Thứ Sáu, 08/07/2020 -
17:47 — canhco
https://www.rfavietnam.com/node/6422
Khi dịch Covid-19 bùng
phát đợt hai tại Đà Nẵng cả nước chừng như đồng loạt lo sợ dịch cúm lần này sẽ
gây hậu quả nghiêm trọng cho cả nước vì sự lây lan nhanh và rộng khắp. Các bệnh
viện gấp rút chuẩn bị nhân lực cũng như biện pháp khi dịch bệnh tấn công vào
lúc cao trào.
Người dân chấp nhận mọi
biện pháp nhà nước đưa ra một cách tự nguyện như mang khẩu trang, không tụ tập
đông người, chấp nhận cách ly khi có dấu hiệu nhiễm bệnh…mọi nỗ lực ấy giúp cho
nhà nước yên tâm chống dịch mặc dù đời sống của người dân rất bấp bênh và
khó khăn từ sinh hoạt thường nhật tới kinh tế gia đình, tất cả đang đối mặt với
cuộc khủng hoảng thật sự sắp xảy ra nếu tình hình dịch bệnh không khả quan hơn
trong thời gian tới.
Vài ngày sau khi Đà Nẵng
tuyên bố cách ly một bức ảnh gây xúc động cả mạng xã hội ghi lại hình ảnh của một
nhóm bác sĩ lặng lẽ ra tuyến đầu chống dịch. Tấm
ảnh được chụp từ sau lưng các bác sĩ mặc quần áo cách ly y tế, lầm
lũi ra đi không có bất cứ một lời lẽ hoa mỹ nào chào đón hay tiễn đưa họ ngay cả
những tấm biểu ngữ, cờ hay hoa đều vắng bóng. Một chút gì đó ngậm ngùi cho những
con người này. Đây có lẽ là bức ảnh báo chí đẹp và ý nghĩa nhất trong mùa dịch
Covid-19 tại Việt Nam.
Vài ngày sau một tấm ảnh khác cũng
xuất hiện trên báo chí. Lần này tấm ảnh chụp trực diện nhân vật và hoàn cảnh của
nó trong lúc dịch bệnh tràn lan: Ông Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ hãnh
diện dẫm lên tấm thảm đỏ hai bên là dàn chào ông với những nụ cười cầu tài. Điều
đáng chú ý không ai trong bức ảnh mang khẩu trang kể cả ông Vương Đình Huệ.
Hai bức ảnh cho người ta
thấy những vấn đề đã và đang diễn ra liên lỉ chưa bao giờ thay đổi tại Việt Nam
nơi có những câu tuyên truyền có cánh về liên hệ hỗ tương giữa chính phủ và người
dân.
Bức ảnh thứ nhất miêu tả
sự chịu đựng vô giới hạn của y giới, nhất là những y bác sĩ có liên quan trực
tiếp tới dịch bệnh. Bác sĩ tuy được xem là tinh hoa của xã hội nhưng tại Việt
Nam nếu bác sĩ ấy không phải là đảng viên thì mọi chỉ đạo của nhà nước họ buộc
phải thi hành bất kể có công bằng hay không. Tuy nhiên không hiếm các bác sĩ vẫn
còn tôn trọng lời thề Hippocrates khi mang tấm áo màu trắng để phục vụ xã hội,
lúc ấy bất kể bị lợi dụng hay không họ sẽ mang tính mạng mình ra để cứu giúp
người khác.
Bức ảnh thứ hai phản ánh
lại tư duy vua chúa của lãnh đạo, không loại trừ cấp lãnh đạo nào từ cấp nhỏ nhất.
Họ cho phép mình được ngoại lệ và tận hưởng cung cách của một ông vua theo vị
trí của họ nắm giữ. Trong bức ảnh Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ có nét mặt
không kìm được sự phấn khích khi bước đi trên tấm thảm đỏ rực và không thể nén
nụ cười thỏa mãn, nụ cười của kẻ chiến thắng. Nhưng trong bức ảnh này sự phản cảm
nhất chưa phải là tấm thảm đỏ mà là việc không mang khẩu trang như chính thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu. Thói kiêu ngạo cộng sản làm cho ông Huệ bất cần tuân
giữ kỷ luật vì ông biết không ai có thể phạt hay kiểm điểm ông ngay cả dịch khi
bệnh có lan rộng vì một trong các đồng chí chung quanh ông nhiễm bệnh vì không
mang khẩu trang.
Phía sau bức ảnh thứ nhất
là sự chịu đựng của dân chúng thông qua hình ảnh của các bác sĩ. Sự chịu đựng
quen thuộc đến nỗi không ai nghĩ các bác sĩ ấy là bản sao của chính mình và người
ta xúc động vì hình ảnh này mà không cảm thấy đấy chính là sự xúc động tiềm thức
nảy sinh khi một hình ảnh nào đó giống mình xảy ra trong đời thật.
Phía sau bức ảnh thứ hai
là sự vô trách nhiệm của Đảng cầm quyền. Vô trách nhiệm trong tất cả mọi mặt từ
kinh tế tới giáo dục, từ xã hội tới văn hóa và nhất là luật pháp. Hành động
của Vương Đình Huệ là đỉnh cao của sự vô trách nhiệm trước dịch bệnh, mà dịch bệnh
là sinh mạng người dân. Ông Huệ ý thức được rằng không mang khẩu trang là đi
ngược lại với chủ trương chính sách của nhà nước nhưng chiếc thảm đỏ dưới chân
khiến ông mất trí. Không những mất trí ông ta còn mất luôn sự tôn trọng vào đảng
của ông ta đang phục vụ.
Cả hai bức ảnh cùng nói
lên hiện trạng của đất nước hôm nay, nó phô bày sự bất bình đẳng giữa dân chúng
và nhà cầm quyền. Nó cho thấy sự khinh thường dân chúng của lãnh đạo và sự cam
chịu của nhân dân.
Bức ảnh thứ nhất phô bày
những tấm lưng của các bác sĩ ra tuyến đầu chống dịch. Bức ảnh thứ hai phô bày
nụ cười rạng rỡ của ông Huệ và các đồng chí của ông trong tuyến đầu lan truyền
dịch bệnh.
Những tấm lưng chịu đựng ấy
không ai biết nhưng nụ cười của ông Bí thư thành ủy Hà Nội thì người dân sẽ biết
và tuy ngấm ngầm nhưng chúng có khả năng làm tiêu mòn sự sợ hãi trong lòng họ.
Khi sợ hãi không còn thì những nụ cười trơ trẽn như của ông Huệ mặc nhiên sẽ biến
mất.
Và khi lãnh đạo cộng sản
không thể cười được nữa chính là lúc người dân không còn xoay lưng trước những
tấm ảnh của chính họ.
No comments:
Post a Comment