Đằng-Giao/Người
Việt
June 19, 2020
WESTMINSTER, California (NV) – Sáng 19 Tháng Sáu, trước khi bắt đầu cuộc
diễn hành vinh danh ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) lần thứ 55, nói với
phóng viên nhật báo Người Việt, bà Hồ Ngọc Duyên, cư dân Westminster, khẳng định:
“Ngày Quân Lực VNCH là
‘căn cước’ của những người tị nạn gốc Việt.”
“Tôi không thể nào quên được ngày 19 Tháng Sáu,
1998. Ngày này 22 năm trước khi tôi được dự lễ tưởng niệm Ngày Quân Lực đầu
tiên sau 1975. Hôm ấy tôi ôm đứa con gái đầu lòng mà khóc ngất khi thấy những bộ
quân phục gợi nhớ một quá khứ hào hùng của người chồng đã nằm xuống cho quê
hương năm 1974,” bà nói.
Lau nước mắt, bà tiếp: “Từ
1998 đến nay, năm nào cũng vậy, cứ ăn Tết xong là tôi chờ làm lễ Quốc Hận 30
Tháng Tư, rồi chờ Ngày Quân Lực. Bên này, lớn tuổi rồi, chỉ còn những ngày trọng
đại này để nhớ rằng mình là ai và vì sao mình lại lênh đênh đến xứ này.”
Bà cho biết bà đến khu
Bolsa Mini Mall, Westminster, từ sáng sớm Thứ Sáu để cùng diễn hành vinh danh
Ngày Quân Lực VNCH lần thứ 55.
Tự hào về màu cờ, sắc áo của
Quân Lực VNCH
Chưa đến 9 giờ rưỡi mà
nhiều người trong những bộ quân phục thuộc nhiều binh chủng Quân Lực VNCH đã tụ
tập quanh năm chiếc xe Jeep gắn cờ Việt, Mỹ trong khu Bolsa Mini Mall để trò
chuyện thăm hỏi nhau trước khi bắt đầu cuộc diễn hành.
Theo dự dịnh, cuộc diễn
hành bắt đầu lúc 10 giờ rưỡi.
Hồi kèn truy điệu
bi hùng tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, vào sáng Ngày Quân Lực
VNCH 19 Tháng Sáu, 2020. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Ông Lê Hưng, cựu Trung Tá
Hải Quân Hoa Kỳ kiêm cựu Thiếu Úy Không Quân VNCH, nói: “Dù đã mặc quân phục
Hoa Kỳ nhưng tôi cảm thấy hãnh diện hơn khi từng được là một quân nhân binh chủng
Không Quân Quân Lực VNCH.”
Ông nghĩ rằng hôm nay là
ngày để ghi ơn những chiến hữu đã hy sinh cho tổ quốc. “Tôi cũng không bao giờ
quên ơn những chiến hữu ấy đã để lại những trang sử hào hùng và những hình ảnh
kiêu hùng cho con cháu chúng ta,” ông tiếp. “Quân đội VNCH là một quân đội chưa
hề bại trận.”
Ông tin rằng Cộng Sản Việt
Nam đã đầu hàng Quân Lực VNCH năm 1972.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/06/DP-Ngay-Quan-Luc-little-saigon-2-1536x1152.jpg
Ông Phạm Công tặng
ông Triệu Phát món quà lưu niệm nho nhỏ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
“Sau khi pháo đài bay B-52 dồn dập oanh tạc Hà Nội
năm 1972, ông Lê Duẩn đã viết thư đầu hàng vô điều kiện rồi nhưng ông Henry
Kissinger, bộ trưởng Ngoại Giao, đã giấu bức thư ấy, không chuyển cho Tổng Thống
Richard Nixon,” ông nói. “Người Mỹ không muốn thắng trận ở
Việt Nam mà chỉ muốn Bắc Việt trở lại đàm phán ở Paris mà thôi.”
“Sau này, lái máy bay cho Hoa Kỳ làm việc nhiều nơi,
tôi thấy rất nhiều ngưới trên thế giới nể phục quân đội VNCH của mình,” ông thêm.
Nhiều người có mặt cũng
như ông Hưng, cùng có niềm tự hào về màu cờ, sắc áo của Quân Lực VNCH.
Ông Nguyễn Viết Hợp, cư
dân Garden Grove, nói: “Tôi rất hãnh diện vì từng là Thượng Sĩ Hiến Binh trước
khi chuyển sang Quân Cảnh.”
Bằng giọng nghiêm nghị,
ông dõng dạc tuyên bố: “Tới bây giờ, tôi vẫn là một quân nhân trong Quân Lực
VNCH vì tôi chưa hề nhận giấy giải ngũ bao giờ.”
“Hôm nay tôi rất vui vì hình ảnh bất khuất hào hùng
của những chiến sĩ Quân Lực VNCH vẫn chưa phai mờ trong lòng người gốc Việt sau
bao nhiêu năm lưu lạc,” ông
chia sẻ.
Trong bộ quân phục chỉnh
tề, ông Nguyễn Thanh Long, ở Santa Ana, hăng hái nói: “Tôi chưa được phục vụ
trong quân đội hồi trước 1975. Tôi chỉ là một hậu duệ thôi. Tôi muốn vinh danh
ngày Quân Lực VNCH để tưởng niệm cha tôi, một người lính Địa Phương Quân đã tử
trận năm 1968.”
“Tôi muốn vinh danh tất cả những gì thuộc Quân Lực
VNCH vì đó là những người lính xứng đáng,” ông thêm.
Trước Bia Tưởng Niệm
Chiến Sĩ Quân Lực VNCH. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Trong cuộc diễn hành này
cũng có những người có tâm trạng buồn vui lẫn lộn.
Ông Nguyễn Thành Trạng, cựu
Trung Úy Hải Quân, cho biết ông không thể nào quên được niềm vui được dự ngày
Quân Lực VNCH năm thứ nhất.
Ông kể: “Ngày 11 Tháng
Năm, 1965, quân đội VNCH nhận trọng trách điều hành đất nước rồi ngày 19 Tháng
Sáu mới ra mắt trước toàn dân. Lúc đó, tôi còn là học sinh nhưng cảm thấy rất
hãnh diện vì quân đội mình. Tôi nhớ, trong đoàn diễn hành có con voi và đã làm
tôi rất có ấn tượng.”
Niềm hãnh diện ấy, ông vẫn
giữ trong lòng suốt bao năm, nhưng năm nay, ông cảm thấy nỗi buồn cắn xé trong
lòng. “Tôi buồn vì mình không được làm lễ kỷ niệm ngày Quân Lực VNCH trên
quê hương mình mà phải làm thân lưu vong,” ông thố lộ. “Buồn hơn nữa khi
mình không thua Việt Cộng.”
Ông thêm: “Bao nhiêu
chiến hữu của tôi đã nằm xuống cho quê hương nên tôi rất buồn vì mình không có
quyền tự quyết.”
“Kết quả cuộc chiến tại Việt Nam đã được quyết định
trên chính trường Mỹ, tại Quốc Hội Mỹ,” ông Trạng tóm gọn.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/06/DP-Ngay-Quan-Luc-little-saigon-4-1536x1152.jpg
Một trong những chiếc
xe Jeep trong cuộc diễn hành. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)
Xe quân sự chạy trên đại lộ Trần
Hưng Đạo vinh danh Ngày Quân Lực
Gần đến 10 giờ rưỡi, mọi
người rối rít chuẩn bị “xuất quân.”
Đúng theo dự tính của ông
Phạm Công, chủ tịch Hội Quân Xa Việt Mỹ, năm chiếc Jeep xuất phát từ Bolsa Mini
Mall ở góc đường Bolsa và đường Bushard, quẹo phải ra đại lộ Bolsa Trần Hưng Đạo,
đi về hướng Tây, ngang qua thương xá Phước Lộc Thọ và Tượng Đài Đức Thánh Trần.
Đến đường Beach, đoàn xe
quẹo phải đi về hướng Bắc, rồi quẹo phải ở đường 13 đi vào Tượng Đài Chiến Sĩ
Việt Mỹ, trên đường All American Way.
Tại đây, phái đoàn làm lễ
tưởng niệm các chiến sĩ VNCH. Ông Công lãnh trách nhiệm điều hợp buổi lễ một
cách đơn giản nhưng đầy đủ lễ nghi chào cờ Việt, Mỹ và hồi kèn truy điệu.
Kế đến, từ đường All
American Way, đoàn xe chạy lên hướng Bắc, rồi quẹo trái ra đường Westminster, rồi
quẹo trái tại đường Beach đi về Nghĩa Trang Quân Đội trong nghĩa trang
Westminster Memorial Park.
Cũng như tại Đài Chiến Sĩ
Việt Mỹ, buổi lễ trước Bia Tưởng Niệm Chiến Sĩ QLVNCH tuy ngắn gọn nhưng rất
trang trọng với nén nhang tưởng niệm và hồi kèn truy điệu bi hùng.
Một số cư dân đã đợi từ
trước cùng bước sang cúi đầu kính cẩn.
Bà Hoàng Nguyễn Hồng Hà, ở
Garden Grove, nói: “Tôi muốn đến đây để tưởng nhớ hai người anh đi lính Bộ Binh
đã hy sinh năm 1972 tại Quảng Trị. Cả hai anh đều đậu tú tài hai rồi tình nguyện
đi lính thay vì vô đại học. Các anh là người thật sự yêu nước.”
Ông Nguyễn Quốc Văn, ở
Westminster, nhỏ nhẹ: “Tôi đợi ở đây từ sáng sớm để tỏ lòng tri ân những chiến
sĩ vô danh bảo vệ tự do cho chúng ta.”
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/06/DP-Ngay-Quan-Luc-little-saigon-5-1536x1152.jpg
Ông Triệu Phát (thứ
tư, trái) cùng phái đoàn tưởng niệm Ngày Quân Lực VNCH trước thương xá Phước Lộc
Thọ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Thương xá Phước Lộc Thọ treo cờ
Việt Nam Cộng Hòa
Sau đó, đoàn xe trở ra đại
lộ Bolsa đi về hướng Đông, và kết thúc tại thương xá Phước Lộc Thọ.
Ông Công và cả phái đoàn
cùng công nhận rằng đây là lần đầu tiên từ ngày khai trương, thương xá Phước Lộc
Thọ có treo cờ Việt Nam Cộng Hòa.
Một diễn biến bất ngờ là
ông Triệu Phát, chủ nhân thương xá, ra nhận huy chương danh dự do ông Công trao
tặng.
Trước mặt phái đoàn, ông
Công giới thiệu: “Ông Triệu Phát là một chiến hữu của chúng ta. Từ năm 1966 đến
1970, ông là Trung Sĩ đồng hóa thông dịch viên cho Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và Lực
Lượng Đặc Biệt Mỹ. Ông từng phục vụ tại Nha Trang và Quảng Trị.”
Mọi người nhiệt liệt vỗ
tay chào đón người chiến hữu mới nhất và thành công nhất của khu Little Saigon.
Chương trình tưởng niệm
ngày Quân Lực VNCH do Hội Quân Xa Việt Mỹ cùng tổ chức với Hội Cựu Quân Nhân Việt
Mỹ và Đồng Minh, theo ông Công.
Ngày Quân Lực 19 Tháng
Sáu, 1965, là ngày chính phủ quân nhân tại miền Nam Việt Nam ra mắt lần đầu
tiên trước quốc dân và quốc tế, một năm rưỡi sau khi chính quyền của Tổng Thống
Ngô Đình Diệm bị lật đổ vào ngày 2 Tháng Mười Một, 1963, cũng như chấm dứt thời
kỳ các sĩ quan cao cấp quân đội VNCH thay nhau cầm quyền. [qd]
—–
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment