Vì
sao một số người Mỹ gốc Việt ủng hộ Donald Trump?
Vic Satzewich - The Conversation
Dịch giả: Dương Lệ
Chi
20/08/2020
https://baotiengdan.com/2020/08/20/vi-sao-mot-so-nguoi-my-goc-viet-ung-ho-donald-trump/
Các vấn đề về chủng tộc
và phân biệt chủng tộc đang trỗi dậy ở Hoa Kỳ khi người Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu
vào tháng 11 năm nay.
Tuy nhiên, bất chấp tình
trạng bất ổn chủng tộc đã làm rung chuyển đất nước trong ba tháng qua, Tổng thống
Hoa Kỳ Donald Trump vẫn tìm thấy sự ủng hộ của một số cộng đồng phân biệt chủng
tộc, gồm những người Mỹ gốc Việt.
Trong một cuộc thăm dò
không chính thức gần đây do một nhà báo gốc Việt thực hiện trên Facebook, 94% số
người được hỏi cho biết, họ sẽ bỏ phiếu cho Trump vào tháng 11.
Và một đoạn video gần đây
cho thấy, những người Mỹ gốc Việt trên đường đến Nhà Trắng để tuyên bố họ ủng hộ
Trump.
Tại sao?
Những người Mỹ gốc Việt
này dự định bỏ phiếu trên cơ sở các vấn đề trong nước, liên quan đến kinh nghiệm
nhiều mặt của họ ở Mỹ, về các vấn đề liên quan đến quê hương của họ, hay là điều
mà một số người gọi là “chính trị cộng đồng?”
Với tư cách là những học
giả nghiên cứu về cộng đồng, tôi và đồng tác giả của tôi tin rằng, chúng ta cần
nhìn lại lịch sử để hiểu những vấn đề này.
Lịch sử thuộc địa
Việt Nam có lịch sử thuộc
địa và đô hộ dưới bàn tay của người Hoa, Pháp và Mỹ. Họ đã vấp phải những nỗ lực
chiếm đoạt sự độc lập bằng sự phản kháng và chịu đựng, nhưng con đường này thường
rất khó khăn.
Điều này đặc biệt xảy ra
trong năm 2020, khi Việt Nam đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu, kết quả nỗ lực
của Trung Quốc nhằm khẳng định vị thế thống trị của mình trong khu vực, gồm cả ở
Đài Loan và Hồng Kông.
Ở phương Tây, Chiến tranh
Việt Nam được nhiều người biết đến và đã được ghi chép lại rộng rãi. Nhưng với
nhiều người Việt Nam, thuật ngữ Chiến tranh Việt Nam là một cái gì đó bị nhầm lẫn;
họ xem chiến tranh là điều mà người Mỹ gây ra cho họ.
Nhưng rất lâu trước khi Mỹ
chiếm đóng, cũng như trước đó là thực dân Pháp, Việt Nam đã nằm dưới sự thống
trị của Trung Quốc hơn 1000 năm, từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 938.
Đất nước thống nhất năm
1975 sau khi lực lượng Cộng sản Bắc Việt đánh đuổi Mỹ ra khỏi VN. Có một cuộc
chiến biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu với Trung Quốc vào năm 1979 khi nước
này âm mưu xâm lược và kiểm soát Việt Nam.
Việt Nam có thể hòa giải
với Mỹ và Pháp, nhưng khi nói đến Trung Quốc thì có một cảm giác ngờ vực sâu sắc.
Cảm giác này càng trầm trọng hơn trong những năm gần đây, bởi nỗ lực không ngừng
của Trung Quốc nhằm giành quyền kiểm soát các khu vực ở Biển Đông.
Những tuyên bố chủ quyền
về lãnh thổ và lãnh hải này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tài nguyên
thiên nhiên, mà chúng còn cung cấp cho Trung Quốc lối đi an toàn cho đường vận
chuyển thương mại và sự di chuyển của lực lượng hải quân của họ. Nhiều năm qua,
cả người Việt Nam trong nước lẫn những người sống ở hải ngoại đã phản đối luật
Đặc khu kinh tế của chính phủ Việt Nam, được xem là phương tiện để Trung Quốc
tăng cường ảnh hưởng hơn nữa lên đất nước.
Cuộc di cư của người
Việt
Sau khi chiến tranh kết
thúc năm 1975, một cuộc di cư ồ ạt bằng thuyền để tìm tự do của người Việt Nam,
nhằm thoát khỏi chính quyền Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1975 đến 1997, đã có hơn
1,6 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong đó Mỹ đã nhân một số lượng
lớn nhất người Việt tị nạn trong làn sóng này.
Ngày nay, tổng số dân di
cư của cộng đồng người Việt trên toàn cầu ước tính khoảng 4,5 triệu người.
Trong số đó, có khoảng 1,3
triệu người Việt Nam sống ở Mỹ, tuy nhiên, con số thực tế có thể khoảng hai triệu,
nếu tính những người tự nhận mình có chủng tộc hỗn hợp (Người dịch: Như người
Việt gốc Hoa ở Mỹ, hay người Việt gốc Hàn ở Mỹ…)
Dù Trump vẫn thường ca ngợi
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mối quan hệ giữa tòa Bạch Ốc và Trung Quốc vẫn
thân thiện.
Chính quyền Trump đã đàm
phán lại các thỏa thuận thương mại và áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của
Trung Quốc. Các hình phạt và lệnh trừng phạt khác cũng đã được áp dụng sau khi
Trung Quốc thông qua luật an ninh mới đối với Hồng Kông.
Tháng trước, Hoa Kỳ cũng
đã lên án mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng
những tuyên bố đó là trái pháp luật. Và bây giờ Trump đã ký một sắc lệnh, cho
phép mạng xã hội TikTok của Trung Quốc tìm người mua ở Mỹ, từ bây giờ cho tới
giữa tháng 9, nếu không sẽ bị cấm vào Mỹ.
Không có người hâm
mộ chủ nghĩa cộng sản
Giống như những người
Ukraine và những người Đông Âu khác đã rời bỏ quê hương của họ trong Thế chiến
thứ Hai, đi xây dựng cuộc sống ở nơi khác, cộng đồng người Việt hải ngoại không
hâm mộ chủ nghĩa cộng sản.
Như vậy, họ có mối quan hệ
mâu thuẫn [vừa thương vừa ghét] đối với chính quyền Cộng sản Việt Nam hiện nay.
Họ yêu quê hương của họ, nhưng không nhất thiết phải yêu chính phủ của quê
hương họ.
Đối với những người Việt
Nam ở Mỹ, sự ủng hộ Trump không chỉ được thúc đẩy bởi luận điệu chống chủ nghĩa
xã hội của ông ta, mà còn bởi hy vọng và nhận thức rằng, ông ta sẽ tiếp tục đứng
lên chống lại Trung Quốc, và điều này sẽ gián tiếp bảo vệ Việt Nam.
Trên bình diện quốc gia,
sự ưu tiên bỏ phiếu của người Việt có vẻ không mang lại hiệu quả cho lắm, nhưng
nếu chúng ta xem xét rằng một số người sống ở các tiểu bang ‘xôi đậu’, lá phiếu
của họ có thể tạo ra sự khác biệt.
Cộng đồng người Việt ở nước
ngoài, đặc biệt là những người thuộc làn sóng nhập cư đầu tiên đến Mỹ, có thể
tin rằng, các chính sách Trung Quốc của Trump phục vụ lợi ích của họ ở quê nhà.
Nhưng nếu chỉ tập trung vào vấn đề này, có nghĩa là họ đã bỏ qua các khía cạnh
rắc rối khác trong chương trình nghị sự về chính sách đối nội và đối ngoại của
tổng thống.
No comments:
Post a Comment