Monday, August 17, 2020

ÁN OAN HỒ DUY HẢI (Trịnh Kim Tiến)

 


 

ÁN OAN HỒ DUY HẢI

Trịnh Kim Tiến

08:57  17/08/2020   

https://www.facebook.com/trinhkimkim/posts/3440079469345596

 

Ai trong đời cũng ít nhất phải một lần chịu oan. Bạn còn nhớ chúng ta của những ngày thơ bé? Khi đôi lần bị người lớn rầy la, những việc mà ta không hề làm sai. Khi lớn lên đi làm, bạn bực tức bởi sếp trách cứ những lỗi không thuộc về bạn. Trong gia đình, những mối quan hệ xã hội, không ít lần bạn ấm ức vì những suy nghĩ sai lệch của người khác về mình.

 

Bị oan là một điều gì đó rất là khó chịu. Chúng ta rất khó để chấp nhận mình bị oan nhưng lại có thể rất vô tình khi nhìn người khác chịu oan khuất.

 

Bài viết này, tôi muốn bạn nhìn vào sự thật, có thể sẽ rất khác cái cách mà bạn đang nhìn vào sự thật trong một vụ án mà tôi cho rằng đó là án oan.

 

Bạn hãy đọc những gì tôi viết nhưng đừng tin vào những điều đó ngay, mà hãy dùng tư duy để phân tích xem điều đó là đúng hay sai, hãy bỏ thời gian ra tìm hiểu sự việc nếu bạn cảm thấy cần lên tiếng để những nỗi oan được phần ủi an.

 

Vụ án mà tôi đang đề cập đến đã quá nhiều người viết về nó, đào sâu nó và giúp đỡ thân nhân của người bị hàm oan trong nhiều năm. Những điều mà tôi đưa ra là những gì mà các anh chị đã phân tích, chia sẻ trước đó. Tôi chỉ muốn viết lại theo cách của mình với mong muốn tiếp lửa cho ngọn đèn đừng vuột tắt. Vụ án đó là vụ án về người tử tù Hồ Duy Hải. Anh mang trên người bản án giết người nhiều năm qua.

 

Trước tất cả những dữ liệu mà tôi được đọc, nôm na là thông tin cứng và những gì trực giác mách bảo khi nhìn vào đôi mắt khát khao công lý của người mẹ già thương con, nhớ về những điều mà tôi đã từng trải qua khi đối diện với lạm quyền, tôi khẳng định người tử tù ấy đang bị ghép cho cái tội mà mình không hề gây ra và anh sẽ bị tước đoạt mạng sống của mình cho tội lỗi của kẻ khác nếu không đủ tiếng nói lương tri.

 

Chúng ta thường tò mò khi thấy người khác kêu oan, nhưng cũng thường lướt qua thông tin rất nhanh khi biết sơ sơ chuyện là thế. Tôi viết dài và lan man nhưng thực mong những người bạn xưa nay ít quan tâm xã hội của tôi trên Facebook sẽ đọc được.

 

Cách đây 12 năm, Hồ Duy Hải chỉ vừa tốt nghiệp cao đẳng. Sau những đêm dài tra tấn anh biến thành kẻ sát nhân 2 mạng người.

 

– Vào rạng sáng ngày 14/01/2009, khoảng hơn 7h người ta phát hiện xác của hai cô gái là Nguyễn Thị Thu Vân và Nguyễn Thị Ánh Hồng tại bưu cục Cầu Voi.

 

– Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng xác nhận có 4 nghi phạm, báo chí ngày đó có đăng tin về một người tên Nguyễn Văn Nghị (28 tuổi) là bạn trai của cô Ánh Hồng có mặt tại hiện trường. Sau này người này bị đổi thành Nguyễn Hữu Nghị, rồi Nghị cũng biến mất không dấu vết trong tất cả các hồ sơ vụ án và cả trong hộ khẩu.

 

– Sau 67 ngày, khi Hải đang ở Sài Gòn thăm ba, cơ quan điều tra nhắn miệng qua dì Út, cho Hồ Duy Hải về gặp để hỏi một số chuyện liên quan cá độ, nhưng mảy may đề cập gì đến vụ án giết người xảy ra hơn 2 tháng trước. Hải vốn mê cá độ bóng đá.

 

– Hải vô tư từ Sài Gòn về Long An “làm việc”. Điều tra viên không hỏi gì về việc cá độ mà “quần” Hải làm việc về cái chết của 2 cô gái ở bưu cục. Cuối ngày họ cho về rồi hôm sau dì Hải lại chở lên. Sau đó Hải bị ép nhận tội giết người cướp của.

 

– Cả một tháng trời, gia đình Hải bị tra tấn tinh thần bởi cái gọi là khám xét điều tra, họ lục tung ba tấc đất trong nhà. Trong phiên xử phúc thẩm, gia đình bị “lừa” một kiểu lừa rỉ tai quen thuộc, rằng vụ án sẽ được lật lại vì quá nhiều bằng chứng, chứng minh Hải không thể gây ra án mạng, họ im lặng không tranh cãi nhiều trong phiên xử và Toà y án.

Những điều trên không là gì so với những sai phạm tố tụng trong khi điều tra, những mâu thuẫn trước và sau của nhân chứng.

 

– Chiếc thớt và con dao, tang vật của vụ án được mua mới ngoài chợ. Lý do là dân phòng không biết nó là tang vật. Nhưng hình ảnh của chiếc thớt đầy máu cùng hiện trường vụ án “vô tình” đã được ai đó lộ ra. Chiếc ghế trong vụ án cũng không phải là chiếc ghế xếp như trong cáo trạng mà là chiếc ghế Hoà Phát.

 

– Có rất nhiều dấu vân tay tại hiện trường, không xác định được dấu vân tay của Hải nhưng Hải trở thành hung thủ bởi vì Hải đã “rửa tay” sau khi gây án.

 

– Rất nhiều bút lục chứng minh Hải khó có thể là hung thủ đã được giấu nhẹm trước Toà cho đến khi có “ai đó” tung ra.

 

– Cơ quan điều tra “buộc” hai nữ nạn nhân phải chết trước 9h, vào khoảng 8h – 8h30 tối vì chết sau 9h, tất cả các nghi can của vụ án đều không ai có bằng chứng ngoại phạm. Mà nếu không có bằng chứng ngoại phạm như nhau thì ai cũng đều có thể là hung thủ. Trong khi đó lời khai của chị Nguyễn Thị Bích Ngân bán trái cây và chồng chị, anh Nguyễn Thanh Long làm việc tại cây xăng thì khoảng 9h Vân vẫn còn ghé nhà mua trái cây bằng tiền của bạn trai Hồng.

 

– Các nhân chứng đồng loạt khai khác, mơ hồ hơn hoặc quá chắc chắn so với bản lời khai ban đầu lúc xảy ra vụ án, cụ thể:

 

+ Nhân chứng Hồ Văn Bình khai ngày 20/01/2008 (bút lục 137, 138), ngày 13/01/2008, lúc 19h15’ anh đến Bưu điện Cầu Voi để gửi xe máy thấy một thanh niên ngồi trong Bưu cục nói chuyện với nạn nhân Hồng và ở sân Bưu cục có 1 xe máy (ngoài xe anh), đến khoảng 19h30’ anh quay lại lấy xe vẫn thấy thanh niên và xe máy này. Sau 8 ngày anh được lấy lời khai lại và các mốc thời gian không còn hiển thị rõ. Cơ quan điều tra sử dụng bản khai không rõ ràng về thời gian của anh để buộc tội Hải trước toà.

 

Theo như lời khai đầu tiên của anh Bình thì Hải không thể là người thanh niên có mặt tại bưu cục lúc đó. Vì khoảng 7h15 Hải còn đang ở tiệm cầm đồ cách đó 8 km để thử máy và cầm điện thoại lấy tiền trả cho bạn cá độ là Võ Lộc Đang, lúc này có nhận điện của Đang. Sau đó Hải còn phải mang tiền đi trả Đang. Và trước khi đến chỗ Đang thì Hải phải về nhà đổi xe cho phù hợp với những “tố tụng” của cơ quan công an (chi tiết này sẽ giải thích sau), như vậy Hải không thể có mặt tại hiện trường lúc 7h30 như cơ quan điều tra cố ép.

 

+ Nhân chứng Đinh Vũ Thường khai có tới Bưu điện Cầu Voi và gọi điện từ máy điện thoại của bưu điện này vào lúc 19 giờ 39 phút. Đinh Vũ Thường là nhân chứng duy nhất mà lời khai dùng làm căn cứ kết tội Hồ Duy Hải. Đinh Vũ Thường và Hồ Duy Hải không quen biết nhau.

 

Trong bản cáo trạng viết “Nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện” lúc 19 giờ 39 phút. Nhưng trong biên bản ghi lời khai ngày 31/3/2008 (bút lục 250, 251, sau khi Hải bị bắt), Đinh Vũ Thường chỉ khai “nhìn thấy một thanh niên, và không thể nhận diện được”, và “nhìn thấy chiếc xe máy Dream” nhưng không nhìn thấy biển số xe. Hải đi xe Wave không có Dream. Và việc giải thích Hải chạy từ tiệm cầm đồ về nhà đổi xe của dì của điều tra cho khớp với lời khai của nhân chứng Thường rất mâu thuẫn với mốc thời gian của nhân chứng Hồ Văn Bình.

 

– Tất cả những bạn cùng chơi cá độ với Hải, những người có thể chứng minh Hải có chứng cứ ngoại phạm đều bị bỏ tù về tội cờ bạc. Người quan trọng nhất là Võ Lộc Đang, người làm chứng Hải không thể có mặt ở bưu cục trong khoảng thời gian 7h30 bị giam cho đến khi Hải có án và sau đó cũng biệt tích.

 

Thật sự đây là một vụ án quá mức đáng sợ, đáng sợ không phải vì cách giết người đầy man rợ và sát quyết của hung thủ, mà đáng sợ vì cách vẽ án cho người vô tội của cơ quan điều tra Long An.

 

Nếu không có người mẹ, người dì và người em đầy can đảm và tình thương thì Hải đã trong nấm mồ xanh cỏ với nỗi oan không thể tỏ cùng ai.

 

Năm 2014, trước áp lực của dư luận, sự đồng hành của một số người bất đồng chính kiến, Hải đã được hoãn thi hành án tử. Vì vậy, nếu nghĩ rằng đám đông không có tiếng nói công lý là một suy nghĩ vô cùng tai hại.

 

Nhưng điều đó là không đủ để cho Hải được tự do, Hải cần nhiều hơn nữa những sự quan tâm và kêu cầu cứu mạng của những người căm ghét oan khiên.

 

Khi Giám đốc thẩm được chấp thuận, phiên tòa ấy mở ra tia hy vọng cho không biết bao nhiêu con người, những dân thường còn ngóng trông công lý. Thì cái kết dập khuôn tạo ra sự bất mãn trong lòng dân bấy nhiêu lần.

 

Có lẽ người ta sợ rằng cái kết có hậu sẽ ảnh hưởng đến những tranh đấu sắp tới của họ. Nhưng họ quên mất rằng đám đông dư luận trước một sự công chính có thể là bàn đạp tốt nhất cho họ trên con đường chính trị.

 

16 BÌNH LUẬN

 

 

 

 

 

 


No comments: