Khí
hậu hâm nóng : Đợt cháy rừng lớn thứ ba trong lịch sử California
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 07/08/2021 - 13:04
Cháy rừng hoành hành tại phía bắc bang California,
miền tây Hoa Kỳ. « Dixie Fire » được ghi nhận là trận cháy lớn thứ ba
trong lịch sử bang. Theo các nhà khoa học, khô hạn kéo dài do Trái đất bị hâm
nóng khiến cháy rừng trở nên nghiêm trọng gấp bội.
Cảnh tượng trận hỏa
hoạn Dixie Fire bên đường cao tốc bắc thị trấn Greenville, Calofornia, ngày
03/08/2021. AP - Noah Berger
Theo AFP, trong tuần qua, Dixie Fire đã tiêu hủy
hoàn toàn thị trấn Greenville, nơi cư trú của 800 cư dân. Tính đến ngày hôm
qua, 06/08/2021, Dixi Fire tiêu hủy tổng cộng 175.000 hectare rừng và khu dân
cư. Trận cháy rừng Dixi Fire bùng lên từ giữa tháng 7/2021 chưa có dấu hiệu chấm
dứt. Hơn 5.000 lính cứu hỏa đang chống chọi với trận cháy kinh hoàng này.
Hôm qua, chính quyền địa phương cho biết là
đám cháy có thể sẽ còn tiếp tục lan rộng do gió lớn thổi bùng tàn lửa. Rừng tại
California với nhiều cây cối đang trong kỳ khô hạn, sẵn sàng bốc cháy khi gặp lửa,
khiến hoạt động cứu hỏa trở nên khó khăn gấp bội.
Theo các nhà quan sát, trận cháy rừng khổng lồ
Dixie Fire dữ dội đến mức tạo ra một vùng « tiểu khí hậu » riêng
trong những ngày gần đây. Cháy rừng tạo thành các đám mây
« pyrocumulus » hình nấm, còn gọi là « mây lửa », thường
hình thành khi có cháy rừng, núi lửa phun trào, hay sau một đợt nóng dữ dội.
Các đám « mây lửa » có thể gây sấm sét, gió lớn, khiến rừng cháy càng
mạnh hơn.
Đợt cháy rừng đang diễn ra khiến người ta nhớ
đến đợt cháy lớn nhất trong lịch sử California, xảy ra năm 2018. Đợt cháy Camp Fire phá hủy hoàn
toàn thị xã Pardise, với 27.000 cư dân. Sau trận cháy, chỉ có 6.000 người trở lại
nơi này.
Hỏa hoạn kinh
hoàng tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ
Ở bên này Đại Tây Dương, tại nhiều vùng du lịch
ven Địa Trung Hải, cháy lớn tiếp tục hoành hành đặc biệt tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ
Kỳ, nơi nhiệt độ dao động trong khoảng 40 đến 45°C. Đây là ngày thứ 11 thần lửa hoành
hành tại Hy Lạp. Hôm qua, hỏa hoạn lan đến một ngôi làng cách thủ đô
Athens khoảng 30 km. Ít nhất hai người chết cho đến nay. Miền nam Thổ Nhĩ Kỳ
cũng đối mặt với đợt cháy chưa từng có từ vài thập niên. Ít nhất 11 người chết
do lửa.
Theo một dự thảo báo cáo của GIEC (nhóm chuyên gia liên chính phủ của
Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu), vùng Địa Trung Hải với 500 triệu
dân được coi là một trong các nạn nhân hàng đầu của biến đổi khí hậu. Ít nhất
93 triệu dân tại khu vực này sẽ là nạn nhân trực tiếp của nạn nhiệt độ tăng
cao.
Báo cáo
GIEC : Biến đổi khí hậu đe dọa 500 triệu dân Địa Trung Hải
Nóng hạn là hệ quả lớn nhất của biến đổi khí hậu
tại khu vực này. Nhiệt độ vùng Địa Trung Hải sẽ tăng mạnh hơn nhiều so với
mức tăng nhiệt độ trung bình trên Trái đất. Cháy rừng sẽ tăng gấp hai, gấp ba lần
so với hiện nay, tùy theo mức độ Trái đất bị hâm nóng đến đâu. Sản lượng nông
nghiệp tại nhiều khu vực sẽ sụt giảm đến hai phần ba.
Báo cáo nói trên của GIEC
- đã được 195 thành viên thông qua hôm thứ Sáu 06/08 - sẽ được chính thức công
bố ngày thứ Hai 09/08. Báo cáo này được coi là cơ sở cho các đàm phán về cam kết
khí hậu tại thượng đỉnh Khí hậu COP 26, tại Glasgow, Anh Quốc, tháng 11/2021. Theo các nhà khoa học, chỉ giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng không quá
1,5°C so với thời tiền công nghiệp mới giúp nhân loại tránh được các thảm họa
vượt quá khả năng khắc phục. Mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 là giới
hạn nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C. Điều chỉnh theo hướng
gia tăng cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là thách thức lớn nhất
đối với cộng đồng quốc tế hiện nay.
Theo một báo cáo đầu năm nay của Liên Hiệp Quốc,
tổng cộng các cam kết cắt giảm khí thải mới cho đến nay mới chỉ góp phần giảm
1% khí thải vào năm 2030 (so với mức khí thải năm 2010), còn rất xa với mức 45%
cần thiết để giữ mức tăng nhiệt độ không quá 1,5°C.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
Nóng
kỷ lục kéo dài, cháy lớn tại Canada và Mỹ : Hậu quả rõ ràng của Biến đổi khí hậu
Hỏa
hoạn vẫn hoành hành dữ dội ở miền tây Hoa Kỳ
No comments:
Post a Comment