Thứ Ba, 06/16/2020 -
14:37 — nguyenlanthang
Cách đây vài tháng có một
lần tôi được mời đến một bữa tiệc. Chủ nhân của bữa tiệc là một đại cao thủ
trong làng phượt, với những chiến tích huy hoàng trong quá trình xê dịch khắp
các nẻo đường heo hút từ hàng chục năm qua. Là một người ham rong ruổi, khám
phá các vùng đất mới từ xưa, khỏi phải nói là niềm vinh dự và hân hoan của tôi
lớn đến nhường nào khi được trân trọng mời đến bữa tiệc rất riêng tư này.
Thế nhưng rồi có một chuyện
rất trái ngang mà khi ngồi xuống mâm rượu tôi mới ngã ngửa người phát hiện ra.
Đó là việc ngoài rượu ngon và bia lạnh thì món nhậu toàn thịt chó. Lẽ dĩ nhiên
là tôi không thể ngồi đó cả buổi uống rượu với mấy cọng lá mơ hay củ xả, củ riềng
được. Tôi cũng không thể sỗ sàng đòi hỏi gia chủ nấu cho mình riêng món khác,
vì tất cả cỗ bàn thịnh soạn đã bầy hết lên mâm trước mặt rồi. Thế là bằng tất cả
sự nhẫn nhịn cùng lòng tôn trọng anh ấy, tôi đã ngồi chén hết các món thịt chó,
một món ăn mà rất lâu rồi tôi không còn ăn nữa.
Với nhiều bạn trẻ tuổi
đôi mươi bây giờ thì việc ăn thịt chó là một chuyện hết sức kinh dị. Thậm chí
tôi biết có nhiều bạn còn coi chuyện này tội lỗi chả kém gì ăn thịt người.
Nhưng chỉ vài chục năm trở về trước thì việc ăn thịt chó là chuyện hết sức bình
thường trong xã hội Việt Nam.
Tôi nhắc đến câu chuyện
này không có ý đồ gì để tranh cãi đúng sai trong việc ăn thịt chó. Tất cả chỉ
là để minh hoạ về một hiện tượng mà không mấy người để ý. Ấy là việc có nhiều
giá trị tưởng như bất biến trong xã hội đang thay đổi, với một tốc độ ngày càng
nhanh.
Không chỉ là việc ăn thịt
chó, có những giá trị, những quan niệm ngày nay đã thay đổi nhanh chóng. Sự
thay đổi trong tâm trí đó dẫn đến sự thay đổi trong hành vi, trong cách mà ta sống
trên cuộc đời này. Thiếu đi sự nhận thức về tốc độ thay đổi, chúng ta có thể bị
sốc, bị trầm cảm, bị gạt ra khỏi dòng chảy của xã hội. Đó chính là điều tôi muốn
bàn tới, muốn đào sâu, để nhận thức và sẵn sàng đương đầu với tương lai.
Muốn bàn tới tương lai,
phải nhìn lại lịch sử. Lịch sử loài người bắt đầu từ khoảng cách đây hơn 6 triệu
năm, khi một loài linh trưởng bắt đầu có những đột biến sinh học trong cấu trúc
não. Trải qua hàng triệu năm, con người thời tối cổ biến đổi rất chậm chạp. Họ
tập đứng thẳng, vỏ não từ từ phát triển, học cách dùng lửa, tập làm công cụ săn
bắn hái lượm, tập nuôi trồng tập trung.
Cách đây khoảng 32 ngàn
năm những bức vẽ trên vách hang động mới lần đầu tiên xuất hiện. Đó là dấu mốc
quan trọng của sự phát triển, với những bằng chứng đầu tiên về khả năng tinh thần
của con người. Trong 32 ngàn năm đó, nếu cho trung bình tuổi thọ con người khoảng
60 năm thì lịch sử nhân loại cả thảy có khoảng hơn 500 cuộc đời, với khoảng 350
cuộc đời vẫn là sống trong hang động. Khi chữ viết ra đời cách đây 3.200 năm
TCN thì có khoảng 80 cuộc đời gần đây thông tin về thế hệ trước mới được truyền
đến thế hệ sau.
Sự biến đổi chậm chạp của
loài người tiếp tục kéo dài qua thời kỳ trung cổ thì bắt đầu nhanh hơn một
chút. Có khoảng 11 cuộc đời bắt đầu được thụ hưởng cuộc sống văn minh hơn, với
sự phát triển của tôn giáo, nghệ thuật và khoa học trong thời kỳ phục
hưng.
Con người làm ra một dạng
máy hơi nước đầu tiên từ khoảng thế kỷ đầu tiên sau công nguyên. Nhưng phải đến
khi James Watt (1736 – 1819) là nhà phát minh và là một kỹ sư người
Scotland đã có những cải tiến cho máy hơi nước thì nhờ đó mới làm nên nền tảng
cho cuộc Cách mạng công nghiệp.
Có khoảng 4 cuộc đời bắt
đầu tận hưởng sức mạnh của cơ giới hoá.
Có khoảng 3 cuộc đời chứng
kiến tốc độ của dây chuyền sản xuất công nghiệp.
Có khoảng 2 cuộc đời bắt
đầu biết đến bóng đèn điện, động cơ điện, radio, vô tuyến truyền hình, du hành
không gian...
Và bây giờ, trong thời điểm
này, thế hệ chúng ta đang sống đây được chứng kiến những thay đổi mau lẹ của xã
hội loài người hàng ngày. Những thành quả của công nghệ điện toán, trí tuệ nhân
tạo, công nghệ sinh học, điện thoại di động, mạng xã hội... đã kết hợp với
nhau, bổ sung cho nhau, tạo ra cú đột phá rất lớn, không chỉ làm thay đổi vẻ mặt
bên ngoài của hành tinh, mà còn làm nhận thức, quan điểm, tình cảm của mỗi người
có thể biến đổi chỉ sau vài năm ngắn ngủi. Thế hệ hiện tại không chỉ khác biệt
với thế hệ tiền bối, mà còn rất khác biệt với chính họ sau một vài năm, ngay
trong một đời người.
Trong bối cảnh đó, có những
người bắt nhịp rất tốt. Nhưng có nhiều người bối rối, không thể chịu được sự thay
đổi chóng mặt của cuộc sống. Họ, hoặc là mặc cảm, thu mình lại, hoặc là điên cuồng
chiến đấu để cố giữ lại những giá trị đã cũ. Những giá trị này không phải chỉ
là món ăn, cách mặc, cách chơi... mà còn là những quan niệm về chế độ xã hội, về
nhà nước, về lãnh tụ, về cách mạng. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự xung đột
về mặt tư tưởng, dẫn đến sự đấu tranh gay gắt trong việc lựa chọn mô hình nhà
nước, mô hình xã hội như thế nào... trên phạm vi toàn thế giới.
Tại sao ngay ở Âu Mỹ mới
đây có rất nhiều các bức tượng nhân vật lịch sử, có liên quan đến việc chiếm hữu
nô lệ bị bôi sơn, bị đập bỏ, bị ném xuống sông trong thời kỳ chống kỳ thị chủng
tộc đang dâng cao này? Và còn rất nhiều giá trị xã hội khác đang thay đổi nhanh
chóng.
Việt Nam liệu có bài học
nào trong những sự kiện này không? Đã có lúc cả xã hội ăn thịt chó, rồi nhiều
người chuyển sang phản đối thịt chó. Ắt hẳn, sẽ có lúc cả xã hội từng tôn thờ
tượng đài nào đó, rồi lại muốn đập bỏ hết nó đi. Quá trình nhận thức này sẽ diễn
ra rất nhanh, ngay trong một đời người, dù chưa ai biết đích xác nó sẽ nổ ra cụ
thể vào lúc nào. Quá trình này còn bị đẩy nhanh hơn nữa bởi vì những vụ án oan
như Hồ Duy Hải ở Long An, như vụ giết ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm, như vụ ông
Lương Hữu Phước nhảy lầu sau khi toà tuyên án ở Bình Phước...
Cách đây 10 năm Trần Huỳnh
Duy Thức đi tù chỉ vì viết blog bàn về mô hình nhà nước. Bây giờ cả xã hội công
khai phê phán về việc kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà ông Nguyễn
Phú Trọng tuyên bố. Sẽ có lúc, họ không chỉ phê phán nữa, mà sẽ làm gì đó để khỏi
phải nghe những điều nhảm nhí ấy nhồi vào tai hàng ngày.
Ngày ấy gần lắm rồi, các
đồng chí ạ. Chấp nhận thay đổi để tồn tại trong hoà bình, hay là kiên định lập
trường để rồi bị lịch sử nghiền nát trong bạo lực tàn khốc? Sắp hết giờ được lựa
chọn rồi, các đồng chí lãnh đạo ơi!
Rất muốn yêu, và thương
các đồng chí!
No comments:
Post a Comment