Chảo dầu Biển Đông sôi sùng sục, chuyện gì sẽ xảy ra?
Hiếu
Chân/Người Việt
August 3, 2021
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/chao-dau-bien-dong-soi-sung-suc-chuyen-gi-se-xay-ra/
Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Kamala Harris sẽ viếng
thăm Singapore và Việt Nam trong hai tuần nữa, đúng vào lúc Biển Đông trở nên
sôi động và nhộn nhịp khi các chiến hạm từ Đức, Anh và Ấn Độ tham gia với Hải
Quân Hoa Kỳ cùng thách thức tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên tuyến hải lộ
nhộn nhịp nhất thế giới.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/08/A1-Chao-dau-Bien-Dong-1068x712.jpg
Khinh hạm Bayern lớp
Brandenburg của Hải Quân Đức lên đường đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào ngày
2 Tháng Tám, 2021. (Hình: German Navy)
Một giới chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc hôm Thứ
Ba, 3 Tháng Tám, nói với hãng tin Reuters, trong chuyến thăm Singapore và Việt
Nam, Phó Tổng Thống Harris sẽ tập trung chú ý vào việc bảo vệ luật pháp quốc tế
ở Biển Đông, củng cố sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong khu vực và mở rộng sự hợp tác
trong những vấn đề an ninh. “Phó tổng thống sẽ nhấn mạnh rằng, cần phải có một
tuyến hành lang tự do cho thương mại ở Biển Đông và không một quốc gia riêng lẻ
nào được chà đạp quyền của các quốc gia khác,” giới chức này nói thêm.
Bà Harris – nữ phó tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên
đến thăm Việt Nam – sẽ lên đường ngày 20 Tháng Tám, đến Singapore ngày 22, đến
Việt Nam ngày 24 và trở về ngày 26.
Chuyến đi của bà Harris diễn ra ngay sau chuyến
thăm của Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin, cũng với mục đích thúc đẩy hợp tác
về an ninh với Singapore và Việt Nam – hai quốc gia được xác định là đối tác
“thiết yếu” trong nỗ lực quốc tế chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung
Quốc ở khu vực.
Tại Singapore, Bộ Trưởng Austin đã khẳng định
quan điểm các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “không có căn cứ
theo luật quốc tế” và quan điểm đó có thể được nhấn mạnh trong chuyến thăm của
Phó Tổng Thống Harris.
Trước chuyến đi của Phó Tổng Thống Harris,
trong tuần này Ngoại Trưởng Antony Blinken đã tham dự hội nghị thường niên kéo
dài năm ngày theo phương thức trực tuyến với các bộ trưởng ngoại giao các nước
ASEAN và các nước đối tác. Bên cạnh những đề tài về đại dịch COVID-19, giải
pháp cho cuộc khủng hoảng ở Miến Điện, ông Blinken được biết sẽ tìm cách quảng
bá thông điệp rằng Hoa Kỳ rất nghiêm túc trong việc kết giao với Đông Nam Á để
chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc
Trước đó, Ngoại Trưởng Blinken đã cùng với Ngoại
Trưởng Indonesia Retno Marsudi công bố khởi động “đối thoại chiến lược” Hoa Kỳ
và Indonesia – nước đông dân nhất ở Đông Nam Á, có vai trò chính trong nỗ lực
chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Quan hệ “đối tác chiến lược” Hoa Kỳ-Indonesia
đã được bắt đầu dưới thời Tổng Thống Barack Obama nhưng bị đình trệ dưới thời Tổng
Thống Donald Trump. Đối thoại chiến lược Hoa Kỳ-Indonesia mà ông Blinken vừa khởi
động bao gồm nhiều vấn đề song phương và đa phương, trong đó vấn đề bảo vệ tự do
hải hành ở Biển Đông được coi là trọng tâm.
Các chuyến viếng thăm dồn dập của các quan chức
cao cấp nhất trong chính phủ Biden tới Đông Nam Á đã được đón nhận tích cực,
xoa dịu nỗi hoài nghi trong các giới chính trị về ý định thật sự và tính nhất
quán trong chính sách của Hoa Kỳ.
Phát biểu qua mạng trực tuyến trong phiên khai
mạc hội nghị thường niên về an ninh quốc tế Aspen Security 2021 ở Colorado hôm
3 Tháng Tám, Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long nói các chuyến viếng thăm cấp cao
của Hoa Kỳ “được đánh giá rất cao” vì chúng cho thấy Washington biết rằng Hoa Kỳ
có các lợi ích thiết thân cần được bảo vệ và thúc đẩy ở khu vực.
***
Song song với các hoạt động ngoại giao, trên
Biển Đông cũng diễn ra các hoạt động sôi nổi của Hải Quân các nước có chung một
mục đích: thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Từ trước đến nay Hải Quân Hoa Kỳ vẫn thường
xuyên thực hiện những cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (Freedom of Navigation
Operations – FONOP) trên Biển Đông, đi qua các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố
chủ quyền, đôi khi áp sát các hòn đảo nhân tạo có các căn cứ quân sự của Trung
Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Tất nhiên Bắc Kinh rất tức giận và lên tiếng phản
đối, nhưng không dám ngăn cản hoạt động của các chiến hạm Hoa Kỳ.
Gần đây, bên cạnh Hải Quân Hoa Kỳ đã có thêm sự
góp mặt của Hải Quân Hoàng Gia Anh. Hồi đầu Tháng Bảy, Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh
Ben Wallace đã khẳng định Hải Quân Hoàng Gia Anh quyết định bố trí thường trực
hai chiến hạm ở khu vực Biển Đông sau khi hàng không mẫu hạm mới mang tên Queen
Elizabeth đi đến Nhật ngang qua vùng Biển Đông đang tranh chấp.
“Tiếp theo sau chuyến ra khơi đầu tiên của
nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm [Queen Elizabeth], Anh sẽ bố trí thường trực
hai chiến hạm trong khu vực từ cuối năm nay,” Bộ Trưởng Wallace tuyên bố trong
cuộc họp báo chung với Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi tại Tokyo. Ông
cũng nói rằng Anh không sợ những lời đe dọa của Trung Quốc: “Không có gì bí mật
khi Trung Quốc theo dõi và thách thức các chiến hạm đi qua vùng biển quốc tế
trên các tuyến đường hợp pháp. Chúng tôi sẽ tôn trọng Trung Quốc và chúng tôi
hy vọng Trung Quốc tôn trọng chúng tôi…. Chúng tôi sẽ đi đến bất cứ nơi nào luật
pháp quốc tế cho phép.”
Đức, nước lớn nhất trong EU, cũng đã cử một
khinh hạm tới Biển Đông trong một sứ mệnh nhằm nhấn mạnh lập trường của Đức là
không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông. Khinh hạm
Bayern đã rời cảng Wilhelmshaven trong hải trình kéo dài bảy tháng đến Úc, Nhật,
Nam Hàn và Việt Nam và dự kiến sẽ đi vào Biển Đông trong tháng cuối năm nay.
Tại lễ tiễn tàu Bayern hôm Thứ Hai, 2 Tháng
Tám, Bộ Trưởng Quốc Phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho biết: “Chúng tôi
muốn luật pháp hiện hành được tôn trọng, các tuyến đường biển có thể đi lại tự
do, các xã hội cởi mở được bảo vệ và thương mại tuân theo các quy tắc công bằng.”
Ấn Độ – nước đang tranh chấp lãnh thổ với
Trung Quốc, cũng sắp cử một lực lượng đặc nhiệm gồm bốn chiến hạm tới Biển Đông
trong một nhiệm vụ kéo dài hai tháng; trong đó có việc tham dự cuộc tập trận Hải
Quân Malabar 2021 cùng với hải quân các nước nhóm Bộ Tứ (Quad), gồm Hoa Kỳ, Nhật,
Úc và Ấn Độ.
Đội đặc nhiệm Ấn Độ gồm một khu trục hạm trang
bị hỏa tiễn được dẫn đường, một khinh hạm, một hộ tống hạm chống tàu ngầm và một
hộ tống hạm trang bị hỏa tiễn dẫn đường. Ngoài cuộc tập trận Malabar 2021, đoàn
chiến hạm Ấn Độ cũng sẽ hợp tác với hải quân của các nước Singapore, Việt Nam,
Indonesia và Philippines “dựa trên những lợi ích hàng hải chung và các cam kết
về tự do hải hành.”
***
Đã năm năm sau ngày Tòa Trọng Tài Quốc Tế thực
thi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tại The Hague ra phán quyết
bác bỏ hoàn toàn các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh vẫn
chưa từ bỏ dã tâm độc chiếm vùng biển có tiềm năng dầu khí rất lớn và thủy lộ
quan trọng hàng đầu thế giới. Ngoài việc bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng
căn cứ quân sự trên đó, họ sử dụng các đội tàu tuần tra “Hải Cảnh” và hàng ngàn
tàu đánh cá được huấn luyện quân sự để xâm lấn dần dần vùng đặc quyền kinh tế của
các nước và cả vùng biển quốc tế mà không lo ngại xảy ra xung đột vũ trang.
Ngay cả các cuộc tuần tra FONOP thường xuyên của
Hải Quân Hoa Kỳ cũng không làm cho Trung Quốc nhụt chí mà chấm dứt các hành động
xâm lấn. Thế giới vẫn chưa có giải pháp khả thi nào để buộc Trung Quốc phải
tuân thủ luật pháp quốc tế mà không gây ra một cuộc đối đầu có thể leo thang
thành xung đột quân sự giữa Hải Quân Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Bây giờ, trên Biển Đông, Trung Quốc không chỉ
đối đầu với Hải Quân các nước nhỏ trong khu vực và Hải Quân Hoa Kỳ mà gần như với
cả thế giới dân chủ, từ Á sang Âu. Áp lực khổng lồ đó có làm Bắc Kinh phải thay
đổi thái độ, từ bỏ dã tâm độc chiếm Biển Đông hay không là điều chưa biết trước
được. Nhưng chính sách huy động các đồng minh và đối tác vào công cuộc ngăn chặn
ảnh hưởng của Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải chơi theo luật của chính quyền
Biden đã hiển hiện rõ ở chảo lửa Biển Đông.
Trước mắt, các nước Đông Nam Á hoan nghênh sự
hiện diện của Hải Quân các nước, nhưng cũng bày tỏ sự lo ngại “trâu bò húc nhau
ruồi muỗi chết.” Tại hội nghị an ninh Aspen, Thủ Tướng Lý Hiển Long cảnh báo
Hoa Kỳ nên thận trọng trong việc thách thức Trung Quốc. Ông cho rằng chính sách
ngày càng cứng rắn của Washington đối với Bắc Kinh có thể “rất nguy hiểm.”
Ông Lý, được cho là nhà lãnh đạo Châu Á am hiểu
sâu sắc về giới lãnh đạo của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, nói rằng thái độ cứng rắn
của Hoa Kỳ càng làm cho Bắc Kinh tin rằng, Hoa Kỳ không đáng tin cậy và lúc nào
cũng tìm cách kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Thực tế, theo ông Lý, cả
Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không thể triệt hạ đối thủ cho nên “Điều cốt yếu là
Hoa Kỳ và Trung Quốc nên tìm cách gắn bó với nhau để tránh một cuộc xung đột,
mà có thể là thảm họa cho cả hai phía và cho thế giới.”
Thực ra quan điểm đó của ông Lý không khác nhiều
so với quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ đã được Bộ Trưởng Lloyd Austin trình bày
tại hội nghị Fullerton tại Singapore mới đây: “Hoa Kỳ không muốn đối đầu với
Trung Quốc” nhưng “không nao núng khi lợi ích của mình bị đe dọa.”
Vấn đề là trong bốn thập niên qua, thế giới đã
hòa dịu với Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho nước này phát triển mạnh cả
về kinh tế, quân sự và công nghệ; nhưng càng phát triển Bắc Kinh càng hung hăng
và bành trướng, nhất là từ khi Chủ Tịch Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2012.
Tiếp tục hòa dịu với Trung Quốc sẽ càng làm
cho Bắc Kinh thêm quyết đoán. Để làm nguội những cái đầu nóng máu phiêu lưu ở Bắc
Kinh, việc gia tăng áp lực tập thể trên Biển Đông có khi lại là giải pháp cần
thiết. [qd]
No comments:
Post a Comment