https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/3848127911868090
(Tiểu thuyết dài kỳ. Kỳ
này phỏng tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao, kể chuyện giáo Thứ thời thực dân. Vừa
ngôn tình vừa thế thái nhân tình. Không liên quan đến thời sự. Các bạn bình vui
vẻ, không lôi bất cứ chuyện thời sự nào vào đây. Vui để chống dịch là chính!)
***
Chiều nay độ bốn giờ rưỡi.
Giáo Thứ ngồi trên ban công nhìn về phía Tây thủ đô. Mặt trời đỏ ối màu huyết
và chìm vào trong mây xám xịt rồi lại ló ra đỏ ối. Chị giáo chỉ nhìn loáng qua
rồi quay về cái nhà công vụ mình ở đã 20 năm nay.
Chị dụi mắt mấy lần. Nước
mắt giàn giụa. Có thể vì mặt trời chói mắt, cũng có thể vì chị tiếc thương ngôi
nhà sẽ mất. Bọn thù địch ồn ào lên mắng chửi chị tham. Có đứa từng là cấp dưới
của mình còn điện thoại xỏ xiên về sự hy sinh của cả nhà chị. Cơ chừng này chị
phải trả nhà thôi. Mất đứt cả trăm tỷ chứ chẳng chơi…
Giáo Thứ nghĩ đời chị như
con ngựa già leo hết ghế này đến ghế khác. Biết mình có ngày sẽ kiệt sức nhưng
chị vẫn phải leo. Có lộn lèo cũng phải leo. Leo cho chồng chị, cho con chị, và
leo cho dân. Mà ghế của chị đắt tiền chứ có phải ghế người ta cho không đâu?
Thói thường rời ghế thấp
lên ghế cao, người ta phải bán lại ghế thấp cho người khác. Riêng ghế của chị
thì nhường cho em gái, không lấy một xu. Chồng chị cũng vậy. Làm vua cả một
vùng rộng lớn, chồng chị toàn dùng ghế làm của thừa kế cho anh em, dâu rể, con
cái chứ chẳng thèm mua bán gì cả. Ai nói nhà chị tham là không có não, không có
lòng.
Bao nhiêu năm ra thủ đô,
chị đã hy sinh thân gái dặm trường, được mỗi cái nhà công vụ làm của thừa kế
cho con trai mà quân thù địch cũng không để yên. Chị ngồi khóc hu hu. Con ơi,
con lại phải hy sinh như mẹ rồi. Đời mẹ toàn uống nước ngọt mà đời con thì phải
uống bia phạt. Thôi thì vàng đang giá cao, mẹ sẽ bán một ít mua cho con căn nhà
khác to hơn, đẹp hơn.
Nghĩ đến đó thì giáo Thứ
nhớ lại cuộc điện thoại chiều nay bên quản lý nhà công vụ. “Chị giáo phải
không ạ? Chúng tôi cũng muốn chị sở hữu luôn căn hộ chị đang ở. Nhưng tình hình
này thì phức tạp quá. Thôi thì của thiên trả địa đi chị nhé“.
Câu đầu còn nghe được. Đến
câu thứ hai thì hơi bị sốc óc. Thiên địa nào ở đây? Chị hỏi: “Nhưng những
trường hợp khác thì sao? Người thì được hóa giá, người thì chiếm luôn, có đòi
được không?”
Bên đầu dây kia nói: “Chúng
tôi sẽ đòi hết. Nhưng chị là nhà giáo, chị làm gương trước mới phải. Chị đã hy
sinh chừng ấy thì bây giờ hy sinh lần nữa nhé!“.
Chị tức giận hết cỡ. Thằng
này lại định rủa mình chết đây. Nhưng chị lại cố nén cơn tức giận: “Nhưng
cho tôi hóa giá hay thuê lại vài mươi năm nữa được không?”
Bên đầu dây kia lên giọng
rất dứt khoát: “Luật bây giờ không cho phép chị ạ. Phải trả cho người khác.
Hiện có rất nhiều người mới được bổ nhiệm lên thủ đô nhưng chưa có chỗ sắp xếp
nhà công vụ cho họ“.
Nghe cái giọng đó thì chị
bật khóc. Hết cách rồi sao? Chị nhớ lại cái ngày chị lên thủ đô chân ướt chân
ráo, chị được giao cho cái căn hộ này. Nhìn nó thô kệch vì xây dối, chị phải bỏ
ra cả cục tiền sơn sửa, trang trí lại. Ghế nào nhà nấy. Khi còn ngồi ghế thấp
chị đã được ở nhà cao, lẽ nào bây giờ chị ngồi ghế cao lại phải ở nhà thấp?
Nghĩ vậy, chị đã cơi nới
ra cao hơn, rộng hơn. Có vậy thì sự nghiệp của chị mới tiếp tục thăng tiến. Mà
đúng vậy thật. Chỉ vài năm sau chị không cần đi học mà chị cũng có bằng thạc
sĩ, rồi tiến sĩ. Tiền cứ vô ào ào như vỡ ống nước sông Đà. Ngày chị đi công vụ,
tối về mở phong bì đếm tiền. Bây giờ mà trả lại thì… còn hy sinh nào to lớn
hơn?
Giáo Thứ quyết định nhấc
máy gọi bên quản lý nhà: “Nhà tôi đang yên đang lành, bên các anh tự nhiên
giở chứng đòi nhà. Vì tự trọng, tôi sẽ trả, nhưng bên đó giải quyết thế nào?”
Bên kia, người quản lý rất
nhã nhặn, nhưng cũng rất cương quyết: “Hoan nghênh tinh thần hy sinh của chị.
Dứt khoát là chị phải trả nhà rồi. Nhưng ý chị là giải quyết cái gì?”
Chị đi thẳng vào vấn đề
luôn: “Giải quyết số tiền tôi bỏ ra cơi nới căn nhà. Và cả số tiền tôi đã
trông giữ nó 20 năm nay!”
Bên quản lý nhà hỏi: “Chị
tự cơi nới ra là bất hợp pháp. Hai mươi năm cho chị ở miễn phí, lẽ ra chị phải
trả tiền thuê, lẽ nào có chuyện ngược đời là chúng tôi phải trả tiền trông nhà
cho chị?”
Chị cúp máy và tức đến khạc
nhổ ra sàn một bãi nước bọt to tướng. Chị bắt máy gọi về cơ quan cũ cầu cứu.
Nhưng tất cả đều lắc đầu. Đúng là chúng nó coi mình như con ngựa già thật rồi.
Chị soi gương thấy mình tóc bạc da mồi.
Chị bước đến cái ghế mà
ngày nghỉ hưu chị xin được mang về làm chỗ dựa lưng. Chị giáo yêu biết bao cái
ghế này, nơi chị chập chững vó ngựa đầu tiên, nơi phong bì phong bao và những lời
ngợi ca đã thắm hồng da dẻ chị.
Từ ngày nghỉ hưu, chị ngồi
trên ghế này nhìn qua ban công thấy xa xa núi Ba Vì xanh lam chấp chới những
cánh cò. Bây giờ chị cũng ngồi vào đó nhưng chỉ nhìn ánh mặt trời đỏ ối màu máu
và nhìn qua tấm gương thấy mình như cái con khỉ ngồi ngai vàng.
Chị đau đớn lắm. Chi nhớ
lại ngày chị từ tỉnh lẻ nhoi lên ghế cao trên thủ đô hoa lệ này, bao nhiêu đứa
theo chị nịnh hót. Chị không đẹp nhưng đứa nào cũng khen chị đẹp. Chị béo lùn
nhưng đứa nào cũng khen chị chân dài. Chị ăn nói bộc trực như gái karaoke nhưng
đứa nào cũng khen chị dịu dàng, đoan trang. Bây giờ thì… quân khốn nạn!
Đúng lúc đó có tiếng điện
thoại reo. Chị nhấc máy. Bên kia xưng là người quản lý nhà công vụ, giọng rất tử
tế: “Chị giáo ơi. Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần hy sinh của chị. Chị
tự giác trả nhà là tốt rồi, vừa giữ thanh danh cho nhà chị, vừa trấn an dư luận.
Để đẹp lòng cả đôi bên, chúng tôi vừa thống nhất sẽ bồi hoàn số tiền mà chị đã
bỏ ra sửa chữa căn nhà. Cả tiền chị trông nhà cũng bồi cho chị luôn. Số tiền ấy
do chị quyết định, nhưng chị phải chi phí một ít cho chúng em làm thủ tục. Mai
chúng em sẽ cho người đến làm thủ tục chị nhé!”
Được lời như cởi tấm
lòng. Chị thấy mình trẻ lại như con ngựa sung sức sẽ tiếp tục chạy đường dài.
Chị hết leo ghế nổi thì chị bế con chị tiếp tục leo. Tối hôm đó chị giáo bàn với
đứa con trai kê khai lên số tiền hơn cả trăm tỷ, đủ mua một căn nhà mới. Thôi
thì cứ lại quả phần trăm cho bên quản lý nhà để đôi bên cùng vui vẻ.
Mình phải hy sinh cho dân
nhờ, con ạ. Chị giáo Thứ nói với con trai đầy tình yêu thương và cao thượng như
vậy.
No comments:
Post a Comment