Thursday, September 16, 2010

BẢNG ĐIỂM QUAN HỆ HOA KỲ - VIỆT NAM (Carl Thayer)

Bảng đim quan h Hoa Kỳ - Vit Nam

Carl Thayer

Nguồn: East-West Center, viet-studies

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

14.09.2010

http://www.x-cafevn.org/node/972

Trong dịp lễ kỷ niệm mười lăm năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đã tuyên bố tại Hà Nội rằng Hoa Kỳ xem Việt Nam "không những thật sự là một quốc gia quan trọng mà còn là một bộ phận của chiến lược nhằm tăng cường cam kết của người Mỹ trong vùng châu Á Thái Bình Dương và đặc biệt tại khu vực Đông nam Á." Theo lời của Bộ trưởng Clinton, mọi nguyên tắc đều đã có để Hoa Kỳ nâng quan hệ của mình với Việt Nam "lên tầng cao mới của tiếp xúc, hợp tác, hữu nghị và đối tác."

Mười lăm năm trước, quan hệ song phương của hai bên bị trì trợ vì những vấn đề nảy sinh từ cuộc chiến Việt Nam: toàn bộ thông tin về Tù binh chiến tranh/Binh sĩ Mất tích (POW/MIA) của Hoa Kỳ, người Việt tị nạn, và đòi hỏi của Việt Nam về việc Hoa Kỳ phải bù đắp "vết thương chiến tranh" và chấm dứt việc hậu thuẫn những người chống cộng lưu vong đang tìm cách lật đổ chính quyền Hà Nội. Những vấn đề tồn đọng này vẫn còn được theo đuổi đến hôm nay nhưng không còn là trọng tâm của mối quan hệ song phương. Hoa Kỳ công nhận Việt Nam đã làm hết khả năng của mình trong việc cung cấp đầy đủ thông tin về những người mất tích. Tuy nhiên, vấn đề POW/MIA vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ với Việt Nam. Để bù đắp cho sự hỗ trợ của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề người Mỹ Mất tích, Hoa Kỳ đã biến việc hợp tác y tế là nền tảng trong chương trình trợ giúp Việt Nam và đã chuyển giao ba phần tư số tiền tài trợ của mình để phòng chống HIV/AIDS và dịch cúm đại trà.

Việt Nam đã đòi hỏi bồi thường để giải quyết những vấn đề tồn đọng và trong những năm gần đây đã yêu cầu Hoa Kỳ trợ giúp trong việc giải quyết những điểm nóng về chất Da Cam. Quốc hội đã thông qua ngân sách trợ giúp việc tẩy trừ chất dioxin và cung cấp những phương tiện y tế tại Đà Nẵng, nơi từng có kho chứa chất Da Cam. Bộ trưởng Clinton đã hứa tại Hà Nội rằng "sẽ tăng cường hợp tác và cùng thúc đẩy tiến trình được nhanh hơn" trong việc giải quyết hệ quả của chất Da Cam.

Kinh tế đã đóng vai trò trọng tâm trong năm 2000 với việc ký kết Hiệp định Thương mại Song phương, tiếp theo là Hiệp định Thương mại và Đầu tư vào năm 2007. Thương mại hai chiều đã tăng vọt từ 450 triệu Mỹ kim trong năm 1995 lên đến 12.9 tỉ Mỹ kim trong năm 2009. Các quan chức chính quyền Obama đã hậu thuẫn nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm cách tham gia toàn phần vào Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương để mở rộng thương mại tự do. Các công ty Mỹ đã đầu tư 9.8 tỉ Mỹ kim vào Việt Nam, biến Hoa Kỳ trở thành quốc gia hàng thứ sáu trong danh sách đầu tư ở Việt Nam. Các quan hệ kinh tế còn bao gồm Hiệp định Vận tải Hàng không Song phương (2003, được tu chỉnh lại vào năm 2008) và Hiệp định Hàng hải Song phương (2007). Đã có hơn hai trăm bản thoả thuận ghi nhớ đã được ký kết giữa các trường đại học của hai quốc gia.

Quan hệ chính trị đã tiến triển đều đặn kể từ năm 2000 khi Bill Clinton trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên thăm viếng Hà Nội. Trong năm 2006 và 2007, tổng thống Hoa Kỳ và chủ tịch nước Việt Nam đã có những chuyến thăm viếng qua lại. Một bước ngoặt quan trọng đã xảy ra vào tháng Sáu 2008 khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm viếng Washington. Trong một bản thông cáo chung, Hoa Kỳ đã tuyên bố tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và phản đối việc sử dụng vũ lực để lật đổ chính quyền Hà Nội, từ đó chấm dứt những quan ngại của Việt Nam đã đề cập ở trên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quay lại Washington vào tháng Tư 2010 để tham dự Hội nghị An ninh Hạt nhân của Tổng thống Barack Obama. Trong tháng Tư, cả hai quốc gia đã ký kết một bản thoả thuận ghi nhớ về hợp tác điện hạt nhân bao gồm việc sử dụng những nguồn nhiên liệu hạt nhân đáng tin cậy. Thoả thuận này được cho là sẽ mở cửa cho Bechtel và General Electric bán các lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam.

Quan hệ quân sự phát triển chậm chạp sau 1995 vì Việt Nam vẫn lo ngại quan hệ quốc phòng có thể vượt qua quan hệ kinh tế. Vào năm 2000, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến hành những cuộc thăm viếng giữa các bộ trưởng quốc phòng, trên cơ sở có qua có lại trong mỗi ba năm. Vào năm 2008, hai quốc gia đã khai mạc cuộc Đối thoại về Chính sách, Quốc phòng và An ninh đầu tiên để tham khảo về an ninh khu vực và các vấn đề chiến lược, và vào tháng Tám họ đã tham gia cuộc Đối thoại Quốc phòng đầu tiên. Hội nghị này đã chú trọng vào những vấn đề song phương như thông tin về người mất tích, những bom mìn nổ chậm trong thời chiến, chất Da Cam, và những lĩnh vực hợp tác trong tương lai.

Quan hệ quân sự đã tăng cường đáng kể vào năm 2009, dường như là để phản ứng với sự cương quyết của Trung Quốc trong vùng Biển Nam Hải. Các quan chức quân sự của Việt Nam đã đến thăm một tàu sân bay đang hoạt động tại vùng Biển Nam Hải. Việt Nam đã đồng ý sửa chữa các tàu Sealift Command của Quân đội Hoa Kỳ. Trong dịp kỷ niệm mười lăm năm bình thường hoá quan hệ hai nước, phó đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã thăm viếng tàu George W. H. Bush tại Norfolk, Virginia, trong khi ở nửa vòng trái đất bên kia, các quan chức quân đội và chính quyền địa phương đã bay ra thăm chiếc tàu George Washington ngoài bờ biển miền trung Việt Nam. Cũng cùng thời gian, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến hành những hoạt động hợp tác hải quân đầu tiên.

Trong khi rõ ràng là đã có một động lượng mới trong quan hệ hai bên, vẫn còn những khó khăn và những tiềm năng trở ngại trên con đường phía trước. Mối quan tâm đầu tiên mà Bộ trưởng Clinton gọi là "sự khác biệt nghiêm trọng" về nhân quyền và tự do chính trị. Nhân quyền vẫn là trọng điểm của sự bất hoà trong mối quan hệ song phương. Các viên chức Hoa Kỳ đã tuyên bố rõ ràng rằng việc bán vũ khí cho Việt Nam sẽ không thể xảy ra cho đến khi tình hình nhân quyền tiến triển.

Khó khăn thứ hai nảy sinh từ những thành phần bảo thủ tại Việt Nam, những người vẫn nhìn Hoa Kỳ một cách ngờ vực. Không những họ xem vấn đề tự do tín ngưỡng, nhân quyền và dân chủ là những công cụ làm suy yếu thể chế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, họ còn cho rằng những trao đổi về giáo dục cũng là một phần của "âm mưu diễn biến hoà bình." Những người bảo thủ này phản đối quỹ đạo hiện nay của quan hệ quốc phòng vì có thể dẫn đến tiềm năng động chạm đến mối quan hệ với Trung Quốc.

Khó khăn thứ ba nằm trong sự khác biệt về kỳ vọng đối với việc đổi mới kinh tế. Việt Nam cảm thấy bất lực với việc mà họ cho là động cơ chính trị trong những rào cản thương mại như chống bán phá giá và chống bao cấp thuế đối với các sản phẩm Việt Nam cũng như áp lực của Hoa Kỳ trong việc cổ phần hoá các công ty nhà nước. Hoa Kỳ đã đề nghị trợ giúp về kỹ thuật trong các vấn đề thương mại và đầu tư và muốn khuyến khích chính phủ trong sạch. Nhưng vẫn có nhiều cản trở trong quá trình này. Nạn tham nhũng lan tràn và ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực. Các nhà lập chính sách của chính quyền không được minh bạch, ví dụ như chỉ thị về quản lý giá cả vừa qua. Những khó khăn này cần được giải quyết để quan hệ song phương được tiến triển êm thắm lên một mức độ cao hơn của hợp tác toàn diện. Bốn vấn đề đang cần phải giải quyết: giảm bớt việc giới hạn truy cập Internet, giải pháp cho hiệp ước đầu tư song phương, thông qua việc tăng cường số lượng nhân viên làm việc tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, và tăng cường hợp tác giáo dục bằng cách cho phép các trường đại học Mỹ mở chi nhánh tại Việt Nam.

.

.

.

No comments: