Wednesday, June 17, 2020

HOA KỲ BẢO TRỢ CHO HAI TÙ NHÂN TÔN GIÁO VIỆT NAM (VOA Tiếng Việt)




17/06/2020

Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) vừa công bố bản báo cáo đặc biệt về tù nhân lương tâm tôn giáo ở Việt Nam, trong đó nêu hai trường hợp tiêu biểu là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Bắc Truyển và Mục sư Tin Lành Tây Nguyên A Đảo. Đây là hai tù nhân tôn giáo của Việt Nam trong danh sách 14 tù nhân lương tâm tôn giáo trên thế giới vừa được các Uỷ viên của USCIRF bảo trợ.

Báo cáo ngày 9/6/2020 của USCIRF cho biết trong số hơn 250 tù nhân lương tâm tại Việt Nam, ước tính có một phần ba bị bỏ tù vì có liên quan đến hoạt động cho tự do tôn giáo hay niềm tin tôn giáo, gồm cả Công Giáo, Tin Lành và Hòa Hảo.

Trong danh sách của USCIRF hiện có tất cả 28 nạn nhân tôn giáo Việt Nam đang bị giam cầm, trong đó phần lớn theo Phật giáo Ân Đàn Đại Đạo và Hòa Hảo.

“Các tù nhân tôn giáo không được trại giam cho tiếp cận kinh sách hoặc được chăm sóc y tế đầy đủ,” báo cáo viết.

“Một số nhà lãnh đạo tôn giáo đã bị bắt chỉ vì họ ủng hộ cho tự do tôn giáo nói chung hay cho một số cộng đồng tôn giáo cụ thể,” báo cáo nhận định.


Báo cáo đơn cử trường hợp Mục sư Tin lành A Đảo thuộc Giáo hội Tin Lành Montagnard không được Nhà nước Việt Nam công nhận và nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển, một tín đồ Hòa Hảo, đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm.

Vào tháng 8/2016, mục sư A Đảo tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo - Tín ngưỡng Đông Nam Á tại Đông Timor. Khi trở về, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ông và tuyên án 5 năm tù vào ngày 28/4/2017 với cáo buộc “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài,” theo điều 275 của Bộ Luật Hình sự.

29/5/2020 USCIRF ra tuyên bố bảo trợ cho Mục sư A Đảo trong khuôn khổ Dự án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo của USCIRF.

Từ làng Gia Xiêng – xã Rờ Kơi – huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, bà Y Puôi, mẹ của ông A Đảo, nói với VOA qua lời của người phiên dịch.

“Trong mấy năm qua tôi chỉ đi thăm A Đảo có ba lần thôi vì không có phương tiện và đường đến nhà giam xa. Khi đến đó nói chuyện cũng ít, vì quá cảm động, khóc là nhiều.

“Trong khi A Đảo ở trong trại giam thì công an đã lợi dụng vợ ông, xúi giục vợ ông bán hết đất đai và đem hai đứa con trở về quê ở ngoài Bắc, nói rằng cô ở với A Đảo không có tương lai.”

VIDEO :

USCIRF dẫn lời bà Nguyễn Thị Tươi, vợ của Mục sư A Đảo, cho biết chồng bà liên tục bị ngược đãi, đánh đập gây thương tích, sức khỏe kém ở trại gia Gia Trung tỉnh Gia Lai. Được biết vào cuối năm 2019, ông bị “tra trấn,” và vào tháng 8/2018, “giám thị đã cho tù nhân khác đánh đập ông.”

Báo Công an Kon Tum dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết vào đầu tháng 3/2016, ông A Đảo “liên lạc, móc nối” với ông A Ga ở Thái Lan để “bàn bạc, thống nhất thời gian, địa điểm, tiền bạc để tổ chức cho một số trường hợp người dân tộc thiểu số trốn sang Thái Lan.

USCIRF cho biết thêm rằng nhà chức trách cũng đã thẩm vấn các thành viên trong hội thánh của ông A Đảo và yêu cầu họ ngừng mọi liên lạc với “những đối tượng phản động ở nước ngoài.”

Ủy viên USCIRF James W. Carr hôm 29/5 ra tuyên bố bảo trợ cho Mục sư A Đảo, nói rằng không một ai phải bị bắt giữ chỉ vì họ lãnh đạo một hội thánh không được công nhận hoặc tham dự một hội nghị quốc tế. USCIRF kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho Mục sư A Đảo sớm như một hành động thể hiện sự khoan dung.

VIDEO :

Trước đó, vào tháng 11/2019, USCIRF ra thông báo quyết định bảo trợ cho ông Nguyễn Bắc Truyển, một tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo hiện đang thụ án tù 11 năm tại Việt Nam và đưa ông vào dự án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo.

“Những người như ông Nguyễn Bắc Truyển lẽ ra phải được vinh danh vì các nỗ lực không mệt mỏi để cải thiện đời sống cho những người đồng bào của ông, nhưng thay vào đó, ông ấy đã bị tuyên án quá mức nặng nề và bất công. Ông ấy phải được trả tự do ngay nếu Việt Nam thực thi đúng đắn nghĩa vụ theo luật quốc tế,” bà Anurima Bhargava, Uỷ viên của USCIRF, người bảo trợ cho ông Truyển phát biểu trong một tuyên bố.

Ông Nguyễn Bắc Truyển là Chủ tịch Hội Ái hữu Cựu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, bị chính quyền Việt Nam bắt giam từ tháng 7/2017 và bị tuyên án 11 năm tù vào tháng 4/2018 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Hiện ông đang bị giam giữ tại trại gian An Điềm, tỉnh Quảng Nam.

“Những gì mà nhà nước Việt Nam cáo buộc anh Truyển là hoàn toàn vô căn cứBà Bùi Thị Kim Phượng, vợ của ông Truyển, từ thành phố Hồ Chí Minh, nói với VOA.

USCIRF ra thông cáo bảo trợ cho nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển. Photo USCIRF

Bà Kim Phượng chia sẻ thêm:
“Anh Truyển là người bảo vệ nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Anh giúp đỡ cho đồng bào tôn giáo yếu thế, nhỏ lẻ, ít ai để ý tới.

“Vào năm 2014, sau khi vợ chồng tôi bị trục xuất từ Đồng Tháp lên Sài Gòn, chúng tôi có làm thiện nguyện cho Văn phòng Công lý và Hòa bình để giúp các linh mục làm chương trình Thương phế binh Việt Nam Cộng hòa, bên cạnh việc hỗ trợ cho Phật giáo Hòa Hảo, mà anh Truyển là một tín đồ.”

Trong một tuyên cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển vào tháng 4/2020, bà Bhargava phát biểu: “Ông ấy nên được ở bên gia đình, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát đang làm tăng nguy cơ sức khỏe cộng đồng cho các tù nhân và các vấn đề sức khỏe của ông ấy ngày càng trầm trọng thêm kể từ khi bị giam cầm.”

VIDEO :
Vì sao ông Nguyễn Bắc Truyển bị bắt?

Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Harley Rouda và Zoe Lofgren cũng bảo trợ cho ông Nguyễn Bắc Truyển thông qua Dự án Bảo vệ Tự do của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS, một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ vận động cho tự do tôn giáo Việt Nam, nêu định với VOA về ý nghĩa của việc USCIRF bảo trợ hai tù nhân tôn giáo Việt Nam trong tổng số 14 tù nhân được bảo trợ trên toàn thế giới.
“Đây là lần đầu tiên có hai người Việt là nạn nhân của đàn áp tôn giáo Việt Nam cùng một lúc được USCIRF bảo trợ. Tôi biết rằng con số thật sự trên toàn cầu được bảo trợ không nhiều mà Việt Nam có đến hai người.

“Đây là hai người đến từ hai tôn giáo nhỏ so với các tôn giáo khác ở Việt Nam: Phật giáo Hòa Hảo và Tin lành Tây Nguyên. Điều này cho thấy rằng USCIRF đã bắt đầu chú ý sâu hơn đến tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.”


Các nhà hoạt động tôn giáo Việt Nam từng được USCIRF bảo trợ trước đây là cố Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất; và Mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính và vợ là bà Trần Thị Hồng, hiện gia đình đang định cư tại Hoa Kỳ.

Khi nhận bảo trợ cho một tù nhân lương tâm tôn giáo, Ủy viên của USCIRF sẽ nỗ lực bằng mọi cách để yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho người được bảo trợ, cũng như theo dõi tình trạng an nguy của người ấy khi còn đang ở trong tù.

Trong phúc trình thường niên năm 2020, USCIRF kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế.


Chính quyền Việt Nam luôn nói rằng không có tù nhân lương tâm ở nước này và không có nạn nhân bị đàn áp vì thực hành tôn giáo hay niềm tin, mà chỉ có những người bị bắt giam vì “vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Đình Thắng cho biết thêm rằng con số tù nhân lương tâm tôn giáo Việt Nam mà USCIRF nêu chưa dừng lại ở con số 28 vì sắp tới đây BPSOS sẽ hỗ trợ gia đình nạn nhân lập danh sách cho thêm khoảng 100 tù nhân tôn giáo khác để bổ sung vào danh sách hiện tại của USCIRF.






No comments: