Saturday, August 8, 2020

VƯỢT TẦM KIỂM SOÁT (Kim Anh)

 


Vượt tầm kiểm soát

Kim Anh

08/08/2020

https://baotiengdan.com/2020/08/08/vuot-tam-kiem-soat/

 

Có những sự kiện tưởng như rất nhỏ nhưng lại châm ngòi cho hàng loạt tai hoạ khủng khiếp không còn ai kiểm soát được nữa. Ví dụ rất gần, vừa mới và vẫn còn đang diễn ra: Covid-19. Từ vài ca bệnh với triệu chứng lạ ở Vũ Hán, từ sự phát hiện rồi trao đổi emails giữa một nhóm nhỏ bác sĩ Trung Quốc… chỉ hơn nửa năm, đại dịch đã lan khắp hoàn cầu.

Đến thời điểm tháng 8 này thôi, ai có thể đo đếm được những cơn đau dữ dội, những cơn hấp hối đơn độc khủng khiếp, nỗi sợ hãi và nỗi mất mát của biết bao gia đình, nỗi nhọc nhằn đến kiệt sức của giới y tế, nỗi lo đến ‘trắng mắt’ khi nghĩ đến viễn cảnh kinh tế sụp đổ…

 

Một đàn nhỏ châu chấu sa mạc vài ngàn con xuất hiện ở cánh đồng nào đó ở bờ Đông châu Phi, cũng chỉ trong vài tháng, đã biến thành cơn bão côn trùng phủ khắp lục địa Đen và quét qua trọn bờ Nam châu Á, vượt cả dãy Himalaya, tràn lên Đông Bắc Á, ăn sạch các hoa màu mà lẽ ra sẽ là lương thực nuôi sống hàng trăm triệu, hàng tỉ người trong những tháng tới.

 

Vài ông cảnh sát ở thành phố nào đó của nước Mỹ rộng bao la, ngày nọ bỗng hành xử bạo lực quá đáng, đè chết một anh da đen. Chuyện tưởng nhỏ thôi, lại dẫn đến làn sóng biểu tình khổng lồ không chỉ ở Mỹ, còn ở châu Âu, ở Úc…

 

Chiến tranh, kể cả thế chiến, hay các cuộc cách mạng ‘long trời lở đất’, cũng thường xảy ra theo cách đó, như lịch sử từng cho thấy. Từ một đốm lửa nhỏ, đám cháy có thể bùng lên dữ dội, đe dọa thiêu rụi cả thế giới.

 

Sự đụng độ giữa vài chục hay cùng lắm vài trăm binh sĩ hai bên Ấn Độ và Trung Quốc ở vùng biên giới hẻo lánh; sự đối đầu tình cờ giữa hai tàu chiến hay kể cả tàu dân sự ở khu vực Biển Đông hoặc Vùng Vịnh; một sắc lệnh trừng phạt kinh tế đánh vào tập đoàn công nghệ nào đó của đối thủ v.v… tất cả những va chạm nho nhỏ ấy đều có thể bất ngờ làm nổ ra xung đột toàn cầu.

 

                                                       ***

 

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi sự cố đều có thể nhanh chóng vượt tầm kiểm soát và gây ra đại họa. Đó là lý do mà sau đệ nhị thế chiến, các cường quốc bèn ngồi lại tìm giải pháp ngăn ngừa bằng cách lập ra tổ chức Liên Hiệp Quốc. Nhưng sinh nhật lần thứ 70 của định chế này vừa diễn ra cách đây vài tháng, hết sức ‘buồn thiu’, không kèn không trống. Tiếng nói của LHQ giờ chẳng còn ký lô nào nữa. Cứ xem WHO bất lực thế nào trong cơn đại dịch này thì biết rồi.

 

Còn một lỗ thủng tưởng nhỏ nữa nhưng hoàn toàn có thể làm đắm con tàu văn minh hiện đại của loài người: Các khối băng ở hai đầu cực Trái Đất. Trước giờ ta gọi chúng là các vùng ‘băng giá vĩnh cửu’, nhưng chúng không vĩnh cửu nữa rồi!

 

Ai theo dõi tình hình biến đổi khí hậu thì biết một núi băng lớn ở Bắc cực vừa đổ sụp vì nứt gãy; Nam cực cũng bị tan băng một diện tích rất lớn, điều chưa từng xảy ra trong hàng chục ngàn năm qua. Và, không cần phải là các nhà khoa học, người dân thường cũng có thể chứng kiến tận mắt mùa Hè nóng khác thường thế nào; bão tố, lụt lội bỗng trở nên dữ tợn đến thế nào.

 

Chúng ta, cách riêng người Việt chúng ta, sống trong nước hay tha hương ở hải ngoại, chúng ta làm gì bây giờ? Những gì chúng ta hăng hái miệt mài ‘đấu tranh’ hay ‘xây dựng’ mấy chục năm qua, giờ dường như vô nghĩa quá! Buồn quá! Nản quá! Thất vọng quá!… Cũng phải thôi, vì chúng ta quá nhỏ bé và quá ít quyền lực!

 

Trước tình cảnh mà mọi thứ đều có thể bất ngờ vượt khỏi tầm kiểm soát của bất cứ ai, bất cứ ông bà lãnh tụ hay nguyên thủ nào trong thế giới loài người này, điều chúng ta có thể làm bây giờ là gì?

 

Phải chăng là… kiểm soát chính mình! Kiểm soát lời ăn tiếng nói của mình, những gì mình phát ngôn, mình viết trên mạng xã hội. Kiểm soát cách sống của mình, trách nhiệm của chính mình với bản thân, với gia đình, với những người thương yêu thân cận nhất sống quanh mình hàng ngày?

 

“Một cánh bướm đập ở rừng già Amazon có thể gây ra hiệu ứng làm xuất hiện cơn bão lớn ở châu Âu hay đám cháy to ở châu Úc”. Ai đó đã nói đại ý vậy, và điều đó ngẫm cho cùng là không sai.

 

Chúng ta có biết dừng lại, biết ngẫm nghĩ, biết tự chế, biết làm một cuộc đổi thay từ ngay chính mình, thâm tâm mình và cuộc sống của mình, đổi thay ngay tại gia đình mình? Nói thẳng ra, ngoài điều đó thì ta có thể làm được gì hơn đâu, trong một thời đại mà mọi thứ đều có thể bất ngờ vượt ra khỏi mọi tầm kiểm soát?

 

 

 

 

 

 


No comments: