Về ‘tính nhân văn’ của tòa án cộng
sản
Hiếu Chân/Người Việt
January 23, 2024
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ve-tinh-nhan-van-cua-toa-an-cong-san/
Trong một phiên tòa “lưu động” được dàn dựng cẩn thận vào
tuần trước, tòa án tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án 100 người Thượng về các tội “khủng
bố chống chính quyền nhân dân,” “khủng bố,” “tổ chức cho người khác xuất cảnh,
nhập cảnh trái phép” và “che giấu tội phạm.” Có 10 người bị kết án tù chung
thân, năm người bị án 20 năm tù và 85 người còn lại bị phạt tù từ 9 tháng đến
19 năm. Không có ai bị kết án tử hình như đề nghị của Viện Kiểm Sát và trong
100 bị cáo bị xử tù chung thân có một người là công dân Hoa Kỳ.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/01/A1-Toa-an-cong-san-1536x1024.jpg
Tòa án ở Sài Gòn. (Hình minh họa: Aude
Genet/AFP via Getty Images)
Kết thúc phiên tòa hôm Thứ Sáu tuần trước, báo chí của
nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng bài ca ngợi bản án của tòa Đắk Lắk là “nhân
văn, đúng người, đúng tội.” Trang web của đài truyền hình An Ninh thuộc Bộ Công
An tường thuật: “Người dân, đặc biệt là đồng bào Tây Nguyên đồng tình với phán
quyết của tòa” và lên mặt dạy dỗ: “Pháp luật Việt Nam nghiêm trị với những người
gây tội ác, nhưng cũng luôn tạo điều kiện, khoan hồng cho những người biết nhận
ra lỗi lầm, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.”
Sự thực về cái gọi là “nhân văn,” “nghiêm trị”
của pháp luật Việt Nam là thế nào?
Như chúng tôi đã trình bày trên trang báo này khi sự việc
xảy ra, một số người Thượng đã nổ súng vào trụ sở ủy ban các xã Ea Tiêu và Ea
Ktur, huyện Cư Kuin gần thành phố Buôn Ma Thuột rạng sáng Chủ Nhật, 11 Tháng
Sáu, giết chết bốn sĩ quan công an và hai bí thư đảng ủy xã. Nguyên nhân sâu xa
của vụ bạo loạn là nỗi phẫn uất đã tích tụ nhiều năm trong các cộng đồng người
Thượng đối với chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam như tước đoạt quyền sở hữu
đất đai, đàn áp tự do tín ngưỡng và đồng hóa văn hóa lối sống của người sắc tộc
thiểu số ở cao nguyên Trung Phần, hiện gọi là Tây Nguyên.
Ông Trần Quốc Tỏ, thứ trưởng Bộ Công An, tại cuộc họp báo
về sự kiện trên hồi Tháng Chín năm ngoái cũng thừa nhận cội nguồn của vụ việc xảy
ra ở Đắk Lắk “vẫn là những vấn đề kinh tế-xã hội của đồng bào trong vùng; phân
hóa giàu nghèo; quản lý đất đai; xây dựng hệ thống chính trị và cuối cùng là một
số nội dung khác về quản lý an ninh trật tự ở cơ sở,” trang VNExpress dẫn lại.
Ông Tỏ – được biết là em trai ông Trần Đại Quang, cựu bộ trưởng Công An, cựu chủ
tịch nước Việt Nam, đã chết bất ngờ và bí ẩn Tháng Chín, 2018 – né tránh trách
nhiệm của đảng Cộng Sản và nhà nước Việt Nam trong việc tạo ra những mâu thuẫn
như vậy trong đời sống xã hội của đồng bào mà theo những người am hiểu “nhà nước
đã biến Tây Nguyên thành một thùng thuốc súng.”
Thay vì cải thiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu
số, chấm dứt việc di dân từ các tỉnh đồng bằng và miền núi phía Bắc lên Tây
Nguyên chiếm đất, tôn trọng quyền sở hữu đất đai, tín ngưỡng, phẩm giá và quyền
bình đẳng của người sắc tộc thiểu số thì nhà nước cộng sản lại gia tăng đàn áp.
Sau các cuộc biểu tình phản kháng năm 2001-2004 và vụ bạo loạn năm ngoái, hàng
ngàn người Tây Nguyên phải bỏ nhà cửa lánh sang Cambodia và Thái Lan để tránh sự
săn đuổi của nhà cầm quyền. Bây giờ việc đàn áp lại tiếp tục với bản án nặng nề
trút lên đầu 100 người trong một phiên tòa được thực hiện qua loa để hợp thức
hóa một bản án đã định sẵn.
Ấy thế mà truyền thông nhà nước, theo chỉ đạo của Ban
Tuyên Giáo, lại đồng thanh ca ngợi đây là phiên tòa “nhân văn, đúng người, đúng
tội.” Cách tuyên truyền như vậy hợp với miệng lưỡi của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng
bí thư đảng CSVN. Trong vài năm trở lại đây, ông Trọng thường nhấn mạnh với đàn
em trong guồng máy cai trị rằng chống tham nhũng phải “rất kiên trì, nhân văn,
có lý có tình.” Về vụ đại án tham nhũng Việt Á và xử tù các bộ trưởng Nguyễn
Thanh Long (Bộ Y Tế), Chu Ngọc Anh (Bộ Khoa Học và Công Nghệ), ông Trọng nói với
cử tri Hà Nội hôm 22 Tháng Sáu, 2022: “Làm một cách rất bài bản, nghiêm túc. Rất
nhân văn. Tôi nói, nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Chứ không phải ghét
bỏ gì cả.” Có lẽ vì thực hiện chỉ đạo “nhân văn” của ông tổng bí thư mà tòa án
Hà Nội đã đối xử với bị cáo tham nhũng Chu Ngọc Anh rất “nhân văn:” ông ta chỉ
bị kết án ba năm tù về tội nhận hối lộ $200,000 của công ty Việt Á, bất chấp điều
345 Bộ Luật Hình Sự năm 2015 quy định tội nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng ($40,690) trở
lên thì bị phạt với khung hình phạt cao nhất, ở khung 3, từ 20 năm tù giam,
chung thân hoặc tử hình.
Chính ông Trọng cũng là người đề ra chính sách tội phạm
tham nhũng có thể “nộp tiền khắc phục hậu quả để được xét giảm án,” áp dụng từ
vụ án “chuyến bay giải cứu” xét xử hồi Tháng Bảy năm ngoái. Công luận và những
người làm việc trong ngành tư pháp đều cho rằng, thực chất của chính sách này
là tạo điều kiện hợp pháp cho hành vi chạy án, dùng tiền bạc để xoay chuyển cán
cân công lý, núp dưới chiêu bài “nhân văn nhân đạo.”
***
Thật mỉa mai khi đối chiếu chiêu bài “nhân văn” đó với một
phiên tòa khác, diễn ra cùng thời gian. Hôm 15 Tháng Giêng, tòa án tỉnh Trà
Vinh xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Thạch Thị Kim Nhung (22 tuổi, ngụ huyện
Châu Thành, Trà Vinh) 10 năm tù và bị cáo Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn (29 tuổi, ngụ
huyện Phú Giáo, Bình Dương) 13 năm tù cùng về tội “mua bán người dưới 16 tuổi.”
Theo tường thuật của báo chí, vợ chồng bị cáo Tuấn-Nhung
là người nghèo ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh; ông Tuấn làm phụ hồ còn bà
Nhung phụ bán xăng, mỗi ngày hai vợ chồng kiếm được khoảng 270,000 đồng ($11)
nhưng bữa có bữa không. Với số thu nhập ít ỏi đó hai vợ chồng phải nuôi bốn đứa
con và cha mẹ già đau yếu, tám miệng ăn đều trông nhờ vào lao động của hai vợ
chồng.
Vì túng bấn, Tháng Mười Một, 2022, đôi vợ chồng trẻ và ít
học này đã quyết định bán đứa con út, mới 1 tháng tuổi. Cả hai đã từng tìm những
gia đình hiếm muộn để thương lượng về việc giao con gái út rồi xin chút tiền
nuôi ba đứa còn lại nhưng không thành. Rồi sau khi đăng tin “bán con” lên mạng
xã hội, vợ chồng này được một người tên Nguyễn Hữu Dương, 32 tuổi, ở Thạch Hà,
Hà Tĩnh, liên lạc và chiều ngày 4 Tháng Mười Hai, 2022, họ giao con cho ông
Dương để nhận số tiền 18 triệu đồng ($732), và bị công an tỉnh Trà Vinh phối hợp
với công an tỉnh Bến Tre bắt giữ. Vợ chồng họ bị giam từ đó đến nay, còn ông
Dương được đình chỉ điều tra hình sự do “đang bị một căn bệnh dẫn đến mất khả
năng nhận thức và điều khiển hành vi.” Nhiều người cho rằng, ông Dương có thể
là một thứ “chim mồi,” một “biện pháp nghiệp vụ” mà công an dùng để gài bẫy những
người như vợ chồng Tuấn-Nhung.
Vấn đề của vụ án ở Trà Vinh là bản án quá tàn ác, các
quan tòa đã hết sức vô cảm nếu không nói là táng tận lương tâm khi khép tội
“buôn người” vào hoàn cảnh của đôi vợ chồng túng bấn phải bán con. Buôn người
là một tội ác mà cả thế giới đều lên án, cần phải bị nghiêm trị, nhưng khép tội
danh ấy vào hoàn cảnh cụ thể ở Trà Vinh là không hợp lý, không chấp nhận được.
Số phận hiện rất bi đát của bốn đứa con của vợ chồng Tuấn-Nhung,
đứa lớn nhất mới 6 tuổi, đứa nhỏ nhất 2 tuổi, sẽ ra sao khi cả cha và mẹ chúng
đều phải ngồi tù đằng đẵng 13 năm vì một hành vi không đáng bị trừng phạt. Tại
sao các quan tòa và guồng máy cai trị không hiểu rằng cha mẹ nào cũng cố làm điều
tốt nhất cho con cái và trường hợp vợ chồng Tuấn-Nhung cũng vậy, “bán” đứa con
út để có tiền nuôi ba đứa lớn hơn là lựa chọn khả dĩ trong hoàn cảnh túng bấn
và có phần cạn nghĩ của họ?
Thời tiền chiến, nhà văn Ngô Tất Tố viết truyện “Tắt
Đèn,” ghi lại cảnh cùng cực của nhân vật chị Dậu phải bán con, bán chó lấy tiền
nộp sưu thuế. Trường học ở Việt Nam đưa truyện này vào giảng dạy, coi thân phận
chị Dậu và cái tiền đồ tối đen của chị là “bản án đanh thép” đối với chính sách
bần cùng hóa nhân dân của thực dân Pháp, từ đó cổ vũ cho “sự nghiệp cách mạng”
xóa bỏ áp bức bất công của đảng Cộng Sản.
Bây giờ, với vụ án “bán con” ở Trà Vinh, người dân không
thể không đặt câu hỏi: Trách nhiệm của đảng “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” ở
đâu, của nhà cầm quyền “dân chủ gấp vạn lần tư bản” ở đâu mà để cho người dân
phải lâm vào cảnh khốn cùng bán vợ đợ con rồi sau đó lại trút lên đầu họ những
bản án chỉ dành cho những kẻ cướp của giết người. Ấy vậy mà vẫn huênh hoang
không biết xấu hổ là “nhân văn, nhân đạo?”
Xã hội đang băng hoại mọi mặt của Việt Nam hiện nay cần
có một nhà nước pháp quyền thật sự, trong đó quyền dân được tôn trọng và mọi
người đều bình đẳng trước pháp luật, chứ không phải thứ chính sách “nhân văn giả
cầy,” “nhân văn” với đồng chí mà tàn ác với người dân như đảng CSVN rêu rao.
[qd]
No comments:
Post a Comment