Afghanistan:
Chiến thắng của Taliban làm sứt mẻ uy tín của Mỹ
Anh
Vũ -
RFI
Đăng ngày: 16/08/2021 - 15:25
Sau hai thập kỷ can thiệp quân sự của Mỹ,
Afghanistan trở lại điểm khởi đầu. Lực lượng phiến quân Taliban mà Washngington
đã từng đánh đuổi, trừng phạt sau loạt khủng bố nhắm vào nước Mỹ 11/09/2001, giờ
trở lại nắm quyền ở Kabul trong tư thế người chiến thắng. Cuộc chiến tranh
dài và tốn kém nhất của nước Mỹ, khép lại bằng thắng lợi dễ dàng của quân
nổi dậy Taliban, sẽ còn để lại nhiều hệ lụy cho uy tín cho cường quốc quân sự số
một thế giới.
VIDEO :
Afghanistan thất thủ, Taliban lên nắm quyền
Không phải đợi đến ngày 31/08, hạn chót quân Mỹ
và đồng minh hoàn tất rút quân, ngày Chủ Nhật 15/08, chính phủ Afghanistan cùng
quân đội do Washington trang bị và cung cấp tài chính đã sụp đổ hoàn toàn trước
đà tiến quân như chẻ tre của quân nổi dậy. Tổng thống Ashraf Ghani chạy khỏi đất
nước. Trên bầu trời Kabul từ hôm qua, trực thăng của quân đội Mỹ quần thảo để
di tản nhân viên sứ quán của mình.
Cho dù những ngày qua chính quyền Biden cố
giải thích rằng sứ mệnh của Mỹ đã hoàn thành và phần còn lại là công
việc của người Afghanistan, sự kiện và những hình ảnh Kabul thất thủ vẫn đánh dấu
một thất bại toàn diện về cả quân sự lẫn chính trị của nước Mỹ.
Ngay từ sau khi chính quyền Donald Trump đạt
thỏa thuận với Taliban về việc rút quân đội ra khỏi Afghanistan hôm 29/2/2020,
giới quan sát đã mường tượng ra số phận của chính quyền Afghanistan hôm
nay. Sự kiện lực lượng nổi dậy Taliban trở lại nắm quyền vào thời điểm chưa đầy
một tháng là tới ngày kỷ niệm 20 năm nổ ra loạt vụ khủng bố 11/09/2001,
khiến chính giới phải đặt ra những câu hỏi như : tại sao nước Mỹ lại lâm vào cuộc
chiến tranh kéo dài tiêu tốn tới 2000 tỷ đô la và 2500 người Mỹ phải bỏ mạng, để
rồi kết quả là con số không?
Một số người, như dân biểu đảng Cộng Hòa Liz
Cheney, lo ngại thất bại này sẽ có những hệ lụy tiêu cực đến những hành động của
Hoa Kỳ ở những mặt trận khác ở nước ngoài. Ngay hôm qua, bà Liz Cheney đã nhận
định một cách gay gắt : « Không thể thứ lỗi được, thật tai họa.
Việc này gây hậu quả không chỉ cho Afghanistan, không chỉ cho cuộc chiến chống
khủng bố, mà về tổng thể còn cho vai trò của Mỹ trên thế giới ».
Thất bại của Mỹ có nghĩa là « các đối
thủ của nước Mỹ biết được là giờ họ có thể đe dọa chúng ta và các đồng minh của
chúng ta sẽ thắc mắc liệu họ có còn tin cậy được vào chúng ta nữa hay không »,
bà dân biểu Mỹ nhấn mạnh. Suy nghĩ đó cũng được chia sẻ ở nước ngoài. Ông
Husain Haqqani, cựu đại sứ Pakistan tại Hoa Kỳ, khẳng định « sự tin cậy
của nước Mỹ trên tư cách một đồng minh đã bị sứt mẻ, khi mà chính phủ
Afghanistan bị bỏ rơi trong các cuộc đàm phán ở Doha » với Taliban.
Để biện minh, chính quyền Biden có thể đưa ra
giải thích rằng thỏa thuận Doha với Taliban về rút quân Mỹ khỏi
Afghanistan là do chính quyền Donald Trump thực hiện và đại đa số người Mỹ đều
không muốn có một « cuộc chiến không hồi kết ».
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cố gắng giải
thích: « Chúng ta đã tới Afghanistan cách đây 20 năm với một sứ mệnh là
thanh toán những kẻ đã tấn công chúng ta ngày 11/09. Chúng ta đã hoàn thành sứ
mệnh » và ở lại Afghanistan mãi không có lợi cho nước Mỹ. Ông
Blinken cũng gắn sự kiện Afghanistan với thách thức mới mà nước Mỹ đang phải đối
mặt là ngăn chặn chính sách hung hăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Ngoại
trưởng Mỹ nhấn mạnh không ai khác ngoài « các đối thủ cạnh
tranh chiến lược của chúng ta mới thích thú nhìn thấy chúng ta sa lầy ở
Afghanistan trong 5, 10 hay 20 năm nữa ».
Một lập luận dường như có lý, theo Richard
Fontaine, chuyên gia thuộc Center for a New Amerian Security, vì có thể sau thất
bại này, Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào mặt trận Thái Bình Dương. Nhưng
Trung Quốc cũng không phải không biết khai thác sự kiện Afghanistan để phục vụ
cuộc đối đầu với Mỹ. Tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận đối ngoại của Bắc
Kinh, hôm qua đã phân tích rằng Afghanistan là minh chứng cho thấy Hoa Kỳ sẽ là
« một nhân tố không đáng tin cậy, luôn bỏ rơi đối tác và đồng minh
trong cuộc săn tìm lợi ích riêng cho mình ».
Chưa thể nói chắc, Taliban trở lại Kabul là đồng
nghĩa với bạo lực hỗn loạn hay thánh địa khủng bố sẽ hồi sinh. Nhưng chiến thắng
dễ dàng của lực lượng được gọi là phiến quân, từng bị phương Tây, dẫn đầu là Mỹ,
truy đuổi suốt hai chục năm, mang hơi hướng của những tính toán thực dụng, mà
trong đó khái niệm đồng minh chỉ là tương đối.
No comments:
Post a Comment