Wednesday, August 12, 2020

CON ĐƯỜNG NGHIÊN CỨU VACCINE CHỐNG VIRUS CORONA (Deutschland Radio)

 


Con đường nghiên cứu vaccine chống virus corona

Deutschland Radio

Dịch giả: Võ Thu Phương

12/08/2020

https://baotiengdan.com/2020/08/12/con-duong-nghien-cuu-vaccine-chong-virus-corona/

 

Lời người dịch: Thông thường, người ta phải mất nhiều năm mới tìm ra vaccine cho một loại dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn có những dịch bệnh hiểm nghèo và tàn khốc, con người đã không thể (hay chưa thể) tìm ra vaccine hữu hiệu, như chống lại AIDS, sốt xuất huyết, sốt rét, dịch hạch, ung thư… Lần này, nhân loại gặp may! Sau nhiều lần nghi ngờ, tuyệt vọng và bi quan, ánh sáng đã le lói ở cuối đường hầm. Đây là bản dịch thông tin tổng quan mới nhất của đài truyền thanh CHLB Đức.

 

                                                              ***

 

Vaccine là tác nhân hiệu quả nhất chống lại virus Sars-CoV-2 và bệnh Covid-19. Cả thế giới đang lao vào nghiên cứu nó, kể cả các công ty của Đức. Có những triển vọng nào? Sau đây là tổng quan về tình hình nghiên cứu.

 

Vaccine được thử nghiệm như thế nào cho đến khi được chấp thuận?

Hơn 150 loại vaccine khả dĩ đang được phát triển, 23 loại đã được thử nghiệm trên người. Mỗi loại vaccine phải trải qua nhiều giai đoạn trước khi được phê duyệt. Giai đoạn I chưa nói về hiệu quả của một chế phẩm, mà là về tính an toàn của nó. Thử nghiệm được thực hiện trên một nhóm nhỏ dưới 100 người.

 

Trong giai đoạn II, chế phẩm được thử nghiệm trên 1.000 người và được bảo đảm rằng cơ thể phát triển khả năng tự vệ chống lại virus.

 

Trong giai đoạn III, chế phẩm được sử dụng cho vài nghìn tình nguyện viên khỏe mạnh. Những tiêu chuẩn khác sẽ được khảo sát, đó là xác nhận liều lượng cũng như những tuơng tác và tác dụng phụ.

 

Một số nghiên cứu đã đạt đến giai đoạn thứ ba và giai đoạn cuối cùng trước khi được phê duyệt. Những nghiên cứu dẫn đầu đã có những kết quả sơ khởi.

 

Nghiên cứu vaccine hiện đang có ở nước nào?

Tại Đức, công ty Curevac có trụ sở tại Tübingen đã được bật đèn xanh cho một nghiên cứu trong giai đoạn lâm sàng. Nghĩa là: Đưa hoạt chất được phát triển vào thử nghiệm trên người. Công ty dự kiến kết quả vào cuối năm. Vaccine sẽ sẵn sàng đưa ra thị trường vào giữa năm sau nếu các nghiên cứu thành công.

 

Công ty dược phẩm AstraZeneca của Anh, hợp tác với Đại học Oxford, đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng III. Vaccine hiện đang được thử nghiệm ở Anh, Brazil và Nam Phi. Những khảo sát khác sẽ tiến hành ở Hoa Kỳ. Hoạt chất này trước đó đã cho kết quả dương tính trong các thử nghiệm với 1.000 đối tượng thử nghiệm. Đây là một trong những ứng cử viên vaccine sáng giá nhất và có thể sẵn sàng vào cuối năm nay.

 

Các nhà chức trách ở Nga cho rằng, lịch trình tiêm chủng vaccine sẽ bắt đầu vào tháng 10. Bộ trưởng Bộ Y tế Muraschko thông báo điều này vào đầu tháng Tám. Ông bộ trưởng không nói gì thêm về vaccine sẽ được sử dụng. Quân đội Nga đã cho thử nghiệm một loại vaccine khả thi trên binh sĩ vào tháng Sáu và tháng Bảy. Các khảo sát kiểm nghiệm về việc này vẫn chưa được công bố. Khi bắt đầu các thí nghiệm, Muraschko đã nhấn mạnh rằng nếu họ có vaccine, vaccine sẽ được cung cấp trên toàn thế giới. Gần đây nhất, người ta còn nghe rằng, việc tiêm chủng có thể bắt đầu vào tháng Tám.

 

30.000 người tham gia nghiên cứu

Ở Hoa Kỳ, một trong những thử nghiệm vaccine lớn nhất vừa bước vào giai đoạn ba. Công ty Moderna của Mỹ đang thử nghiệm chế phẩm của mình với sự hợp tác của viện nghiên cứu Bệnh Truyền Nhiễm Quốc Gia cho trên 30.000 người tham gia. Những người này không biết là họ đang nhận vaccine hay giả dược. Thử nghiệm được tiến hành ở 30 tiểu bang, bao gồm Texas, California và Florida. Kết quả đầu tiên sẽ có vào tháng 11.

 

Công ty dược phẩm Biontech của Đức và đối tác Pfizer của Mỹ cũng đã được phép bắt đầu nghiên cứu giai đoạn 2/3 với khoảng 30.000 người tham gia trong độ tuổi từ 18 đến 85. Cuộc điều tra đang bắt đầu ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khoảng 120 trung tâm nghiên cứu trên khắp thế giới sẽ sớm được tham dự, bao gồm cả ở Argentina, Brazil và Đức. Nếu nghiên cứu thành công, Pfizer và Biontech dự định sẽ áp dụng quy trình phê duyệt sớm nhất là vào tháng 10 năm 2020 và nếu được chấp thuận, sẽ sản xuất tới 100 triệu liều vaccine vào cuối năm nay.

 

Công ty dược phẩm Trung Quốc Sinovac cũng đã bắt đầu giai đoạn III quan trọng tại Brazil. Tại thành phố São Paulo, 9.000 nhân viên ngành y tế sẽ được chủng ngừa.

 

Đức và các nước EU ký kết bảo đảm quyền lợi

Một liên minh từ Đức, Pháp, Ý và Hà Lan đã ký hợp đồng sơ bộ với AstraZeneca. Họ bảo đảm cho các quốc gia này 400 triệu liều vaccine khi sản phẩm sẵn sàng đưa ra thị trường. Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức, Spahn, nhấn mạnh rằng, tất cả các nước thành viên EU đều có quyền lợi. Các liều vaccine sẽ được chia tương ứng với quy mô dân số. AstraZeneca đã ký kết các thỏa thuận tương tự với Hoa Kỳ và Anh. Các cuộc đàm phán cũng đang diễn ra với Nhật Bản, Nga, Brazil và Trung Quốc – phía công ty cho biết.

 

Con đường phát triển vắc-xin thì dài dằng dặc và rủi ro

Thông thường phải mất nhiều năm mới tìm ra vaccine chống lại mầm bệnh – và quá trình này có thể thất bại ở bất kỳ giai đoạn nào. Trong trường hợp của Sars-CoV-2, các nhà nghiên cứu đã gặp may: Trình tự của bộ gen virus – trong trường hợp này là RNA sợi đơn – nhanh chóng được biết đến – và cái này cũng có mối liên hệ mật thiết với các coronavirus gây ra SARS và MERS. Từ loại vaccine chống lại những loài virus này mà người ta biết rằng, công hiệu tốt nhất là những tác động lên lớp protein (cái tạo nên hình dạng gai góc của trên vỏ virus). Hầu hết các dự án tìm kiếm vaccine chống lại Sars-CoV-2 đều đã khai thác điều này trong các nghiên cứu của họ.

 

Sản xuất quy mô là khó khăn tiếp theo

Nếu việc phát triển vaccine thành công, thách thức kế tiếp đang đợi sẵn: vấn đề sản xuất hàng loạt. Marylyn Addo, nhà virus học Hamburg cho biết trên Deutschlandfunk rằng, vào lúc này không có đủ năng lực sản xuất cho cả thế giới. Do đó, sẽ có một cuộc tranh chấp tiềm lực trong những tháng tới: “Điều quan trọng là người ta phải đối phó với vấn đề này và cố gắng bảo đảm sự phân phối năng lực sản xuất cho công bằng, mà sau đó cũng là sự phân phối vaccine được công bằng“.

 

Do đó, Hiệp hội các công ty nghiên cứu dược phẩm (vfa) nêu mục tiêu tạo được càng nhiều vaccine càng tốt và bảo đảm rằng các chế phẩm này có thể được chế tạo ở nhiều cơ sở sản xuất. Theo đó, một số nhà sản xuất hùng mạnh, bao gồm cả Astrazeneca, đã thông báo rằng, họ sẽ cung cấp vaccine của họ với giá thành gốc trong suốt thời gian đại dịch kéo dài.

 

 

 

 

 


No comments: