Wednesday, August 12, 2020

KAMALA HARRIS, MỘT LỰA CHỌN CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ (Nhã Duy)

 


Kamala Harris, một lựa chọn chiến lược của đảng Dân Chủ

Nhã Duy

12/08/2020

https://baotiengdan.com/2020/08/12/kamala-harris-mot-lua-chon-chien-luoc-cua-dang-dan-chu/

 

Chiều thứ Ba ngày 11 tháng 8, cựu Phó tổng thống Joe Biden chính thức thông báo, nữ Thượng Nghị Sĩ Kamala Harris của tiểu bang California đã được ông mời chọn làm ứng viên phó tổng thống, đứng chung vào liên danh trong cuộc tranh cử tổng thống 2020.

 

Trong thư gởi đến cử tri ủng hộ, ông viết rằng: “Tôi đã quyết định rằng Kamala Harris là người tốt nhất để giúp tôi tranh cử cùng Donald Trump và Mike Pence, để rồi dẫn dắt quốc gia từ tháng Một năm 2021. Tôi cần một người tài trí, cứng rắn và sẵn sàng dẫn dắt quốc gia sát cánh cùng tôi. Kamala là mẫu người đó“.

 

Kamala Harris là ai và liệu là người đủ khả năng để đảm nhiệm vai trò phó tổng thống tương lai một khi liên danh này thắng cử?

 

Sinh năm 1964 tại Oakland, California, Kamala Harris, 55 tuổi có cha người gốc Jamaica, một đảo quốc nhỏ bé vùng Caribbean và là một giáo sư kinh tế học về hưu của đại học Stanford. Mẹ bà là một nhà nghiên cứu ung thư gốc Ấn Độ.  Ông bà đều là những sinh viên ngoại quốc đến Mỹ để theo học tiến sĩ tại Đại Học Berkely và gặp nhau.

 

Kamala Harris còn có một em gái là Maya Harris, cũng là một luật sư tốt nghiệp đại học Stanford, từng là giáo sư trưởng khoa luật của đại học luật Lincoln Law School tại San Jose và là trưởng ban vận động tranh cử cho chị mình trong thời gian tranh cử tổng thống. Maya hoạt động tích cực trong lãnh vực chính sách công quyền, luật pháp và truyền thông…, là một phụ nữ tài năng và có nhiều triển vọng để tham gia vào lãnh vực công quyền.

 

Kamala Harris tốt nghiệp đại học song ngành chính trị và kinh tế học. Bà theo học luật tại Đại học Luật khoa Hasting College thuộc University of California tại San Francisco và tốt nghiệp, lấy bằng hành nghề vào năm 1990.

 

Không đi vào lãnh vực tư nhân như nhiều luật sư khác, Kamala bước ngay vào lãnh vực tư pháp chính phủ trong vai trò công tố viên, kiêm Phó Biện Lý quận hạt Alameda tại California. Năng động và mạnh mẽ, Kamala từng bước thăng tiến vào các trọng trách cao hơn để  trở thành người phụ nữ da đen và gốc Á đầu tiên đắc cử vào chức vụ Bộ Trưởng Tư Pháp của tiểu bang lớn nhất nước Mỹ vào năm 2010. Bà tái đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì bốn năm sau.

 

Được xem là một thế hệ tài năng trẻ của đảng Dân Chủ và có nhiều triển vọng đi xa hơn, bà là một trong những nhân vật từng được cân nhắc là có thể đảm nhiệm chức vụ Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Obama hay chiếc ghế thẩm phán Tối Cao Pháp Viện vào một thời điểm thích hợp nào đó trong tương lai. Năm 2016,  Kamala Harris ra tranh cử thượng viện Hoa Kỳ, được TT Obama và Joe Binden ủng hộ, bà đã thắng bà Loretta Sanchez, một dân biểu cùng đảng Dân Chủ và khá quen thuộc với cộng đồng Việt Nam tại California, để trở thành thượng nghị sĩ cho đến nay.

 

Tham gia Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, trong ba năm qua Kamala đã bắt đầu thu hút được sự chú ý của công luận khi bà là một trong những tiếng nói quyết liệt tại Thượng Viện, có tài biện thuyết sắc bén và tỏ ra là chính khách không dễ xem nhẹ.

 

Phần nào vội vã và tự tin khi chỉ là một tân thượng nghị sĩ mới mẻ trên chính trường quốc gia, Kamala lại tuyên bố ra tranh cử tổng thống hồi đầu năm 2019, để rồi rút lui sau khi không đạt được sự ủng hộ và các kết quả mong muốn.  Nhưng chính điều này đã cho Kamala một cơ hội học hỏi thêm về cách tổ chức, phương pháp vận động cử tri cùng các kinh nghiệm tranh luận để thuyết phục hơn trước công luận ở bình diện quốc gia. Điều tích cực là, dù có những cuộc tranh luận, chỉ trích thẳng thắng đến phó tổng thống Biden, bà cũng không đi xa hơn ngoài những vấn đề chính sách. Kamala tuyên bố ủng hộ phó TT Joe Biden chỉ vài tháng sau khi bỏ cuộc.

 

Điểm qua 30 năm hoạt động trong lãnh vực công quyền, từ tư pháp đến lập pháp, Kamala Harris là một chính trị gia chuyên nghiệp và nhiều kinh nghiệm, lại là một phụ nữ da màu, phù hợp với các tiêu chí mà ban tranh cử của cựu Phó TT Joe Biden chọn lựa trong số hơn mười ứng viên khác.

 

Cương quyết nhưng Kamala Harris lại được xem là ôn hòa hơn những nhân vật cấp tiến khác của đảng Dân Chủ, cũng như là một chọn lựa an toàn và đầy chiến lược của đảng Dân Chủ khi California sẽ là tiểu bang an toàn để chọn người thay thế hơn là khi chọn các nữ thượng nghị sĩ như bà Tammy Duckworth thuộc tiểu bang Illinois và bà Elizabeth Warren của  Massachusetts vào liên danh.

 

Nếu cho rằng Kamala chưa đủ khả năng thì hãy so sánh với nữ Thống Đốc Sarah Palin, người  từng được cố TNS John McCain chọn vào liên danh một cách đầy hối tiếc trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008. Palin khó bắt kịp Kamala về nhiều mặt.

 

Đài NPR có nhận xét rằng, cặp Biden-Harris đã gợi cho người dân Mỹ nhớ đến cặp liên danh giữa Barack Obama-Joe Biden vào năm 2008. Quả là vậy. Một trẻ-một già, một trắng-một đen, một năng động, mạnh mẽ-một kinh nghiệm, ôn hòa, Joe Biden và Kamala Harris bổ sung cho nhau và sẵn sàng nhập cuộc để dẫn dắt nước Mỹ. Liệu họ có tái lập lại kết quả của cặp Obama-Biden trong tháng 11 tới là điều sẽ được cả thế giới theo dõi.

 

Tổng thống Obama gởi ra mẩu tin nhắn rằng, “Tôi biết TNS Harris từ lâu. Cô đã được chuẩn bị quá dư cho cương vị. Suốt sự nghiệp của cô là để bảo vệ Hiến Pháp và công bằng cho người khác“.

 

Đó là điểm mạnh của Kamala Harris. Với kinh nghiệm và sự cứng rắn qua kinh nghiệm ngành tư pháp, bà có thể tái thiết nền tảng hệ thống tư pháp ít nhiều bị chỉ trích trong vài năm qua. Bởi khi một nền tư pháp phục vụ cho người nắm quyền, nền dân chủ bị lung lay, hiến pháp bị tấn công và tạo cơ hội cho sự lạm quyền cùng sự độc tài lên ngôi. Những điều này sẽ không tồn tại nếu không được sự dung túng, hậu thuẫn của cơ chế, đặc biệt với ngành tư pháp đòi hỏi sự độc lập, công minh và thượng tôn pháp luật.

 

Chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, nhìn nhận về liên danh Biden-Harris ra sao tùy thuộc vào sự ủng hộ đảng phái của các cử tri, cũng như ai sẽ thắng cử và nước Mỹ đi về đâu, chưa có câu trả lời chắc chắn. Bất cứ nội các nào nhận lãnh trách nhiệm nặng nề để vực dậy nước Mỹ thời hậu Covid-19 cũng sẽ là một thách đố to lớn với tình trạng của nước Mỹ hiện nay về mọi mặt.

 

Dù thế nào thì một điều cần nhìn nhận là sự thành công của chị em nhà Harris là một câu chuyện tiêu biểu của một gia đình di dân thiểu số, nhờ vào một nước Mỹ bao dung và mở rộng cơ hội, sự bình đẳng đến mọi màu da, sắc tộc mới có được ngày hôm nay.

 

Họ tin rằng sự tranh đấu và dự phần của mình là để tái lập một nước Mỹ vĩ đại mà họ đã từng được sinh ra và lớn lên. Được khao khát mang lại cơ hội và sự bình đẳng cho những người khác. Nên việc chọn lựa Kamala Harris vào liên danh tranh cử tổng thống của Phó Tổng Thống Joe Biden xem như một thông điệp lạc quan và hy vọng cho phụ nữ, cho các sắc dân thiểu số và cho những người di dân.

 

Bởi trong khi khắp thế giới đã có hàng chục nguyên thủ quốc gia từ khá lâu thì ngay tại một quốc gia được xem là đứng đầu thế giới như Hoa Kỳ, một đương kim tổng thống như Donald Trump lại tuyên bố thẳng thừng rằng, quyết định chọn lựa một phụ nữ  đứng vào liên danh tranh cử của Joe Biden là “sỉ nhục đàn ông“. Chọn một phụ nữ trở thành lãnh đạo quốc gia là điều sỉ nhục? Có lẽ ông đã chưa kịp nói thêm rằng, người phụ nữ da màu thiểu số lại càng là điều không thể chấp nhận với những người da trắng như Trump.

 

Nó đã cho thấy một sự kỳ thị công khai trong xã hội mà vì lý do nào đó, nhiều người đã tin rằng không tồn tại. Một Barack Obama trở thành tổng thống không có nghĩa là xã hội đã hết việc kỳ thị người da màu, điều vẫn đang xảy ra nhan nhản hàng ngày. Một Kamala Harris có cơ hội trở thành phó tổng thống không hề xóa bỏ việc xem thường nữ giới. Phát biểu công khai của tổng thống Donald Trump đã chứng minh cho điều này.

 

Không chỉ quyết định cho chính mình trong giai đoạn quan trọng và thách đố này mà sẽ cho cả các thế hệ kế tiếp trong tương lai, khi liệu con cháu của những sắc dân thiểu số da màu sẽ có được những cơ hội như chị em nhà Harris đã từng có hay không? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào lá phiếu cùng sự chọn lựa đầy cân nhắc của các cử tri.

 

 

 

 


No comments: