Khi
hai đảng chịu ngồi xuống nói chuyện
11/08/2021
https://www.voatiengviet.com/a/khi-hai-dang-chiu-ngoi-xuong-noi-chuyen/5998651.html
https://gdb.voanews.com/626F39D8-405A-42C7-92AA-F7292E341537_w650_r1_s.jpg
Tổng thống Joe Biden trả lời phóng viên tại Tòa Bạch
Ốc hôm 10 tháng Tám, 2021.
Mười chín nghị sĩ Cộng Hòa mới chứng minh cho
thế giới thấy rằng thể chế chính trị của nước Mỹ đã 250 tuổi vẫn “khỏe mạnh” và
còn “hoạt động hiệu quả!” Thượng viện Mỹ đã thông qua bản dự luật hàng ngàn tỷ
đô la nhắm tái thiết hạ tầng cơ sở. Nghị sĩ Mitch McConnell (Kentucky), đã từng
hứa hẹn sẽ ngăn chặn tất cả các dự án của Tổng thống Joe Biden, cũng bỏ phiếu
thuận.
Hồi tháng Ba vừa qua, đạo luật “Cứu trợ nước Mỹ”
chống Covid với $1.9 ngàn tỷ đô la, được thông qua với 50 nghị sĩ Dân chủ và bà
Phó Tổng thống Kamala Harris đóng vai chủ tịch Thượng viện. Đạo luật này được
đa số dân Mỹ ủng hộ, nhưng tất cả các nghị sĩ Cộng Hòa đã bỏ phiếu chống. Các đảng
đối lập thường vẫn bỏ phiếu chống ông tổng thống; chuyện này không có gì mới.
Năm 2017 tất cả các nghị sĩ dân chủ cũng chống đạo luật do cựu Tổng thống
Donald Trump đề xướng nhằm giảm thuế cho các công ty và người có lợi tức cao.
Nhiều người lo nước Mỹ chia rẽ quá sẽ xuống dốc, khó lòng cứu vãn.
Nhưng tái thiết hạ tầng cơ sở là chuyện được hầu
hết dân Mỹ ủng hộ. Ai cũng thấy hạ tầng cơ sở Mỹ được xây dựng từ hơn 50 năm
trước giờ đến lúc cần phải chỉnh trang. Nhờ vậy, tinh thần cộng tác giữa hai đảng
đã thể hiện. Các nghị sĩ Cộng Hòa đã gạt bỏ óc đảng phái, mặc dù cựu Tổng thống
Trump kịch liệt đả kích bản dự luật này, coi đó là một chương trình dẫn nước Mỹ
đi theo Chủ nghĩa Xã hội! Ông Trump dọa sẽ chống các nghị sĩ bỏ phiếu giúp ông
Biden tạo một thành tích mới. Trong số các nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ bản dự luật
lúc đầu, chỉ có hai người sẽ phải tái tranh cử năm 2022, và cuối cùng họ cũng
không bỏ phiếu thuận.
Nước Mỹ đã hai lần thực hiện các công trình lớn
trong lãnh vực hạ tầng cơ sở. Lần đầu, trong khi kinh tế khủng hoảng thời 1930;
lần sau trong thập niên 1950-60 khi hệ thống xa lộ liên bang ra đời. Sau đó, tiền
đầu tư giảm dần dần, chỉ bằng một nửa tỷ lệ của các nước Tây Âu. Trong hệ thống
xa lộ toàn quốc, có 173,000 miles, 20% và 45,000 cây cầu cần tu bổ. Tiền đầu tư
vào hệ thống giao thông tăng trung bình 2% một năm trong thập niên 1960; sau đó
đã giảm từ từ xuống dưới 1%. Sau cuộc khủng hoảng 2007, 2008 thì xuống gần số
không.
Báo Economist nhận xét dân Mỹ
sử dụng nhiều xe hơi nhất thế giới, nhưng tiền đầu tư vào đường xá chỉ bằng
0.5% Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP), đứng ngang hàng với Thụy Điển, thấp hơn các
nước Australia, Canada (tỷ lệ 1.2% cao gấp đôi); Nhật Bản và Na Uy (0.8%), Nga
(0.6%), và Pháp, Tây Ban Nha. Tuần báo này cho rằng chính phủ Mỹ giảm tiền xây
dựng đường, cầu để chi cho các quỹ hưu bổng và y tế. Theo Hội Kỹ sư Công chánh
Mỹ thì hạ tầng cơ sở ở Mỹ chỉ được xếp hạng “C,” cần đầu tư $13 ngàn tỷ nữa mới
có thể nâng cấp! Báo Economist nêu một thí dụ, các máy
computer mà hệ thống kiểm soát không lưu ở Mỹ đang sử dụng còn thua một máy điện
thoại di động kiểu mới.
Dự luật mới tổng cộng $1.2 ngàn tỷ chỉ tiêu
thêm $550 tỷ đô la trong 5 năm, thêm $450 tỷ là khoản chi bình thường dù không
có luật mới. Tổng thống Biden đề nghị chi $159 tu bổ đường xá, cầu cống, cuối
cùng bản dự luật chấp thuận $110 tỷ. Các bến cảng sẽ được chi $17 tỷ, các phi
trường $25 tỷ. Ngoài ra có những khoản tu bổ đường xe lửa ($66 tỷ, so với $80 tỷ
Biden đề nghị) lập các trạm cắm cho xe hơi chạy điện ($7.5 tỷ). Ông Biden muốn
chi $100 tỷ thiết lập đường dây điện bắt internet vào các vùng xa xôi, Thượng
viện cắt xuống còn $65 tỷ. Ông Biden đề nghị chi $45 tỷ thay thế các ống cống
quá cũ, Thượng viện cho $15 tỷ; $85 tỷ cho hệ thống chuyên chở công cộng, rút
xuống còn $39 tỷ.
Ai cũng có thể đồng ý rằng một ngàn tỷ đô la
chi ra sẽ giúp kinh tế tăng trưởng. Đường xá tốt hơn thì hàng hóa chạy nhanh
hơn, tới cả những vùng hẻo lánh. Nhưng ảnh hưởng đó sẽ đến từ từ, khó lòng đo đếm
ngay được. Năm 1964, nhà kinh tế Robert Fogel (giải Nobel) nhận xét rằng trong
năm 1890 việc thiết lập hệ thống đường xe lửa xuyên bang đã giúp cho kinh tế Mỹ
tăng trưởng thêm 3%– thay vì chỉ sử dụng đường sông ngòi. Năm 1990, David
Aschauer cho thấy các công trình hạ tầng cơ sở sau Thế Chiến thứ Hai đã nâng sản
năng của cả nước; và sau đó đã trì trệ trong thập niên 1970 vì không được tiếp
tục. Các cuộc nghiên cứu về sau xác định những nhận xét này. John Fernald nhận
thấy hệ thống đường xá mới thời hậu chiến giúp kinh tế Mỹ tăng thêm được 1%,
cho đến năm 1973. Gần đây nhất, bà Valerie Ramey, Đại học California, San
Diego, thấy hiệu quả thấp hơn, chỉ tăng 0.33%.
Năm nay, các kinh tế gia công ty Moody’s
Analytics ước tính rằng nhờ $1 ngàn tỷ sắp chi này Tổng Sản Lượng Nội Địa Mỹ sẽ
tăng từ 1.90 lên 1.94%, chỉ thêm được 0.04 phần trăm! Ích lợi cụ thể nhất là sẽ
tạo thêm 660,000 công việc làm với đồng lương khá cao, phần lớn cho những người
lao động không tốt nghiệp đại học – những người đã bị bỏ rơi khi kinh tế Mỹ
toàn cầu hóa trong mấy chục năm qua. Có lẽ tạo công ăn việc làm là một lý do
khiến các nghị sĩ ủng hộ dự luật mới; ngoài các công trình cụ thể. Sang năm ai
cũng có thể nêu thành tích này khi trở về tiểu bang mình vận động tranh cử.
Dự luật mới thành hình nhờ các nghị sĩ thuộc
hai đảng đã thỏa hiệp với nhau, cùng Tòa Bạch Ốc để chứng tỏ cả hai đảng có khả
năng hợp tác vì ích lợi chung. Họ đã làm việc thật sự trong sáu tháng trời, với
các cuộc họp mặt và họp qua internet, ban ngày và ban đêm, làm việc cả cuối tuần.
Nghị sĩ Rob Portman (Cộng Hòa, Ohio) thấy rằng
dự luật ảnh hưởng tốt đẹp trong lâu dài, cải thiện cuộc sống các cử tri đã bầu
cho họ. Nghị sĩ Kyrsten Sinema (Dân Chủ, Arizona) công nhận hình ảnh tốt đẹp
khi các đại biểu cùng hàn gắn lại, thay vì làm tăng thêm mối chia rẽ. Hai người
này cùng 8 nghị sĩ khác thuộc hai đảng đóng vai chủ chốt trong cố gắng hoàn tất
bản dự luật, khi họ cùng đưa ra một bản thỏa hiệp đầu tiên.
Trong thời gian thảo luận dự luật, có những
nghị sĩ đối nghịch thường xuyên cũng hợp tác đề nghị các tu chính án. Hai ông
Ted Cruz (Cộng Hòa, Texas) và Raphael Warnock (Dân Chủ, Georgia), đưa ra một
khoản sửa đổi, đã được toàn thể chấp thuận, khiến tất cả các nghị sĩ vỗ tay
hoan hô vì họ khác nhau như nước với lửa.
Khi thảo luận về dự luật, các nghị sĩ cũng có
cơ hội mang lại những ích lợi cụ thể cho tiểu bang của họ. Tiểu bang Alaska sẽ
có một xa lộ mới mẻ, các tiểu bang chung quanh vùng Đại Hồ (Great Lakes) sẽ có
$1 tỷ đô la để cải thiện năm cái hồ lớn này. California sẽ được $24 triệu chỉnh
trang Vịnh San Francisco; New York sẽ tu bổ vùng Long Island Sound ($106 triệu)
và thêm $238 triệu cho vùng Norfolk, mà Virginia cũng được hưởng. Những nghị sĩ
Dân Chủ sang năm phải tái tranh cử như các ông Warnock, Mark Kelly ở Arizona,
bà Maggie Hassan ở New Hampshire và Catherine Cortez Masto ở Nevada, những tiểu
bang “nghiêng ngửa,” sẽ có dịp phô trương rằng họ đã từng hợp tác với đảng Cộng
Hòa!
Những người chỉ trích nêu ra bản báo cáo của
Cơ quan Ngân sách Quốc hội (CBO) cho biết dự luật mới sẽ khiến ngân sách khiếm
hụt thêm $256 tỷ đô la trong 10 năm tới. Con số này, trong 10 năm, thực ra cũng
nhỏ so với số khiếm hụt của chính phủ Mỹ trong mấy năm qua – tài khóa 2020 khiếm
hụt gần $3 ngàn tỷ mỹ kim. Nhưng CBO cũng thấy rằng mỗi đồng tiền chính phủ
liên bang chi ra sẽ giúp chính quyền tiểu bang và các địa phương tiết kiệm được
15 cents!
Bản dự luật của Thượng viện sẽ được Hạ viện thảo
luận trong tháng tới, rồi hai viện sẽ thỏa hiệp trước khi đưa cho ông tổng thống
ký. Trước khi thượng viện chấp thuận dự luật $1.2 ngàn tỷ, Tổng thống Joe Biden
đã nói rằng đây là chứng cớ cho thấy thể chế dân chủ của nước Mỹ “làm được việc,
đáp ứng nhu cầu của dân, tiến hành các dự án lớn.”
Có lẽ ông Biden lạc quan quá! Vì mai mốt, hai
đảng chính trị Mỹ sẽ tiếp tục chống chọi nhau kịch liệt khi đảng Dân chủ đưa ra
dự luật $3.5 ngàn tỷ mỹ kim để đầu tư cho “hạ tầng cơ sở con người” nhắm giúp
các trẻ em, người già, các bà mẹ đông con, cùng các chương trình bảo vệ môi trường,
vân vân.
Tuy nhiên, khi thấy các nhà chính trị hai đảng
có thể ngồi nói chuyện với nhau, người dân Mỹ cũng thấy đáng mừng!
No comments:
Post a Comment