Saturday, June 27, 2020

TRUMP CÓ MỘT KHOẢN VAY NỬA TỶ ĐẾN HẠN - ĐÓ CÓ THỂ LÀ MỐI XUNG ĐỘT LỢI ÍCH LỚN NHẤT CỦA ÔNG (Russ Choma - Mother Jones)




Russ Choma  -   Mother Jones
Dịch giả: Người Mỹ Gốc Việt
26/06/2020

Dù thắng hay bại trong tháng 11 này, một điều không thể thay đổi đối với Donald Trump: Trong vài năm tới, công ty của ông phải giải quyết một loạt các khoản nợ lớn.

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai theo giả thuyết, công ty của ông sẽ phải tái cấp vốn – hoặc trong một kịch bản ít có khả năng hơn, phải trả dứt các khoản vay gần nửa tỷ đô la liên quan tới một số tài sản quý giá nhất của ông, bao gồm cả Trump Tower.

Những khoản nợ này đang tới kỳ đáo hạn vào thời điểm nguy hiểm đối với Trump, những khách sạn và khu nghỉ dưỡng đã bị ảnh hưởng bởi doanh thu giảm. Và đó là trước khi đại dịch virus corona làm suy yếu ngành công nghiệp khách sạn nói chung và Tổ chức Trump nói riêng, buộc phải đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần hầu hết các khách sạn và khu nghỉ dưỡng.

Trên các mẫu công khai tài chính, Trump đã báo cáo nắm giữ 14 khoản vay trên 12 tài sản. Ít nhất sáu trong số các khoản vay đó, đại diện cho khoản nợ khoảng 479 triệu đô la, sẽ đáo hạn trong bốn năm tới. Một số được bảo đảm bởi chính Trump, có nghĩa là chủ nợ có thể chạm đến tài sản cá nhân của ông – không phải chỉ là tài sản của công ty – nếu ông không hoàn trả. Nếu ông ta còn nắm giữ tòa Bạch Ốc, việc tái cấp vốn cho các khoản nợ này có thể đẩy xung đột lợi ích lên một mức lố bịch mới. Làm thế nào công chúng có thể tin các thỏa thuận này là sòng phẳng hay liệu Trump có nhận được các điều khoản ngọt ngào từ một ngân hàng muốn được lòng tổng thống? Và đâu là điều mà những người cho vay mong muốn để đổi lại việc giúp Trump thoát khỏi tình trạng thiếu thốn tài chính?

Chủ nợ lớn nhất của Trump là ngân hàng Deutsche Bank, vào cuối thập niên 1990 đã đánh cược vào nhà phát triển bất động sản có lịch sử phá sản doanh nghiệp vốn đã khiến hầu hết các nhà cho vay khác không dám đụng tới. Mặc dù Trump và ngân hàng có trụ sở tại Frankfurt này từng thực hiện một số giao dịch có lời, cuối cùng bộ phận cho vay thương mại Deutsche đã học được một cách khó khăn về lý do tại sao các ngân hàng khác coi ông là kẻ đáng tránh: Nếu bị các chủ nợ của mình thúc ép việc chi trả, Trump sẽ phản đòn. Năm 2008, sau khi không trả được khoản vay cho công trình xây cất căn hộ và khách sạn ở Chicago, ông đã nộp đơn kiện trị giá hàng tỷ đô la, cáo buộc Deutsche Bank và những người khác đã góp phần vào cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, mà ông đổ lỗi cho việc ông không thể trả được khoản vay.

Tuy nhiên, một bộ phận ngân hàng của Deutsche, chuyên phục vụ cho các khách hàng giàu có, tiếp tục cho Trump vay 125 triệu đô la, trên hai khoản vay, để tài trợ cho việc mua và cải tạo khu nghỉ dưỡng có sân gôn Doral của ông vào năm 2012. Cả hai đều là các khoản vay lãi suất thả nổi, nghĩa là lãi suất dao động dựa trên các điều kiện thị trường, mà các chuyên gia cho vay nói rằng chúng thường là các khoản vay chỉ có trả lãi (interest-only), không trả nợ gốc. Nếu vậy, Trump có thể đã chẳng trả được bao nhiêu vào vốn vay và sẽ nợ một khoản gần 125 triệu đô la khi các khoản vay đến hạn vào năm 2023.

Năm 2014, Trump đã rút một khoản vay thả nổi khác từ ngân hàng Deutsche để tài trợ cho việc phát triển khách sạn sang trọng của mình ở Washington, DC. Số dư của khoản nợ 170 triệu đô la này phải trả vào năm 2024. Năm đó, Trump cũng sẽ nợ Deutsche từ 25 triệu đến 50 triệu đô la liên quan đến khách sạn và khu phức hợp ở Chicago của ông.

Trump đã nhận được các khoản vay bổ sung từ một công ty có tên Ladder Capital, một công ty tài chính chuyên đưa nợ thương mại vào chứng khoán được thế chấp bởi các khoản vay bất động sản. Các công ty như Ladder thường là chọn lựa cuối cùng của người dân và các công ty, vì lý do này hay lý do khác, gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vay từ các ngân hàng truyền thống (Ái chà, Trump ôi!). Các công ty như vậy sẵn sàng nhận đặt cược rủi ro vì họ chứng khoán hóa các khoản nợ và chuyển trách nhiệm về cho các nhà đầu tư. Trump có hai khoản vay với Ladder sẽ tới hạn trong vài năm tới: Khoản vay 100 triệu đô la chỉ trả lãi suất [chứ chưa trả vốn] trên Trump Tower và khoản vay khoảng 13 triệu đô la trên tài sản thế chấp là Trump Plaza. Khoản vay Trump Tower đến hạn vào tháng 9/2022.

Các khoản vay lớn, chỉ trả lãi suất, [chưa trả vốn] không phải là bất thường đối với các nhà phát triển bất động sản lớn; không giống những người mua nhà bình thường, họ không tìm cách trả hết các khoản vay có thế chấp tài sản của họ. Thông thường các nhà xây dựng này sẽ thực hiện các khoản vay chỉ có lãi suất mới khi các khoản vay cũ đến hạn, và trong một số trường hợp còn tận dụng sự tăng giá trị của tài sản để rút thêm tiền mặt. Ví dụ, Trump từ lâu đã có một khoản thế chấp trên Trump Tower, không bao giờ trả hết và theo định kỳ tăng mức vay khi ông tái tài trợ.

Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, đối với Trump như một cột thu lôi gây tranh cãi, nền kinh tế chùn bước và công ty của ông làm ăn không khá, có thể không dễ để Trump thuyết phục Deutsche hoặc Ladder tái tài trợ.

Khổ sở vì tình trạng tài chính bất ổn của chính mình – hàng loạt vụ bê bối liên quan đến vụ lừa đảo lãi suất, rửa tiền và các hành động bất minh khác  mà Deutsche đã trải qua vài năm – mối quan hệ của nó với Trump đã kết hợp những tai ương của nó, biến nó thành một thỏi nam châm cho trát đòi hầu tòa từ các ủy ban quốc hội, cũng như một bồi thẩm đoàn ở thành phố New York, đang tìm kiếm hồ sơ tài chính của Trump.

Ngay cả trước khi Trump đắc cử, các giám đốc điều hành của Deutsche đã lên tiếng về mối quan hệ này, từ chối yêu cầu của Trump cho khoản vay trị giá hơn 10 triệu đô la vào đầu năm 2016, New York Times đưa tin. Họ lo lắng, bên cạnh những lý do khác, liệu sẽ ra sao nếu Trump vỡ nợ và ngân hàng phải theo đuổi tài sản của tổng thống Mỹ. Các công khai tài chính gần đây nhất của ông không còn liệt kê các tài khoản tiết kiệm chứng khoán tại ngân hàng tư nhân Deutsche, cho thấy ông không còn là khách hàng.

Nancy Wallace, giáo sư tài chính bất động sản tại Trường Kinh doanh Haas của Đại học UC Berkeley, cho biết, sự xem xét kỹ lưỡng mà Deutsche Bank phải đối mặt có thể khiến các ngân hàng khác sợ hãi. “Tôi nghĩ rằng bất kỳ ngân hàng nào tôi có thể nghĩ đến ở Hoa Kỳ sẽ có cùng một phản ứng: Ông ta độc hại. Phơi bày bản thân trước sự giám sát đó trong thực tế pháp lý hiện hành, đối với những người cho vay đủ lớn để cung cấp vốn cho ông ta, đơn giản là việc bất khả thi”.

Mike Offit, cựu quan chức điều hành của Deutsche Bank, là một trong những nhân viên ngân hàng làm việc với Trump trong thập niên 1990, dự đoán rằng, nếu ông Trump còn tại nhiệm, Deutsche sẽ cho ông ta gia hạn ngắn hạn cho đến khi ông hết nhiệm kỳ. Nhưng nó sẽ không thích thú gì việc đó.

Ông Offit nói: “Họ sẽ phải làm một chuyện dễ dàng, đó là gia hạn nó. Họ sẽ gặp nhiều rắc rối hơn nếu họ cố gắng tịch thu tài sản của tổng thống. Chúc may mắn với điều đó. Vì cách đó, họ sẽ tự đặt mình lên mặt báo mỗi ngày. (Deutsche Bank từ chối bình luận về việc sẽ gia hạn hoặc tái cấp vốn cho các khoản vay của Trump).

Các chuyên gia cho vay thương mại cho biết, một công ty như Ladder Capital, vốn dựa vào một tính toán tài chính lạnh lùng hơn, có thể sẽ dễ dàng hơn trong việc cho Trump vay lại. Nhưng với việc kinh doanh của ông ta có tác động mạnh đến doanh thu trong nhiều năm tới do đại dịch, Trump có thể không thích các điều khoản, có thể ít thuận lợi hơn so với các khoản vay ban đầu của ông. (Ladder đã không trả lời các câu hỏi từ Mother Jones. Cả Tổ chức Trump, công ty cố vấn pháp lý bên ngoài, lẫn tòa Bạch Ốc cũng vậy).

Kevin Riordan, một giám đốc điều hành tài chính bất động sản lâu năm và giám đốc của Trung tâm Bất động sản Đại học Rutgers, nói rằng, Ladder đã làm giàu trong các giao dịch trước đây với Trump – nhưng ông lưu ý rằng, nền kinh tế đã thay đổi. Ladder và các đối thủ cạnh tranh trong ngành chứng khoán thế chấp thương mại (CMBS) chỉ có thể cho vay nếu có một thị trường trái phiếu bất động sản, một thị trường đang có thể khánh kiệt trong một cuộc khủng hoảng tài chính. “Đây là một trận bóng hoàn toàn khác ngày nay”, ông nói. Ông nói thêm rằng, trong những năm gần đây, nhóm chứng khoán CMBS đã ngừng tài trợ cho các sân golf vì họ coi đó là doanh nghiệp thời vụ, chúng không được coi là an toàn để đặt cược.

Ông Wall Wallace nói: “Thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 2012 và tôi nghĩ Tổ chức Trump không phù hợp với thế giới mới này. Nhưng không có nghĩa là sẽ không có một công ty cổ phần tư nhân nào ngoài kia sẽ bị cám dỗ nếu ông ta sẵn sàng trả lãi suất rất cao”.

Các công ty tư nhân chuyên làm lợi từ các tình huống xấu – mua các tài sản và khoản nợ mà hầu hết các công ty ở Wall Street đã không dám đụng tới. Không phải là họ không biết về những rủi ro; nhưng các điều khoản của thỏa thuận mà họ có được thường được thiết kế để bảo đảm họ có thể lấy lại tiền, bằng cách này hay cách khác. Và họ sẽ không ngần ngại truy đuổi khi một người vay nợ quá hạn – thậm chí là một tổng thống.

Có rất nhiều người cho vay cơ hội ngoài kia. Tất cả trong số họ sẽ làm những thứ này”, ông Offit nói, lưu ý rằng các quỹ đầu tư (hedge fund) cũng có thể làm ăn với Trump. “Họ sẽ cho cả Ted Bundy [tên một kẻ sát nhân dây chuyền thời 1970] mượn. Họ chẳng quan tâm”.

Trong bất kỳ kịch bản nào, các khoản vay sắp đáo hạn của Trump là một mối nguy hiểm về đạo đức chưa từng có, đầy rẫy những xung đột lợi ích tiềm ẩn và khả năng tham nhũng. “Đây là điều vô cùng khó xử. Tôi chắc chắn về mặt nào đó, điều tốt nhất có thể xảy ra là ông ta không thắng cử”, bà Virginia Canter, cố vấn đạo đức của nhóm giám sát Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức ở Washington và một cựu luật sư đạo đức tại Bộ Ngân khố và Ủy ban Giao dịch Chứng khoán, nói.






No comments: