Trọng Khải)

 


Phòng chống dịch Covid-9 : Phải bảo đảm sinh mạng và sinh kế của dân bằng tự do lưu thông hàng hóa

Lê Thân và Vũ Trọng Khải

21/08/2021

https://baotiengdan.com/2021/08/21/phong-chong-dich-covid-9-phai-bao-dam-sinh-mang-va-sinh-ke-cua-dan-bang-tu-do-luu-thong-hang-hoa/

 

Nguyên tắc tối thiểu và căn bản của văn bản pháp luật là chỉ quy định những hành vi, hoạt động bị cấm đối với mọi cá nhân và tổ chức, tuyệt đối không được quy định những hành vi và hoạt động được phép.

 

Những hành vi và hoạt động bị pháp luật cấm vì nó gây hại cho xã hội, người dân và các tổ chức. Mặt khác, những hành vi và hoạt động bị pháp luật cấm là rất ít, thì việc cấm mới khả thi. Còn những hành vi và hoạt động không bị cấm là vô số, có lợi cho quốc kế, dân sinh. Do đó, mọi người dân và tổ chức đương nhiên được làm những gì mà pháp luật không cấm, để mưu cầu lợi ích cho mình.

 

Nhớ lại thời kỳ trước đổi mới (1986), cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu và bao cấp đã tạo ra nền kinh tế nhà nước hoá. Vì thế, việc “ngăn sông cấm chợ”, hàng hoá không được lưu thông tự do theo luật định, đã dẫn đến khủng hoảng trầm trọng các hoạt động kinh tế-xã hội. Năm 1986, đại hội lần thứ 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thừa nhận nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, có sự quản lý của nhà nước, nên hàng hoá đương nhiên được lưu thông tự do theo luật định.

 

Nền kinh tế nước ta như cái lò xo bị dồn nén lâu ngày bởi sự trói buộc của cơ chế “ngăn sông cấm chợ”, nay được tháo gỡ, bật tung ra, đã tạo nên sự khởi sắc, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.

 

Hiện nay, đất nước ta lại lâm vào tình trạng trì trệ, “tiến thoái lưỡng nan”, do đại dịch COVID-19 gây ra. Nhà nước đưa ra những quy định buộc người dân và doanh nghiệp chỉ được lưu thông hàng hóa vật phẩm và dịch vụ được coi là thiết yếu cho đời sống của con người.

 

Chuyện có thật mới xẩy ra ngày 12/08/202, một bà mẹ đi mua đồ cho con, để chuẩn bị vào năm học mới, đã viết trên Facebook: “Bước vào cửa hàng, tôi thấy cái gì cũng có, mừng hơn bắt được vàng. Bỗng nghe thấy: Chị ơi, tụi em chỉ được phép bán tã, sữa, dầu tắm, bình bú; còn tất cả những thứ còn lại bị cấm bán vì không thiết yếu”…

 

Luật pháp không thể quy định đầy đủ, chính xác mọi hàng hoá vật phẩm và dịch vụ nào là thiết yếu của cuộc sống con người. Khi có đại dịch như hiện nay, cùng một lúc mọi giải pháp đều phải đạt được hai mục tiêu là bảo đảm sinh mạng và sinh kế của người dân. Vì thế, luật pháp cần thiết phải mở rộng diện các hành vi của người dân và tổ chức bị cấm. Bởi vì những hoạt động ấy có ảnh hưởng xấu đến việc phòng chống dịch COVID-19, gây nguy hại đến sinh mạng của người dân.

 

Mặt khác, luật pháp cũng cần quy định những điều kiện khi thực thi một số hoạt động theo yêu cầu của ngành y tế là vaccine cộng 5K để phòng chống dịch. Luật pháp không thể quy định những hạn chế của một số hoạt động vì không thể lượng hoá được mức độ hạn chế của nó, càng không thể quy định những hoạt động nào được cho là đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đời sống thì được phép làm.

 

Điều 4 khoản 3 luật về giá (luật số11 /2012/QH 13) giải thích hàng hóa dịch vụ thiết yếu “là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”. Thiết nghĩ, như vậy cũng quá rõ ràng, không biết người thừa hành có muốn hiểu hay không.

 

Việc quy định những hoạt động được phép như hiện nay đã gây hậu quả nghiêm trọng đến sinh kế của người dân, làm đình đốn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này gây tác hại nghiêm trọng hơn thời kỳ trước đổi mới, vì nền kinh tế nước ta đã hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

 

Hoạt động của mỗi nông hộ và doanh nghiệp đã trở thành một mắt xích không thể thiếu của chuỗi cung ứng ở tầm quốc gia và quốc tế. Nông sản đến ngày thu hoạch không có ai mua, còn dân đô thị thì thiếu nông phẩm, giá lương thực, thực phẩm tăng 2, 3 lần so với trước đại dịch.

 

Rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, phải thu hẹp hay ngừng hoạt động vì thiếu nhân công, không nhập được tư liệu sản xuất và không bán được hàng hoá do mình làm ra. Khâu vận chuyển, kết nối cung-cầu bị ách tắc.

 

Hàng vạn công nhân không có việc làm, ùn ùn kéo về quê để tránh dịch và hy vọng tìm lại được kế sinh nhai cũ trên mảnh ruộng vốn đã nhỏ bé, manh mún. Tình trạng này thể hiện sự thất bại của chiến lược phát triển công nghiệp và đô thị và chính sách an sinh xã hội, cũng như giải pháp chống dịch “3 tại chỗ”.

 

Người dân sợ chết vì đói hơn sợ chết vì dịch COVID-19. Vì chiến lược phát triển ấy đã không biến nông dân thành thị dân một cách bền vững. Tình trạng này cũng lại gây tác hại đến hoạt động phòng chống dịch COVID-19. Nền kinh tế quốc gia và đời sống của người dân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

 

Nút thắt của vấn đề lại là việc hạn chế quá mức cần thiết các hoạt động tự do lưu thông hàng hoá, bao gồm cả vật phẩm, dịch vụ và sức lao động. Thang máy hay máy bơm ở nhà cao tầng bị hư, không có người đến sửa; xe cộ đang đi trên đường bị xịt lốp, không có dịch vụ bơm vá; điện thoại đi động luôn là vật bất ly thân của đa số người dân bị hỏng không có dịch vụ sửa chữa; doanh nghiệp và nông hộ không có vật tư sản xuất vì không có người vận chuyển; sản phẩm làm ra không tiêu thụ được vì không phải là sản phẩm thiết yếu; hàng ngàn container chứa hàng xuất-nhập khẩu nằm ở cảng không được vận chuyển; khi có đơn hàng, doanh nghiệp muốn khôi phục sản xuất lại thiếu vật tư và nhân công…

 

Giải pháp nào cho nan đề này? Tự do lưu thông hàng hoá, trừ loại bị cấm, xác lập một số điều kiện lưu thông của một số loại hàng hóa, bao gồm cả vật phẩm, dịch vụ và sức lao động, theo yêu cầu phòng chống dịch. Ví dụ: phải có vách ngăn, chống giọt bắn giữa người bán và người mua để khôi phục các hoạt động của các chợ dân sinh, các cửa hàng tạp hoá của tiểu thương; những người vận chuyển hàng hoá hay làm dịch vụ cho sản xuất và đời sống, người lao động trong các doanh nghiệp phải được ưu tiên tiêm vaccine chống COVID-19; cần tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân đã về quê trở lại nhà máy làm việc; khuyến khích các tổ chức xã hội thiện nguyện quyên góp giúp đỡ những người dân mất kế sinh nhai…

 

Cần xác định rằng dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và lâu dài. Vì vậy, cần phải tìm những giải pháp toàn diện để sống chung với dịch mà vẫn bảo đảm sinh mạng và kế sinh nhai của người dân. Hiện nay, rất cần thực hiện các biện pháp khoanh vùng, cách ly những nơi bị dịch bệnh, tập trung lực lượng y tế cho việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, giảm thiểu tỉ lệ tử vong; hướng dẫn người dân thuộc diện F1 và F0 không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ tự cách ly và điều trị tại nhà; xác lập một danh sách các hoạt động bị cấm và những điều kiện cần có cho các hoạt động lưu thông hàng hóa của người dân và doanh nghiệp, phù hợp với đặc điểm của mỗi mặt hàng và điều kiện thực tiễn của từng địa phương.

 

Hệ thống quản lý hành chính nhà nước từ trung ương tới phường, xã vừa phải thống nhất hành động trong thực thi pháp luật, vừa phải nắm bắt thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc sự phản biện xã hội của các chuyên gia và người dân, để điều chỉnh, hoàn thiện luật pháp phòng chống dịch COVID-19.

 

Về lâu dài, cần xác lập lại chiến lược phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị để biến nông dân thành thị dân một cách bền vững. Các doanh nghiệp FDI chỉ được kinh doanh những ngành hàng sử dụng ít năng lượng, không sử dụng người lao động phổ thông là người nước ngoài, áp dụng công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập của người lao động, đồng thời có tác dụng lan toả, thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp phụ trợ, tao thêm việc làm cho người dân.

 

Nhà nước phải đầu tư và có chính sách khuyến khích hợp tác công-tư trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, dần dần xoá bỏ nhà “ổ chuột”, xây dựng các cơ sở tiện ích công cộng như nhà trẻ, trường học, bệnh viện… ở những khu công nghiệp tập trung, hình thành các đô thị nhỏ. Ở đó, mức sống của người công nhân phải cao và ổn định hơn mức sống ở quê hương họ.

 

Người công nhân rời bỏ đồng ruộng không còn trong tâm thế sẵn sàng trở về quê làm nông dân khi có khủng hoảng kinh tế như hiện nay, không còn coi ruộng đất ở quê là vật “bảo hiểm xã hội”, khi đó họ mới sẵn sàng bán hoặc cho thuê ruộng đất dài hạn, làm cho quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra thuận lợi, tạo ra các trang trại gia đình có quy mô sản xuất hàng hoá lớn, áp dụng công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn chất lượng khác của thị trường trong và ngoài nước.

 

Các doanh nghiệp phải đa dạng hoá các thị trường cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm của mình. “Con thỏ phải có nhiều hang, trứng không để ở một giỏ”. Đặc biệt đối với nông sản, các doanh nghiệp phải triệt để tận dụng ưu thế của các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như EVFTA, v.v…

 

Theo đó, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản phải nắm bắt được tiêu chuẩn sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng của từng nước để xây dựng chuỗi giá trị nông sản của Việt Nam, hướng dẫn nông dân sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Việc dùng hàng rào ngăn cản sự đi lại của người dân và hàng hoá như hiện nay đã bộc lộ khiếm khuyết là vừa triệt tiêu kế sinh nhai của người dân, vừa không phòng chống dịch COVID-19 được như mong đợi.

 

Hiện nay chiến lược và giải pháp phòng chống dịch COVID-19 của chính phủ và chính quyền địa phương đã có nhiều thay đổi tích cực, khoa học hơn, thực tiễn hơn. Tuy vậy, nút thắt cần được tháo gỡ bằng giải pháp tự do lưu thông hàng hoá vật phẩm, dịch vụ và sức lao động, tuân thủ các điều kiện và yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời thực hiện nhanh chóng, rộng rãi việc tiêm vaccine cộng 5 K. Tuyệt đối không để một người dân nào chết vì đói trước khi chết vì dịch COVID-19.

 

 

 


No comments: