Saturday, August 14, 2021

NHÂN VỤ BÁC SĨ KHOA, BÀN THÊM VỀ TIN GIẢ, THÔNG TIN SAI LỆCH, VÀ THÔNG TIN NGỤY TẠO (Nguyễn Vi-Yên)

 


NHÂN VỤ BÁC SĨ KHOA, BÀN THÊM VỀ TIN GIẢ, THÔNG TIN SAI LỆCH, VÀ THÔNG TIN NGỤY TẠO 

Nguyễn Vi-Yên   

08/08/2021  lúc 12:35  

https://www.facebook.com/Viyen.me/posts/3681541065404762

 

Trước hết, tôi muốn khẳng định rằng bài viết này không nhắm vào cá nhân hay tổ chức nào. Thay vào đó, tôi hy vọng có thể nhân sự kiện đang được chú ý trong những ngày qua, về “bác sĩ Khoa”, để làm rõ thêm một hiện tượng đã được nhiều người nhắc đến: tin giả.

 

Hẳn nhiều người biết đến chương trình “Café Sáng với VTV3”, nơi Đài Truyền hình Quốc gia chia sẻ những câu chuyện thường nhật. Tháng 5 năm 2016, chương trình này chiếu một phóng sự được lồng hiệu ứng âm thanh đầy kịch tính, trong đó quay cảnh một nông dân ở Thanh Hóa lấy chổi quét lên ruộng rau, kèm theo giọng một người phụ nữ: “Rau mà non người ta không dám ăn, nên bây giờ phải quét để giả sâu ăn. Quét xong khoảng hai đến ba hôm sau mới thu hoạch cho giống sâu ăn thật!” Phóng sự trên đã khiến dư luận cực kỳ bức xúc với hành-vi-không-thể-tha-thứ của những người nông dân này. Cho đến khi người dân phát hiện ra, hóa ra, phóng sự này hoàn toàn do phóng viên VTV dàn dựng. Kết quả, các phóng viên này đã phải về địa phương để xin lỗi, đồng thời, VTV đã bị Bộ Thông tin Truyền thông phạt 50 triệu đồng vì “vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí khi đăng phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.

 

Vào thời điểm đó, cụm từ “tin giả” (fake news), “thông tin sai lệch” (misinformation), hay “thông tin ngụy tạo” (disinformation) hầu như ít được nhắc đến ở Việt Nam. Nhưng có thể coi vụ việc kể trên là một ví dụ hoàn hảo cho vấn đề thông tin ngụy tạo: cố ý tạo ra một thông tin sai sự thật, và lan truyền nó, để gây hại cho công chúng, hoặc để trục lợi. Nạn nhân (thấy rõ) của thông tin nguỵ tạo không chỉ là những người nông dân ở Thanh Hóa, hay nông dân Việt Nam nói chung, mà còn là những khán thính giả của nhà đài khi tiếp nhận thông tin sai sự thật. Thủ phạm, rất rõ ràng, chính là VTV.

 

Tôi xin kể thêm một ví dụ khác, mà nhiều người hoạt động có lẽ vẫn còn nhớ rõ. Vào tháng 2 năm 2017, vào thời điểm làn sóng bức xúc đối với vấn nạn ô nhiễm vùng biển miền Trung đang lên cao, thì trên mạng xã hội đã lan truyền một đoạn clip về một cống xả nước thải màu đỏ, được cho là ở vùng biển miền Trung. Clip xuất hiện trên nhiều tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài, lẫn các nhóm đấu tranh chống ô nhiễm môi trường, và các trang Facebook cá nhân, trong đó có cả những Facebooker nổi tiếng với hàng chục ngàn người theo dõi. Tuy nhiên, cả phía chính quyền lẫn phía Formosa đều khẳng định rằng công ty Formosa không có đường ống xả thải nào như trong clip. Ngay sau đó, một số Facebooker đã xóa bài đăng của mình, và cũng thừa nhận rằng có thể họ đã đưa thông tin không chính xác.

 

Trong sự vụ cống xả thải này, ta không thể xác minh được rằng ống xả thải này được quay ở đâu, lúc nào, ai là người chịu trách nhiệm cho thông tin – vì nó được lan truyền không rõ nguồn gốc, xuất phát từ mạng xã hội. Một cách đáng tiếc, việc lan truyền thông tin không kiểm chứng, dầu vô tình hay cố ý, đã làm giảm tính chính danh nói chung của cuộc vận động đòi minh bạch và chống ô nhiễm môi trường của người dân nói chung, và các nhà hoạt động xã hội nói riêng, vào thời điểm đó. Kết quả, nó tạo điều kiện cho các bên chống cuộc vận động, mà đại diện tiêu biểu là báo Nhân Dân, quy chụp rằng những người đấu tranh cho xã hội mang “bản chất xấu xa của mấy kẻ đang nấp dưới chiêu bài ‘đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền’ với sự tiếp tay của tổ chức khủng bố Việt Tân và những kẻ hơn 40 năm trước phải vứt mũ, quăng áo và sống ngày tàn ở nơi xứ người để phá hoại sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam”.

 

Nếu như ở vụ việc về VTV, việc chiếu thông tin sai sự thật lên tivi là cố ý (tức, thông tin ngụy tạo - disinformation), thì ở vụ việc về cống xả thải, ta thấy có hai vấn đề xảy ra: (1) thông tin ngụy tạo bị cố ý phát tán lên mạng xã hội, và (2) nhiều người trở thành nạn nhân của thông tin ngụy tạo, từ đó họ vô tình lan truyền thông tin này (tức, thông tin sai lệch - misinformation).

 

Giờ đây, giữa lúc bệnh dịch đang tràn lan, thông tin nhiễu loạn, ta lại bắt gặp một câu chuyện tương tự: bác sĩ Khoa.

 

Trong số những người chia sẻ lại bài viết của nhà báo Nguyễn Đức Hiển (phóng viên báo Pháp Luật) hay cô Jang Kều (chủ tịch Quỹ Sống), ai đã đứng ra xin lỗi vì đã vô tình tiếp tay cho thông tin chưa được kiểm chứng, như cái cách mà nhà báo Đức Hiển và cô Jang Kều đã làm? Rất ít, theo quan sát của tôi. Tại sao những người chia sẻ bài lại không xin lỗi? Có lẽ là bởi, một khi phát hiện ra rằng mình lan truyền thông tin sai lệch, hầu hết mọi người có khuynh hướng cảm thấy mình là nạn nhân. Điều này đúng. Họ là nạn nhân của thông tin ngụy tạo, họ không cố ý lan truyền thông tin ngụy tạo ấy. Điều này, hoàn toàn có thể, cũng đúng: Nhà báo Đức Hiển và cô Jang Kều cũng là nạn nhân, như hàng ngàn, hàng chục ngàn người còn lại. Song, trong cơn bức xúc vì bị lừa dối, dường như mũi dùi cần được chĩa vào ai đó. Giữa hàng ngàn người chia sẻ bài viết, và hàng chục ngàn người nhấn nút like, thì rất không may, những người nổi tiếng hơn đã bị nhắm đến và bị tấn công (có lẽ vì họ nổi tiếng?), bất kể việc họ hoàn toàn có thể cũng là nạn nhân.

 

                                                                    *

Nêu ra ba ví dụ như trên để thấy, ta không nên nghĩ rằng chỉ những người bị coi là “gà công nghệ” hay “ít hiểu biết” mới trở thành nạn nhân của tin giả. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của thông tin nguỵ tạo (disinformation), dù là người hoạt động lâu năm có hàng chục ngàn người theo dõi, hay một nhà báo chuyên nghiệp, hay một giám đốc của nhiều chương trình cộng đồng danh tiếng. Những nạn nhân này vô tình lan truyền thông tin sai lệch (misinformation), từ đó, tạo thêm nhiều nạn nhân mới. Đó chính là những người, một lần nữa tôi cần phải nhắc lại, những người đã nhấn like, nhấn share, và cảm động, trước câu chuyện về vị bác sĩ tên Khoa.

 

Một nghiên cứu của một giáo sư ở Đại học Westminter (xin xem chú thích bên dưới bài) liệt kê ba nguyên nhân khiến mọi người chọn chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, mà tôi xin phép diễn giải ngắn gọn như sau. Thứ nhất, là tính nhất quán: ta có khuynh hướng chia sẻ những tin tức phù hợp với niềm tin của ta. Thứ hai, là sự đồng thuận: ta chia sẻ thông tin khi ta thấy nhiều người khác cũng đã chia sẻ thông tin ấy. Thứ ba, là độ tin cậy: ta chia sẻ một thứ gì đó khi ta thấy một người đáng tin cậy đã chia sẻ chúng.

 

Thêm nữa, thông tin giả lại có khả năng lan truyền nhanh chóng hơn thông tin thật, và trên phạm vi rộng hơn đáng kể, đây là kết luận từ một nghiên cứu của MIT. Tuy nghiên cứu này xoay quanh việc lan truyền tin giả trên Twitter, song các tác giả cho rằng hiện tượng tương tự cũng có thể xảy ra trên các nền tảng mạng xã hội khác, như Facebook.

 

                                                         *

Tại sao tin giả lại dễ được lan truyền đến vậy?

 

Tôi cho rằng, thứ nhất, bản thân tin giả có tính mới, nhờ đó nó xây dựng được chỗ đứng trong một môi trường thiếu hụt thông tin hoặc nhiễu loạn thông tin, đặc biệt khi ngày càng có nhiều người sử dụng mạng xã hội, nơi thông tin có thể dễ dàng được đăng tải và chia sẻ mà không cần kiểm chứng. Thứ hai, những thông tin loại này thường kích thích yếu tố cảm xúc con người (ví dụ như câu chuyện về bác sĩ Khoa gợi lên mối thương tâm của người đọc), khiến cho nhu cầu suy xét tính xác thực bị giảm đi. Thứ ba, nó đánh vào yếu tố cấp bách và tính tức thời của vụ việc (như khi dư luận đang bức xúc vì ô nhiễm môi trường biển miền Trung, thì xuất hiện một clip giúp họ khẳng định nỗi bức xúc của mình), khiến người đọc cảm thấy thôi thúc phải chia sẻ thông tin mà không kiểm chứng.

 

Dĩ nhiên, tác hại dễ thấy nhất, là tin giả đóng góp tạo nên một môi trường giả dối, sai lệch, phản sự thật: “tôi là nạn nhân, tôi bị lừa dối”. Nhưng nó không dừng lại ở đó. Việc lan truyền tin giả, dù là vô tình hay cố ý, sẽ tạo ra sự ngờ vực lẫn nhau, gây mất lòng tin và rạn nứt trong xã hội: “tôi có thể tiếp tục tin người đó được nữa chăng, nếu biết rằng họ từng chia sẻ tin giả?” Và như vậy, về lâu dài, quá trình này làm xói mòn niềm tin và giá trị sống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc xã hội: “tôi còn có thể tin vào ai và vào điều gì nữa đây?”

 

                                                           *

Nói ra như vậy, là để ta ý thức được một (vài) hiện tượng, từ sự tồn tại của thông tin ngụy tạo cho đến việc lan truyền thông tin sai lệch. Hiện tượng kép này xảy ra liên tục và đầy rẫy xung quanh ta, đầy rủi ro nhưng ít ai ngờ tới, và ai cũng có thể trở thành nạn nhân của nó.

 

Tiếp nữa, là để thấy rằng, dù chúng ta không can dự vào những sự việc cụ thể (chẳng hạn, chúng ta không hề like hay share bất kỳ bài viết nào liên quan đến bác sĩ Khoa), nhưng một cách gián tiếp, chúng ta vẫn trở thành nạn nhân của tin giả, khi ta phải sống trong một xã hội mà các giá trị dần bị lung lay và niềm tin dần bị xói mòn.

 

Và cuối cùng, là để mở ra một câu hỏi khác: đâu là động cơ hình thành nên các thông tin sai lệch này, để ta có thể chọn cách tiếp cận hợp lý hòng tìm ra giải pháp, ở cả cấp độ cá nhân lẫn cấp độ xã hội.

 

Tôi không có ý định tìm kiếm giải pháp qua bài viết này, mà xin để ngỏ cho các thảo luận xa hơn. Một câu hỏi khác mà tôi cũng muốn để ngỏ ở đây, là làm sao để mở ra những cuộc tranh luận tìm kiếm giải pháp ngăn chặn thông tin ngụy tạo lẫn thông tin sai lệch, nhưng vẫn có thể đảm bảo tự do ngôn luận. Dĩ nhiên, phải tránh càng xa càng tốt những giải pháp cực đoan như từ chối Facebook, đóng luôn Youtube, dẹp cả tivi, và bắt nhốt hết những người loan tin giả.

 

                                                            *

Vài đường dẫn tham khảo:

 

1. Về phóng sự đưa tin sai sự thật của “Café Sáng với VTV3”: https://tuoitre.vn/phong-vien-vtv-xin-thong-cam-ve-phong...

 

2. Về clip cống xả thải được cho là liên quan đến công ty Formosa: https://zingnews.vn/formosa-ha-tinh-khong-co-cong-xa-thai...

 

3. Báo Nhân Dân nhân clip cống xả thải để đả kích những người hoạt động: https://nhandan.vn/.../tin-vit-va-cai-goi-la-truyen-thong...

 

4. Thông tin tổng quan về vụ bác sĩ Khoa:

https://tuoitre.vn/vu-nhuong-may-tho-cuu-san-phu-bac-si...

 

5. Nhà báo Đức Hiển đăng bài xin lỗi: https://www.facebook.com/bocuhung/posts/10159768340824090

 

6. Cô Jang Kều đăng bài xin lỗi: https://www.facebook.com/jangkeu2007/posts/10216292273618599

 

7. Nghiên cứu của MIT về tin giả lan truyền trên Twitter:

https://news.mit.edu/.../study-twitter-false-news-travels...

 

8. Xem thêm định nghĩa về thông tin nguỵ tạo (disinformation) do Liên minh châu Âu cung cấp: https://eeas.europa.eu/.../action_plan_against...

 

9. Nghiên cứu về nguyên nhân mọi người lan truyền tin giả: https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0239666

 

 

17 BÌNH LUẬN

 

 


No comments: