Thursday, August 19, 2021

CHỐNG COVID - NHÌN TRÊN QUAN ĐIỂM XÃ HỘI (Tôn Thất Thông)

 


Chống Covid – Nhìn trên quan điểm xã hội   

Tôn Thất Thông 

19/08/2021 14:45

https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/chong-covid-2013-nhin-tren-quan-diem-xa-hoi


Giới thiệu:
 Sau khi đăng bài phỏng vấn “Trầm cảm tập thể cần được chữa lành” do ký giả Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện (xem trên Diễn Đàn Khai Phóng hoặc bản thu gọn trên Tuổi Trẻ Online), một số độc giả thắc mắc về phát biểu rằng chính phủ Đức có thể “bù đắp thiệt hại tài chính cho giới làm công, buôn bán lẻ và các doanh nghiệp nhỏ, đủ cho họ sống không suy giảm chất lượng trong thời gian giãn cách bị mất thu nhập”. Các bạn đề nghị chúng tôi cắt nghĩa rõ hơn, làm thế nào để đạt được mục tiêu đó. Xin thú thật, có lẽ phải cần nhiều thời gian để viết một bài dài mới mong giải thích được. Vì thế, chỉ xin ghi chép ra đây vài ý ngắn, không giải thích nhiều và chỉ tập trung vào một trong ba lĩnh vực ở trên: hỗ trợ cho giới lao động mất thu nhập hay bị giảm thu nhập trong đại dịch. Sau cùng, chúng ta thử xem là Việt Nam có thể tham khảo tinh thần xã hội của biện pháp đó hay không để thực hiện một phần, hòng xoa dịu khổ đau cho người lao động.

 

                                                  ***

Khi đại dịch bắt đầu tại châu Âu vào tháng 2 năm 2020, nhất là lúc nạn dịch bắt đầu hoành hành ở Ý, giới dịch tễ Đức cảnh báo chính phủ cần có biện pháp giãn cách, tạm thời đóng cửa biên giới, phong tỏa giới hạn những vùng có nguy cơ lớn. Giới kinh tế gia một mặt đồng ý tán thành các biện pháp đó (dù tán thành rất dè dặt và miễn cưỡng), nhưng đồng thời cảnh báo trước hậu quả khó lường lên chuỗi cung ứng, từ đó ảnh hưởng đến nền sản xuất và hậu quả tất yếu là nạn thất nghiệp gia tăng. Họ tính rằng, ít nhất là 5 triệu lao động sẽ mất việc làm, vài triệu người buôn bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ sẽ mất thu nhập, thậm chí phá sản. Xáo trộn xã hội sẽ là hậu quả tất yếu.

 

Những cảnh báo kịp thời đó đã có tác dụng, thúc đẩy chính phủ phải tính toán các biện pháp đi kèm: Để giải quyết thiệt hại có thể xảy đến cho người lao động, ngay khi chính phủ ban hành các biện pháp hạn chế về giãn cách xã hội, thì đồng thời cơ chế “làm ít thời gian” (Kurzarbeit) cũng được kích hoạt, và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công cụ điều phối đó trong thời gian đại dịch. Đây là một giải pháp tổng thể, vừa kết hợp kiến thức y học, dịch tễ, vừa có tầm nhìn của giới kinh tế gia và xã hội học. Trong vòng 6 tháng kể từ lúc kích hoạt, bình quân mỗi tháng có 5 triệu lao động hưởng qui chế này, nhờ thế nạn thất nghiệp không gia tăng, mặc dù sản lượng công nghiệp bị giảm gần 20% trong 6 tháng. Nghe ra có vẻ mâu thuẫn và khó tin. Vậy thì chúng ta thử xem …

 

…cơ chế làm ít thời gian nghĩa là gì, nó hoạt động thế nào?

 

Cơ chế làm ít thời gian đã có ở Đức từ hơn 100 năm trước, được tu chỉnh nhiều lần nhưng hiệu quả không cao. Mãi đến lần đại tu chỉnh bộ luật xã hội năm 1957, cơ chế đó mới phát huy tác dụng, trở thành công cụ vô cùng hiệu quả để điều phối thị trường lao động, lấy nguyên lý an toàn xã hội làm nền tảng trong các biện pháp giải quyết khủng hoảng. Cơ chế này đã trở thành một phần của bộ luật xã hội, kể các các biện pháp thực hiện và qui định về nguồn tài chính. Khi cần, chính phủ chỉ cần kích hoạt nó mà không cần thông qua quốc hội. Cơ chế đó hoạt động như sau:

 

Khi doanh nghiệp mất hợp đồng, sản xuất giảm thì lương người lao động sẽ là gánh nặng lớn nhất, cho nên chủ doanh nghiệp có xu hướng sa thải nhân viên. Luật pháp cho phép việc sa thải trong những trường hợp ngặt nghèo như thế (tiếng Đức gọi là Betriebsbedingte Kündigung). Trên góc nhìn xã hội, thất nghiệp là một trong hai thảm họa lớn nhất cho người lao động, làm cho thu nhập giảm, tương lai bất định, tâm lý hoang mang đưa đến khủng hoảng gia đình, khủng hoảng xã hội. Vì thế, cơ chế làm ít thời gian trước hết nhằm mục đích ngăn chặn nạn thất nghiệp bằng một giải pháp mọi bên đều hài lòng.

 

Về phía doanh nghiệp, thay vì sa thải, họ được nhà nước khuyến khích giữ nhân viên ở lại làm việc ít giờ (thí dụ giảm 50% đến 70%, thậm chí có lúc nhà nước cho phép giảm đến 95% số giờ làm việc), lương tiền tất nhiên cũng giảm theo tỉ lệ tương ứng, nhờ thế giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp trong thời gian khủng hoảng.

 

Về phía người lao động, lương ròng tất nhiên cũng giảm xuống theo tỉ lệ gần như trên. Tuy nhiên, bộ lao động đền bù phần lớn sự chênh lệch giữa lương ròng trước và sau khi thực hiện cơ chế này. Theo luật định, tiền đền bù là 60% của độ chênh lệch; đối với lao động thuộc những gia đình có con cần hỗ trợ, đền bù được nâng lên 67%. Trong đại dịch Covid, tiền đền bù cao hơn: 70% hoặc 77%; sau 3 tháng, nếu cơ chế còn tiếp tục áp dụng cho một lao động nào đó thì tiền đền bù tương ứng sẽ là 80% hoặc 87% theo thứ tự.

 

Với cơ chế làm ít thời gian, cả ba bên, doanh nghiệp, lao động và chính phủ đều hài lòng. Tại sao?

 

https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/chong-covid-2013-nhin-tren-quan-diem-xa-hoi/Covid%20-%20Kurzarbeit%20in%20DE_html_m1d06803b.png

Lương ròng của lao động khi doanh nghiệp giảm 50% giờ làm việc

 

Ghi chú: Mực đỏ là lương ròng doanh nghiệp trả cho lao động
Mực xanh là tiền đền bù của bộ lao động trả cho lao động
Bên trái là lương ròng trong trường hợp bình thường
Bên phải là lương ròng khi cơ chế “làm ít thời gian” được kích hoạt

 

Để dễ cắt nghĩa bức hình trên, chúng ta lấy trường hợp bình thường với mức đền bù 60% và 67% như luật định. Trong trường hợp đại dịch, mức đền bù thực tế cao hơn thí dụ này. Độc giả có thể tự suy ra được lương ròng của lao động trong mùa Covid. Chúng ta tạm dùng giả thiết lương ròng bình quân của một lao động trước đại dịch là 2000€ mỗi tháng.

 

Sau khi kích hoạt cơ chế làm ít thời gian, lương ròng mà doanh nghiệp trả cho lao động chỉ còn 1000€ (để dễ cắt nghĩa, xem là gần như thế!), số chênh lệch 1000€ thì bộ lao động đền bù 600€ hoặc 670€ tùy trường hợp. Như vậy, người lao động chỉ làm việc nửa ngày (50%) và mất đi khoảng 20% lương ròng so với trước. Trong mùa Covid, tiền đền bù từ bộ lao động nhiều hơn, 700€ hoặc 770€, cho nên thu nhập ròng hàng tháng thực tế chỉ giảm chừng 15%, sau ba tháng chỉ còn giảm 10%.

 

 

Tại sao cả ba bên đều hài lòng?

 

Phía doanh nghiệp, họ chỉ trả tiền lương theo đúng nhu cầu lao động, đóng bảo hiểm xã hội cũng ít hơn. Nhưng quan trọng hơn hết là họ không mất nhân viên. Khi nhu cầu sản xuất được nâng cao, họ không mất thời gian chuyển tiếp phải thu dụng người mới và đào tạo lại từ đầu. Nói cách khác, vốn đầu tư để đào tạo nhân viên không hề mất. Chính doanh nghiệp là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cơ chế này.

 

Phía lao động, họ không bị thất nghiệp mà trước sau vẫn là nhân viên của doanh nghiệp với tất cả lợi lộc về bảo hiểm xã hội và qui chế thâm niên. Về tài chính, họ mất đi 20% lương ròng (trong mùa Covid chỉ mất 15%), nhưng số giờ làm việc giảm xuống 50%, họ có thêm thì giờ để chăm sóc gia đình, con cái. Thống kê của các viện thăm dò dư luận cho thấy là mọi người lao động đều thỏa mãn với tình trạng này, nếu không kéo dài lâu hơn một năm.

 

Phía nhà nước, họ mất gì và được gì? Chưa kể điều lợi chính trị là giữ vững lòng tin của dân chúng và ổn định chính trị, cái được lớn nhất là tình trạng ổn định xã hội, ngăn chặn tình trạng thất nghiệp dâng cao với những hệ lụy xã hội đi kèm. Về mặt tài chính, họ có mất gì nhiều hay không? Dường như không mất gì, thậm chí còn được thêm. Để so sánh: Trong trường hợp người lao động nói trên bị thất nghiệp, bộ lao động phải trả khoảng 68% lương ròng lúc trước (tính trong thí dụ trên là khoảng 1300€ mỗi tháng, kéo dài hai năm hoặc đến khi có công việc mới), cộng thêm vài trăm € bảo hiểm xã hội. Trong lúc đó, qua giải pháp làm ít thời gian, bộ lao động chỉ đền bù 600€ hoặc 670€, ngoài ra các bộ khác (cũng là nhà nước) còn tiếp tục thu được thuế lương và bảo hiểm xã hội.

 

Để dễ hình dung cho các nhà lập chính sách công tính toán: trong cơ chế làm ít thời gian, chính phủ đền bù bình quân khoảng 30% lương ròng hàng tháng để tránh tình trạng thất nghiệp và đạt những điều lợi phi vật chất nói trên.

 

Về chi tiết cơ chế làm ít thời gian, xin xem thêm bài tiếng Đức https://de.wikipedia.org/wiki/Kurzarbeit hoặc sơ sài hơn bằng tiếng Anh https://en.wikipedia.org/wiki/Kurzarbeit. Xin lưu ý là cơ chế này không được áp dụng tại Anh và Mỹ, mà cứ mỗi cuộc khủng hoảng, các nước đó có một cách xử lý khác nhau.

 

Làm ít thời gian là biện pháp quan trọng hàng đầu để chính phủ Đức duy trì ổn định xã hội trong đại dịch, giữ vững chất lượng sống cho toàn dân không bị suy giảm nhiều, nhờ thế sức tiêu thụ dù giảm nhưng không đáng kể để đến nổi ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Không những trong mùa Covid, mà trong những cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong thập niên 1970 (khủng hoảng dầu lửa), 1990, 2000 (khủng hoảng Dotcom), 2008 (khủng hoảng tài chính) v.v…, cơ chế làm ít thời gian tỏ ra là công cụ hữu hiệu để chính phủ Đức điều tiết thị trường lao động một cách tự nhiên, phù hợp với qui luật của kinh tế thị trường và nếu so với các nước khác, kinh tế của Đức trong các cuộc khủng hoảng đó được phục hồi nhanh chóng hơn. Khi đại dịch Covid mới bắt đầu, cơ chế làm ít thời gian chỉ được phép áp dụng đến cuối năm 2020, sau đó đã được gia hạn đến cuối 2021.

 

 

Việt Nam có thể làm tốt như thế hay không?

 

Tất nhiên là được. Tuy nhiên ở Việt Nam, hệ thống an sinh xã hội còn yếu, nguồn lực tài chính chưa mạnh, khó lòng có thể đưa ra những chính sách hào phóng như Đức đã làm cho người dân của họ. Nhưng tinh thần xã hội trong chính sách chống dịch của Đức thì nước nào cũng có thể học hỏi được, không riêng gì Việt Nam. Tinh thần xã hội thể hiện qua tư duy “xem đời sống người lao động là nền tảng để thiết kế chính sách” khi xử lý các cuộc khủng hoảng cũng như trong đại dịch Covid. Khi chính phủ đưa ra một chính sách chống dịch, thì không những họ phải tính đến thiệt hại cho người dân, mà còn có trách nhiệm phải hạn chế tối đa thiệt hại lên đời sống người lao động, đồng thời tính trước phải đền bù thiệt hại như thế nào để họ có thể hưởng một cuộc sống đầy đủ nhân phẩm. Tại thời điểm tháng 4 năm 2020, có 725.000 doanh nghiệp Đức đăng ký sử dụng cơ chế làm ít thời gian để giữ nguyên nhân viên, với 6 triệu lao động được hưởng qui chế đó. Đặc biệt trong đại dịch Covid, chính phủ cho phép áp dụng cơ chế này rất uyển chuyển: tùy nhu cầu, doanh nghiệp có thể hoán chuyển nhiều lần từ tình trạng làm việc bình thường sang làm việc ít thời gian và ngược lại bất cứ lúc nào mà không qua thủ tục rườm rà. Nhờ thế, dù đại dịch vẫn còn căng thẳng, số lao động trung bình hàng tháng thuộc cơ chế làm ít thời gian giảm xuống không ngừng, trong lúc tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức độ ổn định bình thường.

 

https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/chong-covid-2013-nhin-tren-quan-diem-xa-hoi/Covid%20-%20Kurzarbeit%20in%20DE_html_47a0c086.jpg

Biểu đồ

 

Đối với Việt Nam, dù nguồn lực tài chính không mạnh, nhưng một giải pháp tương tự cũng có thể áp dụng ngay từ đầu để duy trì ổn định xã hội. Việt Nam, nhất là TP HCM, trong hai tháng qua đã rơi vào tình trạng hỗn loạn chưa từng có kể từ 1975, ức chế xã hội cũng rất cao. Sau khi biến thể Delta bắt đầu hoành hành và nhà nước ban hành các biện pháp phong tỏa, người lao động mất việc làm còn trụ được một thời gian, nhưng những lao động nhập cư từ các thành phố khác bắt đầu đối diện với thử thách sinh tồn: thu nhập không đủ để trang trải tiền nhà và nhu cầu sinh sống tối thiểu hàng ngày. Báo chí hàng ngày thuộc lề phải lề trái đều có những phóng sự liên quan, thiết tưởng chúng ta không cần nói thêm. Sau một thời gian không còn chịu đựng được nữa, nhóm lao động nhập cư từ các thành phố khác phải tìm đường tháo chạy, tạo nên những cảnh tượng vô cùng thương tâm trên các tuyến đường về quê.

 

https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/chong-covid-2013-nhin-tren-quan-diem-xa-hoi/Covid%20-%20Kurzarbeit%20in%20DE_html_m4244a05c.jpg

Người lao động kiệt sức trên đường về quê vì Covid

 

Những chuyện đau lòng đó đúng ra có thể tránh được từ đầu, nếu chính sách chống dịch được thiết kế cẩn thận hơn, nhìn trước hậu quả nào sẽ giáng lên đầu người lao động, nhất là lao động nhập cư để từ đó dự kiến những gói hỗ trợ cần thiết. Một số biện pháp như giãn cách xã hội, cách ly những bộ phận cần cách ly, phong tỏa những nơi cần phong tỏa, tất nhiên là cần thiết nhưng tiến hành với mức độ nào thì cần cân nhắc. Có nên hốt hết F0 vào bệnh viện hay không, khi 80% ca nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ? Có nên cách ly tất cả F1 trong lúc đời sống nhiều người trong đó phụ thuộc vào thu nhập hàng ngày? Có nên phong tỏa cả phường chỉ vì vài ca F0? Ở đây chúng ta không tranh luận đúng sai, nhưng điều có thể thấy trước là, các biện pháp đó tất yếu sẽ có tác động rất mạnh lên đời sống của lao động có thu nhập thấp và các loại lao động phi chính thức.

 

Quan sát nhiều cách xử lý đại dịch khác nhau của nhiều quốc gia, chúng tôi thấy chính phủ Việt Nam có thể tiến hành một vài biện pháp sau đây để xoa dịu ức chế xã hội. Dù đã trễ, nhưng vẫn nên cứu vãn những gì có thể cứu vãn được. Xin lưu ý, ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến khía cạnh xã hội, chứ không đề cập đến những lĩnh vực khác như kinh tế, y học.

 

1. Đối với lao động chính thức có thu nhập thấp

Có thể dùng biện pháp tương tự như làm ít thời gian của Đức. Tất nhiên phải thay đổi chút ít để phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, về tài chính cũng như hành chính. Cuối năm 2020, Tổng cục Thống kê cho biết có 12,8 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Lương bình quân của lao động thuộc diện này là 6,8 triệu đồng mỗi tháng. Nhà nước có thể khuyến khích doanh nghiệp không sa thải nhân viên thuộc nhóm này mà cho phép nhân viên làm việc ít giờ (thí dụ, có thể giảm đến 70%), lương tiền cũng giảm tương ứng để bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, nhưng nhân viên được hưởng gói hỗ trợ đặc biệt tạm gọi tên là hỗ trợ giảm giờ làm việc. Gói hỗ trợ này dùng để giải quyết cho 10 triệu lao động liên quan, những người trước đó có mức lương ròng bình quân 6 triệu mỗi tháng. Theo kinh nghiệm của Đức như đã tính ở trên, nhà nước phải hỗ trợ khoảng 30% lương ròng lúc trước, là người lao động sẽ hài lòng và có thể có đời sống ổn định trong điều kiện dịch còn hoành hành. Nói cách khác, người lao động sẽ nhận hỗ trợ bình quân 1,8 triệu đồng VN mỗi tháng, cộng thêm lương của doanh nghiệp đã giảm giờ làm, là tình trạng xã hội được cải thiện đáng kể. Như vậy, nhà nước cần một ngân sách 54.000 tỉ ĐVN cho ba tháng chuyển tiếp để hỗ trợ cho đối tượng này. Với GDP năm 2020 là 343 tỉ US$ và tỉ suất 22.500 ĐVN cho 1 US$, gói hỗ trợ này tương ứng với 0,7% GDP, một con số hoàn toàn khả thi, nếu cần cũng phải lấy thêm nợ công để trang trải. Thực tế là con số đó cũng không có gì phải cân nhắc khi nó mang lại đời sống ổn định cho 10 triệu người lao động, và qua đó đạt ổn định xã hội cũng như ổn định chính trị. Câu hỏi tiếp theo là, cơ cấu hành chính Việt Nam đủ hiệu quả và chặt chẽ để quản lý gói hỗ trợ này hay không, lại là chuyện khác. Cũng có thể giao cho chính doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý số tiền hỗ trợ liên quan đến nhân viên của mình và chịu trách nhiệm hình sự nếu có gian lận. Tuy nhiên, về mặt hành chính chúng tôi không dám lạm bàn.

 

2. Đối với lao động phi chính thức

Đối tượng này khó quản lý hơn vì rất đa dạng, số đông của giới này không đăng ký kinh doanh, sản xuất hay dịch vụ ở bất kỳ cơ quan nào, vì thế chỉ có thể giải quyết theo nguyên tắc đại trà, như cách làm của Mỹ, tất nhiên là phải giới hạn đối tượng và hỗ trợ ở mức độ thấp hơn nhiều để phù hợp với nguồn lực quốc gia. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động phi chính thức năm 2020 là 20,9 triệu người. Khác với năm 2016 được phân chia rạch ròi là 41% ở thành thị và 59% ở nông thôn, năm 2020 chưa có sự phân chia rõ rệt. Báo Lao Động ngày 21/12/2020 cho biết mức thu nhập bình quân của nhóm lao động này ở thành thị giao động trên dưới 5 triệu đồng VN mỗi tháng. Ở nông thôn thì ít hơn. Trong mùa Covid, thu nhập của họ giảm xuống 50%, tức mất khoảng 2,5 triệu đồng mỗi tháng, làm cho đời sống của nhiều người lao đao, nhất là những người nhập cư từ các thành phố khác. Với gói hỗ trợ tượng trưng 1,2 triệu đồng mỗi tháng trong vòng 3 tháng chuyển tiếp, nhà nước phải chi ra 72.000 tỉ ĐVN, tương đương với 0,9% GDP. Để ổn định cuộc sống cho 20 triệu lao động đang lao đao, số tiền đó hoàn toàn không phải là yếu tố để câ

 

 

Lời kết

 

Đại dịch Covid đã bộc lộ những điểm yếu của nhà nước Việt Nam trong chính sách đối phó với dịch và vì thế, cái giá chính trị mà nhà nước phải trả cũng vô cùng lớn. Có lẽ đã đến lúc nhà nước Việt Nam cần rút kinh nghiệm để cải thiện.

 

Trước hết là tư duy chống dịch như chống giặc của thời chiến tranh. Trong thời chiến, khi được lệnh công đồn, người chỉ huy sử dụng tối đa nguồn lực để chiếm đồn, còn thiệt hại thương vong là chuyện thứ yếu có thể tính sau. Tư duy đó vẫn được áp dụng triệt để trong thời bình để chống dịch, làm tối đa những gì có thể làm, hốt tối đa F0 vào bệnh viện, cách ly tối đa F1, phong tỏa tối đa địa phương nào có F0. Trong lúc đó, thiệt hại vật chất và tinh thần cho những người liên quan là chuyện thứ yếu, chưa được quan tâm. Sai lầm dẫn đến thiệt hại đã có từ đợt một, nhưng người dân có thể cam chịu vì đợt đó chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Sang đợt này, ức chế xã hội đã bộc lộ rõ rệt trong mọi tầng lớp dân chúng. Nhà nước có nhìn thấy chăng, tài sản chính trị tích lũy bao lâu nay đã bị sứt mẻ trong vòng vài tháng.

 

Thứ hai là sai lầm về nhận thức khi đề xuất chính sách. Việt Nam đã chống dịch thành công trong đợt một, nhưng chủ yếu nhờ những biện pháp hành chính mang tính chất kỷ luật thời chiến. Trình độ nhận thức hạn chế của giới lãnh đạo về tầm nguy hiểm lâu dài của Covid đã dẫn Việt Nam đến tình trạng hỗn loạn hôm nay. Trong lúc các nước khác chạy đua với thời gian, ráo riết thương lượng mua vắc xin trong thời gian các công ty tiềm năng đang còn nghiên cứu, thậm chí trả tiền trước để đặt hàng khi thuốc đang còn được thử nghiệm lâm sàng, thì lãnh đạo Việt Nam chưa có nhận thức y học đúng đắn về đại dịch. Chính sách chống dịch và truyền thông đều do các lãnh đạo chính trị đề xuất, mà bỏ quên vai trò của giới y học và dịch tễ. Chuyên gia y học Việt Nam, với sự hỗ trợ của Internet, nắm rất vững những điều then chốt của đại dịch, nhưng kiến thức của họ không được dùng tới, tiếng nói của họ không được nghe, hoặc ít ra, chưa thấy xuất hiện trên truyền thông nhà nước. Khủng hoảng vắc xin hôm nay xuất phát từ đó, kéo theo khủng hoảng xã hội cho hàng chục triệu lao động nghèo.

 

Thứ ba là tầm nhìn ngắn hạn trong các biện pháp chống dịch. Trong đợt một đầu năm 2020, tầm nhìn ngắn hạn này thể hiện qua biện pháp quá khắt khe bất chấp hậu quả đến người dân. Thí dụ như chỉ vì 6 ca dương tính mà 11.000 người dân Sơn Lôi tỉnh Vĩnh Phúc bị phong tỏa bốn tuần, mất hết nguồn thu nhập, nhà nước cũng không nghĩ tới chuyện đền bù. Sau khi đợt dịch qua đi thì giới lãnh đạo lại ngủ mê trên thắng lợi bước đầu thay vì nhìn xa hơn, lập tổ tư vấn bao gồm chuyên gia dịch tễ để định chiến lược vắc xin. Trong đợt này, TP HCM tiến bộ hơn, đã thành lập tổ tư vấn chống dịch gồm 8 người, bắt đầu hoạt động cuối tháng 7.2021. Ý kiến chuyên gia đã được coi trọng, thật đáng mừng. Nhưng thành phần của tổ tư vấn cũng phản ánh khá rõ tầm nhìn ngắn hạn của UBND thành phố. Các bài phát biểu của ông chủ tịch tổ tư vấn Nguyễn Thành Tự Anh cho thấy rằng, tư duy của tổ này dường như cũng chỉ quanh quẩn trong các biện pháp phục hồi kinh tế để đạt chỉ tiêu GDP. Trong tổ chỉ có một người duy nhất là chuyên gia y học, trong lúc đại dịch này là khủng hoảng y tế toàn cầu với hệ lụy lên nhiều lĩnh vực, liệu tổ tư vấn này có kham nổi trọng trách đưa ra chiến lược tổng thể có giá trị lâu dài?

 

Chỉ xin nêu lên một vài lĩnh vực cần có chiến lược lâu dài: Thí dụ về vắc xin, bao giờ và làm thế nào để tiêm đủ hai liều cho 100 triệu dân, và những năm kế tiếp thì thế nào? Chúng ta đang thử nghiệm tốt đẹp vắc xin nội địa, thật đáng mừng. Thế thì chiến lược thử nghiệm vắc xin Việt Nam như thế nào? Để được quốc tế thẩm định và công nhận thì phải làm gì? Đầu tư thêm mấy chục triệu hoặc mấy trăm triệu đô la? Nguồn cung ứng vật liệu để sau này sản xuất vắc xin sẽ như thế nào? Thí dụ về giáo dục, qua hai năm học trực tuyến, trình độ của học sinh tốt nghiệp cấp ba và sinh viên hai năm cuối bị suy giảm đáng kể. Tương lai nghề nghiệp của họ có bị ảnh hưởng hay không? Biện pháp nào nên làm để hạn chế thiệt hại cho họ, những người được gọi là “thế hệ Corona”? Thí dụ về vấn nạn xã hội, tại sao trong các tổ tư vấn vẫn còn vắng bóng các chuyên gia xã hội học và tâm lý học? Chấn thương tâm lý của hàng chục triệu lao động đang sống lao đao còn để lại ảnh hưởng bao lâu? Làm thế nào để nhanh chóng ổn định đời sống cho họ? Và nhất là câu hỏi: làm sao để tránh khủng hoảng xã hội trong những sự kiện tương tự trong tương lai?

 

Danh sách các vấn đề dài hạn còn dài lắm. Tiếc thay, nhà nước còn loay hoay không cử người giải quyết.

 

Thứ tư là nhà nước chưa hề chuẩn bị về chính sách xã hội. Ở trên chúng tôi có đề nghị hai giải pháp để giải quyết vấn nạn cho 30 triệu lao động đang lao đao. Tuy nhiên, quản lý các gói hỗ trợ xã hội có tầm vóc lớn đòi hỏi trình độ và phương tiện quản lý rất tinh vi, nhất là 20 triệu lao động phi chính thức lại càng khó hơn nữa. Rồi thêm nạn tham nhũng, trình độ quản lý lỏng lẻo, không biết cuối cùng có đúng người lao động nghèo hưởng được gì trong những gói hỗ trợ đó hay không. Việt Nam đã có kinh nghiệm về vi rút Corona vào năm 2003, nhưng dường như kinh nghiệm cũng chỉ được tổng kết qua các biện pháp hành chính, chứ không hề nghĩ đến các hệ lụy xã hội, nói gì đến biện pháp. Trong đại dịch năm nay, hàng chục triệu người lao động nghèo đã bị lãng quên. Họ cam phận rút lui vào bóng tối mà không hề nhận được một hỗ trợ nào từ nhà nước, ngoại trừ những hỗ trợ nhỏ nhoi của các đoàn thiện nguyện tư nhân. Tấm lòng thật đáng quí, nhưng ít quá như muối bỏ biển. Nhân tiện cũng cần nói thêm, tại sao sau 50 năm xây dựng trong hòa bình mà một hệ thống bảo hiểm thất nghiệp vẫn chưa hoạt động được? Tại sao để cho hàng chục triệu lao động thất nghiệp phải trắng tay không nhận một chút đền bù từ quỹ bảo hiểm? Đây không chỉ là sự yếu kém của chính sách xã hội, mà còn là sự vô nghĩa của thể chế chính trị “định hướng xã hội chủ nghĩa”.



Tôn Thất Thông,

Tháng 8.2021

 

 


No comments: