Nhà
viết sử kinh tế Đặng Phong , một trí thức đúng nghĩa
18 thg 8, 2020
https://vuongtrinhan.blogspot.com/2020/08/nha-viet-su-kinh-te-ang-phong-mot-tri.html
Một lần nhân viết về thói
hư tật xấu thời bao cấp, tôi có tìm đọc các tài liệu của nhà viết sử kinh tế Đặng
Phong và tìm thấy rất nhiều thú vị. Tôi tuy không hiểu phần nội dung kinh tế
cho lắm nhưng khái quát lên thấy rất đúng những nhận thức về cuộc sống về xã hội
hiện nay mà những đầu óc kiệt xuất phải lần mò mãi mới tìm ra được nhưng lại
còn đang bị bưng bít.
Đọc thêm vào các tài liệu
về ông, càng thấy đây là một trí thức theo đúng cái nghĩa mà tôi thấy được sử dụng
ở các nền văn hóa khác.
Mặc dù trong nước ông chỉ
được coi như một chuyên gia và không được phong chức danh giáo sư gì hết nhưng
khi đi giảng dạy ở nước ngoài ông vẫn thường được giới thiệu là một giáo sư uy
tín.
Mở Google tìm hai chữ ĐẶNG
PHONG tôi thấy rất nhiều bài có giá trị mà hay nhất chính là bài viết trên Bách
khoa toàn thư mở Wikipedia đang có trên mạng https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%B7ng_Phong
Trên tinh thần của một
người tự học, dưới đây tôi sẽ đưa lại bài này gần như đầy đủ chỉ cắt dán lại một
chút để nhấn mạnh một vài ý mà tôi thấy cần làm nổi bật, bỏ đi những ý tôi cho
là rườm rà. Làm thế là để phù hợp với hình dung của tôi về người trí thức Việt
Nam thời nay nói chung .
Tôi muốn lưu ý một điều nữa
Đặng Phong trước tiên là người của sử chứ không phải chỉ là người của kinh tế học.
Sử học đang là ngành
nghiên cứu cần đổi mới mạnh nhất hiện nay.
Quan niệm về sử có thay đổi
thì mọi ngành khác mới thay đổi theo được.
Trong sử học chúng ta vừa
phải lo “làm lại” quá khứ vừa phải ghi chép ngay một cách đúng đắn về đương thời.
Trong số các nhà sử học
cùng lứa với ông, tôi cảm thấy ông có lối tư duy cuả Hà Văn Tấn; nhưng trong
khi Hà Văn Tấn viết về sử cổ đại thì ông lại viết về kinh tế hiện đại. Mỗi bên
có một chỗ khó riêng. Viết về quá khứ cần uyên bác và trung thực. Viết về hiện
tại ngoài hai cái đó, lại còn cần dũng cảm.
Ông cũng gợi cho tôi nhớ
trường hợp Trần Quốc Vượng, tuy không bao giờ phải lo rào đón quá nhiều và luôn
ngả sang nửa đùa nửa thật theo kiểu vai hề như Trần Quốc Vượng. Vì chỗ may của
ông là nghiên cứu về lịch sử kinh tế ở một xã hội không mấy chú ý đến kinh tế
trên ý nghĩa vĩ mô và ông cũng không có tham vọng được nổi tiếng ngay lập tức.
TIỂU SỬ
• Ông sinh năm 1937 tại
Hà Tây, mất vào ngày 20 tháng 8 năm 2010.
• Tốt nghiệp ngành lịch sử,
Đại học Hà Nội năm 1960
• Tốt nghiệp ngành Kinh tế
Kế hoạch, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội năm 1964
• Tốt nghiệp khóa đào tạo
nâng cao, Học viện Kinh tế Địa Trung Hải, Montpellier, Pháp Năm 1991,
Ngoài sự nghiệp nghiên cứu
lịch sử kinh tế Việt Nam của mình, ông đã kinh qua nhiều công việc ở Viện Kinh
tế Việt Nam, giảng dạy ở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, và là
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thị trường & Giá cả từ năm 1983-1995, thỉnh giảng
tại một số trường đại học và các viện nghiên cứu nước ngoài. Ông cũng từng là cộng
tác viên của Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Chủ tịch Tiểu ban Kinh tế
Euro - Viet III, Amsterdam, 1997...
ĐÓNG GÓP CHO LỊCH SỬ KINH TẾ
Cho tới khi ông mất, ông
là người giữ kỉ lục đầu tư nhiều thời giờ và cố gắng cho lịch sử kinh tế Việt
Nam.
Để viết ra những công
trình đồ sộ đó, ông đã phải bỏ ra một thời giờ nhiều lần lớn hơn để sưu tập tài
liệu. Theo ông những chuyện dân gian, những gia phả, những phong tục tập quán,
ca dao tục ngữ phải được coi là nguồn sử liệu quan trọng.
Ông nắm vững lịch sử kinh
tế Việt Nam, bất cứ một sự kiện kinh tế ở giai đoạn nào ông cũng có thể đặt
ngay vào logic toàn cảnh của nó.
Ông được đánh giá là một cuốn tự điển sống về lịch sử kinh tế. Ông đã để lại trên một chục cuốn biên khảo, đều
rất phong phú về tài liệu, kèm theo những nhận định chính xác và sắc bén. Đặc
biệt là cuốn Lịch sử Kinh Tế Việt Nam (dày hơn 2000 trang).
QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ
Ông hiểu kinh tế lại càng
hiểu ý nghĩa chính trị của kinh tế. Danh nghĩa "nghiên cứu lịch sử kinh tế"
cho phép ông tìm kiếm không phải bao giờ cũng dễ dàng những tài liệu bị giấu giếm
cẩn mật, để rồi viết và công bố cả những điều cấm kỵ.
Lối nhận định chính trị của
Đặng Phong không lý thuyết và hàn lâm. Ông có niềm tin rằng chế độ chính trị phải thay đổi như một
bắt buộc của lịch sử. Từ các trang viết của ông toát ra một điều các chế
độ chính trị không thích nghi với đà tiến hoá của lịch sử nhân loại, sẽ không
thể tiếp tục tồn tại, và Việt Nam là một trong những dân tộc đang gặp thách đố
sống còn đó.
Và, lịch sử thế giới
không chỉ là đấu tranh giai cấp như Marx nhận định, mà lịch sử phức tạp hơn nhiều,
nhưng nếu phải tóm tắt một
cách thật giản đơn lịch sử thế giới thì đó là cuộc hành trình của con người về
phía tự do.
Cho tới khi tìm được một
công thức mới hay hơn, dân
chủ là phương thức tổ chức phù hợp nhất để bảo đảm tự do cho nên cũng có thể
nói lịch sử là cuộc hành trình của các dân tộc về dân chủ.
DƯỚI CON MẮT MỘT NGƯỜI BẠN ĐANG
SỐNG Ở HẢI NGOẠI
Đặng Phong không có nhiều
bạn, ông chỉ có một ít những người bạn thân...
Về một số trí thức tên tuổi
trong nước, Đặng Phong nghĩ là họ không thực sự muốn đấu tranh để thay đổi, họ
chỉ nói ra những điều có vẻ phản kháng vì đó là những điều đúng và có nói ra
cũng không hại gì; họ bon chen và ông thì ông không thích bon chen.
Còn với những người đối lập
thực sự và trực diện? Đặng Phong cũng không có nhu cầu gặp họ, ông không phải
là người móc nối và tổ chức, ông thích đóng góp trong cương vị của một nhà
nghiên cứu...
Nhiều tác phẩm của ông giống
như những bản cáo trạng gay gắt đối với những sai lầm của chế độ và khiến người
đọc hiểu rằng những sai lầm đó đã xảy ra vì không có dân chủ.
Dưới một bề ngoài giản dị
xuềnh xoàng ông là một học giả lớn và trí thức lớn.
Những tác phẩm ông viết
ra tuy rất ít người đọc nhưng là cả một kho tàng tư liệu quý báu cho những ai
còn quan tâm đến cái trở thành của đất nước và dân tộc này, một đất nước và một
dân tộc mà ông đã yêu một cách tha thiết.
Ông đã phân biệt được cái
chính và cái phụ, cái tạm bợ và cái lâu dài, sự cao cả thực sự và sự hào
nhoáng.
Ông đã không chấp nhận
làm một sản phẩm của thời thế mà đã đóng góp thay đổi thời thế.
TÁC PHẨM
• So sánh đổi mới kinh tế
Việt Nam và cải cách kinh tế Trung Quốc (cùng nhiều tác giả)
• Long An - mũi đột phá
vào kinh tế thị trường (cùng Ngọc Thanh)
• Những bước đột phá của
An Giang trên con đường đổi mới kinh tế
• Lịch sử Tây Nam Bộ
kháng chiến, tập 1. 1945-1954
• Kinh tế miền Nam
1954-1975
• Lịch sử kinh tế Việt
Nam, tập 1. 1945-1954
• Lịch sử kinh tế Việt
Nam, tập 2. 1955-1975
• Lịch sử kinh tế Việt
Nam, tập 3. 1975-2000
• 21 năm viện trợ Mỹ ở Việt
Nam, 1991
• Kinh tế thời nguyên thủy
ở Việt Nam, 1970
• "Phá rào"
trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới (Nhà xuất bản Tri thức, 2009)
• Tư duy kinh tế Việt Nam
1975-1989 - Nhật ký thời bao cấp (Nhà xuất bản Tri thức, 2008 - tái bản 2009)
• Tư duy Kinh tế Việt Nam
- Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989 (Nhà xuất bản Tri thức, 2008 -
tái bản 2010)
• 5 đường mòn Hồ Chí
Minh, (Nhà xuất bản Tri thức, 2008 - tái bản 2010)
• Chuyện Thăng Long–Hà Nội
qua một đường phố, Nhà xuất bản Tri thức, 2010 (Thăng Long-Hanoi: The story in
a Single Street, ấn bản tiếng Anh, Nhà xuất bản Tri thức, 2010)
MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH CỦA ĐẶNG
PHONG
• Về tư duy kinh tế:
“Chúng ta đánh đổ giai cấp
tư sản cũ, nhưng phải xây dựng được tầng lớp hữu sản mới. Sự ra đời của tầng lớp
này là cần thiết, chứ với chỉ "lực lượng lao động hợp tác xã" thì chết.
Nhưng đó phải là một tầng lớp hữu sản có văn hóa và có lương tâm. Con đường ra
đời giai cấp này trên thế giới khác ta - bằng cách cướp bóc thuộc địa, gây chiến
tranh. Ở ta, ra đời bằng cách đánh đổ giai cấp tư sản cũ - nằm trong diễn biến
chung của các nước xã hội chủ nghĩa ”
“Tư duy kinh tế sắp tới
là tư duy thiết kế những hàng rào thông minh, tập trung xây dựng hàng rào tích
cực, để mỗi cá nhân muốn xấu cũng không xấu được, làm điều tốt cho bản thân
nhưng phải tốt cho xã hội. Và những vị trí quan trọng phải dành chỗ cho những bộ
óc thông minh ”
• Về Việt Nam Cộng hòa:
“ Cần phải phân biệt rõ:
nền chính trị thối nát (không phải tôi nói, mà người Mỹ và người trong giới
chính trị Sài Gòn nói) với bộ máy kinh tế chuyên nghiệp. Những cấp cao nhất, tổng
thống, phó tổng thống, thủ tướng... phần lớn là dân võ biền, là lính sang làm
chính trị như Thiệu, Kỳ, Khiêm..., Ngô Đình Diệm là ông quan của triều đại
phong kiến. Nói chung, họ không có mấy kinh nghiệm để điều hành một xã hội dân
sự văn minh. Nhưng điều đặc biệt là cấp dưới của họ (bộ trưởng, tổng trưởng...)
và các chuyên gia hàng đầu đều là những người có học vấn, kiến thức kinh tế -
xã hội rất giỏi để vận hành khối lượng tiền, hàng cực lớn... Rất tiếc chúng ta
xóa bỏ bộ máy điều hành kinh tế miền Nam nhanh quá. Tới Đại hội Đảng VI đã ghi
nhận sai lầm do chủ quan, nóng vội xóa bỏ các thành phần kinh tế phi xã hội chủ
nghĩa. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế đã ra đi.
****
Mời đọc thêm
CÁI TÂM CỦA MỘT SỬ GIA
– NHÂN MƯỜI NĂM NGÀY MẤT ĐẶNG PHONG
của Nguyễn Minh
trên trang Viet-studies
13 thg 6, 2020
http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenMinh_DangPhong.html
Trong lúc vô tình xem thông tin trên mạng, chợt nhớ
từ khi giáo sư Đặng Phong qua đời, đến nay đã mười năm. Tháng tám năm nay là
đúng mười năm.
Tôi vốn chỉ thích ở ẩn đọc sách, không ưa quảng
giao, hơn nữa lại rời Việt Nam từ lâu, nên không có duyên gặp gỡ Đặng Phong, chỉ
biết ông qua trước tác. Những dòng tôi viết dưới đây chỉ là cảm nhận của một
người đọc tác phẩm ông, xem như một nén hương lòng, tưởng nhớ một nhà học giả
chân chính.
Dĩ nhiên tôi không có tư cách chi, nhưng giả dụ có,
và được trao quyền chọn ra hai sử gia Việt Nam tiêu biểu nhất trong khoảng nửa
cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, tôi sẽ chọn Hà Văn Tấn và Đặng Phong, mặc dù Đặng
Phong chỉ giới hạn mình trong phạm vi kinh tế sử.
Có người nhận xét tác phẩm Đặng Phong là “history
of the economy”, không phải “economic history”, hàm ý rằng ở Đặng Phong không
có một chiều sâu kinh tế học. Có lẽ với người ấy, kinh tế phải là những lý thuyết
cao kỳ, với những mô hình kinh tế lượng (kinh toán học) tháp ngà.
Nếu quan niệm như trên, bạn không nên tìm đến Đặng
Phong, bởi với Đặng Phong, kinh tế là đời, và từng giọt nước cũng quan trọng
như cả dòng sông. Đặng Phong viết: “Một giọt nước không phải là dòng sông.
Đúng. Nhưng cũng chưa thấy có cái gì được gọi là dòng sông mà không có nước.”[1]Sử của Đặng Phong
là lịch sử của những giọt nước, là bức tranh lớn ghép nên từ những mảnh khảm đa
dạng, muôn màu.
Việc Đặng Phong là sử gia hơn là kinh tế gia khiến
ông gần gũi với tôi. Lịch sử kinh tế vốn khô khan, lịch sử tư duy kinh tế lại
càng khô, thế mà ông viết đề tài nào cũng khiến tôi đọc say sưa như tiểu thuyết.
Tài là vậy!
Nhưng cái tài của Đặng Phong, nhiều người đã đề cập,
thiết tưởng không cần nhắc nữa. Ở đây, tôi muốn nói nhiều đến cái tâm.
Thế nào là một sử gia có tâm? Theo tôi, đó là một
người không đứng về bất kỳ phe phái nào, chỉ lấy sự thật làm gốc, và luôn luôn
giữ tinh thần khách quan hết mức có thể. Tiêu chuẩn này nghe qua đơn giản, thật
ra rất khó đáp ứng, hiếm ai đáp ứng được hết.
Muốn giữ cái tâm trong một xã hội như xã hội Việt
Nam, đôi khi phải có dũng khí.
Đặng Phong đã có dũng khí, khi trong bộ sách để đời Lịch
sử kinh tế Việt Nam, ông trước sau như một, chỉ gọi Hồ Chí Minh là “ông”,
không hề có một chữ “Bác”, cũng không một chữ “Người”. Ngô Đình Diệm là “ông”,
Hồ Chí Minh cũng là “ông”, bởi đứng trước lịch sử, mọi nhân vật đều bình đẳng.
Tùy theo bối cảnh, một điều rất bình thường có thể
trở nên phi thường. Chữ “ông” mà Đặng Phong dành cho Hồ Chí Minh là một chữ phi
thường, bởi ngoài Đặng Phong, còn sử gia “xã nghĩa” nào khác dám “hỗn” như vậy?
Tương tự, để tôn trọng sự thật lịch sử, khi nhắc tới
sự kiện cải cách ruộng đất, thay vì nhận xét kiểu như “sai lầm đáng tiếc”, Đặng
Phong nói thẳng là “tàn ác”[2]. Ngay tại Việt
Nam, trong một công trình nhà nước, mà dám nói đến như vậy, thật là đã đi đến
cùng cực của giới hạn.
Với “phía bên kia”, tức Việt Nam Cộng Hòa, Đặng
Phong tỏ thái độ khách quan, công bình. Nếu như các bộ “kinh tế quốc sử” khác,
chẳng hạn 45 Năm Kinh Tế Việt Nam (1945-1990)[3] do Đào Văn Tập
chủ biên, chỉ dành cho miền Nam lèo tèo vài trang ở cuối mỗi chương, thì Đặng
Phong viết về Việt Nam Cộng Hòa đến 250 trang. Ngoài ra, ông còn viết hẳn, in
riêng một quyển về kinh tế Việt Nam Cộng Hòa[4]. Tuy ông không khẳng
định rõ ràng, nhưng sự thật do ông trình bày tự nó đủ nói lên tất cả, rằng kinh
tế miền Nam ưu việt hơn miền Bắc về nhiều điểm. Kinh tế gia miền Nam ngày nay
nhiều người còn sống, song buồn thay, tôi chưa thấy ai viết được một tác phẩm
kinh tế sử Việt Nam Cộng Hòa công phu, đầy đủ như công trình của “Việt cộng” Đặng
Phong[5].
Hiển nhiên, cũng có những chuyện Đặng Phong không
thể nói ra. Khi gặp những chuyện ấy, hoặc ông im lặng chứ không bẻ cong ngòi
bút, hoặc tốt hơn nữa, là tìm cách “lách” để nói cho được. Viết tức là lách.
Tôi nhớ trong một lần trả lời phỏng vấn, Đặng Phong nói ông có “cách của mình”
để lách thành công.
Thí dụ, Đặng Phong không thể chỉ trích Lê Duẩn. Ông
vẫn khen, nhưng qua cách trình bày của ông, người đọc nhận rõ tư tưởng Lê Duẩn,
chẳng hạn tư tưởng “làm chủ tập thể”, thật sự chỉ rỗng tuếch, giống như những
“bông hoa điếc”, tức là tuy đẹp mà vô tích sự. Thêm vào đó, những lúc cần chê
Lê Duẩn, ông mượn lời của những “cây đa cây đề” như Võ Nguyên Giáp[6].
Khi gặp những thông tin “nhạy cảm”, như vụ nổi dậy
chống chính quyền ở Quảng Ngãi vào năm 1950[7], hay vụ xử bắn bà
Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long)[8], Đặng Phong không
thể đề cập trong nội dung chính của sách. Ông lách bằng cách đưa chúng vào mục “biên
niên sự kiện”, nằm ở phụ lục cuối sách. Kiểm duyệt không đọc tới đấy, độc giả
chắc cũng ít người đọc tới đấy. Tôi cho rằng Đặng Phong “nhét” các thông tin
trên vào đấy chỉ để khỏi thẹn với lòng mình, và để giữ vẹn cái tâm của một
“thái sử công”.
Thời buổi ngày nay, mấy ai còn được như ông?
Khi Đặng Phong qua đời, tôi từng nghĩ vậy là Việt
Nam chẳng còn một sử gia kinh tế chân chính nào nữa.
Mười năm qua đi, tình hình vẫn thế.
Nghĩa là chẳng có ai cả!
Nguyễn
Minh
Adelaide, tháng 6, 2020
[1] Đặng
Phong 2002, Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945-2000, Tập 1: 1945-1954,
Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr.8.
[2] Đặng Phong
2005, Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945-2000, Tập II: 1955-1975, Nhà Xuất
Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr.86.
[3] Đào Văn Tập 1990
(chủ biên), 45 Năm Kinh Tế Việt Nam (1945-1990), Nhà Xuất Bản Khoa
Học Xã Hội, Hà Nội.
[4] Đặng Phong 2004,
Kinh Tế Miền Nam Việt Nam Thời Kỳ 1955-1975, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội,
Hà Nội.
[5] Một thuận lợi của Đặng
Phong là ông thực hiện một công trình nhà nước, nên có cơ hội phỏng vấn, thu thập
thông tin trực tiếp từ những nhân vật cộm cán trong chính quyền Việt Nam. Nhưng
bên cạnh đó, ông cũng chủ động tiếp cận các nhà hoạch định chính sách Việt Nam
Cộng Hòa, chẳng hạn giáo sư Vũ Quốc Thúc, đồng tác giả kế hoạch kinh tế hậu chiến
Thúc-Lilienthal.
[6] Đặng Phong
2008, Tư Duy Kinh Tế Việt Nam: Chặng Đường Gian Nan Và Ngoạn Mục
1975-1989, Nhà Xuất Bản Tri Thức, Hà Nội, tr. 83.
[7] Đặng Phong
2002, Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945-2000, Tập 1: 1945-1954, Nhà Xuất
Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr.603.
[8] Đặng Phong
2002, Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945-2000, Tập 1: 1945-1954, Nhà Xuất
Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr.610.
No comments:
Post a Comment