28/06/2020
Tồn tại chứ không phát
triển không chỉ là đặc điểm của xã hội Việt Nam hiện đại mà cũng là đặc điểm của
xã hội Việt Nam thời trung cổ.
Khi tìm những nguyên nhân
của hiện tượng đó chúng ta thấy trước hết do tình trạng lạc hậu lại cũng do chiến
tranh đóng vai trò quá lớn chi phối đời sống cộng đồng hàng thế kỷ mà bộ phận
trí thức ưu tú cần thiết, đáp ứng được nhu cầu vận động của xã hội không hình
thành.
Cả những rắc rối chồng chất
do lịch sử ba phần tư thế kỷ vừa qua nay để lại lẫn những khó khăn kỳ cục do
hoàn cảnh thế giới phức tạp hôm nay mang tới đều chỉ có hướng giải quyết thông
qua con đường tự nhiên tức là con đường đưa trí thức vào vai trò những người đạo
diễn xã hội. Chuyện quá dài…
Nhưng dù thế nào việc tìm
hiểu bộ mặt của trí thức Việt Nam trong lịch sử vẫn rất bổ ích.
KẺ SĨ THỜI TRUNG ĐẠI -- SẢN PHẨM
CỦA MỘT NỀN GIÁO DỤC ĐƠN SƠ
Nhiều năm qua chúng ta
hay nói một cách hồn nhiên rằng dân ta ham học và trong quá khứ ta có một nền
giáo dục chẳng kém gì những nước khác. Bản thân tôi ban đầu cũng tin như thế,
sau thực tế ngày càng thấy phải nói ngược lại.
Trong một cuốn sách lịch
sử giáo dục (1) tôi thấy người ta chỉ ra rằng thật ra giáo dục là chuyện xài
sang. Chỉ những đất nước giàu có mới có tiền của để chi cho giáo dục theo đúng
nghĩa của nó.
Khi nền kinh tế ở trình độ
tiểu nông manh mún, thậm chí trình độ hái lượm, con người có mỗi việc kiếm ăn
đã không làm nổi, ta chỉ có thứ giáo dục ở dạng đơn sơ, kém cỏi.
Ta hay khoe, người dân
quê nào ở nông thôn VN cũng sẵn sàng bớt ăn bớt mặc cho con đến học ở các thầy
đồ lấy “năm ba chữ thánh hiền”.
Nhưng hãy nhìn kỹ vào những
lớp học đó. Trường sở sơ sài. Sách vở tài liệu không có, đến bữa cơm chắc bụng
cho người dạy cũng không có nốt (nhiều truyện tiếu lâm toàn ghi lại chuyện thầy
đồ ăn vụng) -- thử hỏi sau mấy năm theo học các ông thầy ấy, phần lớn các cậu học
trò nhà quê học được gì ? Biết dăm ba chữ để đủ đọc tên mình trong khế ước văn
tự thế thôi chứ làm sao hơn được?!
Sự ham học có tính cá
nhân nông nổi đó chưa bao giờ kết hợp với nỗ lực của cộng đồng để xây dựng nổi
cơ chế giáo dục hợp lý và một nội dung giáo dục lâu dài, có triển vọng .
Đọc lịch sử, đời Lê, sau
khi đánh xong giặc Minh, nhà vua lo cầu hiền tài để chọn quan lại ở cấp cơ sở.
Chọn như thế nào? Chẳng qua chỉ một số người tinh nhanh đủ chữ ghi chép và … biết
làm tính (2).
Theo như cách nói của một
tác giả trên tạp chí Văn hóa nghệ thuật (3) thì một nét đặc thù của trí thức VN
trong lịch sử là tính cách lưỡng phân. Ông Nguyễn An Ninh, tác giả bài này giải
thích:
-- Họ vừa là kẻ sĩ vừa là
nông dân.
-- Khi không thể sống bằng
chữ tức bằng nghề của mình, nhu cầu trí tuệ của họ bị giảm thiểu. Những xung lực
cho hoạt động trí tuệ ở họ thường xuyên bị kìm hãm. Gặp hoàn cảnh khó khăn, họ
dễ bị hư hỏng.
Tính cách lưỡng phân ấy
là cả một ám ảnh, như ám ảnh về quê hương nghèo đói. Ta hiểu tại sao một số trí
thức tỉnh táo khi đã thành đạt, vẫn không thể quên nguồn gốc của mình, cái nơi
mà từ đó mình đi tới. Đây là lời dặn của Nguyễn Khuyến cho con cái:
Các con nối nghiệp cha nên biết
Nghiên bút đừng quên đậu lúa cà
Nghiên bút đừng quên đậu lúa cà
Thế sao những người nông
dân một nửa này vẫn miệt mài đèn sách để có ngày lều chõng khoa cử thì sao?
Việc nhồi vào óc một ít kiến
thức cổ lỗ sở dĩ thu hút được toàn bộ tinh hoa nghị lực của nhiều người vì đó
là con đường ngắn nhất để được gia nhập vào hàng ngũ quan chức.
Tự hào về nền giáo dục
xưa, ta hay đưa dẫn chứng là trong lịch sử, các triều đại đã mở nhiều khoa thi
và đã lấy được nhiều tiến sĩ, các bia tiến sĩ đó còn được đặt trong Văn miếu.
Nhưng thử hỏi trước tác của
các vị tiến sĩ đó là gì hay chỉ là những bài văn mòn sáo sau khi dâng vua thì
chính người viết ra nó cũng quên nó luôn.
Có thể chứng minh sự kém
cỏi của nền giáo dục cổ ở một khía cạnh khác.
Nhân xem xét danh sách
các tác gia văn học VN bằng con mắt thống kê, người ta đã phát hiện ra một nghịch
lý vui vui(6): Đó là nhiều nhà văn nhà thơ VN thời trước nổi tiếng mà không có
tác phẩm (đây là nói những tác phẩm dày dặn, có chất lượng đáng kể, được truyền
tụng về sau và trở thành một đối tượng mô tả bắt buộc của các bộ từ điển).
Từ điển văn học Việt Nam
do Lại Nguyên Ân biên soạn với sư cộng tác của Bùi Văn Trọng Cường có 276 mục
dành cho tác giả trong khi chỉ có 132 mục dành cho tác phẩm. Từ thế kỷ thứ X đến
hết thế kỷ XIX, tính đổ đồng, mỗi thế kỷ chỉ có 7 tác phẩm; riêng thế kỷ XIX
khá hơn, có tới 68 tác phẩm được ghi vào từ điển, nhưng số tác giả cũng lớn
hơn, tới 78 người.
Cái hiện tượng cây không
trái này (đúng hơn, có thể là toàn những trái chua trái héo, không cần cho ai,
đời sau không ai buồn nhớ) càng thấy rõ khi nhìn vào hàng ngũ các ông trạng—chúng
tôi muốn nói tới trạng chính thống chứ không phải trạng theo nghĩa dân gian.
Theo Vũ Ngọc Khánh trong
cuốn Kho tàng về các ông trạng VN (5) thì không kể triều Nguyễn không lấy trạng
nguyên, các triều đại Lý Trần Lê có tới 47 người được phong trạng.
Nhưng phần lớn họ không
có tên trong danh sách các tác gia nổi tiếng ở nước ta.
Ngược lại, xét chung các
nhà sáng tác thơ văn, từ Nguyễn Du tới Nguyễn Đình Chiểu, từ Nguyễn Gia Thiều,
Phạm Thái cho tới Tú Xương, nhiều người không thuộc loại đỗ đạt cao.
Riêng về biên khảo, một học
giả thực thụ như Phan Huy Chú, tác giả của bộ sách đồ sộ, mang tính cách tổng kết
lớn, một thứ bách khoa toàn thư là Lịch triều hiến chương loại chí, chỉ đỗ đến
tú tài.
Câu chuyện người đỗ không
giỏi và người giỏi không đỗ không chỉ tố cáo sự kém cỏi của hệ thống giáo dục
mà còn cho thấy một phần thực chất con người của nhiều ông trạng. Họ chính là
điển hình của loại học trò thuộc bài, chỉ biết tầm chương trích cú rồi làm theo
những khuôn mẫu sẵn có, nói chung là những cá tính tầm thường, không có quan hệ
gì tới tư duy độc lập và sự sáng tạo.
Còn như muốn hiểu tại sao
họ thi đỗ thì chúng ta có thể tìm đọc ngay những giai thoại về họ.
Ví như trường hợp Nguyễn
Giản Thanh mà trong dân gian thường gọi là Trạng Me. Vũ Ngọc Khánh, trong sách
đã dẫn, chép rằng lẽ ra ông này chỉ đỗ loại nhì (bảng nhãn), chẳng qua hôm vào
yết kiến vua có cả mẹ nuôi vua ở đấy, bà này thấy Nguyễn Giản Thanh mặt mũi
khôi ngô liền ngẫu nhiên hỏi: “Người này chắc là trạng nguyên ?“ do đó nhà vua,
vì muốn chiều lòng mẹ nuôi, lấy Nguyễn Giản Thanh làm Trạng.
Đằng sau câu chuyện vui
vui, có một sự thật, ấy là xưa kia, việc phong trạng dù được đề cao trên trời
dưới biển ghê gớm như vậy, vẫn mang nhiều tính cách ngẫu nhiên tuỳ tiện; các
vua chúa rất hay can thiệp vào công việc định giá, phong tặng; các danh hiệu
đôi khi chỉ là sản phẩm của những cơn nóng lạnh bất thường của họ.
Là những cường hào phất
lên nắm được quyền lực, họ chỉ dùng đám kẻ sĩ nửa mùa chung quanh như một thứ
thư lại để sai vặt, và ban phát các chức danh để làm sang cho vương quốc mà họ
là chủ.
Họ chỉ cần người trung
thành chứ không cần người giỏi. Kẻ bề tôi càng tầm thường hèn hạ thì càng dễ
sai bảo.
Chính cái loại trạng xin
trạng nhặt được như thế này lại sẽ là người thích khoe khoang trước bàn dân
thiên hạ về danh vị của mình.
Thói háo danh chỉ là một
biểu hiện nhỏ của sự tha hoá con người -- một sự tha hoá không mạnh mẽ nhưng lại
đều đều gặm nhấm cả bản lĩnh lẫn nhân cách.
BÀN THÊM VỀ “GIỚI THÔNG THÁI
CHÂN ĐẤT”
Bước vào giai đoạn hội nhập,
gần đây, những cuộc bàn cãi xuất hiện đều đều trên mặt báo ở ta cho thấy vấn đề
về giới trí thức đang là mối quan tâm chung của xã hội. Điều này có lý do chính
đáng của nó.Sự trì trệ kéo dài hàng ngàn năm mà đến nay ta vẫn lĩnh đủ có một
nguyên nhân sâu xa: cộng đồng không hình thành nổi bộ phận tinh hoa (elite) của
mình. Một chủ nghĩa bình quân tối đa đã níu kéo tất cả lại.
Có điều, không hẳn khi
“ngửi” thấy tầm quan trọng của vấn đề là người ta đã nhận thức được nó đầy đủ.
Bằng chứng là nói tới trí
thức, người ta thường nêu ra những yêu cầu lý tưởng đâu đâu với tầng lớp này,
như đòi hỏi tính độc lập cao, khả năng phản biện để đóng góp mạnh mẽ cho xã hội,
rồi từ đó đưa ra nhiều lời chê bai trong đó lời chê nặng nhất là “tư cách phò
chính thống” của trí thức VN nói chung.
Tôi muốn thử đặt vấn đề
theo một cách khác: liệu trong thực tế lịch sử chúng ta đã có một tầng lớp trí
thức đúng nghĩa chưa? Nếu tạm thời chấp nhận là có một tầng lớp như vậy, thì
quá trình hình thành của họ có đặc điểm gì? Tại sao họ dễ bị làm hỏng đến vậy?
Trước 1945, những Nguyễn
Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, các tác giả
có bài thường xuyên trên Đông dương tạp chí Nam phong Tri Tân Thanh Nghị… đã có
ý kiến về vấn đề này mà chưa ai có dịp tổng kết.
Thời của chúng ta thì thế
nào? Trên đây tôi vừa thử nhắc lại bài "Tính chất lưỡng phân, một nét đặc
thù của trí thức Việt nam trong lịch sử" trong đó tác giả hé ra cho thấy
vai trò của hoàn cảnh hình thành đã ảnh hưởng ngay tới trình độ và chất lượng
thấp của trí thức VN ra sao.
Dưới đây xin tiếp tục nêu
thêm lớp người có cách sống lặng lẽ ngoài luồng này.
Tuy không nói ra, nhưng
có vẻ như với nhiều người, kẻ sĩ Việt Nam chỉ là một loại trí thức chân đất. Một
số nhà nghiên cứu gần đây đôi khi còn đi tới những khái quát cực đoan hơn.
Trong một bài viết mang
tên "Tâm lý dân tộc với cuộc Cải cách hành chính hiện nay"(6) nhà xã
hội học lão thành Đỗ Thái Đồng cho rằng xã hội cổ truyền VN thiếu ba chỗ dựa cơ
bản:
-- Không có giai cấp quý
tộc trong khi có đông đảo đám quan lại nhất thời.
-- Không có tầng lớp trí
thức để có được các trào lưu học thuật tư tưởng riêng. Rất hiếm thấy cái cốt
cách như Lý Bạch“Thiên tử hô lai bất thượng thuyền”. Học để làm quan, tuyệt đại
đa số kẻ sĩ đều mộng làm quan hơn là giữ vai trò thầy đồ… áo rách.
-- Không có lớp doanh
nhân tung hoành về thương mại hay công nghệ trong nước cũng như ngoài nước.
Trong ba đặc điểm tôi cho
là được nêu ra chính xác này, cái thứ hai liên quan đến chủ đề trí thức chúng
ta đang nói.
Đáng nhắc nhở đầu tiên là
trường hợp Nguyễn Trãi. Theo cách nói thông thường ông là trí thức hàng đầu của
dân tộc. Nhưng bảo rằng ông là trí thức cũng đúng mà bảo rằng đây là người đứng
trên đỉnh cao của bộ máy quyền lực cũng đúng.
Gia nhập chính trường, vốn
liếng và bản lĩnh trí thức sẵn có trong ông hoạt động theo quy luật của nhà
chính trị.
Cái chết của Nguyễn Trãi
là bi kịch của một quan chức chứ không phải của một trí thức.
Trên nguyên tắc, ở ông đã
có một sự chuyển đổi, dù không trọn vẹn.
Thuần tuý hơn về trí thức
phải kể loại như Chu Văn An, Nguyễn Du... và rõ hơn là Nguyễn Thiếp. La Sơn phu
tử có lúc ra cộng tác với chính quyền có lúc quay về ở ẩn. Và ông ở lại trong lịch
sử không phải là những đóng góp phò vua giúp nước cụ thể, mà còn là những đề
nghị phải cho dịch Tứ thư Ngũ kinh thế này, phải dạy cho trẻ học thế kia...
Trong suốt trường kỳ lịch
sử, bao nhiêu kẻ sĩ ở Việt Nam đều được đào tạo theo hướng như Nguyễn Trãi, kể
sao hết. Còn loại như Nguyễn Thiếp quá ít, không tạo nên hiệu quả ngay lập tức
nên bị chìm trong vô danh và không thể đóng vai trò dắt dẫn xã hội như giới trí
thức các xứ khác.
Không đạt đến chuẩn mực cần
thiết. Còi cọc ốm yếu. Cấu trúc đã đơn giản lại dễ bị phá vỡ … Những bệnh trạng
loại này phải được coi là đặc điểm lớn nhất của giới có học, những kẻ sĩ trong
xã hội cũ và ngày nay kêu bằng trí thức. Ngay so với tình hình bên Trung Hoa,
“kiểu dáng mẫu mã” trí thức của ta cũng nghèo nàn hơn rất nhiều.
Nói Việt Nam thuở ấy
không có trí thức cũng tương tự như nói Việt Nam trong thời trung đại không có
thành thị, mà chỉ có những phố chợ còm nhom hiu hắt, lắt lay tồn tại giữa một
bãi lầy nông thôn tăm tối.
________________
Chú thích
(1) Roger Gal Lịch sử
giáo dục, bản dịch Lê Thanh Hoàng Dân-- Trần Hữu Đức. NXB Trẻ-- Sài gòn, 1971
(2) Dẫn theo Đại Việt sử
ký toàn thư bản của nhà Khoa học xã hội 1983,tập II tr 296
(3) Nguyễn An Ninh Tính
chất lưỡng phân, một nét đặc thù của trí thức Việt nam trong lịch sử Tạp chí
Văn hóa Nghệ thuật, 1998, số 1
Chú ý xin đừng lầm với
Nguyễn An Ninh (1900-1943), nhà hoạt động xã hội ở đầu thế kỷ XX Có điều thú vị
là nhà trí thức lớn Nguyễn An Ninh trước đây cũng từng nhận xét xứ ta là nơi mà
“ chỉ với một chút xíu khoa học” người ta đã có thể tự coi mình là nhà thông
thái, tương tự như “với hai xu trong túi, người ta đã trở thành những nhà
giàu.” Khi lưu ý tình trạng nhiều người “cảm thấy thỏa mãn vừa lòng khi chui
rúc trong một túp lều”, hình như ông muốn nói rằng tình trạng thiếu khát vọng
và ý chí đã kìm giữ mãi chúng ta trong khung cảnh lạc hậu.
(4) Con số của Nguyễn Văn
Tuấn trong bài viết in trên tạp chí Văn hoá nghệ thuật, 2003 số 3 .
(5) Nxb Văn hóa thông
tin, H. 2002
(6) Trung tâm nghiên cứu
tâm lý dân tộc -- Tâm lý Người Việt nam nhìn từ nhiều góc độ, Nhà xuất bản
Thành phố Hồ Chí Minh,2000, tr.5
No comments:
Post a Comment