Monday, June 29, 2020

GIẤC MƠ MỸ (Dương Ngọc Thái)




29/06/2020

Trump mới ký lệnh ngừng cấp H1B, loại visa đã giúp tôi đến Mỹ.

Tháng 10 năm 2010, tôi nghỉ việc ở một ngân hàng tại TP HCM rồi không tìm được việc khác. Tôi không còn nhớ ý tưởng đến từ đâu, nhưng sau khi thất nghiệp hơn một tháng, ra nước ngoài làm việc trở thành chuyện phải thử cho biết. Tôi bắt đầu phỏng vấn ở một ngân hàng của Anh. Cuộc phỏng vấn theo tôi diễn ra khá suôn sẻ, nhưng sau đó không thấy họ nói năng gì về ký hợp đồng và làm giấy tờ. Tôi email nhắc vài lần, họ đều nói “đang xử lý hồ sơ”. Đến lúc họ chủ động liên hệ lại thì tôi đã đến Mỹ.

Người Mỹ làm rất nhanh. Tôi email một đồng nghiệp ở Mỹ khi thấy anh đăng trên Twitter cần tuyển người, không ngờ năm phút sau anh đã hỏi “khi nào phỏng vấn được?”. Nhưng phỏng vấn xong, tôi nghĩ “chắc rớt rồi”. Vì gặp phải chuyên gia thứ thiệt nên tôi lộ ra nguyên hình là một chuyên gia miệt vườn.

Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao họ chọn tôi. Lúc nhận được thư mời nhận việc, thấy mức lương tôi run quá, đồng ý ngay tức khắc vì sợ họ đổi ý. Sau này tôi mới biết mức lương đó cao hơn mặt bằng chung của nước Mỹ, nhưng ở nơi tôi sống thì cũng chỉ trung bình thôi, trừ thuế má, nhà cửa, sinh hoạt thì chỉ dư dả chút đỉnh. Tính ra lương khởi điểm như vậy là khá công bằng.

Bước tiếp theo là làm giấy tờ. Tôi cần một visa cho phép tôi làm việc. Sếp nói công ty không có kinh nghiệm trong việc này, vì tôi là nhân viên nước ngoài đầu tiên của họ, nhưng an tâm, họ sẽ thuê luật sư. Luật sư nói trường hợp của tôi cần làm visa H1B và liệt kê một loạt giấy tờ tôi cần phải chuẩn bị, trong đó có ba chữ đã ám ảnh tôi cả thanh xuân: bằng đại học.

Đòi gì cũng được, nhưng đòi bằng đại học thì tôi thua. Tôi đắn đo mãi không biết nên trả lời thế nào, vì sợ nếu nói không có bằng công ty sẽ thôi không tuyển nữa. Thú thật trong đầu tôi cũng đã có lúc nghĩ đến những ý tưởng đen tối. Cuối cùng tôi quyết định nói thật. May quá, luật sư nói hồ sơ của tôi vẫn làm được H1B vì có thể chứng minh năng lực tương đương đại học.

Lúc đến trường lấy bảng điểm để chứng minh là có học đại học, nhân viên phòng đào tạo nhìn bảng điểm, nhìn tôi, xong nhìn lại bảng điểm lần nữa, rồi hỏi với ánh mắt dò xét: điểm vầy lấy về làm gì? Từ bảng điểm “lấy về làm gì” và một số thứ khác, công ty thuê giáo sư viết một bảng đánh giá dài mấy chục trang về cá nhân tôi. Tôi vẫn còn giữ bảng đánh giá này, khi nào cảm thấy chán nản lại mở ra xem để thấy trên giấy tờ mình cũng giỏi chứ bộ.

Công ty nộp H1B cho tôi vào cuối tháng 12. Đúng quy trình thì phải đợi đến tháng 10 năm sau mới có kết quả. Mỗi năm nước Mỹ chỉ cấp 65 nghìn visa H1B trong khi số người nộp hồ sơ lên đến vài trăm nghìn. Thế là phải quay xổ số. Muốn đến Mỹ ngoài đẹp trai, con nhà giàu, hát hay và học ngu như tôi thì còn phải trúng số nữa. Vậy mà vài ngày sau, sếp email lại nói hồ sơ của tôi đã được chấp thuận. Hóa ra tôi cực may. Năm 2010 nước Mỹ đang ở giữa một cuộc đại khủng hoảng, các công ty chẳng thuê mướn gì nữa, nên đến cuối năm “quota” H1B vẫn còn.

Tôi không phải là người Việt Nam đầu tiên đến Mỹ làm việc bằng visa H1B, nhưng có lẽ là một trong những trường hợp hiếm hoi không có bằng cấp. Người Mỹ đã xoay sở để đưa tôi đến xứ sở cờ hoa và đất nước này cũng đã rộng vòng tay chào đón. Tôi tính làm chừng một năm cho biết rồi về, nhưng rốt cuộc “thương vụ” này đã kéo dài gần 10 năm và cho đến nay tôi tin rằng cả hai bên đều có lợi.

Cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn và nước Mỹ có thêm một người đóng thuế. Tôi có cơ hội phát huy tối đa khả năng và mỗi phút đồng hồ nước Mỹ bỏ ra để xét duyệt hồ sơ của tôi đã sinh lợi hàng trăm hàng ngàn lần. Nước Mỹ mà tôi biết là một nước Mỹ biết chọn những khoản đầu tư khôn ngoan như vậy.

                                                      ***
Trump là hiện thân của một nước Mỹ rất khác. Nước Mỹ của Trump tìm mọi cách ngăn cản người nhập cư, viện vào đủ thứ lý do. Lý do mới nhất là người nhập cư sẽ giành việc của người Mỹ, nhưng kỳ thực rất nhiều công việc sẽ không tồn tại nếu không có người nhập cư. Đồng sáng lập Google Sergey Brin là dân tị nạn đến từ Liên Xô cũ. Elon Musk đến từ Nam Phi. Bố của Steve Jobs và Jeff Bezos đều là dân tị nạn. Thử tưởng tượng, nước Mỹ và thế giới sẽ như thế nào nếu không có Google, Amazon, Apple hay Tesla?

Không chỉ công nghệ, thống kê của viện nghiên cứu New American Economy cho thấy phân nửa tập đoàn trong danh sách Forbes 500 được tạo ra bởi dân nhập cư thế hệ đầu tiên hoặc thế hệ thứ hai. Trump luôn tuyên bố sẽ đem lại những thương vụ có lợi cho nước Mỹ. Nhưng thật khó để thấy nước Mỹ có lợi gì, nếu không muốn nói là sẽ suy yếu, khi cấm những người nhập cư đã viết nên lịch sử và thành công của đất nước này.

Tôi có giành việc của người Mỹ nào không? Không có công ty nào muốn bỏ bao nhiêu thời gian và tiền bạc để thỉnh một ông thần ve chai từ Việt Nam sang, nếu đã tìm được người ở Mỹ. Tôi đã ở cả hai phía của bàn phỏng vấn và tôi hiểu rằng yếu tố quan trọng nhất vẫn là năng lực của ứng viên.

Giả sử bây giờ tôi nghỉ việc, công ty có tìm được người Mỹ nào đủ năng lực thay thế không? Đương nhiên là có, nhưng tôi tin chắc người Mỹ nào làm được việc của tôi đều đang có một công việc rất tốt rồi, chẳng cần phải đợi Trump giúp tìm việc khác. Tôi chưa mở công ty riêng, nên không thể nói rằng tôi trực tiếp tạo ra việc làm, nhưng tôi cũng đã tự tay gầy dựng nên nhóm của tôi ở Google và riêng trong năm vừa rồi đã tạo ra việc làm cho 5 người mới, chưa kể tuyển dụng nội bộ và thực tập sinh.

Tôi đến Mỹ vì muốn được đi cùng thế giới, nhưng ở lại đây vì sự tự do. Người Mỹ tôn sùng tự do ngôn luận và tự do cá nhân. Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ ghi rõ những quyền này của người ở Mỹ, bao gồm công dân và kể cả những người chưa phải là công dân. Những quyền tự do này không phải tuyệt đối, song rất ít hạn chế. Trẻ em ở đây từ nhỏ đã biết nói: “Đây là một đất nước tự do”. Nhưng làm sao có được tự do nếu không chấp nhận sự khác biệt? Làm sao có khác biệt nếu xua đuổi và ngăn cấm những ai không giống mình?

Chính sách của Trump không ảnh hưởng đến tôi, nhưng ảnh hưởng đến nhiều người Việt. Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp người Việt của tôi đã và đang giữ visa H1B hoặc đang chờ nộp vào năm sau. H1B là ước mơ của nhiều du học sinh Việt muốn ở lại Mỹ. Tôi biết nhiều gia đình đầu tư cho con sang Mỹ học, cốt chỉ mong tìm được việc làm có tài trợ H1B. Phương án này an toàn và ít tốn kém hơn so với những con đường khác, vì từ H1B chuyển sang thẻ xanh thủ tục rất đơn giản, đối với người Việt chỉ cần chờ 1-2 năm.

Mỗi năm trước đây có hàng chục sinh viên từ các đại học ở Việt Nam sang thực tập trong các công ty ở Thung lũng Silicon. Vừa làm vừa học trong ba tháng rồi về nước, họ lãnh được số tiền còn cao hơn lương cả năm của chuyên gia trong nước. Nhờ mối quan hệ xây dựng được trong quá trình thực tập, nhiều bạn sinh viên ngay khi ra trường đã có sẵn việc làm rất tốt ở nước ngoài. Giờ đây Trump cũng đã cấm luôn visa thực tập sinh.

Ở một góc độ khác, chính sách đóng cửa của Trump tạo ra cơ hội cho Việt Nam trở thành điểm đến cho giới lao động từ xa. Hơn ba tháng nay tôi làm việc ở nhà và có lẽ sẽ còn ở nhà cho đến khi nào có vaccine chống Covid-19. Trước mắt, không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã nghĩ đến chuyện nếu không đến văn phòng nữa thì sao không làm việc từ Hawaii, Bali hay Nha Trang, Đà Nẵng.

Về lâu dài, Covid-19 cùng với chính sách cấm đoán của Trump sẽ khiến các công ty cho phép nhân viên làm việc từ bất kỳ đâu. Việt Nam sẽ lợi đủ đường nếu thu hút được nhân viên của các tập đoàn đa quốc gia vì vừa thu được thuế thu nhập vừa có nguồn chất xám đã được đào tạo bài bản. Muốn như vậy, Việt Nam phải nhanh chóng ký các hiệp định song phương về thuế thu nhập cá nhân với Mỹ và các nước.

Chính phủ Việt Nam nói rằng nhờ chống dịch tốt, cuộc sống ở Việt Nam đang là mơ ước của nhiều người. Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua, yếu tố quyết định một người ở đâu vẫn là công ăn việc làm. Giới công nghệ mơ về Thung lũng Silicon cũng vì ở đây có công việc tốt. Càng nhiều người giỏi đến sống, lại càng có nhiều việc tốt được tạo ra. Đây là cái vòng lũy tiến tạo nên thành công của nước Mỹ. Trung Quốc không có cách gì vượt qua Mỹ nếu người Trung Quốc vẫn muốn trở thành người Mỹ, nhưng vì muốn dằn mặt các công ty công nghệ và mua chuộc cử tri bài ngoại, Trump đã phá vỡ lợi thế này của nước Mỹ.

“Giấc mơ Mỹ”, hay “giấc mơ Việt Nam” thịnh vượng, thực ra không hoàn toàn tách biệt. Có người nói chính sách bài nhập cư của Trump là tốt, Việt Nam sẽ đỡ chảy máu chất xám. Tôi nghĩ tài năng nào cũng cần môi trường mới có thể phát triển. Nước Mỹ với những trường đại học, những công ty hàng đầu thế giới, lại có sẵn hai triệu Việt kiều, là một nơi rất tốt để nuôi dưỡng tài năng Việt. Họ có quay lại Việt Nam hay không thật ra không quá quan trọng, miễn sao họ vẫn quan tâm đến Việt Nam. Một đất nước có nhiều công dân tài năng và giàu có, dẫu họ ở đâu đi chăng nữa, đất nước đó không thể nghèo nàn, lạc hậu.

(Một phiên bản bài này đã đăng ở VnExpress)






No comments: